Không gian im ắng chỉ có tiếng loạt xoạt vải chàm thật khẽ khàng, sương bên ngoài chắc chắn chưa tan hết. Mùi cơm gạo đỏ bốc lên, len qua vách nhà và nhè nhẹ đậu vào cánh mũi Páo. Mùi của tuổi thơ. Mùi thơm từ bàn tay mẹ nấu những mùa gạo mới. Đã lâu lắm rồi Páo mới có thời gian về bản, tận hưởng một buổi sáng sớm yên lành như thế này. Nhớ lại thời thơ bé còn ở bên gia đình, được mẹ hì hục nhuộm chàm, khâu cho từ cái quần, tấm áo… Rồi Páo nghe tiếng mẹ húng hắng ho. Đúng rồi, cổ họng của mẹ gần đây không được khỏe, cũng là do thời trẻ mẹ triền miên thức khuya dậy sớm, lên nương làm rẫy từ khi sương còn chưa tan. Páo nghe trong lòng quặn đau. Cả đến khi con khôn lớn, có vị trí nhất định trong xã hội, mẹ vẫn quần quật như xưa do bản tính hay lam hay làm đã ăn sâu vào tâm thức người phụ nữ Mông. Thương mẹ, nhưng anh không biết phải làm sao vì ra thị trấn ở cùng con dâu và các cháu thì mẹ không quen môi trường. Công việc của anh thì bận bịu không dành được nhiều thời gian lo lắng cho mẹ, như mẹ đã từng lo lắng cho anh ăn học, trưởng thành như hôm nay đây.
Páo vẫn nhớ con đường khiến anh có một niềm tin kiên định là mình sẽ đeo đuổi nghề công an – một nghề mọi người cho là nguy hiểm, không muốn con mình dính líu vào. Đó là những mùa đông hun hút gió lạnh cao nguyên của vài chục năm về trước. Cái lạnh không khiến màu hoa thuốc phiện giảm mất đi vẻ rực rỡ, ngược lại, càng khiến những trảng hoa thuốc phiện trải dài hun hút tầm mắt phô vẻ đẹp giữa đất trời. Ký ức tuổi thơ, những ngày bố còn đưa hai anh em ra chợ phiên chơi, mua sản vật địa phương dần lùi xa, chỉ còn đọng lại hình ảnh ông bố nghiện ngập bốn mùa nằm trong căn phòng ngủ âm u. Ngoài giờ ăn với cả nhà, bố chỉ nằm trong đống chăn màn hôi hám ôm tẩu thuốc mà rít, rồi ngủ, mẹ lầu bầu nói gì thì cáu gắt, càm ràm. Mãi cho đến ngày bố mất vì sốc thuốc. Páo đi học về, anh Tải ôm chầm lấy em, chỉ lo em nhìn thấy cảnh họ quấn bố vào manh chiếu rách mang ra đồng chôn.
Kỷ niệm buồn bám dính lấy Páo, khiến Páo đau khổ hơn cả ngày bố mất là ngày Páo học cấp hai, bác Chía hộc tốc chạy sang nhà, báo cho hai mẹ con biết chuyện anh Tải đi buôn ma túy bị công an nước bạn đuổi bắt. Khi anh chạy trốn đến bờ sông giáp ranh hai nước thì bị bắn chết. Hình ảnh anh Tải trong lòng Páo những ngày thơ bé đẹp đẽ hơn những nỗi buồn day dứt về bố nhiều. Anh Tải là người luôn đứng ra che chở, bảo vệ cho Páo khỏi những trận đòn vô cớ từ bọn trẻ trong bản. Anh luôn muốn che chở để em không phải tiếp xúc với cái xấu, cái ác. Kể cả khi anh biết gánh nặng trên vai mẹ không thể tiếp tục nữa, chính anh đã xin mẹ nghỉ học, anh cùng mẹ lên nương trồng ngô, làm ruộng bậc thang dành dụm tiền cho Páo đi học ở trường nội trú huyện. Rồi những mùa hè Páo trở về nhà, không thấy anh. Mẹ bảo anh theo người dân trong bản buôn vải vóc qua bên kia biên giới. Mỗi lần gặp Páo, anh dẫn đi mua quần áo, sách vở. Páo từng lo lắng, cảm thấy hồ nghi với những đồng tiền anh trai mình kiếm ra. Lúc anh xây cái quán nhỏ đầu bản cho mẹ bán hàng hóa, Páo đã thấy những điều bất thường. Nhưng tuổi nhỏ cùng với hiểu biết xã hội chưa rộng, Páo chưa có điều kiện nói chuyện với anh, với mẹ. Để đến khi không còn anh nữa, Páo mới tự giận mình