Xế bên tay trái trước cửa nhà tôi có cái quán phở đang làm ăn rất phát đạt thì chẳng hiểu sao hai vợ chồng chủ quán ly hôn. Cái nhà kiêm quán phở ấy được rao bán để chia tài sản và chỉ mấy ngày sau đã có người đến mua.
Chủ mới của ngôi nhà ấy chính là hai cụ thân sinh của ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục, gia đình chuyển từ Văn Chấn – Yên Bái lên. Đó là hai cụ già đã đến tuổi bát tuần. Cụ ông tên là Đào Quang Đức, cụ bà là Nguyễn Thị Hậu. Cả hai cụ đều hiền lành, tốt tính và đều là cựu giáo chức, đã qua trên dưới bốn chục năm trong nghề dạy học. Đặc biệt, cụ ông có đôi mắt và cái miệng rất giống ông thần tài. Có điều, trên gương mặt cả hai cụ đều như vương vấn những nét buồn xa xăm. Vì là nhà mặt phố bụi bặm, lại chỉ có hai người già, quen sống kín đáo nên ngôi nhà của hai cụ thường xuyên khép cửa. Ấy vậy mà tính tình các cụ lại rất chan hòa. Khi có khách đến nhà hoặc lúc tụ tập xóm láng, các cụ đều cười nói rôm rả, thoải mái. Có mảnh vườn nhỏ sau nhà, hai cụ chăm chút mùa nào thức ấy, nên lúc nào cũng có rau ăn. Khi dư dật, các cụ hái, mang sang hàng xóm cho nhưng lại nói là: “Rau nhiều quá, nhờ các bác ăn giúp!”. Khi con cháu mang đến nhiều bánh trái, hoa quả, sợ để lâu hỏng đi, các cụ lại mang sang hàng xóm: “Nhờ các bác dùng hộ”.
Hai cụ có đến sáu người con, ai cũng thành đạt. Chị con gái cả thì tiếp bước cha, làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Thịnh từ ngày cụ ông nghỉ hưu. Chị thứ hai cũng làm giáo viên, dạy trung học cơ sở. Chị thứ ba là giáo viên trung học phổ thông. Anh con trai thứ tư cũng trưởng thành từ giáo viên cấp III, qua các chức vụ Trưởng Phòng giáo dục huyện, Phó Chủ tịch huyện và nay là Phó giám đốc Sở Giáo dục. Anh con trai thứ 6 hiện làm Phó trưởng phòng Công thương bên huyện bạn. Duy có anh thứ 5 thì thiệt phận vì không may bị lũ cuốn trôi cách đây đã hơn chục năm.
Từ ngày các cụ mới chuyển đến, tôi đã phát hiện thấy cụ ông hay làm thơ, tôi liền giới thiệu cụ vào tham gia Câu lạc bộ thơ Hoa Ban của thị trấn. Ngày qua tháng lại, tôi và cụ càng thân thiết nhau hơn. Thấy cụ ham thích thơ phú, ông con trai mua tặng bố một cái laptop. Thế là ngày ngày cụ say sưa với những vần thơ, những hoài niệm của cuộc đời đầy những thăng trầm của bản thân và gia đình. Làm được bài thơ nào, cụ cũng mang sang đàm luận với tôi. Thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc mà các cụ đã định cư ở xóm tôi được bốn năm và cụ ông đã tham gia câu lạc bộ thơ được ba năm. Thấy vốn thơ của cụ đã khá, tôi động viên cụ tập hợp lại để in một cuốn. Cụ vui vẻ tán thành. Tôi được cụ tin tưởng giao cho làm biên tập và viết lời giới thiệu cho tập thơ của cụ. Thế rồi tập thơ “Đường đời” của cụ được xuất bản vào cuối năm 2016. Vì làm biên tập nên tôi đọc đi đọc lại, chăm chút từng câu từng chữ của tập thơ. Quả thực, mỗi trang thơ của cụ là một trang đời đầy nhọc nhằn và xót xa. Cụ đã có một tuổi thơ với biết bao nước mắt và một cuộc đời vô cùng gian chuân. Từ những nỗi niềm thể hiện qua mỗi bài thơ, tôi đâm ra tò mò, muốn tìm hiểu về thân thế và cuộc đời của cụ.
