Phục dựng Lễ hội “Hoọng Khoăn Khẩu” của người Lự ở bản Thẳm

Nằm cách trung tâm huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu 10km, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 15km về phía Đông Nam, bản Thẳm là nơi cư trú của 43 hộ, 196 nhân khẩu người Lự. Tuy là một trong những dân tộc thiểu số có dân số rất ít người ở nước ta, nhưng người Lự ở bản Thẳm đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa tộc người qua những nếp nhà sàn, trang phục phụ nữ và những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Mỗi tối, bên bếp lửa nhà sàn, những người già vẫn kể cho con cháu nghe các truyền thuyết về các ngọn núi, con suối và những phong tục tập quán của quê hương.

 Sắc màu dân tộc Lự ở bản Thẳm.

Trong những ngày ở bản Thẳm, chúng tôi được ông Tao Văn Tàn, một nghệ nhân dân gian dân tộc Lự kể về truyền thuyết hồn lúa của người Lự như sau: Ngày xưa, vào một năm hạn hán nặng nề, vạn vật khô héo, nhiều người đã chết vì đói. Có một người phụ nữ trẻ sinh hạ được một đứa con. Nhưng vì không có gì ăn, nàng bất lực nhìn đứa con chết lả trên tay. Thương con, thương dân bản, nàng ôm xác con leo lên mỏm đá rồi tự gieo mình xuống vực sâu. Thân xác nàng rơi xuống, vỡ vụn thành nhiều mảnh. Một thời gian sau, dưới khe vực ấy mọc lên một loài cây lạ với những hạt vàng lẫn trong những bụi cỏ hoa lúp xúp muôn màu. Những bông lúa trĩu hạt oằn mình xuống như sự thương cảm của nàng hướng về dân bản và đứa con của mình. Khi một nhóm người Lự đi qua, phát hiện ra loài cây lạ này, họ bứt hạt, tách vỏ rồi cho vào ống nứa lam lên. Khi các ống lam tỏa hương thơm ngào ngạt, họ bóc ra ăn thử thấy ngon, những mệt mỏi được xua tan hết. Họ vui mừng mang hạt giống đó về trồng gần nhà làm lương thực.
Từ đó, người Lự luôn tỏ lòng biết ơn linh hồn người phụ nữ trẻ đã giúp họ thoát khỏi nạn đói, và họ thành kính gọi linh hồn nàng là “Khoăn Khẳu” (Hồn Lúa). Hằng năm, mỗi khi gặt hái xong, dân bản lại nô nức giã cốm, lam cơm, thổi xôi màu và mổ lợn, mổ gà để gọi hồn lúa về bản, về với các gia đình với niềm tin Hồn Lúa về sẽ phù hộ cho các thửa ruộng của các gia đình trong bản vẫn sẽ trĩu bông trong vụ mùa tới, cho dân bản được mùa, cho nhà nhà no ấm. Sau lễ cúng, cả bản cùng nhau ăn bữa cơm cộng cảm và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống làm huyên náo cả đại ngàn, xua tan sự lạnh lẽo, thâm u nơi thâm sơn cùng cốc.
Theo ông Tàn, Lễ hội “Hoọng khoăn khẳu” tuy đã mai một nhưng quan niệm về Hồn Lúa vẫn luôn được các thế hệ truyền lại từ đời này sang đời khác. Tối tối, bên bếp lửa nhà sàn, những người già vẫn kể cho con cháu nghe các câu chuyện cổ của cha ông, trong những câu chuyện đó có cả truyền thuyết về Hồn Lúa.
Năm 2023, bằng nguồn ngân sách từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường tổ chức phục dựng Lễ hội “Hoọng khoăn khẳu” tại bản Thẳm, xã Bản Hon. Công tác phục dựng được Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Bản Hon tổ chức bài bản từ công tác sưu tầm, truyền dạy cho đến khôi phục các không gian, nghi lễ và trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Lự. Với mục tiêu gắn kết bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, Lễ hội “Hoọng khoăn khẳu” được khai thác để xây dựng thành một sản phẩm du lịch đặc thù của bản Thẳm – nơi được Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là điểm du lịch của tỉnh tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 5 tháng 7 năm 2019 .

BÙI QUỐC KHÁNH
– NGUYỄN NGỌC DŨNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.