Mo Chứ cầm ba que hương đã châm, đo lên, đo xuống bằng ba ngón tay giữa, liên tục đổi hai tay, rồi phán:
– Có săn được đấy! Nhưng… Có khi phải ăn thịt thú nhà thôi quá!
Cánh thợ săn chẳng tin lắm lời phán bâng quơ của mo. Nhưng không ai thèm cãi với ông mo mù; vì hội săn năm nào chả ngả được vài con, khi là lợn lòi, khi con gấu, con hươu, con nai, thậm chí cả hổ.
Lần đó, cánh thợ săn rượt đuổi theo một con lợn độc. Vết chân của nó to bè như móng con bò đực.
Chẳng hiểu sao lần đó con thú cứ ra sức trêu ngươi các thợ săn. Cánh thợ săn đã bố trí tốp thì đuổi, tốp thì đón lõng, đặt cả bẫy dây, chông chìm, công treo, thế mà nó cứ như một cái bóng ma biến hút chỗ này, hiện ra chỗ khác. Khi cánh thợ săn sục vào khe núi thì nó lại xuất hiện lừng lững mãi trên sống núi sau lưng. Cánh thợ săn giằng giật qua vạt đùm đũm nhằng nhịt trở lại đến nơi thì nó đã vượt suối dưới thung lụng sâu và đứng hiên ngang phía sườn núi đối diện bên kia, ngẩng dầu ngạo nghễ nhìn xuống cuối trời như không có chuyện gì xảy ra. Loanh quanh đến khi mặt trời lặn thì con thú biến mất. những con chó tinh khôn đến thế, cần mẫn đến thế mà cũng đành khựng cả lại, vươn cổ lên trời sủa vu vơ. Nòi chó săn, khi mà chúng cất tiếng “sủa trăng”, là chả còn tích sự gì nữa.
Bà Xông đang rửa chảo chuẩn bị cho bữa chiều, thì có báng đen lừng lững chắn ngang ở của chính, làm cho căn nhà tối sầm lại. Đó là một con lợn lòi, to như con nghé. Con lợn không có vẻ gì hung hăng, dữ tợn, mà hình như nó đang cầu cứu. Qua giây lát lưỡng lự, không ngần ngại, bà Xông đẩy con lợn vào buồng, vơ vội đống chăn, áo váy chùm lên. Con thú nằm im thít. Bà Xông khóa kín cửa. Không ai tự tiện vào buồng của bà chủ, và buồng đã khóa, nghĩa là không ai được xâm phạm. Đó là điều kiêng cữ.
Tốp thợ săn đi đầu xuất hiện ở ngoài hiên cùng với tiếng bàn luận:
– Không thể tin được thú rừng lại có thể ngang nhiên đi vào làng! Càng không thể tin nổi nếu nó vào nhà ai đó!
– Nhưng rõ ràng bóng nó vừa thấp thoáng ở đây!
– Không lẽ nó lại có cánh?
– Hay… nó là… thần thú rừng? Chạm nọc nó là gay đấy!
– Hừ! Nói bậy! Nó là con lợn lòi! Hôm nọ, nó về đằm vũng nước ở trên sống núi, rồi phá nương ngô của tôi. Tôi đã suýt bắn trúng. Tôi đánh cuộc là nó!
– Cứ thử hỏi bà Xông xem!
Bà Xông đang thoăn thoắt việc bếp núc như không hề có chuyện gì. Không nhìn cánh thợ săn, bà thủng thẳng:
– Lợn lòi thì ở rừng chứ! Ai đời đi săn trong nhà người ta bao giờ! Sao lại có chuyện lạ đời thế? Có hút thuốc thì mang điếu ra ngoài mà hút. Chớ có để bã thuốc làm bẩn nhà người ta,
Lão Chùng, người vốn bẳn tính, chưa hề cho ai vay mượn bao giờ, từ đôi đũa, chiếc kim, sợi chỉ, cho đến bát ngô, ống thóc – vênh cằm lên:
– Hử? Bà giấu con lợn lòi của chúng tôi trong buồng phỏng? Tôi là tôi biết thừa. Nó là của chúng tôi, của cả làng đấy! Bà mà không nộp ra, chúng tôi sẽ lột con lợn cái còi kia để nhắm cho bõ những ngày mệt nhọc đấy!
Cánh thợ săn đã tụ tập khá đông. Tuy không tin có cái chuyện lạ đời ấy, nhưng vì đang háo hức, nên có người cũng góp lời đưa đẩy. Họ biết lão Chùng chỉ buông lời đùa ác.
– Ố ồ! Nó biến thành con lợn nhà để lừa chúng ta rồi!
Chỉ riêng bà Xông nghe rõ tiếng cựa quậy thật khẽ trong buồng. Chẳng nói chẳng rằng, bà Xông lừ lừ ra tháo dây con lợn sề gầy nhom như cóc kẹ buộc ở góc nhà, rồi chằng một đầu dây vào tay lão Chùng.
