Tôi gặp tôi trên núi cao

“Tôi đã trở về trên núi cao” (NXB Hội Nhà văn) của Đỗ Bích Thúy là tập tản văn tập hợp bởi ba mươi mảnh ghép, như một lời tự sự, một sự quay về với tuổi  thơ, một câu trả lời cho khởi thủy những trang viết của người đàn bà đẹp. Tôi vốn không đọc nhiều về Đỗ Bích Thúy, nhưng tôi ấn tượng về những trang viết của chị kể từ khi tôi đọc truyện ngắn “Mẹ ghẻ”. Với tôi, truyện ngắn đó có hơi thở, có hơi thở đều đều của nhân vật Mẩy kề từ ngày bố lấy vợ mới cứ lặng yên ngồi băm rau heo bên căn buồng của bố với mẹ mới, những lặng im nhẫn nhịn những con chữ xoay vòng và cái kết cho những số phận cùng lặng im và đầy những giằng xé đã khiến tôi yêu thích và tìm kiếm vầ tác giả. May mắn vì có rất nhiều bạn bè là người viết nên tôi đã tìm được  tác giả và bấm theo dõi để đọc những chia sẻ của chị. Không quá đều đặn mỗi ngày một status, nhưng vẫn có những hoạt động để khiến tôi thấy chị vẫn hướng mình về phía núi như một sự đồng nhất với quyển sách mà tôi cầm trên tay.

Tập tản văn dường như được chia thành hai phần với một phần cho riêng tác giả và một phần cho những người bạn, nhưng với tôi tập sách có ba phần rõ ràng, với mười hai tản văn đầu tiên như là một bản nhạc dạo trong mưa, yên tĩnh, ướt át, buồn bã nhưng đầy không khí trong lành của khu rừng, của ngôi nhà nhỏ, của bà hàng xóm, của các con vật và những người bạn của tuổi thơ. Mười tản văn sau là của ngày tác giả trưởng thành, lạc vào Hà Nội, bám dính vào một kẽ nào đó của Hà Nội để vươn lên như một cái cây mà quan sát, mà u buồn rồi đơn độc vươn lên. Một cái cây luôn ngóng về phía núi, nơi mà tác giả chính là hạt mầm lưu lạc về đây, nhưng cội rễ vẫn cố vươn về phía núi để hẹn ngày trở về. Phần thứ ba được tác giả chia rõ ra là “Bạn bè và những người thầy” để viết riêng về chân dung từng nhân vật, những người bạn của tác giả. Với tôi, có lẽ là một điều hay khi chỉ đọc một vài tác phẩm của Đỗ Bích Thúy rồi mới đọc đến quyển tản văn này thay vì đọc từ các tác phẩm nổi tiếng rồi mới quay ngược đến tiểu sử, quan niệm sáng tác của tác giả. Có thể hơi ngược ngạo, nhưng tôi thấy như vậy là xác đáng, bởi chỉ mới một truyện ngắn mà tôi đã thấy yêu quý tác giả, muốn tìm hiểu về tác giả nên đã bấm theo dõi mặc dầu chưa được phép kết bạn nhưng tôi vẫn đọc được những hành trình của người mình thích. Cái phong cách đời thường, dung dị được Đỗ Bích Thúy mang vào tập tản văn như một hơi thở nhẹ nhàng và tự nhiên, không có bất kì sự lên gân nào, chỉ là những sẻ chia, những kí ức lan man được bày ra trước mặt độc giả về người chị đã khuất, về người bà, người bạn hàng xóm, về cây cỏ, về núi rừng và cả về quan niệm viết văn của chị. Tôi như nhìn thấy được cái tuổi thơ trong vắt như những hạt sương mai của tác giả ngày bé, những ước mơ bồng bềnh khi nhìn những đám mây xa, những vụn vặt thường ngày bên ngôi nhà cũ, những người hàng xóm tưởng chừng chả có gì nổi bật khi ta trút bỏ tuổi thơ, từ bỏ ngôi nhà thơ ấu để lớn lên và đi xa. Tôi cũng từng có một tuổi thơ trong veo như thế rồi thời gian, rồi lơ đễnh đã nhổ tôi ra khỏi gốc rễ cũ kĩ ấy đến quên bặt, những kí ức ấy tưởng chừng sẽ chìm đi trong bề bộn, nhưng bằng những con chữ, bằng những lời văn tôi đã theo chân tác giả trở về trên núi cao, để thấy lại những mơ mộng, những thường nhật hạnh phúc mà chính mình đã trải qua mà quên lãng.

Những nỗi nhớ mong manh như khói, như mây, như là giọt nước mắt với nỗi buồn của một đứa trẻ mẫn cảm ấy đã được viết ra để lan tỏa, để giãi bày cho người đọc thấy để có một Đỗ Bích Thúy luôn nặng ân tình với ngôi nhà cũ, với những người xưa, với những nỗi buồn trẻ thơ day dứt. Cái nỗi buồn mà ai đã từng đi qua tuổi thơ sẽ thấy, có một sự tủi thân không hề nhẹ khi thấy đứa bạn có một chiếc áo mới mà mình vẫn mang hoài một chiếc áo cũ sờn, niềm mong mỏi đơn sơ khi ấp ủ một quả trứng, rồi cái nỗi buồn khi có một con vật nuôi thân thuộc bỗng dưng biến mất, đến sự quan tâm không đủ lớn của một đứa trẻ với một người bạn G nào đó, dường như đó là một tuổi thơ trong mỗi độc giả chứ không riêng gì của tác giả.

Phần thứ hai của tập tản văn đó là những tự sự, là chân dung của một Đỗ Bích Thúy đã lớn và rất khác, rất lạc lõng khi phải rời xa khu rừng, rời xa những kí ức tuổi thơ êm ấm để đến với Hà Nội chật chội và đông đúc, để mỗi khi nhớ về rừng lại phải tìm cho mình một con đường, hay một bóng cây để tự mình an ủi nỗi nhớ đó. Một cây cầu chia Hà Nội ra làm hai phía để những cây cầu nối lại hai bên mặc cho những ánh nhìn, những sự đối chiếu khác nhau mà vẫn đầy yêu thương và quen thuộc đến khắc khoải. Để rồi trong những ngày tìm cách để quen với Hà Nội, tác giả đã làm quen với những thói quen vụn vặn của Hà Nội cũ còn sót lại từ những cái bàn cân vẫn dùng đến quả cân của một anh bán giò chả, Đỗ Bích Thúy chọn cho mình “một chỗ vừa vặn” trong lòng Hà Nội để quan sát, để lắng nghe, để mở ra và viết tiếp những trang sách vừa vặn với những thôi thúc trong lòng. Ở đó còn là quan niệm sáng tác “Viết văn như đẽo một con quay?”, hay là những sẻ chia về những nhân vật trong những tác phẩm nổi tiếng của tác giả, những định hướng vạch ra cho tác phẩm bỗng bay biến, chỉ còn lại những thân phận con người hiện ra trên giấy, trên bút, rồi những con người đó sẽ đẩy ngòi bút của tác giả đi đến cùng theo đúng nội tâm của nhân vật chứ không còn theo những ý định, những kết cấu đã được tác giả vạch sẵn nữa. Đó còn là những băn khoăn, những tuyệt vọng tới mức có thể biến mất đi hay nhấn chìm chính mình trong ngày u tối của khủng hoảng

Những tản văn đi theo một mạch, tưởng chừng như lan man từ một cô bé đi guốc đỏ, sang một đứa bạn khoèo tay, đến một bà già hay kể những câu chuyện bịa tạc, một con gà trống đẹp được nuôi để dành cho một chiếc áo Tết, chiếc chăn thơm mùi nắng, hay một quyển truyện đều là những kỉ niệm, những kí ức về bố, về mẹ, về chị gái, về rừng cây đã xây dựng nên một Đỗ Bích Thúy với những rung động về thân phận con người, với những quan sát tỉ mỉ, với những câu từ ngắn gọn mà gợi cảm đẩy sâu đến tận cùng những nhân vật của mình để rồi bật khóc với những nhân vật đó vì biết đó là cách tốt nhất, hợp lý nhất mà nhân vật sẽ tự chọn cho riêng mình.

Trong phần “Bạn bè và những người thầy” của chị, đó đều là những người bạn, người thầy lớn của tác giả và tôi có may mắn được gặp qua một lần, có người tôi chỉ nghe tên, có người tôi chỉ đọc lướt qua, nhưng những khắc họa điểm lướt bằng cảm nhận của tác giả tôi có thể hình dung ra được phần nào. Bởi khi cầm trên tay quyển sách, cái màu xanh xám khói uốn lượn như của núi, như của đồi hay như một đường cong uốn lượn mĩ miều của một cơ thể thanh tân để cháy lên một bông hoa, hay một ngòi bút, hay đơn giản chỉ là một chữ T cách điệu đầy tinh tế tôi đã bần thần. Cái bần thần bị cuốn hút không chỉ vì tên tác giả mình yêu thích, mà bần thần vì một nỗi nhớ, một sự đồng cảm, một màu sắc hơi u buồn ảm đảm nhưng vẫn đủ ánh lên nhớ thương và níu đọng lại ánh nhìn. Những hình vẽ minh họa, miếng đánh dấu sách đều thống nhất với khuôn khổ của câu chữ trong tập tản văn để thành một sự đồng nhất đủ để hiểu người bạn, người họa sĩ, người thầy mà tác giả muốn nhắc đến trong phần đầu tiên của những người bạn này có vị trí quan trọng và thấu hiểu đến như thế nào các câu chuyện của Đỗ Bích Thúy. Họa sĩ Lê Thiết Cương hiện lên trong những trang viết là người trọng chi tiết trong hội họa, được tác giả, một người trọng chi tiết trong lời văn trải ra ngắn gọn, và thấu suốt với những tản văn, một cách đồng điệu giữa kênh hình và kênh chữ như mối ráp của “những cây cột gỗ được nối với nhau bằng những cái mộng khít như kẻ chỉ”.