thật nhiều. Sau này, khi đi học trường an ninh, Páo mới lờ mờ hiểu ra mọi chuyện, thì ra anh Tải chỉ là con tốt thí, do muốn có tiền nuôi em ăn học, giúp đỡ mẹ mà bị lừa buôn bán ma túy. Trong khi kẻ cầm đầu vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì anh bỏ mạng ở tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất. Nỗi đau trở thành cái sẹo lớn trong tim Páo. Páo cố gắng học thật giỏi, luôn nghĩ tương lai sẽ phải làm được những điều nhỏ nhoi. Như là không để màu hoa thuốc phiện trải dài trên các vườn rau quê hương. Như là sẽ không có thân phận người anh nào còn phải bỏ mạng oan uổng chỉ vì những đường dây ma túy xuyên Việt. Không có những nỗi đau dài thật dài như Páo và mẹ từng trải qua…
Sau khi anh Tải mất là những ngày Páo đi học biền biệt. Mẹ trở nên mạnh mẽ hơn. Páo thì độc lập hơn. Đến khi Páo trở về quê hương công tác. Khoảng cách từ thị trấn đến bản không quá dài. Nhưng công việc cuốn đi cùng những buổi đánh án, phá án, khiến Páo không dứt ra được. Ngay cả hôm nay Páo về, mẹ vui mừng là thế, nhưng mẹ đâu biết, để dành được thời gian về với mẹ của Páo, vẫn cứ là vì công việc. Chuyến trước Páo về với mẹ cũng vậy, là khi Páo phải xử lý việc bà con trong bản di dịch cư tự do. Khi được lãnh đạo đặt vấn đề, Páo hăng hái khoác ba lô cùng các chiến sỹ lên đường. Páo tỉ mỉ ghi lại từng hộ, từng người bị kẻ xấu lôi kéo sang bên kia biên giới. Đớn đau thay, khi tra ra danh sách, tên cầm đầu, dẫn mọi người đi tìm “miền đất hứa” lại chính là bác Chía, anh trai ruột của bố. Khi giáp mặt với Páo ở bờ sông, bác Chía chỉ cười khẩy. “Năm xưa, mày còn bé, có nhớ những lần đói ăn mùa giáp hạt, bác sẻ từng lon gạo nuôi mẹ con mày không?”. Páo đáp lời bác bằng giọng rắn rỏi: “Bác ơi, mong bác nghĩ lại. Di dịch cư thế này, cũng có bao nhiêu trẻ con, người già. Đói ăn, khát nước. Khổ sở như thế, miền đất mới biết có tốt hơn ở nhà không? Ruộng, nương thì bỏ hoang như thế!”. Đàm phán dai dẳng đến mức bà con đã xuôi theo, lần lượt trở về trong bộ dạng lếch thếch mà bác Chía ngoan cố bỏ trốn. Vẫn bản tính kiên trì, thận trọng của người lính trinh sát được rèn luyện trong môi trường khắc khổ, một mặt Páo cùng với đồng đội tuyên truyền, giải thích cho người dân trở lại quê hương ổn định cuộc sống, họ được cấp vốn, giống tiếp tục chăn nuôi, trồng trọt trên miền đất mình từng rời bỏ. Mặt khác, anh tiếp tục cuộc chiến giữ đất, giữ dân. Tổ của các anh được thành lập có từ ba đến năm người. Với trang bị lương khô, thịt hộp và mì tôm, lưng đeo ba lô, vai mang súng AK cùng hai trăm viên đạn, các anh trèo đèo, lội suối đến các bản làng khu vực biên giới. Với kế “ly gián”, bác Chía tiếp tục ra mặt kích động, chia rẽ giữa cán bộ với Nhân dân để đồng bào các dân tộc không dám cho cán bộ vào nhà. Các anh phải ăn lương khô, mắc võng ngủ ở chuồng ngựa, bị bọ chó đốt khắp người song vẫn kiên trì bám dân, bám bản, vận động Nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu. Bằng những hành động thực tế chân tình cởi mở như: tắm gội cho trẻ nhỏ, giúp người già lấy củi, lấy nước, san sẻ phần lương thực ít ỏi của mình cho Nhân dân, các anh dần dần chiếm được tình cảm của Nhân dân. Họ bảo nhau: “Cán bộ làm việc tốt cho mình, cho nó vào nhà đi!”.
