Sự tích món ăn “Gà tỏi” ngày tết của người Pu Nả

 

Tết đến ở nhà người Pu Nả (một nhánh của dân tộc Giáy sinh sống tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu), gia đình nào cũng mổ lợn. Dù lợn to hay nhỏ cũng phải mổ một con để có thịt cúng tổ tiên vào sáng ngày mùng một. Riêng bộ lòng, phèo, tim gan thì để cúng vào sáng ngày mùng hai. Đặc biệt, thủ lợn dành để cúng tổ tiên vào ngày mùng ba, trước khi tổ tiên về trần gian, nên mùng ba cúng xong là phải “hóa vàng”. Bởi thế, đón tết, gia đình nào cũng chuẩn bị nuôi lợn tết từ rất sớm. Có gia đình chưa mổ lợn tết năm nay đã phải lo nuôi lợn tết dành để năm sau.

Các gia đình thường mổ lợn tết vào ngày 27 – 28 tháng chạp. Thịt lợn tết người Pu Nả không bao giờ bán mà chỉ để ướp và hun khói dành ăn quanh năm. Còn phong tục đón xuân của người Pu Nả, sau bữa tết tất niên chiều 30 tết, từ 8 giờ tối, các gia đình đều tổ chức cho con cháu đi ra cánh đồng hoặc một bãi bằng nào đó ở cạnh bản đón xuân. Sau khi đón tổ tiên về đến nhà, công việc trước tiên là thắp hương rồi mổ từ 1 – 2 con gà, mỗi con từ 1,5kg trở lên để cúng tổ tiên. Sau khi cúng xong, bộ lòng gà được thái, xếp vào đĩa rồi bày vào mâm, cả nhà ngồi uống rượu cả đêm. Người Pu Nả có câu:

Cân mầy láo giảng láo

Giảng pận páo hảm đeo.

Nghĩa là:

Ăn không nhiều ngồi lâu

Thức cùng tỏ một đêm.

Gà mổ để cúng tổ tiên từ đêm 30 tết, đến đêm ngày mùng 2 rạng sáng ngày mùng 3 thì chế biến thành món “Gà tỏi” để cúng tổ tiên trước khi tổ tiên trở về trên trần gian. Gia vị để chế biến món ăn gà tỏi gồm: cây tỏi tươi cả củ và lá. Cách chế biến món ăn như sau: Nếu chế biến từ con gà mổ cúng từ đêm 30 tết thì trước khi chế biến cho con gà đó bỏ vào chõ đồ cơm, đồ cùng với cơm. Đến khi cơm chín thì bỏ con gà ra treo để nguội và ráo nước. Còn nếu chế biến từ con gà mới mổ thì sau khi luộc gà chín cũng đem treo để ráo nước thì mới đem ra lọc xương, Khi băm thì xương băm riêng, thịt băm riêng, khi băm xong trộn kỹ với tỏi đã thái nhỏ và hạt tiêu rồi nện chặt vào đĩa, sẽ được món ăn “Gà tỏi” có mùi thơm và hợp khẩu vị với mọi đối tượng.

Sự tích món ăn Gà tỏi được kể như sau: Ngày xửa, ngày xưa, vùng người Pu Nả sinh sống, có rất nhiều hộ nghèo, trong đó, có một gia đình quá nghèo khổ. Ngày Tết, cơm cũng không có ăn, quần áo cho con mặc Tết cũng không có tiền mua, cả nhà chỉ có một con gà mái đang đẻ trứng. Nhưng ngày Tết không gì để cúng tổ tiên là không được. Đêm 30 Tết, hai vợ chồng bàn nhau: Bây giờ nhà ta không có thứ gì để cúng tổ tiên thì làm thế nào? Suy nghĩ một lúc thì người vợ nói: Trong nhà ta hiện nay chỉ còn con gà mái đang đẻ trứng. Dù nó đang đẻ, nhưng có lễ ta phải bắt nó về mổ để cúng tổ tiên trước, sau Tết sẽ tìm con khác nuôi cũng được. Thấy vợ nói cũng phải. Chồng liền đi bắt con gà mái để về mổ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ ngoài con gà ra không có gì bày thêm để thờ.

 

Chú thích ảnh: Món “Gà tỏi” của người Pu Nả.

Gà mổ từ đêm 30 Tết cúng đến sáng ngày mùng ba thì mới chế biến thành món “Gà tỏi”, đẻ cúng tổ tiên trước lúc trở về trên trần gian. Sáng mùng ba tết cúng tổ tiên từ 1 – 3 giờ sáng (chờ gà gáy thì mới tiễn). Ngày xưa không có đồng hồ nên quan niệm của dân là tiếng gà gáy mới sang ngày mới. Sáng ngày mùng 3 Tết, các gia đình đều tổ chức hóa vàng để tiễn tổ tiên trở về trần gian. Trên đường trở về trần gian, tổ tiên của các gia đình đã bàn thống nhất với nhau trước. Sáng mùng 3 đến ngã rẽ trước đều phải nghỉ lại đợi nhau, đợi cả bản đến đông đủ rồi mới lên đường đi tiếp. Nếu người đi trước, người đi sau thì sợ gặp kẻ cướp đường. Trong khi chờ đợi thì tổ tiên của các gia đình hỏi nhau khi về với con cháu ăn Tết, con cháu cho ăn những món gì? Con cháu mổ lợn Tết có to không? Có nhiều món ăn ngon không?… Tổ tiên nhà giầu kể trước: Con cháu nhà tôi mổ con lợn phải hơn một tạ và chế biến nhiều món ăn rất ngon. Ngày nào cũng được ăn thịt lợn, thịt gà. Có rất nhiều loại bánh ngon như: bánh bỏng, bánh khảo, bánh giầy… Tổ tiên các gia đình lần lượt kể cho nhau nghe về các món ăn ngày tết của mỗi gia đình. Cuối cùng đến tổ tiên nhà nghèo kể: Con cháu gia đình tôi nghèo lắm, không như gia đình của các ông đâu. Tết quần áo các cháu cũng không có mặc, lợn cũng không có mổ, các loại bánh cũng không có gạo để làm, mà trong nhà chỉ còn mỗi con gà mái đẻ, con cháu đem ra mổ cho tôi ăn. Trong những ngày Tết, con cháu chỉ có một con gà luộc đi, luộc lại. Đến sáng mùng 3 Tết thì con cháu mới đem con gà ra băm rồi trộn với tỏi cho tôi ăn mới có mùi thơm như vậy thôi, chứ không phải có nhiều món ăn sang như nhà các ông kể đâu.

Khi nghe tổ tiên nhà nghèo kể xong, ai cũng ngỡ ngàng. Thảo nào, mồm ông có mùi thơm đặc biệt thế, chúng tôi tưởng con cháu nhà ông có nhiều món ăn sang lắm đấy.

Nghe xong tổ tiên nhà nào cũng nói, sang năm đến ăn tết với con cháu, nhất thiết phải bảo con cháu chế biến món này cho ăn mới được. Từ đó ngày tết người Pu Nả dù mổ lợn to, nhiều món ăn sang nhưng cũng không thiếu được món ăn gà tỏi vào sáng ngày mùng 3, có mùi thơm khác với các món ăn khác. Món ăn “Gà tỏi” trở thành món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực cũng như Tết cổ truyền của người Pu Nả.

LÒ VĂN CHIẾN

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.