Tết xa quê nơi miền đất khó

Dù ở bất cứ nơi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến Xuân về trong lòng mỗi người lại chộn rộn, mong ngóng phút giây sum họp, đoàn viên. Nhưng ở vùng đất nơi biên giới trong những dãy nhà tập thể trường học, Tết đến lại trở nên vắng vẻ… Ở đó, rất nhiều thầy cô giáo cắm bản đã xem nơi đây là quê hương thứ hai, bám làng, bám bản để vui Xuân, đón Tết cùng học trò và người dân…

Thầy, cô thành dân của bản

Mùa xuân như đến sớm hơn với bản vùng cao Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Sáng dậy mở cửa, gió mang hương xuân ngào ngạt. Và kia, trên mỗi mái nhà, tường đá, chạy dài khắp đầu bản cuối mường, những chậu địa lan rừng, hoa đào, hoa mận thi khoe sắc. Năm nào cũng thế, cứ 20 tháng Chạp, thầy giáo Phạm Xuân Thúy, giáo viên Trường tiểu học xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) lại đưa các em từ bản Sin Suối Hồ về nhà mình gói bánh chưng, làm mứt, cũng là buổi tổng kết chia tay để các em về bản nghỉ Tết cổ truyền. Không rõ, đây là xuân thứ bao nhiêu gia đình thầy Thúy đón Tết tại bản cùng bà con người Mông, người Dao xã biên giới Sin Suối Hồ.

Bên phích nước hãm thảo quả, thứ quả rừng hễ gặp ở đâu là dậy mùi hương núi, thầy Thúy hồi ức lại những ngày đầu tiên đặt chân lên Sin Suối Hồ dạy chữ. Tốt nghiệp sư phạm Bạc Liêu ngành tiểu học, theo lời mời của người bạn lên Tây Bắc chơi. Cảnh sắc và con người nơi đây đã hớp hồn thầy giáo trẻ. Và điều làm anh khó phai nhất là những đứa trẻ bản, có đôi mắt to, đen láy, khi gặp người lạ thì trốn biệt, cùng tiếng cười giòn tan nhòa vào sương ẩn vào núi.

Từ chuyến đi ấy, anh quyết định ngược núi Lai Châu bắt đầu sự nghiệp trồng người. Anh đảm nhiệm lớp 1, tại bản Can Hồ, dạy bản người Mông, 1 trong 7 bản khó khăn nhất của xã Sin Suối Hồ. Thời đó, Can Hồ với “4 không”, (không điện, đường, trường, trạm), lớp học chỉ là những lớp tạm của bà con dựng lên, có thầy, cô ở tại nhà bà con. Nơi biên viễn xa xôi, chỉ núi với rừng, mỗi chuyến về quê là cả một hành trình gian truân, vì quãng đường Lai Châu – Ninh Bình ngày ấy chưa thuận như bây giờ. Nhiều chuyến về đến quê, thầy Thúy thấy sợ chẳng muốn lên nữa, nhưng rồi lời hứa với già bản, với các trò lại thôi thúc anh.

Sau đợt Tết thường các em nghỉ học dài, vì mải chơi và đồng bào vùng cao nhiều lý lối phải theo, như tháng Giêng đầu năm phải kiêng gió, kiêng nước, kiêng gọi tên các con vật trùng ngày hôm đó…, họ thường đóng cửa không cho con trẻ ra ngoài. Chính trong những ngày về bản đến nhà vận động học sinh ra lớp, anh đã bén duyên với cô giáo Thanh Thanh dạy cùng bản, quê ở Phú Thọ. Sau đám cưới, ngôi nhà hạnh phúc của thầy Thúy, cô Thanh được đồng nghiệp dựng bằng nếp nhà gỗ cũ của bà con nhượng lại.

