Sưởi dần tỉnh lại. Khó khăn lắm mới mở được đôi mắt. Đặc quánh một màu đen. Màn đêm như một khối đá khổng lồ đè xuống người Sưởi. Cố nhúc nhích mà đành bất lực. Toàn thân đau ê ẩm, đến thở cũng khó khăn. Xa xa vẳng lại những tiếng hú gọi. Muốn cất tiếng đáp lại mà không sao cất thành tiếng. Mình đang ở đâu thế này? Cố nén đau, Sưởi nằm im cố nhớ lại.
Máy bay đột ngột xuất hiện phía dãy núi Song Pe đúng lúc vợ chồng Sưởi đang cùng bà con trong bản và đội thanh niên xung phong san sửa lại nốt đoạn đường hư hỏng. Rồi tiếng bom, tiếng đất đá bị cày xới bay mù mịt, rào rào. Vừa lúc chồng Sưởi nắm tay Sưởi lao về phía giao thông hào thì một tiếng nổ như vỡ cả trời chiều ngay sau lưng. Tất cả bị hất tung, vùi lấp.
Chồng Sưởi đâu? Anh ấy có bị làm sao không? Hình như Sưởi thấy có bàn tay vẫn đang nắm chặt tay mình. Cố nén đau, Sưởi xoay người, đưa tay quờ quạng nắm lấy tay chồng thều thào lay gọi. Bỗng Sưởi bàng hoàng rú lên. Tiếng rú không còn đủ sức phát ra, chỉ ú ớ trong cổ họng. Chỉ có cánh tay bị đứt lìa đến khuỷu, lạnh ngắt. Trời ơi, chẳng lẽ… Sưởi không dám nghĩ tiếp nữa. Nước mắt Sưởi giàn giụa, rơi lộp bộp xuống lớp lá khô.
Cơn đau bụng bất thần kéo đến quặn thắt tưởng không thở nổi. Đứa bé trong bụng đang đạp mạnh một cách bất thường khiến Sưởi có cảm giác bụng mình sắp vỡ tung ra. Rồi thì ồ ạt, lép nhép và nhầy nhụa. Sưởi thấy dưới váy mình như có ai đổ cả bương nước vào. Đứa bé đòi ra rồi. Sưởi sắp được làm mẹ. Niềm hạnh phúc vỡ òa. Sưởi không còn thấy đau nữa. Còn chút sức lực nào thì dồn vào hai cánh tay, dồn vào cái bụng đang lùm lùm, Sưởi nghiến răng, rặn mạnh.
Tiếng đứa trẻ oe oe khóc, tiếng người í ới đằng xa, tiếng bước chân chạy về phía Sưởi ngày một gần. Tiếng khóc xé toang màn đêm đã gọi những bước chân tìm đến. Sưởi cố nghển dậy, với tay chạm vào con rồi gục xuống trong nụ cười mãn nguyện.
***
Hì hục cả buổi sáng, cuối cùng ông Hoàn cũng dựng xong cái quán tre lợp gianh chắc chắn ngay ngoài cổng, cạnh con đường nhựa phẳng lì.
Bà Thong từ ngoài chợ về, nhìn cái lều, kêu lên:
– Phạ ôi, ông dựng lều thờ cúng ma bên ngoại ra ngoài này làm gì vậy? Hay ông định cúng ma rừng ma núi, ma đường ma chợ à…
Nhìn vẻ hoảng hốt của vợ, ông Hoàn đâm hoảng. Ông vội thanh minh:
– Tôi định làm cái quán tự giác để bán hàng chứ thờ cúng gì. Vườn nhà mình nhiều hoa quả thế, không ăn hết để nó rụng thì phí. Dạo này dịch bệnh, ngày nào chẳng có những đoàn người từ các công ty trở về quê đi qua đây. Mình làm cái quán, mọi người muốn ăn thì tự vào lấy, tự trả tiền vào cái giỏ để sẵn, vừa an toàn cho mình, lại tiện lợi cho khách. Bà có còn nhớ cái quán tự giác không? Nhờ nó mà tôi mới lấy được bà đấy.