Được dân cho vào nghỉ trong nhà, các anh tuyên truyền vận động quần chúng cung cấp tung tích những kẻ xấu thường qua lại xúi giục bác Chía, khiến bác hồ đồ mà tiếp tay cho chúng. Do điều kiện thân tộc và dân tộc, khi có những mối quan hệ hai bên biên giới, tổ của các anh đã thuyết phục được một số người dân phía bên kia biên giới có cảm tình với ta, cung cấp tin tức, tình hình hoạt động của kẻ xấu để từ để từ đó đề ra được đối sách chiến lược đúng đắn, kịp thời. Thời gian dài đằng đẵng cũng trôi qua, cuối cùng Páo đã làm rõ được mối quan hệ giữa bác Chía và nhóm người nghi vấn. Tuy phá được kế hoạch cài cắm, gây rối của kẻ địch ở các xã biên giới, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc, nhưng trong lòng Páo có những nỗi niềm không nói ra thành lời. Đó là một lần, mẹ lên thăm gia đình anh ở thị trấn. Khi Hương đon đả mời mẹ uống nước, mẹ chỉ nhìn xoáy vào anh và hỏi: “Mẹ muốn thăm bác Chía được không? Khi bố con mất, bác ấy đã bao bọc, che chở cho cả nhà mình”. Páo khẽ khàng: “Hiện tại thì chưa được, mẹ ạ! Mẹ đợi một thời gian nữa, con sẽ về nhà đưa mẹ đi thăm bác ở trại giam”. Rồi lần Páo về quê, đưa mẹ đi thanh minh tảo mộ. Gặp bác gái, bác chỉ nói một câu với Páo: “Năm xưa, khi anh Tải nhà cháu mất, chính bác Chía là người nhiệt tình nhất đưa xác anh ấy về quê hương bản quán…”. Páo chỉ muốn nói với bác gái, với mẹ, rằng Páo nhớ tất cả những điều ấy. Nhớ và ghi ơn bác lắm! Nhưng bàn chân chai sần của Páo đã in dấu khắp rẻo cao biên giới này. Mọi việc Páo làm đâu chỉ vì cá nhân, còn vì bình yên chung của mỗi nếp nhà. Páo nhất định sẽ đưa mẹ, đưa bác gái đến thăm bác Chía. Và cũng mong bác hối cải để sớm trở về nhà. Sẽ sớm thôi! Thế mà chưa làm được điều ấy. Hôm nay Páo lại trở về nhà. Lần này nhiệm vụ của Páo còn khó khăn hơn cả lần trước.
Sáng tỉnh dậy ở nhà như thế này, dù vẫn nằm trên chiếc giường đơn sơ, nhưng Páo vẫn có thể hình dung ra hình dáng của mẹ đang ngồi bên bếp lửa ở gian bếp. Ngoài sân, từng đụn sương mù sà xuống mặt đất càng làm cho trời tối hơn. Trong nhà còn yên ắng, khi bố, Páo và anh Tải vẫn ngủ ngon lành thì mẹ đã lụi hụi chất bếp, nấu cơm để sáng ra có cơm nắm cho cả nhà mang theo đi làm nương… Hoài niệm chuyện cũ như thế, mãi cho đến lúc mùi cơm gạo đỏ theo gió lan đến cửa buồng, Páo mới trở mình, hít hà mùi lúa mới rồi ngồi dậy. Ngoài trời đã hửng sáng, sương mù chỉ còn giăng nhè nhẹ, tản mát trong không gian. Nhìn sang gian bếp, thấy mẹ đang cặm cụi gọt khoai tây. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian vì tối hôm trước, Páo nghe mẹ than: “Khoai tây năm nay cho củ nhỏ quá”. Nhìn mẹ tỉ mẩn gọt từng củ khoai tây mất mùa chỉ nhỏ bằng ngón tay út, Páo như quên hết những nỗi niềm làm anh đau đáu cả đêm, vội sà xuống nũng nịu mẹ: “Con làm cùng mẹ cho nhanh”. Mẹ cười hiền: “Thôi, ra sau nhà rửa mặt đánh răng rồi vào ăn sáng còn đi làm đi, con”.
