Người Mông Lai Châu vui tết Độc lập

Theo phong tục xưa, đồng bào Mông chỉ ăn tết một lần vào cuối năm. Nhưng kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã trân trọng và coi đây như ngày tết thứ hai của dân tộc mình. Và cứ đến dịp 2/9 hàng năm, đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lai Châu lại tụ hội về trung tâm huyện vui tết Độc lập.

Người già trong các bản làng vẫn truyền tai cho con cháu rằng: Ngày 2/9/1945, tuy nước nhà đã độc lập, giải phóng, nhưng ở những vùng núi cao, xa trung tâm, người Mông ta cũng như các đồng bào khác vẫn bị kìm kẹp, cai trị dưới ách thực dân, và bè lũ tay sai. Phải đến những năm 50 của thế kỷ trước, người Mông Lai Châu mới hoàn toàn được giải phóng. Để nhớ cái thời khắc lịch sử này, dân tộc Mông đã hình thành nên một cái tết mới – Đó là tết Độc lập mừng Quốc khánh. Ngày hội lúc đầu chỉ là “Những đêm gặp gỡ của những người Mông từ các nơi đổ về trung tâm huyện”, nghĩa là ngày hội này chỉ của riêng người Mông. Nhưng dần dần đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc khác. Và ngày nay gọi chung là Ngày hội văn hóa các dân tộc.

Phần thi đi thăng bằng thu hút đông đảo bà con tham dự ngày hội

Những ngày này, phố huyện Tam Đường như khoác lên mình một tấm áo mới với đủ màu rực rỡ của cờ hoa. Ngay từ sáng sớm, bà con các dân tộc của 14 xã, thị trấn đổ về sân vận động, nơi diễn ra sự kiện trọng đại vào bậc nhất của năm: “Ngày hội văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Tam Đường năm 2017” . Dưới sự hướng dẫn của già bản, các trai tráng mỗi người một việc kẻ cưa, người đục, còn các cô gái Mông tay thoắt thoắt kết, cắt tạo dáng những dây xúc xích trang trí cho không gian trại mình đẹp hơn. Chúng tôi ghé thăm không gian trại văn hóa dân tộc Mông gồm 4 xã (Nùng Nàng, Sùng Phài, Giang Ma và Khun Há) kết hợp với 7 cơ quan đơn vị của huyện. Anh Sùng A Hồ (xã Sùng Phài) đang chăm chú cất những mẻ rượu mới, miệng luôn tươi cười, tay rót rượu mời du khách thưởng thức đặc sản của bà con người Mông. Những miếng thịt trâu gác bếp thơm khé mùi mắc khén, thảo quả, nhắm với  rượu ngô thơm lừng-loại rượu đặc sản ủ bằng ngô hạt nức tiếng của bà con dân tộc Mông xã Sùng Phài. Những chén rượu được làm bằng vấu tre đực, liên tục tràn miệng mời du khách. Ngưng tay, anh Hồ chia sẻ: “Năm nay, mình có nhiệm vụ mang đồ nấu rượu của người Mông Sùng Phài về ngày hội, cất rượu trực tiếp, nhằm giới thiệu đến du khách bốn phương. Mong rằng qua ngày hội, mọi người hiểu thêm về quy trình làm nên thứ rượu truyền thống này”. Để có được mẻ rượu ngon, anh Hồ đã ủ ngô hạt gần tháng nay bằng thứ men lá chỉ riêng có của đồng bào người Mông Sùng Phài. Quan sát kỹ sẽ thấy những làn hơi tỏa ra từ đõ tre đang ngưng tụ thành những giọt rượu trắng trong, thơm lừng, mới thấy sự cầu kỳ, công phu của thứ rượu Sùng Phải nổi tiếng một vùng. Mọi người quây quần bên chõ rượu của bà con Sùng Phài, họ say sưa tâm sự, giãi bày, có lẽ lâu lắm rồi mọi người mới có dịp gặp nhau đông đủ. Chị Lù Thị Ké (xã Nùng Nàng), hôm nay diện bộ váy áo truyền thống của người Mông thật đẹp, không giấu nổi niềm vui chị tâm sự: “Để chuẩn bị lễ hội năm nay, mình đã chuẩn bị trang phục cho gia đình trước cả năm. Bởi làm ra một bộ áo, váy của người Mông tốn khá nhiều thời gian, mình vui lắm vì đã hoàn thành trước ngày hội để cả nhà có đồ mới xuống phố”.