– Đây! Đây là con lợn lòi mà các người đang săn đó! Các người sẽ phải mang những lời độc địa của các ngươi xuống mồ.
Lão Chùng giật nảy tay như phải bỏng. Nhưng rồi lão chuyển đầu dây cho người đứng cạnh. Lão rút dao bên sườn ra, liếc liếc trong tay.
– Có thế chứ! Bà là người tốt bụng nhất đấy! – Lão cười hì hì – Dù sao, chúng ta cũng phải được trả công cho những ngày ròng rã mỏi cả chân tay, nhọc cả người, rách cả quần áo. Ta cứ ngả thịt “con lợn lòi” này thôi, anh em ơi!
Con lượn sề mọi khi hiền khô như một mô đá. Thế mà giờ nó hộc lên, đồng thời chồm thẳng vào lão Chùng. Đang tiện tay dao, lão chọc thẳng vào cổ con lợn. Con dao ngập đến tận chuôi. Lặng đi giây lát, lão hét:
– Lấy chậu hứng tiết! Nhanh lên!
Mọi người khá nhanh chân, chạy ngang vào trong nhà, mang ra cái chậu gỗ. Lão Chùng hô mọi người mỗi chân, mỗi tay giữ con lợn. Khi con lợn chỉ còn là cái xác đen xì, lão mới phân bua:
– Tôi… tôi không có ý định làm thế! Chẳng hiểu sao nó lại xông vào tôi. Thế là nó chịu thế mạng cho con lợn lòi thật! Cơ sự thế này rồi, tôi xin lỗi bà Xông nhá!
– Ông nói dễ nghe quá! Giết lợn người ta, rồi xin lỗi. Thật quá dễ! Không biết chừng ông châm lửa đốt nhà người ta xong, ông mới nhỏ nước mắt mà xin lỗi. Bức hại người ta được, ông bảo ông không có lỗi gì, lỗi là tại người ta kia! Cái mồm đầy máu tươi của ông, trời đất đâu có dụng tha…
– Ôi dào! Sẩy chân, sẩy tay thôi mà! Bà thông cảm, bỏ quá cho tôi!
Một người lên tiếng:
– Ồ, đây là cái khước thánh thần cho thôi mà! Chúng ta cứ xẻ thịt, chia đều cho mọi người đã góp công cùng săn, rồi chúng ta sẽ cùng đền bù cho bà Xông thôi! Hãy mang vật phẩm của các thánh thần về nhà cho vợ con mừng cái đã. Việc đền bù, chúng ta sẽ thảo luận sau! Thông cảm, bà Xông nhá!
Miệng nói tay làm, ông ta cùng với lão Chùng phanh con lợn ra, chia đều cho mọi người có mặt, có công, kể cả gan, phổi, dù mỗi phần có thể chỉ bằng cái móng tay. Bộ lòng được làm qua loa cũng chia đều.
Mọi người râm ran tản dần. Bà Xông ra dọn dẹp, thì thấy một phần thịt, và nguyên cả quả tim treo ở vách liếp.
Ngôi nhà trở lại im ắng. Bà Xông mở cửa buồng. Con lợn lòi lặng lẽ đi ra. Nó đánh hơi về hướng đông, hướng nam, rồi nó đủng đỉnh đi khuất vào rừng cây, nhằm hướng những ngọn núi nhọn hoắt phía tây xa mờ mà đi.
***
Tiết trời chuyển dần sang mùa đông.
Chốc chốc, bà Xông lại nhúng cây bút vẽ vào chảo sáp ong đang nóng chảy rồi cặm cụi vẽ lên vải. Đống vải người làng gần, làng xa mang đến thuê bà vẽ đã chồng cao đến cổ. Cả vùng Trông Jê người ta đều nhờ vả bà chứ không nhờ ai khác. Màn sương quây kín cả một vùng núi, nên bà phải bưng đống đồ của mình ra ngoài hiên làm cho sáng hơn. Vừa làm, bà vừa nghĩ đến thằng cháu trai. Nó mười bốn tuổi mà đã ra dáng trai tráng. Dòng dõi nhà bà người người đều to, cao, lực lưỡng, tóc xoăn sóng ánh màu xà cừ, mắt sáng xanh. Lẽ ra nó phải được đi học hành cho thành người thư sinh. Đằng này nó phải theo bố nó vào rừng xẻ gỗ, đốt than. Giá như nó đi học, nó sẽ thành chàng Si Nang, chàng Tùng Flei, chàng Nù Giáo… trong cổ tích… Mà rồi không biết bà còn kịp nhìn nó lấy vợ không. Bà lẩm nhẩm tính theo từng nét vẽ: Thế là tuổi bà đã tám vòng con khỉ rồi! Nghĩ đến đó, tay bà bỗng lạnh cóng. Bà cời cho ngọn lửa trong mành chảo vỡ cháy bùng lên để hơ tay. Giờ này con dâu và cháu gái bà sắp về. Mẹ con nó đi làm nương chàm ở trên rừng…
Hình như có bóng ai thấp thoáng ngoài bờ rào. Bà Xông cầm bút lên, rồi lại đặt bút xuống.
