“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”
(Chế Lan Viên – Tiếng hát con tàu)
Vùng văn hóa và vùng đất văn học
Trong sách Các vùng văn hóa Việt Nam (Chủ biên: Đinh Gia Khánh và Cù Huy Cận, Nxb Văn hóa dân tộc, 2018), các tác giả đã phân chia thành 9 “Vùng văn hóa” trên lãnh thổ Việt Nam: Vùng văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội; Vùng văn hóa đồng bằng miền Bắc; Vùng văn hóa Việt Bắc; Vùng văn hóa Tây Bắc; Vùng văn hóa Nghệ Tĩnh; Vùng văn hóa Thuận Hóa – Phú Xuân hay xứ Huế; Vùng văn hóa Nam Trung Bộ; Vùng văn hóa Tây nguyên; Vùng văn hóa đồng bằng miền Nam. Nhưng trong thực tế vẫn tồn tại nhưng “tiểu vùng văn hóa” khi nó chưa được xếp vào “vùng văn hóa” nào theo cách phân chia trên. Ví dụ, vẫn có sự thừa nhận có tính chất “tâm lí xuyên văn hóa” của “Văn hóa xứ Thanh”, “Văn hóa xứ Quảng”, “Văn hóa xứ Nẫu”. Cách phân chia trên dựa vào phương pháp “Địa – Văn hóa” đang được xem là một phương pháp hữu dụng và khả thi trong nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn hiện nay.
Vùng đất văn học (“Văn chương nết đất/ Thông minh tính trời” như Đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều) tất nhiên trước hết là “trời cho”, nhưng sau hết phải là “người cho”, theo phép biện chứng “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Trong tình hình hiện nay, ở đâu chính quyền quan tâm đến văn hóa, văn học nghệ thuật, ở đó có nhân tài – chân tài, ở đó “vùng đất văn học” sẽ có cơ đồ phát triển, thăng hoa.
Vùng Tây Bắc (gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái). Xét về “Địa – chính trị” và “Địa – văn hóa” thì Tây Bắc là một “không gian văn hóa xanh” tiềm năng vì lịch sử đã ghi dấu trong văn hóa truyền thống và hiện đại qua các giá trị có tính di sản từ cồng của người Mường đến xòe của người Thái truyền thống. Thời hiện đại, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tây Bắc là khởi nguồn cảm hứng của thi phẩm Tây Tiến (1949) – một tượng đài bằng thơ về người lính cách mạng của Quang Dũng, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – một tráng ca, khải hoàn ca chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của Tố Hữu, tiểu thuyết Người người lớp lớp của Trần Dần; trong âm nhạc các nhạc phẩm thuộc giai điệu tự hào Hò kéo pháo của Hoàng Vân, Đường qua Tây Bắc của Văn An và đặc biệt là Giải phóng Điện Biên của Đỗ Nhuận; bức tranh panorama về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã tôn vinh hội họa Việt Nam lên tầm thế giới khi tôn vinh Tây Bắc bằng nghệ thuật của màu sắc.
Trong phạm trù văn hóa Việt Nam, văn học đóng vai trỏ quan trọng nếu không nói là căn bản nhất. Quy luật của văn hóa quy định sự chấp nhận tương hỗ giữa cái khác biệt này với cái khác biệt khác, không có thứ bậc hay đẳng cấp, quan trọng hơn cả là cái tạo nên bản sắc và giá trị. Trong một nền văn hóa – văn học thống nhất của một quốc gia vẫn có thể cùng tồn tại, vẫn có thể cùng phát sáng các giá trị vùng miền, tộc người.
Tây Bắc – vùng đất văn học của tác giả và vùng đất văn học của công chúng
Nhân sự kiện ngày 27/4/2023, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học” thực sự đã chạm đến những vấn đề quan thiết và nhạy cảm hiện nay trong lĩnh vực sáng tác văn học. Các ý kiến được bàn thảo trong tọa đàm và lan tỏa ra ngoài sự kiện hết sức sôi nổi, nhiệt thành. Nhưng xem ra ít ý kiến đề cập đến các giải pháp căn cơ có tính chiến lược văn hóa, nặng về duy tình, đề cao “niềm tin chân thành” như một cứu cánh. Nếu như thế (chỉ cần đến “ niềm tin chân thành”), thì khó có thể tạo ra cái gọi là “vùng đất văn học”. Bởi “người ta là hoa của đất”. Cần những nhân tài (chân tài) văn học dẫn dắt để xác lập vùng đất văn học, những vùng đất này có ý nghĩa kép: vừa là quê hương sáng tác của nhà văn, vừa là vùng đất của công chúng văn học.