Dấu ấn của người bạn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là một thái độ sống hết mình, của Hoàng A Sáng là “ đường về nhà”, của Hoàng Thụy Anh là một “ Nàng Olga Việt Nam”, là một Phạm Hà Hải với “Sen xanh”, đấy đều là những cảm nhận của riêng tác giả về những người bạn, người thầy của mình. Nhưng đó còn là những câu chuyện, những bài học, hay đơn giản là những cảm nhận của riêng tác giả trước những bức tranh, trước những tác phẩm và trước những tình bạn của riêng mình. Mà như đã nói ở trên, tôi có may nắn được gặp qua một lần họa sĩ Hoàng A Sáng, mặc dầu không nhớ rõ buổi gặp mặt đó, nhưng tôi nhớ cái giọng nói, khổ người và câu chuyện hôm đó của anh. Câu chuyện về vợ và con gái của họa sĩ, anh kể về lúc vợ của anh muốn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, anh đã gật đầu, đã ủng hộ quyết định có phần do dự của vợ vì vẫn còn lo gia đình, nhưng anh đã gật đầu đồng ý một cái rụp, không do dự bởi vì với anh đó là việc mà vợ anh cần và thích, mặc dầu bố vợ anh đã can gián, đã khuyên anh suy nghĩ về thời gian, về khoảng cách về tất cả những gì bất trắc mà việc đi học xa sẽ kéo theo. Nhưng anh vẫn kiên quyết, bởi anh nghĩ, cái gì thuộc về mình sẽ là của mình, như cách anh giới thiệu anh là một gã đàn ông Tày đầy tự hào. Đỗ Bích Thúy chẳng hề khó khăn khi khắc họa về các người bạn, người thầy của mình bởi những từ ngữ trong mạch tản văn cứ tuôn trào ra như một câu chuyện kể, như một buổi chuyện phiếm nào đó ta luận bàn về người bạn chung không phải là một buổi tám nhảm thông thường để ganh đua, tỵ nạnh, mà là nói về  bạn với sự ngưỡng mộ, yêu thương và tin tưởng tràn đầy.

Và Đỗ Bích Thúy dành một tản văn cuối cùng không đích danh ai cả, để dành cho một người, chỉ một người như một góc khuất ẩn sâu trong kí ức, là một mối tình mang hình dáng của một vết cắt, sâu và sắc lẹm, có một cô gái và một mối tình theo hết cả thanh xuân, đến khi trung niên và đến khi lặng lẽ mang đi như một người đàn bà mà chả cần phải kể lể nhiều lời. Có lẽ, cái tản văn dành cho một người đó được ẩn sâu phía sau như một cách giấu giếm, một cách đối diện, một cách nhìn nhận lại chính bản thân của mình. Cái con người một thời đã qua, biết bao nhiêu nông nổi, bao nhiêu yêu thương nồng thắm ấy ghi dấu lại một cách mãnh liệt nhất trong cuộc đời để dành để ghi tên một người. Để có những ngày, khi đã rời xa, đã dấn bước đi một mình trên con đường đã chọn bất ngờ thấy mình quay về điểm xuất phát ngày xưa, vết thương vẫn không hề lành, vẫn sắc và sâu như thế nhưng ta đã học cách quen, cách thấu suốt, cách nương theo nỗi đau như một mùa hoa nương theo gió mà tàn tạ, đẹp đến khắc khoải, đến quặn lòng mà vẫn phải chôn chân đứng lặng đó tiếc thương ngẩn ngơ.

Khép lại quyển sách, tôi khép lại “đẹp tới lụi tàn” không nặng nề thâm u, mà như là những kí ức trong veo, những buồn vui lần lộn đan xen. Đó còn là những bồng bềnh của đám mây trắng xốp, những ánh mai rạng ngời của bước chân bằng đôi guốc nhỏ màu đỏ, dường như tôi cũng đã trở về trên núi cao, đứng ở một đỉnh chênh vênh nào đó ngắm sương mù, mây xốp rồi sẽ chụm tay lại làm loa để vui vẻ gọi chào ngày mới.

KIM SƠN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.