– Ai đấy? – Vào nhà sưởi lửa, hút thuốc đi! – Giọng bà vẫn vang, ròn với ngữ điệu tha thiết.
Có hai con thú lững thững đi vào. Đi trước là con lợn lòi năm xưa bà đã giấu cánh thợ săn trong buồng. Bà không thể không nhận ra ngay. Theo sau, là một con đười ươi cái vú lép chảy sệ xuống bụng. Hai con thú không có vẻ gì hung dữ. Chúng dừng bên bếp lửa dưới mái hiên cùng bà Xông. Bà kéo ghế cho con đười ươi ngồi. Nó bắt chước y hệt bà, giơ hai cánh tay dài ngoẵng đầy lông ra hơ trên ngọn lửa. Con lợn lòi thì nằm ệp xuống, mắt nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang cháy bập bùng. Một lúc sau, chừng như đã ấm, con lợn lòi đứng dậy, đi một vòng quanh nhà. Con đười ươi đăm chiêu nghĩ ngợi, mắt chăm chú nhìn tàn hoa lửa nổ lép bép.
Bà Xông nói với con đười ươi, và cũng là nói với chính mình
– Năm nay rét lắm đấy! Băng, tuyết sẽ về!
Nói rồi, bà vào nhà, mang ra một nải chuối hột, quả nào quả nấy to như cánh tay trẻ con, mặt trong còn vàng đuộm, mặt ngoài đã thâm đen, có quả đã chảy mật thơm lừng, và một bọc xôi ngô nếp, đưa cho con đười ươi, vừa đưa tay ra hiệu mời hai con thú cùng ăn. Biết rõ giữa người và thú không còn ngăn cách, bà xẻ mỗi thứ làm đôi. Quả nhiên, hai con thú cùng ăn xôi với chuối một cách ngon lành.
Ăn xong, con đười ươi nhe răng cười, rồi phẩy tay về phía những ngọn núi xa mờ ở phía tây. Con lợn lòi đi trước. Con đười ươi theo sau. Không vội vã, bóng chúng từ từ mất hút vào trong rừng lau um tùm.
Bà Xông tần ngần đứng nhìn theo mãi.
Nghe nói, từ đó nhà bà Xông cứ ăn nên làm ra. Một cây ngô đeo trĩu những ba, bốn bắp. Lúa ở ruộng, ở nương bông cứ đều tăm tắp. Cây trồng, hoa mầu của bà không hề có gió quẩn làm đổ, không hề có mưa đá làm giập. Vài năm sau, con, cháu bà đã cơi nới được ngôi nhà chín gian, đủ chỗ cho cả làng ăn cỗ. Lợn, gà, dê,… thì nhiều vô kể. Ai có việc, cần mua, đổi, bà đều cho không. Trâu, bò, ngựa nhà bà cứ mặc nhiên sinh sôi, nảy nở hàng đàn. Con cháu bà ai cũng khỏe mạnh, không biết ốm đau là gì, và ai cũng biết, thuộc đủ các lý lối. Nhà ai có công to, việc lớn, như đám cưới, đám ma họ đều mời con cháu bà làm thày kèn, thày trống, cầm đầu hát những bài ca chỉ đường dẫn lối. Những công việc như thế cứ tuần tự theo khuôn phép từ đầu cho đến kết thúc. Cháu trai của bà, tầm mười chín, hai mươi tuổi, tiếng tăm đã lẫy lừng cả jào trên, jào dưới, khắp mường đông, mường tây.
Cuộc sống cứ đầy đủ, phương trưởng như thế trôi đi. Con cái bà đã sống hết tuổi thọ. Còn bà thì vẫn nhuộm chàm, vẽ sáp, vẫn sừng sững như cây cổ thụ sống trên núi đá.
Sống đã quá lâu, không nhớ nổi mình bao nhiêu tuổi nữa. Một hôm, bà tắm rửa bằng nước các cây lá thuốc thơm. Xong đâu đấy, bà đứng nhìn về hướng những ngọn núi tua tủa xa mờ phía tây, hai tay chắp trước ngực, miệng lẩm bẩm cầu khấn. Sau đó, bà từ từ nằm vào cái xăng gỗ thông đã bào thật nhẵn, lắp mộng thật khít, được con cháu đóng sẵn cho từ lâu, rồi bảo cháu, chắt, chít đắp lên mình những tấm chăn thuê, vẽ sáp mới toanh còn thơm mùi chàm. Bà nhắm mắt lại, hơi thở yếu dần, yếu dần.
Mã A Lềnh