Nếu chúng ta nhớ lại sự kiện văn học đặc sắc khi truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được nhà văn Nguyễn Thành Long sáng tác năm 1971 do sự gắn bó và mách bảo của mảnh đất Lào Cai vừa xa vừa gần. Trong bài Trường hợp viết Lặng lẽ Sa Pa (in trong Sổ tay truyện ngắn, Vương Trí Nhàn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Tác phẩm mới, 1980), nhà văn thừa nhận Lào Cai đã trở nên như là quê hương văn học của mình, là nguồn cảm hứng để để viết những thiên truyện hay nhất về thiên nhiên và con người, tiêu biểu phải kể đến tập truyện Giữa trong xanh (1972). Nếu nói chính xác và công bằng thì nhà văn Nguyễn Thành Long là một trong những người đã khai mở một dòng chảy “văn học xanh” ngay trong chiến tranh tàn khốc và hủy diệt, sau này được giới nghiên cứu quan tâm và được xếp vào phạm trù “văn học sinh thái”. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là, sau nửa thế kỷ, Lào Cai mặc dù đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn vào loại nhất nhì trong cả nước, nhưng vẫn chưa trở thành vùng đất văn học như kỳ vọng của công chúng. Ở đây là vấn đề văn học tiệm tiến văn hóa trong quy luật phát triển bền vững của nó. Ý thức được điều này, Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai trong năm 2023 đã tổ chức “Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa”. Có chân trong Ban giám khảo (phần văn), tôi nhận thấy một kết quả tiềm năng của các giải thưởng là ở chỗ các tác giả đạt giải cao phần lớn ở các địa phương khác. Họ về với Sa Pa, họ sống với Sa Pa chứ không đến, không ngắm Sa Pa, đúng như câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Trong phần văn, các tác giả đạt giải cao là Tống Phước Bảo (Tp. Hồ Chí Minh), Lê Đình Trung (Thanh Hóa), Tống Ngọc Hân (Phú Thọ),… Trong bài viết Sa Pa không lặng lẽ (in tạp chí Phansipăng, Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, số 10 – 2023), chúng tôi đã chia sẻ với văn giới về niềm hy vọng thiêng liêng – Sa Pa, Lào Cai sẽ không chỉ là một địa chỉ du lịch nổi thiếng, mà còn là một điểm đến, một vùng đất văn học của công chúng cả nước với những tên tuổi quen thuộc như: Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Đoàn Hữu Nam, Hoàng Anh Tuấn, Mã Anh Quân,… đang góp công sức và tài năng kiến tạo nên một vùng văn học xanh, tieu biểu cho Tây Bắc xanh.
Nhân đây cũng phải nhắc đến những năm tháng đầu đời của anh thanh niên Đinh Trọng Đoàn đã lên Tây Bắc theo tiếng gọi của lý tưởng làm nghề “gieo chữ”, sau này trở thành nhà văn Ma Văn Kháng, chính trên mảnh đất Lào Cai, trong hơn hai chục năm trời (1955-1976), được tái hiện trung hành trong hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương và những cuốn tiểu thuyết đậm đặc hương sắc Tây Bắc, Lào Cai như Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Một mình một ngựa. Nhà văn Tống Ngọc Hân quê Phú Thọ nhưng lập nghiệp sinh kế và văn chương lại chính từ mảnh đất Lào Cai trong vai một thường dân áo ngắn lam lũ dựng cơ nghiệp gia đình bé mọn và lập thân chữ nghĩa. Đến nay chị hồi hương theo tinh thần cố hương, trở về nơi chôn nhau cắt rốn vì gia cảnh riêng. Mỗi lần gặp Tống Ngọc Hân, tôi cứ vân vi về việc chị lấy đâu ra thời gian và sức lực để viết văn (để bù trừ cho một cuộc sống vất vả nhiều gấp bội thuận lợi), chẳng khác gì cỗ máy có sức bền và công suất khác thường (!?). Nhà văn Đoàn Hữu Nam chính quê Hà Nam, trải nghiệm trong vai người lao động đích thực (công nhân cầu đường) đã bén rễ với đất Lào Cai và xây dựng được “thương hiệu” mạnh tại quê hương mới, khởi đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Những tiểu thuyết Tình rừng, Trên Đỉnh đèo giông gió, Thổ phỉ, Rễ người và nhiều tập thơ, trường ca, tập truyện ngắn đã vụt lên từ mảnh đất Lào Cai. Khi tác giả xuất bản tiểu thuyết Thổ phỉ, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã hạ một câu như đinh đóng cột “Chỉ cần một Thổ phỉ, Đoàn Hữu Nam đã hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhà văn”.