Páo thường nghĩ: trong gia đình, mẹ là người tất bật nhất. Ngoài những buổi làm việc vất vả trên nương, rẫy, lúc nào Páo cũng thấy mẹ không ngơi tay làm việc nhà. Hình như mẹ luôn nghĩ rằng hôm nay nên nấu những món ăn gì cho bố con Páo. Kể cả giờ đây, khi bố và anh đã khuất núi, mẹ không còn lên nương trồng ngô, mẹ chỉ bán hàng tạp hóa lặt vặt mà bà vẫn duy trì thói quen dậy sớm. Nhìn từ đằng sau, Páo xót xa vì cảm nhận được mẹ thật sự đã già, cái lưng khom bốn mùa vì leo núi, giờ còng xuống chất bếp nấu cơm chờ đứa con xa lâu ngày trở lại quê hương… Tiếng mẹ trầm đục vang lên: “Thằng Páo sắp bát đũa ăn cơm”. Páo quên mất mình hôm nay còn nhiệm vụ quan trọng cần làm, lại chạy loăng quăng giúp mẹ như thuở trước.
Bữa cơm gia đình vẫn giản đơn như ngày Páo còn thơ bé. Bên cạnh những đĩa thịt, rau, mẹ đặt thêm một đĩa khoai tây trước mặt Páo. Rồi mẹ xúc thêm hai bát, đặt hai đôi đũa lên chiếc bàn và lấy thêm hai ghế mây đặt vào góc bố và anh Tải thường ngồi. Thấy mẹ đờ đẫn nhìn khoảng không gian ấy. Páo thoáng buồn. Bữa cơm diễn ra trong yên lặng. Mẹ như cảm nhận được không khí lạ lùng giữa hai mẹ con, liền nhìn thẳng vào mắt Páo và hỏi: “Hôm nay con về lại có công việc gì quan trọng phải không?”. Páo đặt bát cơm xuống. Nhẹ nhàng nói với mẹ câu chuyện anh đang được giao thực hiện. Nói từng câu một rành rọt, nhưng không giống như những lần đi tuyên truyền, thuyết phục trước. Không còn là người ngoài. Trước mặt anh là mẹ. Cũng vì thế mà lời nói của anh cảm thấy không mạch lạc và rắn rỏi được như thường ngày. Páo vừa dứt lời, mẹ đã gạt đi. Páo thảng thốt: “Mẹ. Mẹ nghe con nói, phong tục tập quán của quê hương mình xưa nay vẫn rất tốt đẹp. Không thể nói dẹp bỏ bàn thờ là dẹp bỏ được, mẹ ạ!”. “Con đừng bảo mẹ bỏ niềm tin của mẹ, con nhé! Giờ mẹ mới ngộ ra vì sao bao năm qua mình gặp nhiều trắc trở như thế, chồng chết, con chết. Mẹ giờ còn niềm tin gì để bấu víu đâu hả con ơi!”. Trước mặt mẹ, nhìn ánh mắt đau khổ của bà, Páo hiểu rằng niềm tin của mẹ vào đạo trái pháp luật đó còn vững hơn cả sắt đá. Không dễ dàng lay chuyển. Mẹ sẽ còn cứng rắn hơn cả bác Chía. Ngay khi nhận công việc lần này, Páo đã hiểu mình rất khó để thành công. Niềm tin của người phụ nữ Mông vững như bàn thạch, lời nói nào có thể thuyết phục được, dao kiếm nào có thể lay động được? Huống chi là mẹ, và Páo…
Páo nhìn vào góc nhà, bất thình lình, mẹ cũng nhìn vào nơi ấy. Khi bố và anh Tải còn sống, góc ấy có tờ giấy bản, mỗi ngày cúng, bố lấy ba sợi lông gà dính tiết dán vào. Đó đâu chỉ là bàn thờ tổ tiên. Bố từng nói với Páo, khi còn chưa sa chân vào vũng lầy thuốc phiện, rằng đấy là văn hóa, là nguồn cội. Páo rơi một, rồi hai giọt nước mắt. Mẹ sững sờ. Bao nhiêu năm nuôi thằng con trai này khôn lớn, làm cho mẹ tự hào. Chưa khi nào nó khóc. Rồi Páo khuỵu gối, quỳ trước mặt mẹ. Mẹ cũng rơm rớm nước mắt. “Đàn ông người Mông không bao giờ được quỳ, con ơi! Cái đầu gối quan trọng lắm! Ông ngoại con nói thế”. “Mẹ. Con tự thề đời này sẽ không bao giờ rơi nước mắt vì ai, không quỳ gối trước ai. Nhưng trước mẹ thì con làm được. Con là con của mẹ mà. Mẹ biết vì sao con quyết tâm làm công an không? Mẹ biết khoảng thời gian khó khăn con cùng đồng đội đi phá nhổ cây thuốc phiện, đồng chí của con đã ngã