Bà Thong bỗng đứng ngẩn ra. Bà nhìn ông, bồi hồi nhớ lại ngày xưa, cái ngày đã qua mấy chục năm mà giờ nó như đang trước mặt…
Hoàn gõ vang một hồi kẻng dài báo giờ đi làm rồi leo lên xe ben nổ máy khởi động chuẩn bị một ngày làm việc mới. Hoàn là cung trưởng kiêm luôn cả lái xe của cung giao thông. Công việc hàng ngày là đánh ô tô đưa hơn chục công nhân của cung chạy dọc đoạn đường hơn ba chục cây để sửa chữa, bảo dưỡng đoạn đường. Con đường đi làm của đội hàng ngày phải vượt qua con đèo Chiềng Đông vừa dài vừa dốc, lại heo hút, toàn rừng là rừng. Thỉnh thoảng mới gặp một vài ngôi nhà sàn của người Thái đứng chênh vênh lưng núi. Ven đường lác đác có những cái lều nhỏ lợp gianh bên trong để vài nải chuối, rọ xoài, túm đào mèo hay mớ ốc bắt từ ao. Cũng có khi là cả tảng thịt lợn rừng hay con hoẵng, con hươu chủ mới săn được. Mới từ quê lên, Hoàn lại tưởng là những cái nhà để thờ cúng. Nhưng sau hỏi thì biết đó là những cái quán tự giác. Gọi là quán tự giác vì người chủ không ngồi bán bao giờ. Đồ cứ bày ra đấy, ai muốn mua gì thì tự lấy, áng xem món mình mua khoảng bao nhiêu, tự bỏ tiền vào cái giỏ tre để bên cạnh. Tối người chủ đi nương về, ghé vào đem tiền về. Thi thoảng Hoàn lại dừng xe bên một cái quán, bỏ vào giỏ vài hào rồi lấy buồng chuối chia cho công nhân ăn đỡ đói. Nhưng nhiều khi trong túi chẳng có đồng nào. Thế là nhìn trước nhìn sau không thấy ai, mấy công nhân nhảy ào từ thùng xe xuống nhấc ngay buồng chuối chín vàng rộm, vài túm đào mèo chín đỏ. Có hôm còn thó được con hoẵng đem về tụ tập cả đội làm một bữa tươi.
Phía trước lại một cái quán tự giác. Từ xa, Hoàn đã nhìn thấy trong quán có một cái bu nhốt hai con gà trống to. Hoàn cho xe chạy chậm lại rồi gọi với ra phía sau. “Tối nay có thịt gà ăn rồi chúng mày ơi. Tí nữa đến nơi, tao dừng xe cái thì mấy thằng nhảy xuống vồ nhanh nhá…”. Khi chiếc xe tiến gần đến quán, Hoàn bỗng anh đạp phanh gấp cho xe đứng khựng lại. Từ dưới thung lũng gần đó, một bà cụ già tóc bạc phất phơ đang ghánh hai buồng chuối run run chống gậy nhích từng bước đi lên. Đặt hai buồng chuối chín vào quán, ánh mắt đầy hi vọng, bà lại run run lần bước đi xuống vườn chuối dưới hủm sâu. Nhìn cái dáng còng như dấu hỏi của cụ, Hoàng lại nhớ đến bà nội ở quê. Trên thùng xe, bọn con gái cứ nhìn theo bà cụ, mắt đỏ hoe. Mấy thằng đàn ông thì im lặng nhìn về phía những ngọn đồi cao. Ánh mắt buồn và xa vắng, ân hận và thẹn thùng. Và rồi chẳng ai bảo ai, mọi người cùng góp tiền thả vào trong cái giỏ… Từ hôm đó, mỗi lần đi qua quán của bà cụ, Hoàn đều dừng lại. Theo phân công, mỗi người mua đồ giúp bà cụ một ngày. Ai hết tiền thì cho ứng đến lương.
Có lần, tranh thủ buổi trưa làm gần đó, Hoàn tìm đến nhà bà cụ chơi. Nhà bà cách cái quán không xa. Hoàn đứng ngẩn ra như không tin vào mắt mình. Không ngờ ở giữa chốn heo hút này, không ngờ trong căn nhà sàn xiêu vẹo kia lại có một nàng tiên giáng thế. Nàng tiên ấy đang mải miết thêu khăn piêu mà không biết có người đang nhìn trộm mình. Mái tóc đen dài buông hững hờ dưới chiếc khăn piêu được vấn khéo léo. Khuôn mặt thanh tú trắng hồng như quả trứng chim cu gáy đặt dưới ánh đèn. Nàng tiên ấy là Thong, cháu gái bà cụ. Thong không còn bố mẹ nên ở với bà. Bố mẹ Thong mất trong lúc đang cùng đội thanh niên xung phong gấp rút sửa chữa lại con đường để đoàn xe vượt đèo Chẹn tải lương lên Điện Biên Phủ. Trận bom kinh hoàng đã hất tung và vùi lấp tất cả. Lúc ấy mẹ đang mang thai Thong. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, người mẹ ấy đã dùng chút sức tàn còn lại để sinh ra Thong giữa rừng đêm còn khét lẹt khói bom.
Từ hôm ấy, trưa nào Hoàn cũng tìm đến chơi. Những ngày nghỉ thì ở lại cả ngày giúp bà sửa cái cầu thang, thay cái cột sàn, lợp lại mái gianh và để gần gũi với Thong. Cuối năm đó, Thong về làm vợ Hoàn…
***
Từ ngày về hưu, ông Hoàn thấy cuộc sống thật tẻ nhạt và đơn điệu. Ông chán cảnh ngày nào cũng chỉ ăn xong lại nằm xem ti vi hay lê la quanh mấy cái quán ngồi đánh cờ, hút thuốc lào vặt. Nhà ông có mảnh vườn rộng hơn héc ta. Từ ngày hai đứa con lấy vợ lấy chồng rồi ra ở riêng thì mảnh vườn bỏ hoang cho cỏ dại mọc. Ông quyết cải tạo lại để trồng cây ăn quả. Khi vườn cây cho quả sai trĩu cành thì ông dựng lên cái quán tự giác.
