Văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Từ việc quan tâm, phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của văn hóa đã thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và hình thành nếp sống văn minh, giàu bản sắc, thúc đẩy phát triển hội nhập nơi biên giới Lai Châu.
Để phát huy sức mạnh nội sinh của Văn hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các huyện, thành phố đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án… đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc.
Nhâm nhi ly trà rừng và ngắm những chậu địa lan đang bung lụa, tỏa hương thơm ngát, Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh bộc bạch: “Từ một bản nghèo với tỷ lệ người nghiện cao, nhưng nhờ biết chung sức, đồng lòng phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông, nên đến nay bản Sin Suối Hồ chúng tôi không những đẩy lùi được các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, mà đã trở thành Điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước. Đặc biệt bản đạt “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.
Trong số những địa phương phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của văn hóa, thì không thể không nhắc đến Than Uyên với những điểm du lịch mới, hấp dẫn du khách thời gian qua như: Homestay Love Hilll, Làng cá Thẩm Phé, Tết Độc lập 2/9 hàng năm hay Vịnh Pá Khôm được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ. “Chúng tôi được biết Vịnh Pá Khôm được hình thành từ khi có lòng hồ Thủy điện Bản Chát với làn nước trong xanh, bốn bề vách núi. Ẩn hiện trong những rừng cây xanh là những nếp nhà của đồng bào Thái, Mông… một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Đặc biệt ngày nay trong cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, nhưng đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ được nhưng bản sắc văn hóa riêng như: dệt thổ cẩm, in thêu sáp ong, các bài hát dao duyên đối đáp, trò chơi dân gian… chính những điều này làm du khách rất ấn tượng, và tất nhiên rồi, chúng tôi sẽ xây dựng các Tour đến đây để trải nghiệm, khám phá” – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và Du Lịch Đẳng Cấp Việt Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.
Độc đáo điệu dân vũ của người Lự trong Ngày hội văn hóa dân tộc Lự huyện Tam Đường năm 2023. Ảnh: Ngọc Thắng
Ngắm những điểm vui chơi mới tại Khu du lịch Cổng trời Ô Quý Hồ, Ông Vũ Xuân Thịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Đảng bộ huyện Tam Đường xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm. Vì vậy cùng với xây dựng và phát huy thế mạnh của các điểm du lịch cộng đồng của dân tộc Dao tại bản Sì Thâu Chải, dân tộc Lự tại bản Thẳm, dân tộc Mông tại bản Lao Chải… thì hàng năm Tam Đường còn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Lự; Giải thi đấu dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam mở rộng… Đặc biệt những năm qua Tam Đường còn chủ động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư xây dựng Khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ, hay Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây”.
Để phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa thì Mường Tè, huyện vùng cao biên giới lại đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu gắn với bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống thông qua các lễ hội, làn điệu dân ca dân vũ. Nhờ đó, Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 của huyện đã thực sự trở thành ngày hội với nhiều nội dung khác nhau như: thi văn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao: kéo co, tù lu, các trò chơi dân gian; lễ hội ẩm thực; giao lưu văn nghệ quần chúng giữa các dân tộc. Tại Tuần lễ cũng diễn ra Hội chợ thương mại; trưng bày sản phẩm Sâm Lai Châu, các sản phẩm Ocop… qua đó quảng bá về lịch sử, văn hóa của đồng bào các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước.
Từ chủ trương trung, mỗi địa phương đã có những cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương, từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đã thực sự trở thành sức mạnh nội sinh thu hút du khách đến với Lai Châu thông qua các khu, điểm du lịch cộng đồng, các sự kiện văn hóa, thể thao như: Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 được tổ chức tại Lai Châu; Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023; Tuần Văn hóa Du lịch Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông Pha Bang, nước CHDCND Lào; Chương trình giao lưu văn nghệ chào xuân tại huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc năm 2023; Giải đua mô tô địa hình tỉnh Lai Châu tổ chức tại huyện Tân Uyên… Nhờ đó lượng khách du lịch đến Lai Châu đều tăng qua các năm. Giai đoạn 2021- 2023 tổng lượt khách đạt gần 2 triệu lượt người, đạt 55,4% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 39,6%/năm, cao hơn mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra là 19,6%. Năm 2023, toàn tỉnh đón 1.045.000 lượt khách, tăng 37,1% so với năm 2022, đạt 127,4% so với kế hoạch năm 2023; doanh thu đạt 784,3 tỷ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2022. Mục tiêu năm 2024, Lai Châu đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, nhưng chỉ tính riêng trong hơn một tháng đầu năm, Lai Châu đã đón trên 150 nghìn lượt khách.
“Để tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa thúc đẩy phát triển hội nhập, thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa; chủ động thu hút các nhà đầu tư; đa dạng các loại hình du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc; tăng cường quảng bá, kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương, nhất là Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc…” – Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết.
NHẬT MINH