Rời Sin Suối Hồ, chúng tôi về bản Tà Ghênh, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ gặp cặp vợ chồng giáo viên cùng quê Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Ma Văn Biển – Trần Thu Hương. Được biết, đây là năm thứ 22, anh chị gắn bó với sự nghiệp giáo dục Sìn Hồ. Bên căn nhà cấp 4 gọn gàng có ao cá, vườn rau xanh mướt, nhấp ngụm trà rừng ngọt chát ngày giáp Xuân, chúng tôi được thầy Biển chia sẻ câu chuyện năm đầu tiên anh chị ở lại ăn Tết cùng bà con bản Tà Ghênh: Năm 2003, gia đình thầy Biển ở lại, cũng là năm chị nhà mang bầu. Hai vợ chồng anh ở trong căn phòng tập thể, gọi là phòng cho sang, chứ thực ra là căn phòng tạm được bản và nhà trường dựng lên cho những giáo viên cắm bản. Giáp Tết, hoa đào, hoa mận bung nở khắp bản, ngó trước nhìn sau, khu tập thể vắng hoe, không có một bóng đồng nghiệp, không tiếng trẻ đọc bài, tự dưng anh chị ôm nhau rưng rức khóc, sao mà trống trải nhớ quê đến vậy. Rồi thấy ngoài sân tiếng trưởng bản, cùng bà con và học sinh rôm rả, người cành đào, cặp bánh giày, xâu thịt lợn, mỗi người một thứ trên tay mang đến biếu thầy cô ăn Tết. Bà con ai cũng muốn được thầy cô về nhà mình ăn Tết, vợ chồng anh vui lắm, đi chơi bản, xem mổ lợn, giã bánh giày… và thế là bao nỗi buồn tự dưng tan biến, Xuân cứ về ăm ắp như thế.

Thấy bà con bản không gói bánh chưng, để nhớ quê, anh cùng học sinh vào rừng lấy lá dong về gói bánh chưng. Bà con người Mông ở Tà Ghênh thấy thầy giáo gói thứ bánh lạ, cả bản xúm đến xem, vợ chồng anh vừa chỉ mọi người cách gói bánh, vừa kể về về truyền thuyết “bánh chưng, bánh giày” và giải thích vì sao ngày Tết người Việt ta lại gói bánh chưng là như thế. Nồi bánh chưng được bắc lên nấu giữa sân trường, lửa bập bùng, cả bản tập trung vây quanh hồi hộp chờ thời khắc bánh chín. Và từ Tết năm ấy, ngoài bánh giày truyền thống, bà con bản Mông ở Tà Ghênh có thêm bánh chưng xanh, cũng từ Xuân năm ấy bà con biết gói bánh chưng là như thế!.

 

Yêu học trò “đất lạ” thành quê hương

Cũng quê Tuyên Quang, năm 2004, cô giáo Hà Thị Hiếm chia tay gia đình lên Lai Châu công tác. Trước lúc lên xe ca, chị đã hứa với người yêu rằng, 3 năm nữa hoàn thành xong nghĩa vụ giáo viên vùng khó, chị mới về quê và đánh dấu sự chờ đợi với anh là một đám cưới. Cũng như bao thế hệ các giáo viên miền xuôi lên công tác, ngày đó, các giáo viên cắm bản, phần lớn ở nhờ nhà dân, vì chưa có nhà công vụ như bây giờ. Các thầy cô cắm bản, khoảng một tháng mới cuốc bộ ra bản trung tâm họp. Ngoài thời gian lên lớp, mỗi khi rảnh, cô dẫn trẻ con bản ra tắm, gội đầu, cắt móng tay, vệ sinh cá nhân, dạy tụi nhỏ kỹ năng sống… Cả bản ai cũng quý mến cô giáo trẻ lặn lội lên đây mang cái chữ về cho con em bản mình. Thế nên mỗi phiên chợ về, bà con phấn khởi lắm, ai cũng tìm mua một vài thứ quà tặng cô giáo.

Và thế là lời hứa với người yêu 3 năm về quê đã tắt lịm trong cô, “anh có yêu em thì lên đây với em” là thông điệp cô nhắn gửi người yêu. “Trời chẳng chịu đất, thì đất phải chịu trời”, vì tình yêu, anh đã quyết định theo cô lên lập nghiệp. Và giờ họ đã có một ngôi nhà nhỏ tại bản, cùng với đó, anh chị mở một sạp hàng tạp hóa gần Ủy ban xã Phìn Hồ để trao đổi, cung cấp hàng hóa cho bà con.

Ngược tỉnh lộ 129 lên công trời Làng Mô, khi hỏi chuyện về thầy cô giáo ở lại ăn tết với bà con, cả bản người Mông nơi đây hãnh diện lắm, họ thi nhau kể câu chuyện về chàng rể bản là thầy giáo. 5 năm trước, cả xã Làng Mô vui như ngày hội, vì kén được chàng rể miền xuôi là thầy giáo lên dạy chữ. Thầy giáo tốt duyên đó là Bùi Văn Hào, giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Làng Mô đã phải lòng cô sơn nữ  người Dao – Tẩn Quan Mẩy, (bản Nhiều Sáng).

