Ở đâu, ai ai cũng bảo bố là người vui tính. Bố luôn kể những câu chuyện vui nhộn khiến mọi người cười lên vui vẻ. Thế mà năm nay, Ái Lâm đã hai lần được chứng kiến bố khóc, lặng lẽ và đau đớn. Cả hai lần ấy, mẹ và anh Quyền cũng lặng lẽ khóc theo. Như có phản ứng dây chuyền, Ái Lâm, Quốc Hùng, Thu Thảo, Thu Hường cũng òa lên nức nở, rồi rấm rứt khóc mãi không thôi…
Cuối tháng 7 năm 1969, ở Khu ủy, bố nhận được điện tín của cô Tú báo tin ông nội mất, bố chỉ kịp gọi điện thoại báo cho mẹ biết rồi về thẳng Bắc Thái lo việc hậu sự cho ông. Đúng ngày mùng 3 tháng 8, bố về tới bản Tát, đem theo di ảnh và lập bàn thờ cho ông nội. Gia đình bác Nguyễn Đằng, bác Cầm Dung, bác Cầm Minh, bác Cầm Biêu, chú Cầm Kỷ, chú Nguyễn Tường, bác Bùi Như Lạc… ai cũng đến chia buồn với bố me và phúng viếng ông nội.
Đây là lần đầu tiên Ái Lâm nhìn thấy ông qua di ảnh. Ông nội có khuôn mặt vuông chữ điền, vầng trán cao, sống mũi thẳng, đôi mắt sáng và đôi môi chẻ rất nét. Bố giống hệt ông nội. Cả nhà Ái Lâm từ mẹ đến anh em nhà Ái Lâm chỉ có mỗi Quốc Hùng là được bố đưa về nhà cô Tú thăm ông một lần hồi thằng Mỹ chưa ném bom bắn phá miền Bắc thôi. Sau này bố đi về khu rồi, mẹ mới kể: Bố xót xa ân hận vì suốt mấy năm đi sơ tán, bố không về thăm ông được, chỉ hàng tháng gửi tiền nhờ vợ chồng cô Tú phụng dưỡng ông thôi. Bố là người con trai còn sót lại duy nhất, lại là anh của hai cô (cô Tú ở Bắc Thái, cô Hội ở Hà Nội) mà bố không chăm sóc được ông lúc tuổi già sức yếu, rồi đến phút lâm chung, ông cũng không kịp gặp con trai lần cuối. Bố mẹ có với nhau đến năm mặt con rồi mà bố chưa một lần đưa mẹ về thăm ông nội được, phần vì chiến tranh loạn lạc, phần vì đường sá xa xôi cách trở… Mẹ thấy thật là ân hận,thật là có lỗi với ông nội quá!
Ông nội sinh năm 1889 tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương trong gia đình vị quan triều đình nhà Nguyễn. Cuộc đời ông trải bao thăng trầm, sóng gió. Ông là con trai của cụ nội với người vợ thứ ba (bằng tuổi con gái đầu của cụ với vợ cả) nên được cụ cưng chiều hết mức. Nhưng thời gian hạnh phúc đó thật ngắn ngủi. Năm ông nội vừa lên ba, cụ nội bị cảm mạo và đột ngột qua đời. Bà cả, bà hai trước đó sẵn lòng ganh ghét đố kỵ với cụ bà, bèn đuổi hai mẹ con ra ở một cái chòi canh lúa tít ngoài đồng không mông quạnh. Cụ bà tần tảo nuôi ông đến mãn tang cụ ông, ba năm sau mới xin phép được tái giá. Bà hai giữ ông lại, giao cho người con gái cả nuôi, còn cụ bà theo chồng mới bỏ quê đi biệt xứ.