Có lẽ người vui nhất trong ngày hội Tam Đường năm nay là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng ban Tổ chức ngày hội Tẩn Thị Quế, gặp chúng tôi, chị không giấu nổi niềm hân hoan như một vận động viên mới “hạ” xong đối thủ ngang tài ngang sức trong một trận quyết đấu thăng hạng. Chị chia sẻ: Từ khi nhận được thông báo của Thường trực ủy ban tỉnh chọn Tam Đường là một trong hai huyện (Tam Đường và Tân Uyên) tổ chức điểm Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc và hưởng ứng năm du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc năm 2017, ai cũng lo không biết có hoàn thành như mong đợi của cấp trên không. Nhưng đến giờ thì…”. Chị cười, cái cười đôn hậu, hồn nhiên của người phụ nữ Dao. Nhìn các gian văn hóa trại được làm bằng nguyên liệu truyền thống rất quy mô, không phải là mô hình mà là những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông, Dao, Thái trăm phần trăm, được đồng bào mang từ bản ra, với tinh thần đoàn kết, họ đã thể hiện tất cả những gì đặc sắc nhất, tinh hoa nhất của dân tộc mình. Thế mới hiểu, đồng chí trưởng ban tổ chức ngày hội không lo sao được! Khi thời gian cho ngày hội không nhiều mà thời tiết năm nay mưa lũ triền miên cả tháng ròng. Ngày hội với nhiều hoạt động phong phú, như: giới thiệu không gian văn hóa truyền thống các dân tộc; không gian văn hóa hương sắc trà Tam Đường, trình diễn nghệ thuật pha trà; khôi phục trình diễn tục nhẩy lửa của người Dao đầy bí ẩn. Tới đây du khách cùng tham gia các trò chơi dân gian, xem thi ẩm thực và thưởng thức các đặc sản của bà con địa phương. Một điểm nhấn của lễ hội năm nay là biểu diễn dù bay trên đỉnh Sì Thâu Chải, với sự tham gia của hơn 10 phi công trong cả nước, lần đầu tiên tổ chức tại Tam Đường. Ngoài ra, còn có phần thi “bàn tay vàng” dành cho bà con vùng chè nhằm tôn vinh giá trị trong lao động sản xuất.

Rời Tam Đường, chúng tôi xuống Tân Uyên, không khí ngày hội đã đầy ắp các nẻo đường bởi cờ, hoa, băng zôn. Nếu như trước đây để có mặt kịp thời trong lễ khai mạc ngày hội, thì bà con các xã Thân Thuộc, Nậm Sỏ, Hố Mít, Tà Mít phải bắt đầu hành trình từ ngày hôm trước, có sớm đi chăng nữa thì cũng tờ mờ canh hai là phải “hạ sơn” rồi. Ai có người quen ở thị trấn thì nghỉ nhờ, còn không thì cứ qua đêm bằng áo mưa hay cơ động lên vỉa hè là thường. Gia đình anh Vàng A Dơ ở xã Tà Mung đã có mặt rất sớm, với 3 chiếc xe máy mới cong, anh đang hướng dẫn mọi người nơi gửi xe và tìm quán phở ăn sáng. Qua câu chuyện được biết năm nay, gia đình anh trúng mùa thảo quả, trừ chi phí A Dơ thu về hơn cả trăm triệu đồng. Anh mua sắm tiện nghi trong nhà, tậu thêm xe máy cho các con đi lại. Bên bát phở còn nóng rẫy, A Dơ tâm sự tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày tết Độc lập mình đều sắp xếp công việc đưa gia đình xuống huyện chơi. Ngoài việc đi chơi, mua sắm, mình còn được tham gia các trò chơi dân gian, xem múa hát, gặp gỡ mọi người. Tết Độc lập năm nay mình vui lắm, vì đời sống có nhiều đổi mới, đường đã bê tông hóa đến tận từng thôn bản, nhà nào cũng mua xe máy đi rất tiện”.