Một hôm, tôi mời cụ sang nhà chơi để tâm sự. Tôi lấy trên kệ xuống bình rượu thuốc, rót ra hai cái chén con. Hai ông con uống với nhau đôi chén rồi tôi chân tình hỏi:
– Cụ ơi! Con thấy trong thơ của cụ có nhiều bài nói về gia đình, về cha mẹ, về chị em, mà sao có vẻ nhiều chuyện buồn. Cụ có thể kể cho con nghe được không?
– À! Được thôi! Nhưng chuyện nhà mình thì buồn lắm!
Nhấp một hớp rượu, cụ đằm vào suy nghĩ hồi lâu rồi bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc đời của cụ bằng cả tấm chân tình:
– …Tôi sinh năm 1937, là con thứ hai trong một gia đình bần nông có tới tám người con. Đời ông và đời cha tôi đều nghèo, nghèo đến nỗi không có nổi một thước đất cắm dùi theo đúng nghĩa. Hoàn toàn ăn nhờ ở đậu, làm thuê cuốc mướn qua ngày. Tôi đã trải qua những quãng đời đầy khó khăn, cùng cực không biết tả sao cho hết. Đời ông tôi đã mượn làng một miếng đất bên cạnh lò gạch, dựng ba gian nhà tre. Cha tôi được sinh ra ở đó. Khi lớn lên, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên cha tôi được ông bà cho làm con nuôi cụ Phó Thang ở Đồng Lư – Chân Lý – Lý Nhân – Hà Nam. Lúc ấy, cụ Phó Thang chưa có con trai. Ít năm sau, cụ Phó Thang sinh được hai người con trai nên tự nhiên sự quý mến ưu ái của gia đình cụ dành cho cha tôi cứ nhạt dần. Tuy vậy, cụ Phó Thang cũng đã có công lấy vợ cho cha tôi. Khi sinh được chị gái và tôi thì cha mẹ tôi nhận thấy không thể ở lại đó được nữa đành xin trở về Thái Bình.
Về quê, cha mẹ tôi mượn đất của ông địa chủ Đinh Trọng Điền để cất một ngôi nhà ba gian bằng tre làm chốn nương thân. Ít lâu sau thì mẹ tôi lại sinh thêm em Liễu. Thái Bình quê hương tôi lúc ấy tiêu điều, hầu hết người dân đều chung cảnh đời đói khổ. Cả làng chỉ có vài ba gia đình địa chủ là có nhà gạch lợp ngói, còn hoàn toàn đều nhà tường đất hoặc nhà tre lợp rạ. Gia đình tôi không có ruộng đất nên cha tôi quanh năm đi làm thuê hết nhà này sang nhà khác để kiếm ăn nuôi vợ con, nhưng đói khổ vẫn luôn là gánh nặng chưa khi nào thoát khỏi. Năm chị tôi lên sáu tuổi, cha mẹ tôi đã phải cho chị tôi đi ở hầu hạ cho gia đình nhà ông anh bên mẹ tôi ở mãi Quảng Yên – Quảng Ninh. Lúc đó ở nhà còn lại tôi và em Liễu. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm đau buồn về sự ra đi mãi mãi của những đứa em tôi trong những tháng năm gian nan ấy. Mỗi khi nghĩ đến những kỷ niệm buồn này là lòng tôi quặn đau và những dòng nước mắt âm thầm cứ như chảy ngược vào tim!
