Nhà sàn Nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái

Nếu ai đã từng đặt chân lên Lai Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung sẽ nhìn thấy những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái mang một nét đẹp riêng biệt, đơn sơ nhưng cũng không kém phần bề thế, sang trọng, bởi được cấu trúc từ các loại gỗ tốt, mộng, chắc, nên nó đủ lực để chống nắng, mưa, gió, và đặc biệt là động đất như hiện nay. Một nếp nhà sàn có thể là 3 gian, 16 cột; hoặc 4 gian, 20 cột; 5 gian 24 cột… gầm sàn cao khoảng 2-3 mét; kiến trúc nhà được chia làm hai hồi, bên trái (mang hóng) dành một gian để làm nơi thờ cúng tổ tiên (khọ hóng). Mang hóng thường để đàn ông tiếp khách; phía bên phải (mang hảư) dành cho phụ nữ và bố trí bếp núc; hai cầu thang lên xuống được bố trí hai bên, tùy theo nhà cao, thấp, to nhỏ, nhưng phải lẻ, có thể là 5 bậc, 7 bậc hoặc 9 bậc. Văn hóa tâm linh luôn được người thái coi trọng, trong thời gian đang làm nhà thường đan chiếc phên tre hình mắt cáo (ta leo) cài vào để trừ tà ma, quỷ dữ.
Con trâu là đầu cơ nghiệp, luôn gắn bó với đời sống nên khi lên nhà mới, người Thái thường chọn ngày sửu, giờ thìn và những ngày không kiêng kỵ của gia đình để lên nhà mới. Ông chủ cầm kiếm, bát hương, vai khoác chiếc chài; bà chủ địu bồ thóc, quả bí, gói muối, tay sách chiếc ninh đồng rồi tiếp đến là các con cháu bê đồ vật, chăn, đệm… lần lượt lên nhà mới. Nhà sàn được bố trí sắp xếp theo nét văn hoá truyền thống: Ông bà chủ nằm ở gian giữa, đầu hồi bên phải là con dâu, đầu hồi bên trái là con rể; bát hương nơi thờ cúng tổ tiên được bố trí một ô nhỏ cạnh gian chủ nhà; phía dưới là bếp và giữa nhà là nơi tiếp khách và đại gia đình quây quần. Dân tộc Thái quan niệm, ngọn lửa là sức mạnh, là sự trường tồn của con người nên khi lên nhà mới việc đầu tiên là phải nhóm bếp đồ xôi và trên chõ đặt đôi đũa chéo nhau để xem hơi bốc lên. Nếu hơi ra phía trái (mang hóng) là sẽ được rể trước (sinh con gái) và ngược lại nếu hơi bốc ra phía bên phải (mang hảư) thì sẽ có con dâu trước (sinh con trai).

Những nếp nhà sàn của dân tộc Thái ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên.

Dân tộc Thái làm nhà sàn rất cẩn thận, từ khi bắt đầu lấy gỗ làm nhà, mọi người trong cộng đồng đều chung sức. Ngày đi lấy gỗ, bà chủ nhà dậy sớm đồ xôi gói cho chồng đi chặt gỗ. Người chồng đi rừng, chọn cây gỗ tốt để chặt, cây có con quạ, con chim làm tổ không lấy, cây mọc 2 nhành cũng không lấy. Khi dựng nhà, phải kéo cột vì thứ 2 gần bếp trước (mang hẳư). Khi lên nhà mới, ông chủ nhà cầm kiếm và bát hương lên nhà mới thể hiện sự trường tồn của dòng họ; bồ thóc, quả bí thể hiện sự sinh sôi nảy nở, phát triển. Những phong tục truyền thống đó ngày nay vẫn được lưu giữ. Người Thái làm bếp trong nhà. Theo truyền thống, chủ nhà nhờ bên bố hoặc anh em bên vợ đặt hộ bếp; lấy đồng bạc quấn lá sả đặt dưới hòn đá bắc bếp. Nhà sàn ngày xưa lợp cỏ gianh và buộc bằng dây rừng nên phải làm 2 bếp trong nhà, đun có khói thì gianh và các nút buộc mới bền. Ngày nay, bếp được thay bằng chiếc kiềng mua sẵn. Nhiều nhà xây theo kiểu hiện đai làm khu bếp riêng, tách hẳn với khu ở, không có khói bụi bẩn vào nhà, có công trình vệ sinh tránh được sự ô nhiễm môi trường.
Dù truyền thống hay hiện đai, dù giàu nghèo hay bần hàn đến đâu, ngày lên nhà mới, chủ nhà phải có con lợn để cúng tổ tiên, có con gà để bà chủ cúng họ ngoại. Phong tục này thể hiện lòng thành đối với tổ tiên, những người đã khuất. Sau khi đã làm xong các thủ tục theo nghi lễ truyền thống, chủ nhà mời anh em, họ hàng bản làng đến ăn bữa cơm thân mật, cảm ơn sự góp công, góp sức, sự giúp đỡ tận tình của bà con, bản làng đã góp công, góp sức cho gia đình có căn nhà mới khang trang. Khách và chủ cùng nâng chén rượu, chúc nhau những lời tốt đẹp, cùng múa hát những làn điệu dân ca của dân tộc. Bữa tiệc lên nhà mới có thể kéo dài từ sáng cho tới đêm khuya.
Ngày nay, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại cùng với sự giao thoa giữa cái cũ và mới, ngôi nhà của người Thái đang dần cách điệu từ những nguyên liệu, kiểu dáng kiến trúc hiện đại bền, đẹp, sang trọng để phù hợp với quy hoạch không gian mới nhưng không mất đi nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.
Nhà sàn của người Thái biểu trưng tình cảm, lối sống, thể hiện tính cộng đồng cao, được xem như một bảo tàng nghệ thuật, là ngôi nhà thân thương đã hun đúc lên tinh thần một tộc người, là nơi gửi gắm niềm tin của con người với các thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần. Nhiều du khách được ngồi trong ngồi trong ngôi nhà sàn sẽ cảm nhận được sự ấm cúng thân thiện, mến khách của các cô thiếu nữ nơi miền sơn cước. Với những giá trị văn hóa đó, nhà sàn đáng được lưu giữ cho các thế hệ .

Vân Anh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.