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, thầy Hào quê Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), năm 2011, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, trong một chuyến anh lên Tây Bắc thăm chị họ, chính cảnh sắc và con người vùng cao có nhiều nét tương đồng với đồng bào Mường quê anh. Anh quyết định nộp hồ sơ tuyển dụng và câu chuyện làm rể người Dao xã Làng Mô như một duyên tiền định. Đồng bào Dao, Mông ở Làng Mô có tục ăn Tết sớm, khoảng 25 tháng Chạp, sau khi mời thầy cúng về nhà làm lễ trình báo với tổ tiên được ngày mổ lợn, gói bánh chưng đen. Hôm đó, Hào được học sinh mời về nhà ăn Tết sớm, bên bếp lửa bập bùng anh đã phải lòng đôi mắt như biết nói khi cứ “liếc trộm” mình. Cô là Tẩn Quan Mẩy, sinh viên năm cuối ngành Mầm non của Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu và là chị gái của học trò lớp Hào làm chủ nhiệm. Và mùa Xuân năm ấy Hào quyết ở lại “trồng cây si” tại bản người Dao. Nay thì hai người đã về một nhà, họ được gia đình vợ tạo điều kiện cất cho nếp nhà gần trường học để anh chị thuận tiện hơn công việc dạy học.

Những ngày cận tết, cô giáo Đỗ Thị Hải giáo viên Trường tiểu học xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường đang tất bật công việc lên lớp dặn dò các trò về bản ăn Tết với gia đình và nhớ không quên ra Giêng đi học đúng ngày. Được biết, cô Hải Quê ở Phủ Lý (Hà Nam), xuân này là năm thứ 22, cô Hải gắn bó với giáo dục vùng cao. Nhớ những ngày đầu bước chân lên Lai Châu công tác, cô được phân công về trường Tiểu học xã Mù Sang, là một trong những trường khó khăn bậc nhất khu vực phía bắc biên giới Phong Thổ (Lai Châu). Kỷ niệm đáng nhớ mãi đến giờ với cô Hải là ngày đầu dạy lớp 1, nhiều em cứ nhìn cô mắt tròn xoe, hỏi không nói một lời, thì ra nhiều em nhút nhát bởi tiếng phổ thông chưa sõi. Thế là cô vừa dạy chữ vừa dạy phát âm tiếng Việt.

Thanh xuân của các thầy, cô giáo xã Nùng Nàng là những ngày họp trường, thời đó ba cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) là một. Thời đó, các giáo viên cắm bản cả tháng, khi trường báo họp, thì lại kéo nhau ra trung tâm xã, nhộn nhịp lắm, cũng phải gần trăm con người, đa số là thanh niên trẻ, mỗi người một quê. Gặp nhau vui như hội, ăn chung, nghỉ chung tại nhà bà con. Có năm, nhiều giáo viên trẻ không về quê mà ở lại ăn Tết với bản: “Nhiều năm ăn Tết, biết bà con người Mông, người Dao chỉ biết làm bánh giày, bánh nếp đen, trộn từ tro cây màng tang. Vì nhớ quê, các thầy, cô vào rừng lấy lá dong gói bánh chưng. Bà con các bản thấy lạ, kéo đến xem đông lắm, vừa gói bánh, thầy, cô giải thích cho bà con về “truyền thuyết Lang Liêu”, về “sự tích bánh chưng, bánh dày” và cũng từ xuân ấy, bà con ở bản xa biết gói bánh chưng vào các ngày lễ Tết”, cô Hải chia sẻ.

…Còn rất nhiều những câu chuyện đẹp về chủ đề thầy cô giáo cắm bản, ăn tết với học sinh, với đồng bào. Biết rằng ở miền xuôi, thành phố, điều kiện môi trường giáo dục tốt hơn rất nhiều so với ở vùng cao. Nhưng bằng trái tim, sự nhiệt huyết tuổi trẻ, bám làng, bám bản vì một lý tưởng và mục đích cao cả, đó là sự nghiệp trồng người, là những “chuyến đò gieo chữ” trên miền đất khó.

HÀ MINH HƯNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.