A Tráng ngồi bên chiếc bàn đá đặt ngay cửa sổ nhìn ra sân, nhớ lại ngày rời quân ngũ, mới về nhà. Từ anh chiến sỹ biên phòng nay trở thành anh thương binh chỉ trong một thoáng mà xót xa. Cái chân, cái tay vô dụng thì đời buồn lắm, không làm được việc này thì làm việc khác, nhưng ATráng không múa, không thổi khèn, thổi sáo được thì… mặt anh bỗng bần thần. Nhiều người hỏi thăm anh, cũng có người băn khoăn về việc anh có duy trì được năng khiếu chơi khèn nữa không? A Tráng chơi khèn, sáo giỏi, múa khèn đẹp. Từ trước nay trong đám thanh niên chơi khèn của bản Sà Phô, A Tráng giỏi hơn hẳn, từng được giải cuộc thi mấy năm trước. Nhiều người kỳ vọng ở anh, sao anh vẫn im hơi lặng tiếng như vậy. Người ta hỏi thăm, cô Súa vợ anh bảo:
– Nó mất một bàn tay rồi mà! Ngày hội không được nghe tiếng khèn A Tráng thì buồn lắm!
Trước mặt anh bây giờ chỉ có núi và núi. Đỉnh Pu Ta Leng sừng sững cao ngất. Những phút giây thư giãn, A Tráng thanh thản trước cảnh sắc quyến rũ mê hồn của quê hương. Núi non hùng vĩ, đồi cỏ bạt ngàn, suối sâu lũng rộng… Tai anh nghe xào xạc tiếng gió ngàn lướt qua đồi tranh, rừng nứa, thoảng trong gió có tiếng sáo, tiếng khèn Mông thổn thức! Anh nhớ ngày còn ở đơn vị – đồn biên phòng của anh, anh được nghe bản hợp xướng “Tiếng hát biên thùy”: Sáo vi vu anh trai bản Mèo đêm đến tìm ai sáo tỏ nhiều điều mà lòng cũng xao xuyến… Sống, công tác và sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị, anh đã thể hiện bản lĩnh của chàng trai bản Mông. Vậy mà hơn một năm trời trở về địa phương, hình như anh vẫn đang chờ đợi, dựa dẫm điều kỳ diệu xảy ra… Nhưng dựa vào đâu? Dựa vào núi, núi mòn, cũng chẳng giúp được. Dựa vào cây, cây rồi cũng đổ. Dựa vào người, người cũng đi… Chỉ có dựa vào chính mình.Nên anh đã cố gắng làm được nhiều việc, được địa phương ghi nhận.
Nếu không có buổi đêm đáng nhớ ấy, không bị mất bàn tay quý giá thì lúc này hẳn anh vẫn đang ở đơn vị. A Tráng nhớ lại đêm ấy, tổ công tác của anh truy đuổi bắt tội phạm. Kêu gọi, chúng không ra đầu thú mà trái lại, càng chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Một tên cầm con dao sáng loáng giơ lên, A Tráng né tránh, cướp con dao trên tay nó thì tên phía sau vung mạnh dao chặt đứt bàn tay anh. May mà có đồng đội đến kịp, quật ngã bọn chúng rồi khóa số tám. Anh được đồng đội đưa lên cáng về cứu chữa… nay là thương binh hạng một. Sau thời gian điều dưỡng, vết thương lành và ổn định, anh được trở về địa phương sống với gia đình. Anh đã kết hợp cùng Trường phổ thông cơ sở xã sưu tầm, xây dựng tủ sách tìm hiểu pháp luật và văn học. Hiện anh đang phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo của hội cựu chiến binh xã.
Bản Sà Phô cái tiếng ngày xưa thì vẫn còn nhưng thực lực bây giờ thì còn phải xem. Đám thanh niên mới lớn ham chơi điện thoại di động hơn chơi khèn, những người chơi khèn được mỗi tuổi cũng mai một dần. Hôm nay, cuộc họp có thành phần đoàn thanh niên, có hội cựu chiến binh, hội liên hiệp phụ nữ, phụ trách văn hóa xã bàn về chương trình văn nghệ phục vụ ngày Hội đoàn kết dân tộc sắp tới đã đề xuất tiết mục múa khèn, mà thanh niên bản không ai dám nhận phải đến tay A Tráng. Những buổi tập dượt cũng bắt đầu được thực hiện. Đối với A Tráng, đây là một thử thách. A Tráng cũng đã chọn người thay nhưng họ ngại ngần xin rút. Anh đã tự nhủ: Vì bản mường, quê hương, vì danh dự của người thương binh, phải cố gắng. Buổi tập dượt hôm ấy có mấy anh em cũng từng chơi khèn. Có mấy người trong xã cũng hiếu kỳ tò mò đến xem. A Tráng là một diễn viên đặc biệt, là một thương binh! Thông thường người chơi hai tay đỡ khèn, các ngón tay phía trên điều khiển âm thanh, nhưng A Tráng lại không có bàn tay trái. Hoàn cảnh này anh phải dùng cổ tay trái để đỡ cây khèn cùng tay phải và các ngón bên tay phải điều khiển âm thanh. A Tráng thực hiện động tác toát mồ hôi, vì tay cứ ngượng ngượng khó đỡ, những người dự bên anh cũng nóng ruột, riêng anh thể hiện kiên trì và quyết tâm. Cổ tay trái chỉ đỡ chứ không giữ được cây khèn. Anh thầm nghĩ: phải bắt cây khèn và cổ tay dính chặt vào nhau, làm thế nào để nó dính tự nhiên mà cổ tay vẫn cảm giác thoải mái…
Cái động tác hai tay cầm khèn, chân bước đi uốn lượn theo nhịp bước thì A Tráng đã thành thạo từ trước.