Mười bảy tuổi, ông nội theo người làng lên tận Bắc Kạn làm thợ rèn, thợ nguội ở các mỏ… sau đó trở thành công nhân hỏa xa. Khi có một vốn liếng kha khá, ông trở về quê đem theo người con gái đẹp nức tiếng trong vùng kém ông đến chục tuổi lên Bắc Kạn sinh sống và ly biệt quê hương từ đấy. Ông bà nội có với nhau đến mười ba mặt con, nhưng chỉ nuôi được có bốn người (bố là con trai lớn nhất, rồi đến cô Tú, cô Hội, chú Sáu. Gọi là chú Sáu vì chú út mặc dù có gương mặt khôi ngô tuấn tú nhưng lại có bàn tay phải dị dạng mọc ra những sáu ngón…). Chú út bị lạc gia đình từ nhỏ.
Năm 1926, tai họa lại giáng xuống gia đình khi ông nội lái xe lửa chở than, gặp nạn què tay, buộc phải thôi việc… Ông bà nội phải bày hàng bán bánh mì, cà phê… để kiếm kế sinh nhai. Bà nội đau buồn, ốm yếu, ngã bệnh và mất năm 1934, khi mới được 36 tuổi đời. Lúc đó, bố mới vừa học xong lớp nhất (Cours Supérieur). Thương ông nội què tay vẫn hàng ngày phải bán bánh mỳ, cà phê nuôi ba con, mới mười sáu tuổi, bố đã thôi học để đi làm công nhân mỏ (đãi vàng, chống lò… rồi sau đó lái tàu điện, rồi làm thư ký mỏ ở các mỏ Pắc Làng, Tĩnh Túc (Cao Bằng) và Cổ Định (Thanh Hóa)… để góp tiền cùng ông nuôi hai người em gái.
Đầu năm 1942, bố đã được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt Minh và phụ trách tổ Thanh niên nghiên cứu báo bí mật (Việt Nam Độc lập, Tiền phong) ở Na Lạng – Ngân Sơn – Bắc Kạn. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, bố tham gia đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân rồi đi chiến đấu trên khắp các chiến trường Đông Bắc, Tây Bắc, lâu lắm mới có dịp được về thăm gia đình.
Từ ngày bố đi bộ đội, ông nội phải về ở với vợ chồng cô Tú (cô làm dâu một nhà giàu để gán nợ cho ông từ năm cô lên tám tuổi). Càng nghĩ, bố càng ân hận, thương tiếc ông vô hạn, mặc dù mọi người động viên: ông nội hưởng dương được tám mươi năm, thế cũng là thọ lắm rồi. Từ ngày ông mất, nom bố gầy và già xọm đi trông thấy, mặc dù bố mới có năm mươi tuổi.
Ông nội mất được một tháng năm ngày, đúng ngày mùng 3 tháng 9 năm 1969, khi bố đang về bản Tát thì hay tin Hồ Chủ Tịch từ trần qua chiếc đài bán dẫn đeo bên mình. Tin tức lan tỏa rất nhanh qua các loa treo công cộng. Ái Lâm thấy một không khí tang tóc đau buồn bao trùm khắp hang cùng ngõ hẻm.Già trẻ, gái trai,cán bộ, nông dân… ai ai cũng khóc. Ái Lâm cũng không sao cầm nổi nước mắt. Bố khóc và nói với mẹ rằng: Chỉ có hơn một tháng mà bố phải chịu hai nỗi đau quá lớn. Bố đau đớn và ân hận khi mất ông, bố không được vuốt mắt cho ông trong những giây phút cuối. Đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, bố cũng vô cùng cảm phục và tiếc thương Người. Bố nhớ mãi một ngày tháng 4 năm 1945, bố ở trong trung đội bảo vệ đoàn cán bộ cấp cao của trung ương (trong đó có Bác Hồ) đi từ Hà Hiệu đến Chợ Rã (Bắc Kạn) vào chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang). Lúc đó, bố không hề hay biết “Ông Ké” có vầng trán cao, đôi mắt sáng ấy chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. “Ông ké” thân mật hỏi tên bố, khi biết bố mang họ Hoàng, “Ông Ké” hỏi: “Cháu là người dân tộc Tày à?”. Bố đáp :
– Dạ, cháu là người Kinh, mang họ Bùi. Hoàng Việt Túc là bí danh cháu đi hoạt động cách mạng thôi ạ.