Cụ Đức nghẹn ngào ngừng lời, đôi mắt buồn như nhìn vào cõi xa xăm. Nhấp một hớp trà, cụ lại rầu rầu kể tiếp:
– Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình mà ông ngoại có hai bà vợ, mẹ tôi là con bà hai. Khi đó tôi chỉ biết là mẹ có những người anh chị em con bà cả ở Quảng Yên – Quảng Ninh, lâu lâu mẹ lại tìm ra để nhờ cậy. Năm ấy là năm 1944, tôi mới bảy tuổi, mẹ tôi lại đang mang bầu sắp đến ngày sinh, nhưng vì khó khăn quá nên mẹ lại dắt tôi đi Quảng Yên để mong tìm được sự giúp đỡ. Hai mẹ con đi bộ năm, sáu ngày đường, vượt hơn một trăm cây số. Vậy mà khi đến nơi, các bác chỉ cho ăn một bữa cơm rồi không ai đoái hoài đến việc cưu mang hay giúp đỡ. Biết rằng không nhờ cậy được, mẹ buồn rầu chào tạm biệt những người trong gia đình. Hai mẹ con lại lếch thếch quay về. Chiều hôm ấy, về đến một cái chợ quê, mẹ tôi nhặt được một cái cạp rổ cũ, năn nỉ mãi mới bán được cho người ta để có một hào, mua được một cái bánh tẻ, hai mẹ con chia nhau ăn rồi đi tiếp. Đêm ấy, về đến đất Quý Cao – Hải Phòng, hai mẹ con vào xin ngủ nhờ trong một cái quán lá dưới gốc đa bên đường. Tiết trời tháng chín, về đêm đã se lạnh nên hai mẹ con nhặt lá đa khô trải làm ổ mà ôm nhau ngủ. Đến gần sáng, tôi bỗng giật mình vì có tiếng trẻ con khóc oe oe. Khi tỉnh ngủ thì biết rằng mẹ tôi đã sinh một em bé trai ngay trên cái ổ lá ấy. Mẹ tôi bảo tôi ra ngoài tìm xem có mảnh tre mảnh nứa thì nhặt vào để cắt rốn cho em. Tôi lần tìm một hồi, không gặp mảnh tre nứa nào nhưng lại thấy một cái liềm cùn ở ngoài quán, liền mang vào. Chính tay mẹ tôi đã dùng cái liềm cùn ấy cắt rốn cho đứa em thân thương của tôi. Sinh xong, vừa mệt vừa đói rét, nhưng mẹ tôi vẫn giục tôi đi ngay vì sợ sáng ra, chủ quán đến họ biết thì phiền. Mẹ tôi ôm em bé được quấn trong một cái váy đụp, tôi lếch thếch theo sau. Đi được một đoạn thì mệt quá, gần như kiệt sức, mẹ tôi ngậm ngùi trong nước mắt mà nói với em tôi bằng cái giọng thều thào đứt quãng: “Con ơi!… Mẹ sinh con ra nhưng không có gì… để nuôi con… Bây giờ… một giọt sữa cũng không có… Mẹ mang con theo thì con cũng… chết trên tay mẹ,… mà mẹ cũng không còn hơi sức nữa! Thôi thì…con nằm lại đây…Biết đâu…có ai hiếm muộn,…họ gặp được mà đón con về nuôi…thì con mới được làm người…”. Mẹ nói xong thì dừng lại trước cửa một cái quán lá khác. Dùng dằng, day dứt một hồi, rồi mẹ nuốt nước mắt, đặt em xuống cửa quán và dắt tay tôi bỏ đi dưới bầu trời đêm u ám. Hai mẹ con đi một quãng xa, tôi vẫn như nghe thấy văng vẳng tiếng em tôi oe oe khóc! Mẹ tôi vừa đi vừa lầm rầm khấn mong em tha tội cho mẹ! Rồi mẹ lại cầu có người nào đó hiếm con, gặp được mà nhặt em về nuôi! Có ngờ đâu, bảy tuổi đầu, tôi lại phải trực tiếp chứng kiến cái sự đau lòng mất một đứa em trai khi vừa lọt lòng mẹ, thậm chí mẹ còn chưa kịp đặt tên cho em nữa. Hỡi ôi! Cũng một kiếp con người. Em tôi đã được sinh ra mà chả biết nó có được nhìn thấy mặt trời không? Từ đó đến nay, tôi không biết em tôi còn sống hay đã chết, đang phiêu diêu ở phương trời nào?