Một người trong hội cựu chiến binh xã nhận xét:
– Tôi thấy anh A Tráng thật tuyệt vời, xem kìa mồ hôi đã vã trên trán anh. Ta tập dượt đã đạt trên năm mươi phần trăm rồi, vẫn còn thời gian cho ta luyện tập. Trận chiến đấu này cũng cam go đấy, nhất định phải thắng!
– Ai cũng thích xem A Tráng biểu diễn, dân bản đang chờ đợi đấy!
A Tráng cười:
– Cảm ơn bác động viên, Tráng sẽ cố gắng, cái Tráng đang cần là thời gian. Tiếng khèn là thể hiện tâm hồn phong phú của người Mông, tôi phải giữ, phải cho nó vang vọng giữa bản mường!
Có mấy thanh niên đứng xem nói xen vào:
– Chúng cháu thấy khó quá, cháu có hai tay mà cầm khèn cũng thấy ngượng rồi, khèn cứ muốn đổ nghiêng. Chú Tráng như vận động viên thể dục dụng cụ vậy, chú lên tấn thế nào, nhiều lúc cây khèn cũng nghe theo tay chú vậy?
– Cái thói quen dùng khèn của mình thành thạo rồi, tự dưng lại mất bàn tay thì đương nhiên là bị hẫng rồi, phải kiên trì một thời gian thôi.
Cậu thanh niên bản bên cười, ra vẻ hiểu biết:
– Cây khèn cũng khó tính lắm đấy, có lúc bảo nó không nghe đâu, cháu thấy cổ tay chú xây xát đỏ lên rồi đấy!
Một người khác tham gia:
– Tôi tin là chú Tráng làm được.
– Làm thì được, chỉ khó thôi!
– Người còn bàn tay sao không làm để thương binh làm.
– Mình có bàn tay thì làm đi!
– Nói thế mà cũng nói.
Lại có thêm ý kiến:
– Đừng cố nữa, việc này chỉ có Tề Thiên Đại Thánh mới làm được thôi, nghỉ cho khỏe chú Tráng ạ! Ham hố được gì.
Tráng đỏ mặt nhìn người ấy:
– Sao nói nhảm vậy, tôi làm được đấy! Tôi đang tập mà, sao lại đông người vào đây thế? Thôi, giải tán đi!
– Tôi chỉ sợ cái tay làm rơi khèn thì xấu mặt anh.
A Tráng tỏ thái độ không hài lòng,
– Anh nói láo, làm được thì làm đi xem nào.
A Tráng nổi giận cầm cây khèn vuốt ve rồi đeo vào vai ra về, miệng nói: “Coi thường tôi à”. Tráng nghĩ: “Phải làm cách khác tốt hơn, thực tế mà suy xét, niềm tin vào thành công của người ta không vững. Nhưng A Tráng này sẽ không để anh em đồng bào, bản mường thất vọng đâu, nhất định như thế”.
Về đến nhà, vợ A Tráng hỏi:
– Sao hôm nay thấy anh buồn thế?
– Anh không buồn, chỉ tức thôi!
Hôm sau ăn sáng xong, A Tráng gọi vợ đến ngồi cạnh nói thầm vào tai vợ. Vợ anh gật đầu mấy cái cười nói:
– Tôi đồng ý thôi, mình tính thế nào cho tiện, làm được thì tốt, không được chẳng sao. Nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng thành công.
Chuyện A Tráng vắng nhà không thông báo, rồi mọi người cũng đã biết, nhưng không biết anh đi đâu. Anh ấy có trách nhiệm với xã mà sao để anh ấy phật ý? Nghe nói có ai xúc phạm làm anh tự ái. Anh Sẩu hội cựu chiến binh xã nói vậy. A Tráng đi rồi, mọi người xôn xao lo lắng không biết anh có về múa khèn nữa không?
Chương trình xã đã chuẩn bị chu đáo, buổi tối Ngày hội đoàn kết dân tộc diễn ra long trọng, tưng bừng khí thế. Kết thúc phần lễ, chương trình văn nghệ của phần hội bắt đầu bằng tiết mục “Toàn dân đoàn kết”- Múa khèn của Hội cựu chiến binh. Người xuất hiện trên sân khấu trong trang phục dân tộc Mông, vừa thổi khèn vừa nhảy theo nhịp múa. Khán giả vẫn chưa nhận ra ai. Người ta hỏi nhau:
– Ai đấy, Không phải A Tráng à. A Tráng đi chưa về sao?
Người múa trên sân khấu vẫn di chuyển, đầu và vai lúc nghiêng bên này, lúc nghiêng bên kia uyển chuyển như vũ công thiện nghệ. Bỗng có tiếng reo:
– A Tráng thật rồi. Anh A Tráng múa dẻo quá!
A Tráng luôn nhìn phía trước, nét mặt vui tươi, miệng cười, mắt sáng mang đến cho mọi người cảm giác ấm cúng trong tình đoàn kết các dân tộc, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống mới tươi đẹp…
Bà con dự hội hân hoan phấn chấn. Có mấy người ngạc nhiên trước bản lĩnh và sự thành công của anh. Thật ra không phải dễ dàng. Đó là kết quả cả một tuần anh phải khổ luyện, có lúc cổ tay bị xây xát đau rát. Nhưng cổ tay anh bây giờ đã biết bám chặt vào cây khèn với ý chí và nghị lực của người thương binh…
Huỳnh Nguyên