Người mẹ miền núi – mẹ Việt Nàm là một trong số những ghi chép của tác giả Thanh Luận viết về người mẹ miền núi Lai Châu. Đó là “những bà mẹ của 20 dân tộc tại mảnh đất này. Các mẹ đều có những nét giống nhau về niềm vui, nỗi khổ chung của xã hội và riêng từng người, từng dân tộc. Nét chung của tất cả các người mẹ là đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó làm ăn, yêu thương chồng con hết mực, thương người như thể thương thân, yêu quê hương xứ sở làng xóm bản mường, trọn vẹn việc nước, việc nhà. Anh hùng bất khuất trước kẻ thù, trước khó khăn khổ cực, giông tố của cuộc đời.”
Cách đây vài chục năm về trước. Hai tiếng gọi Lai Châu cất lên nghe đã thấy xa xôi hiểm trở và hùng vĩ. Nhiều người chưa từng đến, chỉ nghĩ đây là nơi núi rừng đại ngàn sâu thẳm, heo hút và cách trở nhưng ai đã có dịp qua nơi này đều thuộc lời của bài hát “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành: “Qua miền Tây Bắc/ Núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao/ Bao khó khăn vượt qua…”.
Miền Tây Bắc Tổ quốc trong đó có tỉnh Lai Châu, nơi sơn cùng thủy tận “ven trời Tây Bắc”. Lai Châu là một tỉnh có ba đặc trưng là: miền núi, biên giới và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trải qua hơn 60 năm dưới ách thống trị của thực dân phong kiến áp bức, bóc lột, ánh sáng của cách mạng, của Đảng đã xua tan đi những lầm than, cuộc sống nghèo nàn đói khổ, lạc hậu dần đổi thay và phát triển, đời sống của Nhân dân dần khấm khá hơn. Lai Châu – vùng đất địa đầu Tổ quốc là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam ở nơi tuyến đầu miền biên ải có vị trí quan trọng trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước từ ngàn đời nay của ông cha cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tôi là người lính biên phòng đã có hơn 60 năm công tác, chiến đấu và xây dựng ở Lai Châu. Những năm tháng ấy, tôi được sống, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng học để cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Bước chân tuần tra của tôi đã đến tận nơi rừng xa đất lạ, vượt đèo cao dốc đứng, thác ghềnh dọc dài đường biên giới đến các bản làng quanh năm ẩn khuất trong sương cho đến khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ (năm 2004) thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (mới). 60 năm, 720 tháng, 21.900 ngày đã để lại trong tôi bao kỷ niệm, bao dấu ấn không phai mờ. Trong dấu ấn ấy, kỷ niệm ấy, ấn tượng sâu sắc nhất là cảm nhận của tôi về những người mẹ miền núi mình đã gặp tại các xã, bản xa xôi.
Người mẹ miền núi Lai Châu là những bà mẹ của 20 dân tộc tại mảnh đất này. Các mẹ đều có những nét giống nhau về niềm vui, nỗi khổ chung của xã hội và riêng từng người, từng dân tộc. Nét chung của tất cả các người mẹ là đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó làm ăn, yêu thương chồng con hết mực, thương người như thể thương thân, yêu quê hương xứ sở làng xóm bản mường, trọn vẹn việc nước, việc nhà. Anh hùng bất khuất trước kẻ thù, trước khó khăn khổ cực, giông tố của cuộc đời. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những chiến sỹ Tây Tiến, cán bộ Việt Minh từ đồng bằng, trung du được Đảng cử lên Tây Bắc – Lai Châu gây dựng phong trào cách mạng đến bộ đội chủ lực tiến quân vào đánh Pháp, tiễu phỉ trừ gian trong hoàn cảnh rất quyết liệt, khó khăn gian khổ. Từ hồi đầu hoạt động bí mật, các dân tộc thiểu số đã đồng lòng bảo vệ cán bộ, bộ đội khi kẻ địch lùng bắt tiêu diệt lực lượng. Nhiều người mẹ nuôi giấu cán bộ, nhận bộ đội bị thương về nhà chăm sóc chữa trị. Đó là câu chuyện xúc động về mẹ Thào Qua Mu dân tộc Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Phong Thổ (cũ) nuôi giấu cán bộ Việt Minh hàng tháng trời trong rừng sâu, hang đá, ngoài lều nương xa vắng để khỏi bị kẻ địch bắt giết. Mẹ Thào Qua Mua bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng mẹ vẫn không khai nơi nuôi giấu cán bộ. Mẹ đã bị chúng đánh vỡ đầu, chết tại chỗ. Hay như cụ ông, cụ bà Sùng A Páo ở xã Lản Nhì Thàng đón bộ đội bị thương vào rừng nuôi và chữa vết thương bằng cây lá…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn bà mẹ các dân tộc đã tiễn chồng, tiễn con lên đường đánh giặc ở khắp các chiến trường ngoài Bắc, trong Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ bạn Lào, giúp giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Có người mẹ chỉ có một con trai đã cống hiến cho đất nước, đã chiến đấu hy sinh. Có người mẹ có hai con liệt sỹ. Lại có mẹ có chồng và con đều là liệt sỹ. Các mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” như các mẹ: Lý Khờ Pơ, Lý Nhù Xó, Mạ Chế Pỏ (dân tộc Hà Nhì ở xã Ka Lăng); Mào Thị Khàn dân tộc Thái ở xã Mường Toong; Lý Thị Thằm dân tộc Cống xã Mường Mô (thuộc huyện Mường Tè); Mẹ Trương Thị Huệ ở xã San Thàng, huyện Phong Thổ, nay thuộc thành phố Lai Châu có chồng và con trai độc nhất là liệt sỹ… Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, còn có người mẹ Phu Tả Ma, dân tộc Hà Nhì đã cùng nhân dân đứng dưới nắng mưa hàng chục ngày ở đường biên chống lấn chiếm do đối phương gây ra. Nhiều người mẹ người dân tộc đã sinh và nuôi dạy con nên người. Có gia đình có bốn, năm người con có bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; có con trai, con gái đang là cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã, là cấp tướng, cán bộ cao cấp trong ngành quân đội, công an,… Tất cả các mẹ đã dâng hiến chồng, con cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vẫn sâu đậm, tình yêu đất nước, quê hương bản mường.