Cụ Đức lại ngừng lời, tôi cũng xúc cảm theo cụ nhưng không dám nói gì vào lúc ấy. Hồi lâu sau, cụ lại tiếp tục kể như người hoài niệm.
– Năm 1945, quê tôi bị nạn đói hoành hành, người chết đói khắp đường khắp chợ, chết không kịp chôn. Đói đến nỗi có người còn xẻo thịt người chết mà ăn để cứu mình. Nhà tôi chưa đến nỗi có ai chết đói nhưng đã lâm vào cảnh khốn quẫn. Vào tháng tám, sau trận lụt lớn vỡ đê Đìa Nga, nhà không còn gì ăn, nên cha mẹ tôi phải bán ngôi nhà tre cho người ta dỡ đi làm củi để lấy mấy đồng mua gạo nuôi nhau. Nhưng cũng chẳng được mấy ngày. Tiền gạo không có, nhà cửa cũng không, cả nhà dắt díu nhau đi tìm việc làm thuê để kiếm chỗ ăn, chỗ ở. Đến làng Hoàng Xá – Phù Cừ – Hưng Yên, cha mẹ tôi xin vào làm thuê cho nhà lão địa chủ có tên là Khiêm. Tôi được nhận vào để đi chăn trâu, còn em Liễu mới năm tuổi nên được ở nhà. Nhưng nửa buổi, em Liễu nước mắt ngắn nước mắt dài chạy ra đồng tìm tôi vì bị lão Khiêm đánh. Trưa hôm đó, khi từ ngoài đồng về, cha tôi biết chuyện thì đã cảm thấy không ổn. Tiếp đó, cha con tôi tận mắt chứng kiến lão Khiêm đánh một người tá điền khác rất dã man, đến nỗi người này hộc cơm ra, lý do chỉ vì người này kêu đau bụng. Thấy lão chủ ác quá nên cha tôi quyết định không làm cho nhà lão nữa. Cả nhà lại đìu díu nhau đi tìm chỗ làm mới. Tìm mãi mới có nơi nhận vào làm, nhưng ông địa chủ có tên là Tuất này chỉ nhận bố tôi làm canh điền và nhận tôi để chăn trâu, cắt cỏ, còn mẹ và em tôi thì ông ta nhất định không nhận. Cực chẳng đã, cha tôi đành để mẹ và em tiếp tục đi kiếm chỗ làm nơi khác.
Lang thang hết làng nọ sang làng kia khắp vùng mà không nơi nào nhận vào làm, mẹ tôi lại dắt díu em tôi ra Quảng Yên. Nhưng cũng như những lần trước, những người anh em của mẹ chỉ cho ăn một bữa cơm rồi lạnh nhạt. Biết nói sao được nỗi lòng của mẹ tôi khi một lần nữa phải có một quyết định đau đớn đến như vậy. Không thể để hai mẹ con cùng chết đói, trên đường trở lại Thái Bình, khi qua bến đò Bính (phà Bính bây giờ), mẹ tôi đã phải dứt áo mà cho em Liễu làm con nuôi người ta. Khi mẹ tôi trở lại Hưng Yên báo tin này, cha con tôi vô cùng xót xa. Cũng vì mẹ cho em Liễu đi mà cha tôi giận, cha nói từ mặt mẹ tôi. Thế là mẹ tôi bỏ đi và vì không có việc làm nên trở thành hành khất, xin miếng ăn quanh vùng cho qua ngày. Lâu lâu mẹ tôi lại ghé đến thăm tôi ở nơi tôi thường chăn trâu cắt cỏ. Mỗi lần như vậy, hai mẹ con lại ôm nhau khóc lóc một hồi, rồi ai cũng phải lo việc của người ấy. Tôi vẫn nhớ lúc ấy tôi có bà cô họ tên là Lương, cô thường hay mang cá vào bán ở các chợ trong vùng. Thi thoảng tôi gặp, cô thương tôi nên hay cho lúc thì cái bánh tẻ, khi thì bát bánh đúc. Có được những thứ ấy, tôi thường giấu đi để phần cho mẹ…
– Thế nhà mình đã đăng tin gửi chương trình: “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm cụ Liễu chưa cụ? – Tôi chợt hỏi chen ngang.