Ngày mới từ quê lên miền núi, ấn tượng nhất với ông ấy là cái quán tự giác. Nó là đặc sản của người Thái, đặc sản của Tây Bắc. Những cái quán ấy không có sự mặc cả cò kè. Nó là sự tin tưởng tuyệt đối vào lòng người. Nó thể hiện giản dị mà sâu sắc nhất tính cách của người Thái. Từ lâu lắm rồi ông Hoàn không còn thấy những quán như thế nữa. Khi mà những cái quán chủ ngồi kè kè, hiện đại hơn còn lắp cả camera từng ngõ ngách mà sơ sểnh vẫn bị mất đồ thì sự tự giác có vẻ như xa xỉ. Nhưng ông vẫn tin và vẫn muốn những cái quán tự giác quay trở lại trên những cung đường.
Từ hôm dựng lên cái quán, ngày nào ông Hoàn cũng ra vườn thật sớm hái trái cây, có hôm đánh mấy con cá để trong cái chậu đặt vào quán với sự hào hứng và thú vị. Lác đác cũng có người mua và trả tiền vào giỏ. Dù số tiền không nhiều nhưng ông Hoàn thấy hào hứng hẳn. Như vậy là người ta vẫn nhớ đến cách mua bán đặc biệt này. Như vậy là quán tự giác đang hồi sinh trở lại. Buổi tối, ông đứng ngẩn ngơ hàng giờ bên cái quán để sống lại những kí ức xa xưa.
Rồi quán bỗng nhiên đắt hàng một cách bất ngờ. Ông bày ra thứ gì thì chiều về ghé vào cũng hết mà không bao giờ khách quên trả tiền. Dù số tiền chẳng nhiều nhặn gì, nhưng như thế cũng đủ khiến ông hào hứng. Có điều lạ là số tiền ngày nào cũng từng ấy. Hình như khách mua hàng chỉ là một người. Nhưng là ai? Dạo này ông để ý thấy cái Mai thi thoảng hay đi qua đi lại cái quán của ông lắm. Có lần ra chợ, giả như vô tình đi qua sạp hàng hoa quả của nó, ông thấy những nải chuối Mai bày bán rất giống những nải chuối của ông. Có khi nào Mai lấy hàng của ông rồi đem bán không? Ông mở quán ra chủ yếu để những khách đi đường có đói, mệt thì ghé vào ăn, có tiền thì trả, không có thì coi như là một sự giúp đỡ. Nếu đúng Mai lấy để đem ra chợ bán với giá cao gấp mấy lần thì lòng tốt của ông đã bị lợi dụng. Phải bí mật theo dõi xem, nếu đúng như ông suy đoán thì ông sẽ dẹp bỏ cái quán, không mua bán gì nữa.
Sáng nay ông Hoàn đem mấy chùm nhãn và buồng chuối vừa chín đặt vào trong quán rồi ra vườn cây. Đi được nửa đường thì ông quay lại, bí mật đứng nép vào gốc cây đối diện cái quán theo dõi.
Ông bàng hoàng như không tin vào mắt mình.
Người đến lấy đồ không phải Mai mà là bà Thong, vợ ông.
Bà Thong không hề biết ông Hoàn đang lặng lẽ bám theo bà. Sau khi nhét tiền vào cái giỏ, bà xách vội buồng chuối và mấy túm nhãn đi nhanh về phía chợ. Bà dừng lại bên quán của Mai. Đưa số quả vừa lấy cho chủ quán, bà thẽ thọt. “Mai tôi đi thăm cháu mấy hôm cô ạ. Sợ ở nhà không bán được ông ấy sẽ buồn. Cô thay tôi vài hôm, cứ độ tám giờ thì đến quán, để vào từng này tiền… đem bán giúp tôi, được bao nhiêu thì được, thiếu về tôi bù sau nhá!”.
Sáng nay ông Hoàn dậy sớm. Ông ra vườn bẻ một ếp đầy nào nhãn nào ổi rồi chuối. Chia ra một nửa để bà Thong đem đi làm quà cho cháu, một nửa ông bày ra cái quán tự giác như mọi lần. Khi bà Thong đi ra cổng để đón xe, nhìn vào cái quán, bà ngạc nhiên tưởng mình nhìn nhầm. Cái biển “Quán tự giác” đã được ông Hoàn tháo xuống, thay vào đó là biển mới tinh với dòng chữ “Quán không đồng”.
Bà nhìn ông, đang định hỏi thì ông Hoàn đã tủm tỉm:
– Tôi thay cái biển này để bà xuống thăm các cháu còn yên tâm, và để bà không phải vất vả vì tôi nữa…
Bà Thong nhìn chồng rưng rưng, muốn nói gì đó mà giọng cứ nghẹn lại.
Hình như có giọt sương đêm từ trên mái gianh lăn xuống, rơi trúng mắt bà…
KIỀU DUY KHÁNH