Xuôi theo quốc lộ 279, chúng tôi về thăm các xã chịu ảnh hưởng trực tiếp Chương trình Tái định cư Thủy điện bản Chát, Huội Quảng huyện Than Uyên. Một điều dễ nhận thấy khắp các dải ven bờ sông Nậm Mu, nơi có các bản người Thái, Khơ Mú thuộc các xã Mường Kim, Tà Hừa, Pha Mu, Ta Gia, Khoen On đâu đâu cũng một hình ảnh tấp nập trên bến dưới thuyền, cảnh kéo vó bè trĩu nặng trúng mẻ lưới đầy kèm những nụ cười rạng trong nắng sớm.
Gặp chúng tôi đang rôm rả hỏi chuyện tại bến 279, một ông lão vác bao tải thức ăn thủy cầm xuống thuyền, không quên ngoái đầu về phía chúng tôi niềm nở: “Các con có đi thuyền xem cá lồng thì theo ta”. Đó là ông già người Khơ Mú Hoàng Văn Tiến, ở bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, nghe nói trước đây ông có thời gian nuôi cá lăng, cá tầm mãi bên Sa Pa, vốn làm thuê đất người cũng chán chê. Một ngày đẹp trời ông quyết định làm kinh tế từ mảnh đất nơi mình sinh ra. Không chỉ có mô hình nhà nổi nuôi cá lồng bè mà ông có cả trang trại chăn nuôi trên “đảo”. Nói là “đảo” để ví những quả đồi khi xưa nay nước lòng hồ dâng cao chỉ còn trơ lại phần ngọn, bà con tranh thủ tận dụng để canh tác phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Tiếng máy nổ động cơ chân vịt quay tít đạp nước đẩy thuyền rẽ sóng ra khơi, thuyền chạy êm ru trên mặt hồ xanh biếc. Thấy đám trẻ chúng tôi say sưa chụp hình chenk in, ông già Khơ Mú chỉ tay xuống mặt hồ nói: “Đó, xưa kia làng bản ở hết dưới này, giờ thì là cả mặt hồ bao la rồi…”
Cảng cá Thẩm Phé ( xã Mường Kim), mô hình hợp tác xã Hợp Tiến trên sông Nậm Mu.
Được biết, khi nước sông Nậm Mu dâng, con đường 279 đoạn nối từ bản Trại Trâu xã Mường Cang qua Tà Hừa, nay nối đầu đường 279 đến bản Huổi Bắc xã Pha Mu, khoảng gần chục ki lô mét giờ chìm dưới nước, thế nên bà con nơi đây con gọi là bến 279. Bến tập nập có cả nhà nổi, một vài sạp hàng tạp hóa phục vụ khách đường thủy. Đặc biệt là thuyền bè neo đậu chi chít, người lên, kẻ xuống, tiếng cười nói vang cả mặt sông. Ngoài phương tiện chở bà con đi nương, đánh bắt thủy sản, nhiều hộ dùng thuyền chỉ chở củi về phố huyện nhập cho các nhà hàng chuyên cất rượu truyền thống làm đồ sấy. Cũng lạ tôi quan sát tứ phía là nước và những quả đồi nhu nhú cây non đang đâm chồi, thử hỏi lấy đâu ra củi đuốc. Thấy tôi thắc mắc, ông già Khơ Mú cười: “Nhiều, còn nhiều gỗ, nhiều củi lắm, cứ nhìn hai bờ sông thì rõ”. Chuyện là khi “cuộc cách mạng” di dân tái định cư trên diện rộng, bà con ta vốn có tập tục chọn ngày giờ, làm lý xong mới di chuyển. Nhưng ngặt nỗi, ngày thủy điện hoàn thành, ngày xả nước làm sao chọn được. Bởi đó là ngày đã được ấn định chung rồi, nên khi về nơi ở mới cố gắng mấy cũng chỉ mang được khung nhà, con trâu, con bò và đặc biệt là cốt sao cho mồ mả tổ tiên được yên ổn trên đất mới. Còn biết bao cây cối, vườn tược sao mang hết được. Thế nên khi thủy điện xả nước, lòng hồ rút sõ lộ cây cối khi xưa còn sót lại, nay bà con chỉ việc chất lên thuyền tập kết về bến.
Cảng Thẩm Phé là một hệ thống nhà nổi có bề thế quy mô, với 22 lồng cá gồm các giống: Rô phi, chép, lăng, diêu hồng. Tháng 7 năm 2017, nhờ sự hỗ trợ của huyện, phòng Nông nghiệp trong dự án phát triển lòng hồ, bác Tiến và 3 thành viên nữa quyết định thành lập Hợp tác xã Hợp Tiến. Ban đầu mô hình của bác được hỗ trợ 10 lồng cá với số tiền là 10 triệu/lồng. Sau 3 tháng cảng cá phát triển tốt, đến nay HTX Hợp Tiến đã nhân lên 22 lồng. Không chỉ có cá lồng, các hộ đầu tư cả nhà nổi và mô hình chăn nuôi trên đồi gần 400 triệu đồng: “Cũng nhiều đoàn ghé thăm cảng cá. Có đoàn còn nghỉ qua đêm ở đây, buổi tối họ câu cá, rồi tự chế biến vui lắm”, bác Tiến chia sẻ. Rồi bác đưa chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi ngay sát nhà nổi. Đó là hệ thống chuồng trại khá quy củ với 3 dãy nhà chăn nuôi trâu bò, lợn và gia cầm. Được biết, vào thời điểm trước tết, đàn gà thả đồi lên tới vai trăm con, chưa kể thủy cầm, riêng lợn thương phẩm cũng vài chục đầu, trâu bò gần hai mươi con…
Anh bạn nhiếp ảnh Văn Thắng, vốn có thú mê câu, vừa mới tanh tánh các góc ảnh đó mà giờ ngồi lặng như đang thiền. Anh bạn reo lên trong niềm chiến thắng, chiếc cần câu cong vút, một chú chép sông chừng hai kí rưỡi đành đành rẫy, bụng lấp lánh trong nắng mai. Thế mới thấy những “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng cho con người thật hào phóng và bao la.
Rời cảng cá Thẩm Phé Mường Kim, chúng tôi về Ta Gia, đây là địa phương có tới 6 điểm tái định cư, nhiều bản nằm ven vùng hồ thủy điện Huội Quảng phần lớn là đồng bào Thái, H’Mông và Khơ Mú. Chủ tịch xã Vàng A Mang mời chúng tôi về trụ sở ủy ban uống nước. Từ vị trí này mà phóng tầm mắt là cả một không gian mênh mông sông nước. Với tác phong nhanh nhẹn của người cán bộ trưởng thành từ phong trào Đoàn, anh đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá lồng ở bản Khem của gia đình chị Lường Thị Thảo, dân tộc Thái. Năm 2016, chị Thảo được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để làm lồng nuôi cá. Vốn là người ham học hỏi, sau khi được đi tham quan học tập mô hình nuôi cá lồng ở tỉnh bạn, về nhà chị lên mạng tìm hiểu, chị thường xuyên trao đổi với cán bộ trạm khuyến nông huyện, nên mô hình cá lồng của gia đình chị phát triển rất tốt. Từ 6 lồng cá ban đầu, đến nay mô hình của chị lên tới 12 lồng cá. Học tập mô hình cá lồng của gia đình Thảo, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn tự bỏ tiền ra đầu tư làm lồng nuôi cá như hộ anh Dung, anh Chùm. Nhìn cảnh chị chủ nhà lồng, tay vung thức ăn gọi cá vế mới thấy được niềm vui của người lao động khi biết nắm bắt và làm chủ mô hình chăn nuôi hiện đại, khoa học.
Có thể thấy Than Uyên với lợi thế là nguồn nước dồi dào là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Một hệ thống sông hồ có dung tích trữ nước lớn như Huội Quảng (185 triệu m3 khối nước), Bản Chát (2,1 tỷ m3 khối nước) và nhiều vị trí lòng hồ có diện tích mặt nước rộng, sâu là điều kiện thuận lợi, lý tưởng cho để phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng này sẽ là bài toán về thu nhập cho người dân. Đặc biệt là người dân tái định cư không còn đất sản xuất. Bởi từ xưa đồng bào Thái, Khơ Mú định cư gần ven sông, ven suối suối, nên cá tôm là nguồn thực phẩm chính chính.
Đến nay, nhiều hộ đầu tư mô hình nuôi cá nhưng chủ yếu là nuôi thả tự do trong ao, phần lớn bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng nên cá sinh trưởng phát triển chậm. Từ thực trạng trên, năm 2016 Than Uyên đã tiến hành dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ. Bước đầu triển khai mô hình ở các bản trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng như: bản Khem, bản Nam, bản Hì (xã Ta Gia); bản On, bản Sàng, bản Mở, (xã Khoen On). Dự án được nhà nước hỗ trợ 100% về khuyến nông, thuốc thú y thủy sản, chi phí vật tư làm lồng là 10 triệu/lồng. Bên cạnh đó, phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức cho hội viên hợp tác xã và các hộ cá thể đi tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại Sơn La.
Theo đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế ban đầu với 30 lồng cá thí điểm có sự kiểm soát quy trình kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện trong năm 2016 . Tổng chi phí cho 30 lồng với số tiền là 765.750.000đ, trong đó nhà nước hỗ trợ làm lồng, thuốc phòng trị bện là 330.000.000đ, người dân đối ứng 435.750.000.000 đ. Một phép tính nhanh với quy mô 45.600 con cá giống, tỷ lệ sống đạt 70%, nghĩa là hơn 32000 con cá thương phẩm mang về nguồn thu, chưa kể nuôi xen canh 3000 con ếch. Theo giá giá thị trường cá trắm, chép có giá trung bình 90.000/kg, cá rô chim trắng 50.000đ/kg, ếch 80.000/kg. Tổng cộng thu về 1.264.000.000đ trừ chi phí hơn 760 triệu, bà con bỏ túi gần 500 triệu, một con số thật hấp dẫn với lực lượng lao động bà con vùng ven lòng hồ. Qua bài toán nuôi trồng thủy sản, tôi lại nhớ lời khẳng định của đồng chí phó chủ tịch ủy ban huyện Than Uyên Vương Thế Mẫn trong một hội nghị gần đây: Than Uyên Với lợi thế tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng, công với nguồn lực lao động dồi dào, là cơ hội phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con”.
Thuyền chúng tôi lướt trên lòng hồ Huội Quảng, cả một vùng nước mênh mông trong xanh nghiêng bóng núi. Sông Nậm Mu mùa này xanh trong không chút gợn. Mặt hồ như một tấm gương khổng lồ in những dãy núi đá vôi trầm mặc, sóng nước lăn tăn lăn tăn; hai bên sườn núi là những vạt đồi cao su xanh thẫm, trên cái nền xanh ấy là thấp thoáng những dáng áo chàm, áo cóm.
Nhìn mặt hồ, tôi lại nhớ đến ánh mắt và cái chỉ tay của ông già người Khơ Mú. Lòng hồ xưa kia là cả một cộng đồng, ở đó có nỗi buồn, niềm vui…
Rời nơi ở cũ, nghĩa là hàng ngàn, hàng vạn mảnh nương, vạt đồi, những bờ xôi ruộng mật mà cha ông đã bao đời đổ mồ hôi nước mắt mới có được, và cả những giá trị văn hóa, tâm linh cũng bị mai một đổi thay. Những đóng góp, sự công hiến của bà con Tây Bắc là không gì bù đắp nổi. Nhưng nhìn những ngôi trường mới khang trang, cảnh đàn em tung tăng ríu rít cặp sách đùa trên lưng. Những con đường dải nhựa mới tinh khôi trong nắng. Nhưng mái nhà sàn san sát, tập trung quây quần trên đất mới… . Đã xa rồi cảnh rừng rú tối tăm? Đâu rồi những tấm bè mảng chòng chành đưa các em qua suối trong mùa lũ…? Thay vào đó là ánh điện sáng trưng từng ngõ bản, những cây cầu bằng bê tông vững trãi bắc qua sông, qua suối và giờ đây khắp các dải ven sông Nậm Mu, sông Đà, sông Nậm Na, đêm xuống trên những bè cá của bà con vẫn lấp lánh ánh điện như sao xa. Và tiếng động cơ thuyền ai rẽ nước trong đêm để sáng mai ra có những mẻ cá đầy… Tôi tin nhưng mất mát, hy sinh ấy không hề uổng.
Thì ra câu chuyện Tái định cư không giản đơn là về nơi ở mới, mà đó là cả một câu chuyện dài chưa khi nào kể hết về sự hy sinh nhường đất, dời mường của đồng bào các dân tộc Tây Bắc vì dòng điện ngày mai của tổ quốc.
Sáng ra, nơi đây người ta đã quen tiếng động đạp nước ùm ũm của những chú cá lăng và cái quẫy đuôi tung bọt, khoe bụng trắng phau lấp lánh như dát bạc của đàn cá chép .Trước khung bao la sông nước, trong tôi như ngân lên giai điệu của ca khúc “Xao xuyến bản Mường” của nhạc sĩ trẻ Lê Minh Cừ: “Nhìn dòng điện lung linh tỏa sáng đã ấm lòng bản mường/ Nhìn con đường thênh thang rộng lớn, lòng ta bao sướng vui/ Về bản mới, ngôi trường mới, có đàn em thơ ríu ran đùa vui/ Cây cầu mới, ta nắm tay nhau nhìn về mai sau tương lai bừng sáng…”.