– Có đấy! Các cháu nó đã gửi đăng rồi nhưng chưa thấy hồi âm gì cả! – Cụ Đức buồn buồn trả lời, rồi lại chậm rãi kể về quãng đời đi ở của hai cha con cụ:
– Ở nhà địa chủ Tuất, cha tôi ngày ngày ra đồng từ sáng sớm với tất cả công việc nhà nông theo mùa vụ. Tôi vừa chăn trâu cắt cỏ vừa nấu cơm cho cả đám hơn chục người làm của nhà chủ, lại còn lợn gà cám bã đủ thứ việc vặt khác. Công việc vất vả luôn tay, nhưng lúc nào cũng lo ngay ngáy vì ông địa chủ cứ gầm gừ dọa đánh đòn và đuổi việc. Ban ngày thì làm lụng quần quật như thế nhưng nhà chủ chẳng để ý gì đến chỗ ngủ của tôi. Thế là đêm đến, tôi lần vào góc bếp, lấy rơm rạ làm chăn chiếu mà ngủ vùi. Có những đêm mùa đông rét buốt, tôi phải sang chuồng trâu, ôm lưng trâu mà ngủ cho đỡ rét mặc cho lũ muỗi và chấy rận hành hạ.
Hai cha con làm công cho nhà ông Tuất đến cuối năm 1946 thì cha tôi xin nghỉ, rồi đưa tôi về quê. Hai cha con ở nhờ trong tam quan của đền Vua bà ở đầu làng. Cha con tôi được nhận sáu sào rộng công điền để canh tác sinh nhai. Chính trong mái tam quan này, cha tôi đã dạy cho tôi từ những con chữ đầu tiên cho đến hết lớp hai. Gần cuối năm 1947, cha tôi mượn của làng miếng đất dư trước cửa đền âm hồn trong bãi tha ma, dựng lên đó một ngôi nhà tre và đón mẹ tôi về. Thế là sau hai năm ly tán, gia đình tôi lại được đoàn tụ dưới một mái nhà. Dù chưa hết nợ đói nghèo nhưng như vậy cũng là một niềm vui xum họp. Trong ngôi nhà tre ấy, em trai Đinh Trọng Phụ và em gái Đinh Thị Phú của tôi lần lượt ra đời. Cha mẹ tôi vẫn lần hồi trêm mảnh ruộng công điền và làm thuê cuốc mướn nuôi chúng tôi. Mặc cho đói rét, các em tôi vẫn lớn khôn như những đứa trẻ khác. Nhưng rồi năm 1952, em Phụ của tôi vừa tròn năm tuổi và em Phú thì lên hai tuổi. Bỗng dưng em Phụ bị kiết lỵ. Lúc đó thuốc thang hiếm, vả lại nhà nghèo nên cũng không có điều kiện chạy chữa. Cha tôi cố lần tìm mua được loại thuốc đặc trị bệnh kiết lỵ có tên là Stibson, nhưng cũng không ăn thua. Em tôi ốm ròng rã ba tháng thì kiệt sức và từ giã cõi đời. Cha mẹ và tôi vô cùng đau đớn nhìn đứa con, đứa em của mình ra đi mà không có cách gì cứu được. Thế mà “họa vô đơn chí”. Chỉ mười hai ngày sau thì em Phú của tôi lại đột ngột qua đời khi đang nằm chơi trên võng. Người ta nói là em tôi bị chứng bệnh gọi là “mới mần tỳ” (nhiễm trùng do cắt rốn), ngày nay ta gọi là nhiễm trùng uốn ván. Khỏi phải nói rằng cha mẹ tôi suy sụp, đau đớn đến mức nào khi mà chỉ trong vòng hơn chục ngày phải quấn chiếu mà chôn hai đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Cả cuộc đời này, không khi nào tôi quên được hình ảnh xác em Phụ tôi phải quấn bằng một manh chiếu rách, kín đầu nhưng chân hở ra