Vác trên vai cây khèn là nghệ nhân Giàng A Chang đến từ bản Nậm Mở (xã Tà Mung), được biết A Chang sẽ biểu diễn khèn cho đội Tà Mung. A Chang nói tron niềm vui: “Những năm trước đây chưa tách huyện, năm nào cũng thế, cứ gần đến ngày 2/9, bà còn lại khăn gói về thị trấn Than Uyên từ ngày hôm trước, giờ huyện nhà tổ chức đi hội gần hơn, nên cái vui cũng được dài hơn. A Chang cầm cây khèn như một niềm kiêu hãnh của người con trai Mông, cũng chính từ cây khèn này mà cách nay 20 năm nhiều cô gái đã say anh như con cá phải nước suối nguồn. Và cũng chính từ ngày hội này anh đã tìm được người đầu gối, tay ấp, đi đâu cũng kè kè như đôi sam.

Các thiếu nữ Hmông khí thế trong phần thi leo cột

Dường như ngày hội văn hóa ở Than Uyên tấp nập hơn mọi nơi thì phải? Vì ngày này, bà con dân tộc Mông ở Yên Bái, Sơn La, Lào Cai lại rủ nhau về chơi hội. Cũng có lý. Bởi trước đây Than Uyên từng là huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ, đến năm 1991 thì thuộc tỉnh Lao Cai, rồi năm 2004 sau khi chia tách tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên, thì Than Uyên thuộc về Lai Châu cho đến nay. Thế nên mối “lương duyên” của đồng bào Mông các vùng lân cận từ ngày đó đến nay vẫn như thế, có khác cũng chỉ là thay đổi khu vực quản lý mà thôi. Năm nào cũng thế đoạn quốc lộ 32c từ cầu Nà Cang về trung tâm huyện cũng tắc đường hàng giờ đồng hồ, các phương tiện cơ giới mà ra đường trong dịp này chỉ có dắt bộ nhích từng li một.

Sau cơn, trời như cao và trong hơn, ánh mặt trời đã ló, càng làm lộ niềm vui ngày hội trên mỗi khuôn mặt của người già, con trẻ. Đến đây, ai ai cũng diện cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, lộng lẫy nhất cùng hòa vào dòng người tấp nập. Trong dòng người nhộn nhịp ấy, thi thoáng lại có một khoảng trống vây tròn, thì ra đó hình ảnh các chàng trai Mông vai vác khèn, tay cầm sáo bám theo các cô gái ra chiều làm quen, còn các nàng thì má lung liếng, e lệ, với trang phục váy áo súng sính, sặc sỡ hoa văn như bung nở giữa phố xá nhộn người. Ngày hội, không chỉ là dịp bà con gặp gỡ sum vầy sau một năm mà ngày hội còn cơ hội cho các chàng trai cô gái hẹn hò, bén duyên…

Trao đổi với chúng tôi, Ông Trần Quang Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện than Uyên, Trưởng ban tổ chức Ngày hội cho biết: Tết độc lập không chỉ là dịp để bà con Nhân dân các dân tộc, gặp gỡ, giao lưu mà còn là một hoạt động chính trị được tổ chức hàng năm, nhằm giới thiệu quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, giá trị văn hóa dân tộc thiểu số của huyện. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc nhất là dân tộc Mông ở Than Uyên. Qua ngày hội thể hiện giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ngày hội khép lại nhưng dư âm luôn đọng lại trong mỗi người tham dự. Sau phút chia tay lưu luyến, mọi người lại trở về với cuộc sống đời thường, mong cho ai cũng khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gặp nhiều măn mắn, để năm sau lại được gặp gặp gỡ khoe với nhau cái mới, cái vui…

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.