Chính sách văn hóa và kích cầu phát triển vùng đất văn học Tây Bắc
Trong chuyến đi tham gia Chương trình hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức (từ ngày 15- 21/4/2024), với tư cách khách mời, tôi càng thấm thía thực tiễn văn hóa, văn học nghệ thuật Tây Bắc qua trải nghiệm 7 ngày cùng 70 văn nghệ sĩ thuộc 10 Hội chuyên ngành Trung ương và các Hội VHNT địa phương cùng đồng hành. Tự rút ra một kết luận gần với sự thật tiệm tiến văn hóa sau chuyến công tác: Tây Bắc được gọi là “không gian xanh – thời gian xanh” song vẫn đang ở dạng thức tiềm năng, chưa phát huy hết nội lực do những yếu tố khách quan và chủ quan thuộc về các điều kiện nhân lực và vật lực. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một triết lý được nhiều người ưa thích và vận dụng “Trong tự nhiên, không phải loài thông minh, cũng không phải loài mạnh mà là loài biết thích nghi thì dễ tồn tại”. Đúng như thế trong lẽ sinh tồn theo thuyết hiện sinh. Nhưng trong lĩnh vực tinh thần, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật thì tình hình không hẳn trái ngược 180 độ mà là sự nhạy cảm của người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật, sự trung thành với lý tưởng sống và lý tưởng thẩm mỹ, như trường hợp nhạc sĩ – thi sĩ – họa sĩ Văn Cao (1923 -1995), tác giả Quốc ca, như là một bản mệnh của tài năng.
Bắt đầu từ Hòa Bình “Cửa ngõ Tây Bắc”, khi tiếp xúc với nhà thơ Lê Va (đương kim Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình) và nhà thơ Bùi Việt Phương (Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình), Ngọc Diệp (Biên tập Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình) đã thấy nhiều những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp theo kiểu “cái khó bó cái khôn”, khiến cho “cái khó ló cái khôn” khó phát huy. Đến Sơn La bỗng nhớ bạn văn Kiều Duy Khánh vừa gặp năm ngoái ở Trại viết của Bộ Công an tại thoành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Một con người nhiệt huyết như thể Hỏa diệm sơn trong sống và viết nhưng đôi khi dễ rơi vào tình thế “thất thủ” vì hoàn cảnh xa trung tâm văn hóa, lại thêm đôi khi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Về với thành phố Điện Biên Phủ gặp nhà văn trẻ Phan Đức Lộc (sĩ quan Công an tỉnh) với tham luận Văn học trẻ Điện Biên – Để vùng đất và trang viết gọi tên nhau đọc trong Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ – Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”. Cũng tại Hội thảo này tôi gặp lại Phùng Hải Yến – Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lai Châu (vốn là học viên viết văn, Trường VHNT Quân đội, nơi tôi từng lên lớp). Chị cùng góp tiếng nói trong Hội thảo bằng một tham luận rất trúng và đúng Cảm hứng thi ca từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nêu sự kiện này là tôi nhắm đến hai chữ “vùng đất” văn học. Rõ ràng Tây Bắc là một địa chỉ, cao hơn là một không gian văn hóa – văn học, nơi ứng vào câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du “Văn chương nết đất, thông minh tính trời” (Truyện Kiều).