ngoài. Ông Bào là hàng xóm buộc dây, khoác trên vai mà đưa ra nghĩa địa. Tôi khóc các em đến cạn nước mắt và vô cùng buồn chán, bởi vì tính cho đến lúc ấy, đúng ra tôi đã có đến sáu chị em. Vậy mà trơ lại còn có mình tôi ở nhà. Khi ở ngôi nhà tre ngoài bãi tha ma, cha tôi được làng giao làm chức “xã đoàn” (quản lý đám trương tuần của làng). Lúc ấy quê tôi đang là vùng tạm chiếm nên bộ đội và du kích còn hoạt động bí mật. Cha tôi thành người hoạt động hai mang, mặt công khai là làm “xã đoàn” cho chính quyền phong kiến, mặt bí mật là làm đường dây cho cách mạng.
Thời gian quả là liều thuốc tiên để giúp người ta dần quên đi những tháng ngày thương đau tưởng như không vượt qua nổi ấy. Năm 1953, mẹ tôi sinh em Đinh Trọng Sơn, rồi năm 1955, mẹ lại sinh em Đinh Trọng Hàn. Lúc này nhà tôi đã được cách mạng chia đất, nên chuyển nhà vào làng ở. Những ngày đầu hòa bình, kinh tế thì chưa có mấy chuyển biến nhưng đời sống tinh thần đã được cải thiện vì nhân dân được hưởng tự do, độc lập. Từ năm 1952, có hệ thống giáo dục phổ thông thì tôi đã học xong chương trình lớp bốn. Năm 1953, sau một lớp đào tạo giáo viên cấp tốc kỷ lục trên quãng đường từ nhà lên chợ Vang, khoảng một cây số nhờ thầy giáo Phú, tôi bắt đầu làm giáo viên danh dự ba năm không lương. Năm 1955, tuy mới mười tám tuổi nhưng tôi đã được cha mẹ cưới vợ cho. Năm 1956, cha tôi làm trưởng xóm, rồi trưởng thôn, sau đó tham gia Ban quản trị hợp tác xã.
Trong năm 1962, tôi đã hoàn thành chương trình bổ túc lớp bảy. Đến năm 1966 thì vợ chồng tôi đã có ba cháu gái. Lúc này cả gia đình có tới chín khẩu, hầu như tất cả đều trông chờ vào xuất lương giáo viên của tôi chỉ có ba mươi sáu đồng một tháng nên kinh tế lại lâm vào tình trạng bi đát. Thái Bình đất chật người đông, nên thời gian này nhà nước vận động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cha tôi bàn rằng nên chia đôi gia đình, một nửa ở lại quê, một nửa đi kinh tế mới, khi nào ổn định sẽ đoàn tụ sau. Nghĩ cũng cạn nước nên cả nhà thuận theo ý cha tôi. Thế là cha mẹ cùng hai em tôi lên Cát Thịnh – Văn Chấn – Yên Bái khai hoang xây dựng kinh tế mới. Có ai ngờ rằng miền quê mới rừng thiêng nước độc, ăn uống kham khổ nên cha tôi kiệt sức. Chỉ ba tháng sau khi rời quê, cha tôi mất đột ngột mà không rõ bệnh gì, khi ấy cụ mới sáu mươi tuổi. Vì đường xá xa xôi và tàu xe khó khăn khăn nên tôi không kịp lên chịu tang cha. Hơn một tháng sau, vào tuần tứ cửu (bốn mươi chín ngày) của cha tôi, tôi quyết định đưa tất cả gia đình lên Cát Thịnh quê mới để tiếp tục công cuộc lập lập nghiệp của cha tôi còn dang dở. Những gian nan ở nơi đất mới có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.