– À, ra thế!
Bố tâm sự với mẹ:
– Nếu anh không được giác ngộ cách mạng, không đi theo Đảng, theo Bác Hồ thì có lẽ cuộc đời anh cũng tầm thường, vô vị, chỉ biết sống vị kỉ với ước mong nhỏ bé là làm giàu, có vợ đẹp con khôn thôi…
Ái Lâm không hiểu hết những điều bố nói với mẹ, nhưng nó biết bố nó là một người sống có lý tưởng và với bố: lãnh tụ Hồ Chí Minh là Người mà bố suốt đời khâm phục, noi theo.
Mấy hôm sau, bố đem tờ báo Nhân dân đăng bản Di chúc của Hồ Chủ Tịch về đọc cho mẹ nghe. Bố xúc động, nghẹn ngào mãi mới đọc được hết bản di chúc của Người:
“… Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1969
HỒ CHÍ MINH
Bố bảo: đây là bản di chúc của một vĩ nhân mang tầm nhìn thời đại trong mỗi lời, mỗi tiếng thiêng liêng Người để lại. Bác Hồ đã tập trung viết về các vấn đề lớn, mang tính vận mệnh dân tộc, vì Tổ quốc, vì nhân dân. Nói là di chúc, nhưng những gì dành riêng cho Bác thật ít ỏi ở phần được gọi là “Việc riêng”,
nhưng ai đọc cũng thấy rõ đó là việc chung của cả xã hội.
Bác dành nhiều tâm huyết viết về Đảng, về Đoàn. Ái Lâm nhận thấy những người đứng trong đội ngũ của Đảng là những người nổi trội về tài về đức, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên quyền lợi của cá nhân mình.Trong nỗi đau thương chung, Ái Lâm cũng cảm thấy tự hào vì bố mình đã theo Đảng từ rất sớm. Tháng 8 năm 1945, mới hai sáu tuổi bố đã gánh trách nhiệm là bí thư Thị ủy thị xã Bắc Cạn. Lớn lên, nhất định mình sẽ phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng để xứng đáng là con gái của bố…
Ngày 9 tháng 9 năm 1969, Đài Tiếng nói Việt Nam phát nguyên văn điếu văn của Ban Chấp hành Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch
“Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa!
Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!
Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.
Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết.
Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta.
Hơn sáu mươi năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ…
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Giọng đọc trang trọng, tràn đầy cảm xúc của Tổng Bí thư Lê Duẩn như thấm vào trái tim của muôn người. Như có phản ứng dây chuyền, người nọ nhìn người kia và không ai ngăn nổi dòng nước mắt trước nỗi đau chung lớn lao này. Ái Lâm có cảm tưởng trong những giây phút thiêng liêng ấy, mọi người như xích lại gần nhau hơn, yêu thương nhau như anh em trong một nhà vậy.
Rồi những ngày sau đó, khắp nơi đâu đâu cũng treo băng rôn khẩu hiệu: “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, “Hãy biến đau thương thành hành động thiết thực”, “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”
Trong những ngày tang thương của cả dân tộc, Ái Lâm còn được nghe, được đọc nhiều bài thơ cảm động viết về Bác Hồ:
“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!
…Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người …”.
(Bác ơi – Tố Hữu)
“Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin
…Tiếc rằng trước lúc chia ly
Con chưa thấy được dáng đi của Người
Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam”.
(Gửi lòng con đến cùng Cha – Thu Bồn)
Đặc biệt Ái Lâm rất xúc động khi nghe những bài hát bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn Bác Hồ, ca ngợi tình cảm, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của Bác như bài “Trồng cây lại nhớ đến người” của Đỗ Nhuận, “Đôi dép Bác Hồ” của Văn An, “Từ làng Sen” của Phạm Tuyên, “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của Lê Lôi, “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh… Ái Lâm nghe và bắt chước theo đài học thuộc các bài hát đó, mỗi lần hát lại một lần nước mắt tuôn rơi.
Bùi Thị Sơn