Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Quốc khánh mùng 2/9 hằng năm, bà con các dân tộc Lai Châu lại váy áo xốn xang xuống núi đổ về trung tâm huyện tham gia các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian và thể hiện những làn điệu dân ca dân vũ truyền thống.
Quê mới vui ngày hội
Chúng tôi về huyện Nậm Nhùn dự ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc; đường vào bản Nậm Hàng (thị trấn Nậm Nhùn) – nơi diễn ra sự kiện ngày hội hôm nay rực rỡ cờ, phướn, băng zôn. Trưởng bản Nậm Hàng Lý Văn Hoài hôm nay vui lắm, ông và bà con đã chờ ngày này gần một năm rồi khi cái tin bản mình được chọn tổ chức sự kiện Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Nhùn lần thứ VII/2019: “Cứ chiều chiều bản ta tấp nập lắm, các cụ thì hăng say với môn bóng chuyền hơi, môn thể thao giành cho người cao tuổi lần đầu tiên được tổ chức trong ngày hội. Tối đến, mọi người tập trung ở nhà văn hóa xem đội văn nghệ bản luyện tập. Tuy Nậm Nhùn đang trong thời kỳ xây dựng, mọi thứ vẫn ngổn ngang bề bộn, nhưng không khí ngày hội đã về đến thôn bản cả tháng nay rồi” – Trưởng bản Lý Văn Hoài chia sẻ.
Đàn tính, hát then – loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo tại không gian văn hóa Thái xã Mường Cang (huyện Than Uyên) thu hút nhiều du khách tới xem.
Già bản Lý A Thề (65 tuổi) – xã Nậm Manh bước về trung tâm lễ hội, theo sau ông là những chàng trai cô gái người Mông, Khơ Mú xúng xính trong trang phục truyền thống. Cũng như mọi năm đây là năm thứ bảy già bản Lý A Thề xuống núi cùng cây khèn to bè trên vai. Ngày hội năm nay, ông tham dự tiết mục múa khèn Mông độc đáo góp vui trong đêm khai mạc. Khèn là một nhạc cụ truyền thống – niềm kiêu hãnh của bất cứ người đàn ông người Mông nào trưởng thành trước khi biết nói lời yêu. Tiếng khèn là tiếng lòng, tâm tình gửi trao lời yêu. Nhờ nó mà hơn 40 năm trước A Thề đẵ “bắt được” người con gái mình thương về nhà trình bố mẹ, giờ thì ăn đời ở kiếp, nay có với nhau, những 6 mặt con, 15 đứa cháu.
Có lẽ người tất bật nhất trước thềm ngày hội chính là nhạc sĩ Vũ Duy Thường – cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, lúc thì anh nhập vai, diễn mẫu, khi lại thấy anh trong vai tổng đạo diễn, biên kịch… vai nào anh cũng say sưa truyền tải đến anh chị em diễn viên quần chúng bằng lòng nhiệt huyết người người làm văn hóa.
Đêm khai mạc ngày hội, bà con người Mông, Hà Nhì, Khơ Mú, La Hủ, Cống ai cũng rực rỡ trong trang phục truyền thống. Mọi người kéo về đêm hội mỗi lúc một đông để thưởng thức hoạt cảnh mở đầu trong đêm khai mạc ngày hội. Mở màn chương trình văn nghệ với chủ đề “Nậm Nhùn ánh sáng vùng biên cương”. Sân khấu uy nghi trong phần tái hiện hình ảnh Vua Lê Thái Tổ cùng ba quân tướng sĩ ngược Đà giang lên vùng Tây Bắc dẹp loạn phản nghịch Kha Lại, Đèo Cát Hãn. Để ghi nhớ sự kiện này, sau khi dẹp loạn xong vùng Tây Bắc, trên đường trở về, Lê Lợi đã khắc bài thơ lên vách núi Pú Huổi Chỏ bên bờ bắc sông Đà (địa phận xã Lê Lợi ngày nay) như khẳng định chủ quyền, đánh dấu Quốc giới, đồng thời là bài học răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên giới phương Bắc. Năm 2009, thực hiện chương trình di dân Thủy điện Sơn La, văn bia ấy nằm trong vùng ngập. Năm 2012 phần vách núi có khắc bài thơ được dời chuyển đưa về bản Chang (xã Lê Lợi). Và năm 2018 bia Lê Lợi được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, đồng thời khu lưu niệm đền thờ vua Lê Lợi được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trong đêm hội chúng tôi gặp cụ Lò Văn Vân, bản Chang (xã Lê Lợi), năm nay ông bước sang tuổi bát tuần, nhưng hễ có sự kiện gì của xã, huyện là cái tai ông thính lắm. Từ sáng ông đã bắt con cháu đưa ra khu tổ chức lễ hội. Ông chăm chú xem các đoàn biểu diễn. Không giấu được niềm vui, ông Vân nói: “Hôm nay xem lại phần chào mừng văn nghệ, già này vui và hãnh diện là người con của vùng đất mang tên vị anh hùng dân tộc. Từ khi văn bia công nhận là Bảo vật quốc gia và đưa về khu đền thờ Lê Lợi tại bản Chang, hàng ngày già vẫn lui tới và không quên căn dặn con cháu trong bản phải năng bảo tồn, chăm sóc khu di tích lịch sử là tự hào, hãnh diện của bà con xã Lê Lợi cũng như đồng bào Lai Châu. Nghe con cháu bảo sắp tới, xã Lê Lợi sẽ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thu hút khách thập phương về thăm quan”.