Những người mẹ núi cả một đời vất vả địu nắng, gùi mưa, bàn tay chai sạn, bàn chân vẹt mòn trèo đèo lội suối làm nương, cuốc rẫy để kiếm hạt thóc, bắp ngô. “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô” – (Tố Hữu). Những người con của miền núi được mẹ sinh trên núi, tiếng khóc chào đời trên núi, lớn lên từ dòng sữa mẹ chắt chiu từng ngọn rau rừng, củ nâu, củ sắn, bắp ngô, hạt gạo trên nương rồi trở thành chàng trai gân căng bắp cứng đẵn gỗ trên rừng, dựng nên ngôi nhà tựa lưng vào vách núi, đẽo cày để mùa nối mùa nương rẫy. Những cô gái chăm chỉ hay lam lam làm, vai đeo lu cở, chân bước nhanh và chiều chiều đi hái măng kiếm củi mồ hôi đẫm áo mà miệng vẫn cười hát yêu đời. Người mẹ miền núi còn có đôi mắt thu lượm cảnh quan của đất trời, núi rừng để vẽ và tượng hình trên vải rồi từ bàn tay thêu dệt những nét hoa văn đủ sắc màu trên khăn áo mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Các mẹ đã thành các nghệ nhân truyền cho lớp con cháu từ điệu múa, lời ca, mũi kim, đường chỉ thêu thùa. Chính những người mẹ núi đã làm nên, lưu truyền và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, dân tộc mình nói riêng ngày thêm rạng rỡ.
Người miền núi hay người từ nơi vùng miền khác có dịp đến và nhất là có thời gian để trải nghiệm được cùng ăn, cùng ở với người dân nơi đây cho đến khi phải đi xa, dù không hẹn ngày trở lại thì cũng không bao giờ quên tình người cũng như hương vị miền núi. Những món ăn do bàn tay các mẹ, các chị tự chế biến có hương vị quyến rũ đặc biệt. Quên sao được mùi thơm từ nồi thắng cố của chợ phiên vùng cao. Hương rượu ngô bằng men lá rừng, thịt lợn ướp gia vị treo trên gác bếp, nóc sàn; thịt sóc nấu hoa chuối rừng, cá suối nướng, món nộm rau phắc cút, hoa ban, măng đắng luộc hoặc nướng chấm mắc khén, đậu phụ nhự. Ăn bát mèn mén từ bột ngô, bánh chưng đen, xôi nếp cẩm, cơm lam, bánh giày chế biến từ gạo nếp nương đồ chõ gỗ sao mà dẻo thơm đến vậy. Những món ăn dân dã, truyền thống mang đặc trưng miền núi quen thuộc bao đời như vậy mà không thể thay thế khác được nó đã thành gần gũi, thân thương như chính tình cảm của những người mẹ vùng cao.
Tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, tự hào về quê hương núi rừng của ta đã một thời “Rừng che bộ đội/ Rừng vây quân thù”. Rừng núi đã thành căn cứ địa cách mạng, là chiến khu, là hậu phương trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chúng ta có một miền quê miền núi, biên giới và bà con các dân tộc thiểu số. Và chính từ nơi đây chúng ta có những người mẹ núi chân chất, thủy chung, thông minh, tài hoa. Những người mẹ sống tận chân trời, đầu núi vẫn đang cần mẫn dâng hương cho đời như đầu nguồn con sông Đà ngàn đời nay vẫn mải miết bồi đắp phù sa, dâng cho đời ánh sáng…
THANH LUẬN
> Xem thêm: Tạp chí văn nghệ Lai Châu