Tôi nghỉ dạy học một năm, cho đến năm 1968 thì tiếp tục vào dạy học tại trường cấp I xã Minh An. Lúc này bà xã nhà tôi cũng bắt đầu tham gia sự nghiệp giáo dục với vai trò cô nuôi dạy trẻ. Từ năm 1968, tôi làm hiệu phó rồi hiệu trưởng trường cấp I – II Cát Thịnh. Năm 1982 tách cấp I và II ra thì tôi vẫn làm hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ trường Tiểu học cho đến năm nghỉ hưu 1999.
Về con cái, sau ba cô con gái đầu sinh ở quê thì năm 1967, vợ chồng tôi có thêm cháu Tài, năm 1970 thêm cháu Tình, năm 1974 thêm cháu Nghĩa. Thế là trước sau tôi có sáu con, ba trai, ba gái. Trong thời kỳ bao cấp muôn vàn khó khăn ấy mà một nhà có tới chín miệng ăn là vô cùng vất vả. Hai suất lương giáo viên thời kỳ ấy không nuôi nổi gia đình nên ngoài việc tăng gia theo mô hình vườn, ao, chuồng, chúng tôi phải làm thêm nhiều nghề phụ như: nấu rượu, tráng bánh canh, làm chổi, khâu nón… Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi cũng quyết chí cho các con ăn học đầy đủ, nhờ vậy, các cháu đều có công ăn việc làm ổn định. Bốn cháu theo nghề dạy học của cha mẹ, một cháu làm công chức nhà nước. Các cháu đều lấy chồng lấy vợ và công tác xa nhà, chỉ có mình cháu Tình là buôn bán tự do. Vợ chồng cháu kinh doanh hàng điện tử, ở trong xóm chợ. Xóm nhà tôi và xóm chợ cách nhau một con suối nhỏ có tên là suối Phà, nên chúng tôi qua lại thăm nhau luôn. Cứ tưởng rằng những khó khăn gian khổ đã qua đi và nụ cười sẽ mãi rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi con người trong gia đình tôi. Nhưng ai có thể ngờ được rằng chúng tôi vẫn tiếp tục phải rơi lệ vì những mất mát không gì bù đắp được. Đó là vì trận lũ kinh hoàng đêm 27 tháng 9 năm 2005…
Cụ Đức lại ngẹn ngào ngừng lời. Tôi biết rằng cuộc đời một con người mà phải chứng kiến bấy nhiêu thăng trầm, mất mát để có được hôm nay thì quả đã là đáng khâm phục. Vậy mà còn gì nữa đây? Một hồi sau, như dồn hết tâm trí, cụ lại thong thả kể tiếp:
– Chuyện tôi kể lại là một câu chuyện đau lòng không bao giờ nguôi ngoai được. Nhìn địa thế, khu nhà vợ chồng cháu Tình ở gọi là xóm chợ ấy như một hòn đảo, con suối Phà bao quanh hòn đảo ấy. Phía hạ lưu thì hai mỏm đồi nhô ra chắn lại. Khi có mưa lớn, nước dâng lên rất nhanh. Đã có những trận lũ, nước ngập vào trong nhà, nên tôi nhiều lần khuyên vợ chồng cháu chuyển nhà lên cao ở cho đỡ nguy hiểm, nhưng các cháu không nghe. Tôi lại bàn: “Bây giờ chưa xây được nhà thì xây tạm một cái nhà vệ sinh thật chắc chắn, đổ mái bê tông để khi nào cần kíp thì leo tạm lên tránh lũ. Hàng hóa thì hàn mấy cái giá cao mà kê lên”. Những việc này thì các cháu nghe và làm ngay. Nhưng trận lũ quái ác ấy đã biến mọi chuẩn bị của chúng tôi thành vô nghĩa. Tôi nhớ là hai ba hôm trước đấy, trời mưa xập xùi liên tục. Lúc chiều gần tối ngày hai sáu, cháu Tú chạy về hỏi tôi:
– Bố ơi! Bưu điện đã mắc điện thoại cho nhà mình chưa?