Than Uyên vui tết “Độc lập”
Có người nói Ngày hội văn hóa các dân tộc là ngày vui chung chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, mừng tết “Độc lập”. Nhưng khi nhắc tết “Độc lập” mọi người lại nhớ về Than Uyên, nơi có địa danh bản Lướt (Mường Kim), cái nôi Cách mạng, nơi Ban cán sự Đảng tỉnh Lai Châu ra đời. Bởi ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Than Uyên đã có từ lâu, bà con nơi đây vẫn quen gọi tết “Độc lập”. Ngày hội không chỉ thu hút bà con trong huyện mà đồng bào Mông của các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La cũng về chung vui.
Năm nay ngoài 12 gian trại văn hóa của các xã, thị trấn, khu vực bờ hồ tấp nập hơn cả với 12 gian chợ vùng cao với những mặt hàng, ẩm thực phong phú giới thiệu các sản vật của đất và người Than Uyên. Tại gian hàng xã Mường Cang, du khách quây kín để thưởng lãm những vật dụng thổ cẩm của đồng bào Thái. Du khách tận tay vê những hạt gạo Séng Cù, thưởng thức rượu men lá, cá suối nướng…. Thế nên ai đã ghé thăm gian hàng, cũng phải mua bằng được một sản phẩm mang về, chí ít cũng một món quà lưu niệm về tặng người thân.
Ngoài các gian trại văn hóa, các gian chợ vùng cao, thi ẩm thực, thể thao dân tộc, ngày hội năm nay có thêm đua thuyền đuôi én. Và đặc biệt là hai không gian văn hóa độc đáo của đồng bào Thái các xã: Mường Cang, Mường Than, Mường Kim, Ta Gia và đồng bào Mông ở xã: Tà Mung, Tà Hừa, Khoen On.
Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh Vua Lê Thái Tổ lên Tây Bắc dẹp loạn và đánh dấu chủ quyền trên vách núi sông Đà.
Có mặt từ rất sớm, gia đình anh Vàng A Mềnh – xã Ta Gia đã nhanh chân ghé vào hàng thắng cố, trên tay anh cầm vò rượu quả bầu, rót ra chén tợp một ngụm khà ngon lành cùng nước dùng thắng cố bốc khói nghi ngút. Anh chia sẻ: “Một năm lao động với đồng bào người Mông ngoài tết cổ truyền thì ngày 2/9 hàng năm là cái tết to – tết “Độc lập”. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tết Độc lập mình đều sắp xếp công việc đưa gia đình xuống huyện chung vui với bà con. Ngoài việc đi chơi, ăn thắng cố, mua sắm quần áo cho vợ con, mình còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem múa hát, gặp gỡ mọi người thấy vui và ý nghĩa. Tết Độc lập năm nay bản mình ai cũng vui vì biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi con con lợn, con dê không bị dịch, trồng nhiều lúa, nhiều ngô hơn, đời sống đổi thay nhiều, đường sá thuận tiện hơn nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới…”.
Ngày hội không chỉ không chỉ dành riêng cho đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên mà rất đông bà con các huyện lân cận cũng tìm về đây chung vui và đã từ lâu họ coi đây như chính ngày hội của dân tộc mình. Chúng tôi dừng chân tại sạp hàng của chị Vàng Thị Mẩy ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai). Năm nào cũng vậy cận ngày Quốc khánh, bận rộn đến mấy chị cũng thu xếp về đây từ hôm trước bày bán những mặt hàng thổ cẩm, vui hơn nữa là để gặp gỡ bà con dân tộc mình.
Du khách về dự ngày hội tập trung đông ở không gian văn hóa Thái và không gian văn hóa Mông, mọi người cùng hòa vào nhịp điệu trong các màn dân ca, dân vũ của các chàng trai cô gái Mông, Thái. Phần làm cho du khách chăm chú nhất là xem các nghệ nhân tái hiện các nghi lễ truyền thống dân tộc. Năm nay nghệ nhân Lò Văn Sơi cùng Câu lạc bộ đàn tính – hát then của xã Mường Cang sẽ trình diễn hát then – đàn tính và tái hiện một số nghi lễ truyền thống của đồng bào Thái từ xa xưa ở Mường Cang.
Ông Trần Quang Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Với bà con ở huyện Than Uyên, Ngày hội văn hóa hay còn gọi là tết “Độc lập”. Đây là dịp để người dân nhớ ơn Đảng, Bác Hồ bao năm bôn ba tìm đường cứu nước để có ngày độc lập dân tộc, ngày 2/9. Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Than Uyên lần thứ VIII năm 2019 không chỉ là nơi giao lưu thi đấu các môn thể thao mà còn là dịp để huyện giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội cũng như giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Hà Minh Hưng