Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, cách thị trấn Than Uyên 4km và cách thành phố Lai Châu hơn 100km về hướng đông nam theo quốc lộ 4D và quốc lộ 32. Cách đây hơn 74 năm, Bản Lướt là nơi Ban Cán sự tỉnh Lai Châu ra đời thông qua Nghị quyết của Liên khu ủy 10 về thành lập Chi bộ Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay).
Chúng tôi về Bản Lướt khi người dân đang tất bật thu hoạch vụ chiêm, trên cánh đồng vàng trĩu nặng bông, hòa trong tiếng máy tuốt liên hoàn là tiếng nói cười của bà con người Thái, Mông đang hối hả trong không khí lao động. Trưởng Bản Lướt, anh Lò Văn Dương đưa chúng tôi tham quan bản, anh liên tiếp giới thiệu những cái mới của bản như: nhà văn hóa, bức phù điêu về lịch sử nuôi giấu cách mạng, đường bê tông hóa… Đường vào bản Lướt giờ đẹp hơn xưa, cổng được thiết kế theo kiểu cổng trào khá quy mô, phía trên cổng có khắc dòng chữ sơn màu đỏ trang trọng: “Thôn bản Lướt – xã Mường Kim – huyện Than Uyên – nơi thành lập Ban Cán sự, Chi bộ Đảng đầu tiên, Đảng bộ tỉnh Lai Châu”.
Đi trên con bê tông đường mới, hai bên đường là cánh đồng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, anh Lò Văn Dương không giấu được niềm vui: “Trước đây về bản Lướt, nhiều người ví như rắn lội. Mùa mưa đến, bà con bì bõm như đi cấy ruộng lầy, có đoạn thục đến đầu gối là thường. Nay cảnh đó xưa rồi, bản Lướt hôm nay với những diện mạo mới…”. Con đường bê tông dài gần 1km phẳng tắp, nối từ đường Quốc lộ 32c, chia đôi cánh đồng chạy dài tít tắp, các lối rẽ đã bê tông hóa về đến tận từng ngõ của mỗi hộ dân. Bản giờ cũng nhiều xe máy, ô tô hơn xưa.
Anh Dương đưa chúng tôi tới thăm quan Nhà văn hóa bản Lướt, một công trình thể hiện tầm vóc và công sức của người dân. Công trình được tỉnh đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2005. Đứng trước sân nhà văn hóa, phóng tầm mắt về phía trước là một không gian thoáng đãng, bởi nó được ôm trọn vào mình hơn 1.000m² mặt nước mênh mông. Phía trước có hồ nhân tạo, được ví như lá phổi xanh. Bà con vẫn ví “hồ này như cái rốn đựng nước cho bản trong mùa khô”. Cũng đúng thôi vì hơn 190 hộ dân đều trông chờ vào nguồn nước của hồ, phục vụ cho việc tưới tiêu và phát triển chăn nuôi. Được biết bản đã họp lấy ý kiến bà con chọn hai hộ gia đình có khả năng quản lý phát triển cá thương phẩm, tăng nguồn thu nhập cải thiện đời sống cho bà con.
Con đường giao thông hoàn thành, thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại. Con đường không chỉ mở ra những lối đi cho người dân, mà nó làm đổi thay nhiều nếp nghĩ xưa cũ. Từ đây, nhiều hộ trong bản đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ ngày có đường giao thông, ít khi thấy anh Lường Văn Uyên ở nhà, chiếc xe tải trọng 8 tấn của anh cứ tối mịt mới về bản. Được biết, khi giao thông bản thuận lợi, Uyên đã đăng ký học lớp học lái xe tải, sau khi hoàn thành khóa học với tấm bằng C, anh bàn với gia đình vay thêm vốn ngân hàng mua xe tải chuyên chở hàng hóa: “Ở đâu gọi là mình đi. Mùa nào thức ấy, bà con có nhu cầu là chạy, nhiều hộ ở xã khác còn thuê chở nông sản ra tỉnh ngoài và xuất khẩu sang nước bạn”, Uyên chia sẻ.