Nếu tiếp tục cuộc viễn du lên Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, chắc tôi sẽ nung nấu cái ý nghĩ thường trực về lời răn dạy của cổ nhân, ý rằng muốn làm được điều gì tốt đẹp cũng phải cần có “thiên thời – địa lợi – nhân hòa”. Người theo chủ nghĩa lạc quan không tưởng thì cho rằng nay ta đã hội đủ ba điều kiện trên, cứ thế mà bay lên. Người bi quan chủ nghĩa thì nói chưa hội đủ nên cứ phải là là mặt đất. Tôi thì nghĩ, ta còn thiếu những chính sách văn hóa hợp lý, hợp tình để giúp các họat động tinh thần được kích thích triển nở theo cách trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng. Nói cách khác giản dị hơn: chúng ta không thiếu nhân lực mà thiếu vật lực. Phải chăng vật lực là các chính sách văn hóa – văn học được hiểu như là đường lối “Văn hóa soi đương cho quốc dân đi” được hiện thực hóa, thực tiễn hóa. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư chiến lược, là kiến tạo của cải tinh thần để dành, vì tột cùng văn hóa là con người. Sẽ có ai đó nói rằng, biết rồi khổ lắm nói mãi (!?). Tôi cứ hình dung một đội hình trẻ khỏe đầy hứa hẹn như: Bùi Việt Phương, Kiều Duy Khánh, Phan Đức Lộc, Phùng Hải Yến, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Hải Yến,…..nếu được tập hợp lại trong một cơ chế văn hóa phù hợp sẽ phát huy được tối ưu tiềm năng nhiều hơn nữa. Khi đó, sáng tác của họ sẽ vừa mang đậm dấu ấn Tây Bắc vừa hòa mạng quốc gia.
Tác giả bài viết nhỏ này đã từng tự hào về vùng văn hóa – vùng đất văn học Hà Tĩnh, nơi chôn nhau căt rốn của mình. Nơi từng phát tích ra những văn nhân lừng lẫy trong quá khứ và hiện tại như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch, Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận, Trương Chính… Nhưng hiện nay cũng không còn cái thế chủ động để “khoe” về quê mình nữa. Tuy vẫn còn nhiều nhà văn có tên tuổi, tuy vẫn được xem là một “vùng đất văn học” nhưng tinh thần tiếp biến văn hóa xem ra có phần giảm thiểu. Rõ ràng, ở đây có vấn đề quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, dường như chúng ta nghiêng về bảo tồn (lưu giữ) mà chưa quan tâm đúng mức đến phát triển (tiếp biến). Bởi vì thời hiện đại, vùng đất văn học phải gắn với vùng đất đọc văn học. Quy luật này không thể là độc quyền, không thể chỉ phát huy ở những trung tâm văn hóa lớn như Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh.
Trở lại vấn đề vùng đất văn học Tây Bắc trong tương lai gần và xa. Câu chuyện trung tâm và ngoại biên, trong lĩnh vực văn hóa và văn học nghệ thuật không như trong kinh tế và khoa học kỹ thuật. Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn vinh dự nhận Giải thưởng Nobel văn học (2012), vốn sinh ra ở một làng quê hẻo lành có tên Cao Mật, thuộc tỉnh Sơn Đông. Sau này trong bất cứ cơ hội viết hay nói nào ông đều cảm ơn cái làng quê bé nhỏ, hẻo lánh, nghèo nàn nơi sinh ra mình. Cái làng Cao Mật ấy chính là một “thung thổ văn hóa” hay là một “sinh quyển văn hóa” của nhà văn tài danh Mạc Ngôn. Trên văn đàn Việt Nam mấy thập kỷ đầu của thế kỷ 21, Nguyễn Ngọc Tư là một tên tuổi nổi trội, vốn xuất thân từ vùng sâu vùng xa – Cà Mau, cực nam Tổ quốc. Thiết nghĩ, các nhà văn đang sống và viết ở vùng sâu, vùng xa cứ yên tâm sống với quê hương bản quán của mình, công việc thường nhật trong kế sinh nhai của mình. Nhưng không nên yên tâm về vốn văn hóa của mình. Bởi vì văn hóa là căn đế, nền tảng, chân tủy, hồn cốt của văn học. Có đủ văn hóa nhà văn mới đi xa được. Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân có đề ra một công thức cho người viết văn mà ông gọi là nghề chữ, gói gọn trong ba chữ “đi – đọc – viết”. Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thực hành không đơn giản, thậm chí khó khó khăn gấp bội, khác nào vượt vũ môn.
Trong sáng tác văn học có một quy luật “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Những nhà văn đang sống và viết thuộc “không gian – thời gian xanh” Tây Bắc, tôi nghĩ, họ sẽ từng giờ từng phút, cúi sát xuống mặt đất nơi mình sinh ra hay tự nguyện gắn bó, lắng nghe thật kỹ càng tới mức thấu thị hơi thở của sự sống chẳng bao giờ chán nản. Phương châm Sống rồi mới viết thoạt nghe như một công thức. Nhưng đó là cách nhà văn bấu chặt lấy đời sống để viết nên những trang văn thấm đẫm mồ hôi, có cả nước mắt, có cả nụ cười của của người nghệ sĩ ngôn từ đích thực.
BÙI VIỆT THẮNG