Tôi trả lời cháu rằng:
– Họ đã mắc đâu!
Thế là cháu lại chạy đi ngay, chẳng kịp vào nhà. Không thể ngờ rằng đó là câu nói cuối cùng của cha con tôi với nhau.
Đêm ấy mưa sầm sập liên tục mấy tiếng đồng hồ, rồi lũ từ đầu nguồn lao về cuồn cuộn. Cả xóm chợ bị cô lập với xung quanh. Những người gần đấy nghe tiếng kêu cứu thảm thiết. Nhưng phần vì nước lớn chảy cuồn cuộn, phần vì đêm tối mịt mùng nên không biết làm cách nào mà cứu được. Trời sáng dần, một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt. Tiếng kêu khóc dậy đất động trời. Cả cái xóm chợ mười lăm nóc nhà đã bị lũ cuốn sạch, chỉ trơ lại cái nhà vệ sinh nhà Tình. Nhưng đang trú trên ấy lại là hai vợ chồng người hàng xóm chứ không phải vợ chồng Tình con tôi. Trên cây bàng gần đấy có cậu bạn của con tôi đang đu bám. Khi được cứu vào, cậu này kể lại: Tối hôm trước, cậu cùng vợ chồng Tình và tám người nữa trong đó có hai người anh em đồng hao với Tình, năm cháu học sinh đang trọ học nhà bên và một cô hàng xóm. Tất cả những người này đến giúp vợ chồng Tình kê đồ đạc và hàng hóa lên cao. Sau đó vì nước lên nhanh nên tất cả trèo lên gác xép để tránh lũ. Ngờ đâu nước to quá, trôi luôn cả nhà. Khi ngôi nhà trôi qua cây bàng thì cậu nhanh tay tóm được cành bàng và leo sang nên thoát được. Cả mười người bị cuốn mất cùng ngôi nhà. Trận lũ ấy, cả xã thiệt hại hai mươi ba người thì trong đó có hai là con trai và con dâu của tôi. Đau đớn nhất là con dâu tôi cùng với hai người hiện đang mất tích không tìm thấy xác. Chỉ có một điều an ủi là đứa cháu trai duy nhất của vợ chồng Tình hôm đó ngủ lại bên nhà tôi nên may mắn thoát được. Thực lòng, chúng tôi chuyển lên đây sống cũng là để tránh việc hàng ngày phải nhìn thấy cái mảnh đất đau thương đã cướp đi của chúng tôi hai đứa con yêu dấu.
Nói dứt lời, cụ Đức chua xót thở dài. Còn tôi, tôi thậm chí không biết động viên cụ thế nào cho phải. Bởi vì cha mẹ tôi cũng cùng tuổi của các cụ, cũng một thuở cơ hàn đi cày thuê cuốc mướn hết nhà địa chủ này sang nhà địa chủ kia. Rồi cũng nhờ cách mạng mà có được áo cơm. Tôi cũng đã nghe nhiều người kể về những lận đận, truân truyên trong cuộc đời của họ. Nhưng một đời người mà đổ nhiều nước mắt vì mất mát người thân như gia đình cụ thì quả là hiếm gặp.
Tôi mạo muội ghi lại câu chuyện này với một tấm chân tình sẻ chia, với một lòng khâm phục nghị lực của hai cụ đã vượt qua biết bao gian khó của cuộc đời để thành công trong sự nghiệp và nuôi dạy con cái nên người thành đạt như hôm nay.
Thanh Phương