xuống, đổ máu, bỏ mạng trong thời bình vì tên trùm ma túy đó không? Đó chính là kẻ xúi giục anh Tải đi buôn ma túy. Hắn đã bị tử hình rồi. Thuốc phiện bị đẩy lùi rồi, giờ đâu còn cảnh ở bản mình, nhà nào cũng có người hút, người buôn thuốc phiện, người tù tội nữa hả mẹ? Mọi việc yên ổn rồi mà điều con đau đớn nhất là bố và anh không còn bàn thờ nữa. Mẹ đặt bát cơm, thêm đôi đũa và cái ghế lên bàn ăn này làm gì khi mình không còn thờ cúng bố và anh? Lỗi lầm của bố và anh đâu phải do mẹ không có niềm tin đúng đắn. Là vì chính con người, chính con người mê đắm, tội lỗi và tham lam, mẹ ạ!”. “Từ khi mẹ lấy bố, mẹ đã trở thành ma nhà họ Giàng rồi. Mẹ ở bản Giàng Dao này rồi! Mẹ còn nhớ ông ngoại con không? Mẹ từng kể cho con nghe mẹ tự hào dòng máu của họ Sùng chảy trong huyết quản. Ông Sùng Vảng là người được lấy tên mình đặt cho bản làng! Ông cũng là người đã viết nên quy ước dòng họ Sùng của mình, nói về việc gìn giữ truyền thống tang ma, cúng bái tổ tiên người Mông của mình…”.
Hôm nay sao Páo nói dài thế, dài nhất trong các cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con. Vì giờ anh chỉ còn mỗi mẹ là nơi nương tựa thôi. Anh cũng nhận ra mình sai rồi vì giác ngộ cho bà con khắp nơi, mà đang quên mất chính trong nhà mình, mẹ cũng bị kẻ xấu tuyên truyền lôi kéo. Buổi nói chuyện kéo dài trong nước mắt. Chẳng biết kết thúc khi nào, chỉ biết mẹ đã ôm Páo như cái ngày mẹ ôm anh vì bố mất, vì anh Tải mất. Như là chỉ chờ cơ hội này đến, hai mẹ con đã thực sự hiểu nhau nhiều hơn, thương nhau nhiều nhưng giờ mới bày tỏ hết được với nhau. Bà Sùng Cở nhớ cả chứ! Người bố là niềm tự hào của cả dòng tộc họ Sùng. Ông đã làm nên cuộc thiên di định mệnh, sau khi hết thời hạn nhập ngũ làm bộ đội, ông vận động một trăm bốn mươi hộ dân di chuyển từ vùng cheo leo núi đá xuống khu vực thấp hơn để làm ruộng, nương. Thuyết phục được bà con từ bỏ nếp sống trên đỉnh dốc, toàn gió núi, mây ngàn đâu phải là câu chuyện chỉ nói một câu, hai câu, nói một ngày, hai ngày mà được. Thế mà bằng tình yêu làng bản, thật sự muốn cho mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn khi sinh sống gần nguồn nước, trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi mà ròng rã hàng tháng trời đi từng nhà, gặp từng người, bị đuổi, bị chửi, bị chối bỏ, mà ông Sùng Vảng đã làm được điều khó khăn ấy. Công trạng của ông được tỉnh ghi nhận khi lãnh đạo, nhân dân đều đồng tình đặt tên ông gắn với bản mới. Chuyện xưa qua nhanh như gió thoảng, nhưng bà Sùng Cở đâu thể ngờ, thằng Páo vẫn nhớ như in, và tự hào về ông ngoại, như bà từng tự hào, và giờ, bà tự hào về nó. Trước mặt bà, nó thể hiện tình cảm sâu sắc, ý chí kiên định không kém gì ông ngoại. Bà vẫn được trời thương, vì có đứa con trai làm công an giỏi giang chừng ấy.
Năm nay, Páo đưa vợ con về thăm mẹ. Anh cẩn thận lấy thẻ hương làm từ cây lộng xeng mẹ mua từ chợ phiên, do đúng bà con dân tộc mình làm và thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Mảnh giấy bản phất phơ những túm lông gà, mẹ đã hiểu lòng anh, bà con trong bản đã khôi phục nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Chặng đường biên giới tuy thẳm sâu, nhưng anh nguyện sẽ bước tiếp, cùng với những gian nan đang chờ phía trước…
PHÙNG HẢI YẾN
> Xem thêm: