Trang phục nữ dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu

 

Trong thời kỳ hội nhập trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu vẫn được bà con gìn giữ và tự hào mặc trong các dịp lễ, tết. Sắc màu trên trang phục nữ của dân tộc Hà Nhì vừa nổi bật khi kết hợp hài hòa giữa các màu sắc, vừa có nét độc đáo riêng, tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Trang phục của phụ nữ Hà Nhì bao gồm nhiều phụ kiện: áo, mũ, dây lưng, khăn đội đầu, xà cạp, trang sức… Trang phục của phụ nữ được phân biệt khá rõ theo lứa tuổi, trang phục của các thiếu nữ cầu kỳ diêm dúa hơn trang phục của phụ nữ đã xây dựng gia đình. Những người trung tuổi và người già không sử dụng một số đồ trang sức đội trên đầu như vành đai bằng vải “ủ slung”, vòng hạt cườm “pí sí”.

Y phục thường ngày của nữ giới Hà Nhì gồm có: khăn, mũ, vành đai bằng vải, vòng hạt cườm, áo dài, áo ngắn, quần, thắt lưng, xà cạp, túi đeo và khăn tay. Phụ nữ Hà Nhì theo truyền thống đều để tóc dài, muốn đội khăn phải cuộn tóc bằng dây vải rồi mới quấn tóc. Dây cuộn tóc “khà khứ trsừ” là một sợi dây vải khổ nhỏ dài từ 3 – 5m do đồng bào tự dệt bằng sợi bông mình trồng. Khăn đội đầu “ukhu” là loại khăn vuông làm bằng vải bông, nhuộm chàm màu đen. Tiếp đến là vòng dây đeo với những tua rua, dây cườm, những sợi len màu sặc sỡ được đội trùm lên phía trên được làm rất kỳ công. Dây tua len đội đầu được đính trên băng vải có 2 lớp. Một đầu dải vải đính cúc và đầu kia đính dây nhỏ làm khuy cài khi sử dụng.

 

Trang phục phụ nữ dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè. Ảnh: Ngọc Thắng

Mũ đội đầu là loại mũ không chóp, làm bằng vải láng màu đen, trước trán cắt lượn hình bán nguyệt hoặc để thẳng. Xung quanh mũ đính nhiều hạt nhôm màu trắng. Vành đai bằng vải thường làm bằng vải phin hoa, hai bên có móc chỉ đỏ trang trí. Mặt ngoài đính hai hàng hạt cườm chạy vòng quanh. Thiếu nữ Hà Nhì đeo vòng chụp đầu hạt cườm có nhiều tua rua lên trên cùng. Vòng chụp có đính những sợi len màu xanh đỏ, các dây cườm. Hai bên vòng chụp có gắn một chùm tua làm bằng sợi len có gắn các đồng xu nhôm hoặc bạc để làm đẹp, phía sau đuôi gáy có đính các dây cườm dài khoảng 30cm. Cách đội, trang điểm mái tóc của phụ nữ Hà Nhì rất cầu kì, gồm nhiều thao tác, gồm: Cuộn, quấn tóc; đeo vòng mây; đội mũ, quay mảng hở về phía sau quàng quai mũ xuống dưới cằm; đội khăn gấp chéo ngang trán; đội mũ hở chỏm lên trên vòng tóc; chỉnh đầu nhọn thêu hoa văn của khăn, các chùm tua, quả bông về hai bên và phía sau lưng; chụp vòng cườm lên trên, cố định các dây cườm, chùm tua rua bông tua len buông xuống hai bên đầu. Cách thức trang trí như trên đã tạo cho gương mặt các thiếu nữ Hà Nhì Hoa có vẻ đẹp sinh động, rực rỡ và nổi bật. Hiện nay, để không mất nhiều thời gian, các thiếu nữ thường lược giản đi một vài phần đội, có khi không đội mũ hở chóp hoặc không cuộn, quấn tóc lên mà để tóc xõa…

Áo dài “pí mó” làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm đen, tùy theo cơ thể từng người và sở thích mặc dài hay ngắn sẽ có kích thước khác nhau. Áo may kiểu năm thân cài khuy bên nách phải. Cổ áo kiểu cổ tròn; Tay áo được đáp bằng các khoanh vải khác màu. Thân áo trước có hai vạt, vạt áo bên phải nằm ở phía trong, khi mặc chỉ ngắn ngang ngực. Vạt áo bên trái nằm ngoài khi mặc dài quá đầu gối. Trên vạt áo ngoài từ cổ chạy chéo nẹp ngực đến nách bên phải có đáp thêm một mảnh trang trí . Dọc suốt 4 tà áo cả thân trước và thân sau được ghép hai dải vải màu đỏ, màu trắng. Trên những đường ghép vải ở mảng trang trí vạt áo trước ngực và đường ghép tà áo là những đường khâu bằng chỉ màu xanh đỏ.

Thân áo sau do hai khổ vải ghép lại theo chiều dọc, đường nối nằm ở giữa sống lưng. Gấu áo gấp vào phía trong và khâu vắt mũi bằng chỉ màu đỏ. Khuy áo được tết bằng vải, mỗi áo dùng hai chiếc cúc, một chiếc đính dưới chân cổ áo, một đính cạnh nách bên phải.

Quần “slà” khâu bằng vải bông tự dệt nhuộm chàm xanh. Đũng quần được khoét rộng và táp thêm mảnh vải ở giữa để khi đi lại, leo núi được dễ dàng. Thắt lưng làm bằng vải bông tự dệt nhuộm chàm xanh thẫm. Thắt lưng gồm hai lớp vải chàm khâu ghép lại, hai đầu thắt lưng thêu kín hoa văn, thắt lưng của nữ giới có gia đình không thêu hoa văn.

Cũng như các dân tộc khác, trang sức của phụ nữ dân tộc Hà Nhì chủ yếu làm bằng chất liệu bạc. Bộ cúc bạc được bố trí hợp lý, đính dọc thân áo trước ngực làm tôn thêm vẻ đẹp cho màu đỏ của chỉ màu, màu đen của vải. Các hoa văn, đường thêu trên áo thể hiện nhân sinh quan của dân tộc Hà Nhì đối với đời sống tự nhiên, cuộc sống hàng ngày của mình. Cùng với thân áo trước, tay áo cũng được làm rất tỉ mẩn, nhiều màu sắc, tôn lên vẻ đẹp của người mặc với nhiều họa tiết, hoa văn.

Đến các xã, bản của người Hà Nhì sinh sống tại huyện Mường Tè hôm nay, một điểm đáng mừng là mỗi người phụ nữ dù đã đi làm ở các cơ quan công sở hay các em học sinh, sinh viên đi học đều có nhiều bộ trang phục của dân tộc mình. Bộ trang phục truyền thống làm rất mất thời gian và cả kinh phí nhưng luôn được tự hào gìn giữ cho thấy tuy kinh tế đã phát triển nhưng mỗi người dân Hà Nhì vẫn yêu, có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Các dịp lễ, tết hay đi chợ phiên, nhìn các cô gái xúng xính trong trang phục dân tộc mình, càng thấy rằng nội dung “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng” của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày  09/6/2014  của  Ban  Chấp hành Trung ương Đảng (khóa  XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã thực sự đi vào đời sống xã hội của nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngô Lệ (2007), Người Hà Nhì và người Hà Nhì ở Lai Châu, Khoa học xã hội Việt Nam, Số 2, tr. 107-126.
  2. Chu Thuỳ Liên (2004), Tìm hiểu văn hoá dân Hà Nhì ở Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
  3. Chu Thuỳ Liên (2010), Văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

DƯƠNG THANH


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.