Còn với Hoàng Văn Lằn, dân tộc Thái, nhà có 8 nhân khẩu, quanh năm chạy cái ăn cũng bạc cả mặt. Từ khi Lằn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính sách mua trâu nái, từ một con trâu mẹ đẻ nghé con; chịu khó chăn dắt, đến nay tài sản của anh là đàn trâu lên tới gần 20 con. Trâu của anh con nào con nấy lông mượt, da bóng. Nhiều hộ trong bản cả các địa phương khác cũng tìm đến anh để mua giống và học tập cách chăn nuôi. Ngoài chăn nuôi anh phát triển thêm ao cá, nuôi lợn, trồng củ đậu. Đến nay, anh đã có của ăn của để, có cơ ngơi khang trang, mua được ti vi, xe máy.
Chúng tôi gặp đảng viên trẻ Soi Văn Hạnh, anh mới được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ bản. Bà con bản Lướt kể: Hạnh là một đảng viên gương mẫu, “đầu tàu” trong phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi, dám nghĩ, dám làm làm. Hạnh từng có nhiều năm ra ngoài làm thuê, chán chê đất người rồi một ngày anh quyết định về quê lập nghiệp. Anh nhận thấy bà con trong bản quen dùng máy say sát mi ni, gạo gẫy, vỡ, gạo hao. Hạnh bàn với vợ đầu tư máy sát liên hoàn, hạt gạo đều mẩy và trắng, lại được cả cám. Thế là hệ thống máy sát liên hoàn đã đứng chân được ở bản, tất cả từ sát gạo, nghiền ngô, bóc vỏ… anh làm hết, giờ bà con không phải mang đi xa nữa. Nhiều gia đình có lượng chăn nuôi ít, nên cám xát dư thừa, anh mua lại đầu tư cho chăn nuôi, chuồng trại ngày một mở mang. Đến nay, mỗi năm gia đình anh xuất chuồng hàng chục tấn lợn, thời điểm này giá lợn có trượt giá, nhưng anh chăn nuôi bằng thức ăn truyền thống nên giá vẫn đảm bảo, có đợt trong chuồng lợn nhà anh lên đến cả trăm con.
Gia đình anh Soi Văn Phát cũng như nhiều hộ ở Bản Lướt, trước đây vẫn quen cấy một vụ, cũng như khâu chọn giống chưa kỹ, dẫn đến năng suất lúa không đạt. Với phương châm “mùa nào vụ đấy”, được cán bộ phụ trách nông nghiệp xã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” nên năng suất lúa ngày càng cao, công tác phòng chống bệnh dịch trong chăn nuôi được kiểm tra đúng kỳ hạn, nên hiệu quả trong chăn nuôi gia súc, gia cầm luôn trúng, đúng thời vụ. Hiện giờ, ngoài chăn nuôi hàng chục đầu trâu nái, vợ chồng Phát ngày ngày tất bật với hơn gần 3.000m² quế và mắc ca. Anh còn cùng với bà con trong bản mở rộng thêm diện tích trồng chè shan tuyết và chanh leo.
Chủ tịch UBND xã Mường Kim, anh Lò Quyết Thắng cho biết: xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức nhiều buổi hội thảo đầu bờ, mô hình kinh tế nông – lâm – nghiệp, thu hút đông đảo bà con tham gia. Người dân Bản Lướt luôn tự hào về địa danh lịch sử, bởi thế hơn 1.581ha rừng được bà con khoanh nuôi, bảo vệ nghiêm ngặt.
Chia tay bà con bản Lướt khi chiều buông, xã, lắc cắc tiếng mõ trâu theo nhau về bản, hòa trong cảnh hoàng hôn là những ngôi nhà sàn san sát, có mái tôn đỏ au thấp thoáng trong những rặng cây ăn quả… Tất cả đang hiện hữu một bức tranh nông thôn mới trên quê hương cách mạng anh hùng.
HÀ MINH HƯNG