Người Hà Nhì bảo tồn làn điệu dân ca, dân vũ

Cộng đồng người Hà Nhì ở tỉnh Lai Châu cư trú chủ yếu ở các xã biên giới thuộc các huyện: Mường Tè, Phong Thổ. Sống trên vùng rừng núi mênh mông rộng lớn, người dân Hà Nhì có một không gian sống mộc mạc, giản dị, gần gũi nhưng đời sống tinh thần lại vô cùng phong phú. Đó là những tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ tết, những lời ca điệu múa, các trò chơi dân gian, là văn hóa ẩm thực; là vẻ đẹp của trang phục truyền thống thể hiện tri thức dân gian và sự sáng tạo không ngừng của cộng đồng dân tộc Hà Nhì.
Có lẽ, do người Hà Nhì sống trên vùng núi cao, gần biên giới nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc khác. Các làn điệu dân ca, điệu múa của đồng bào như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn lưu giữ được di sản văn hóa truyền thống của riêng mình. Ngày lễ, tết của người Hà Nhì không thể thiếu các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian. Nhân dân trong bản tập trung tại một địa điểm để tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và biểu diễn các điệu múa truyền thống của dân tộc. Những điệu múa, lời ca được bà con thể hiện một cách nhiệt tình, say mê và đầy cảm xúc. Những bài dân ca được các cô gái Hà Nhì cất lên khiến cho mọi vất vả, cực nhọc của cuộc sống hàng ngày tan biến.
Tháng 4/2023, Câu Lạc bộ bảo tồn hát dân ca dân vũ dân tộc Hà Nhì của xã Mù Cả được Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh phối hợp cùng xã thành lập với 24 thành viên. Câu lạc bộ không chỉ sưu tầm, khôi phục các điệu múa mà còn trực tiếp truyền dạy cho các học viên tại địa phương. Qua đó đã góp phần làm phong phú phong trào văn hóa văn nghệ, quảng bá văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế – xã hội của xã cũng như phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Địa bàn xã Mù Cả được chọn để khôi phục, bảo tồn dân ca, dân vũ bởi tuy khu vực biên giới, có điều kiện kinh tế và đi lại khó khăn nhưng dân tộc Hà Nhì nơi đây vẫn gìn giữ nguyên vẹn được nét đẹp riêng có với bản sắc văn hóa rất phong phú. Câu lạc bộ Dân ca, Dân vũ dân tộc Hà Nhì cũng chính là cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Kết luận số 224-KL/TU ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh”.
Từ xa xưa, người Hà Nhì đã sáng tác ra các điệu múa nhằm phục vụ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh, mang tính tập thể. Theo đó, nghệ thuật biểu diễn rất đa dạng với các điệu múa: múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa giã bạn, múa xòe…, phản ánh các mặt trong đời sống sinh hoạt phong phú. Người Hà Nhì quan niệm trống là biểu tượng của trời và đất, đánh trống nhằm báo hiệu niềm vui được mùa, niềm vui của người chiến thắng. Các động tác múa diễn tả cả quá trình khai khẩn đất hoang để dựng bản dựng làng đến việc cấy hái và thu hoạch mùa màng. Tiếng trống cất lên là tượng trưng cho tiếng sấm đầu tiên trong năm và cầu mong năm đó mùa màng sẽ bội thu nhiều ngô lúa, dân bản có cuộc sống bình yên. Múa trống của người Hà Nhì rất đặc sắc, các động tác múa diễn tả quá trình khai khẩn đất hoang để dựng bản dựng làng đến việc cấy hái và thu hoạch mùa màng.
Theo anh Lý Chùy Pư – học viên của Câu lạc bộ thì các điệu múa sản xuất mô phỏng quá trình lao động sản xuất, sự giao hòa giữa trời đất, thiên nhiên với con người Hà Nhì. Các động tác như: nhổ cỏ, cuốc đất, tra hạt, làm cỏ và thu hoạch lúa, đồng thời các động tác múa còn thể hiện lòng biết ơn thần lúa, thần rừng đã phù hộ cho người dân có đời sống no đủ. Trong quá trình múa có diễn tả từng quy trình làm ra hạt lúa gạo, nét mặt các chàng trai, cô gái thể hiện sự vui mừng sau những ngày lao động vất vả, mô tả những thành quả lao động đã đạt được và mong muốn những vụ mùa sau sẽ thu hái được nhiều thành quả lao động hơn nữa.
Múa nón là điệu múa đặc sắc, tinh tế, thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Hà Nhì được dân bản trình diễn vào các dịp lễ, hội, tết. Khi men rượu đã lâng lâng cùng với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, những chàng trai, cô gái Hà Nhì trong trang phục truyền thống cùng cuốn vào những điệu múa, bài hát chào mừng ngày lễ, Tết. Các cô gái Hà Nhì với chiếc nón giang trên tay cùng những nụ cười tươi tắn, các cô gái say sưa múa theo điệu nhạc làm mê đắm lòng người. Các bài múa không chỉ nhẹ nhàng, gần gũi với cuộc sống thiên nhiên mà còn thể hiện tinh thần hăng say lao động sản xuất.
Múa se sợi là điệu múa tập thể do phụ nữ trình diễn miêu tả quá trình trồng bông dệt vải, se sợi, kéo sợi với các động tác mô phỏng từ quá trình trồng bông, đi lấy bông, tách bông, bật bông, se sợi, tuốt chỉ và dệt vải… Điệu múa thể hiện nét đẹp duyên dáng, cần mẫn, tỷ mỉ hăng say miệt mài để dệt nên những tấm vải đẹp truyền thống của đồng bào. Múa xòe là nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì mỗi động tác, dáng đứng, cách đi, cách xếp đội hình đều thể hiện những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xòe mang lại. Múa xòe được đông đảo tầng lớp tham gia, điệu múa vừa thể hiện sự mạnh mẽ, vừa thể hiện được sự rộn ràng, uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Hà Nhì.
Nghệ nhân Lý Lò De cho biết: “Sau khi thành lập Câu lạc bộ, các thành viên tích cực luyện tập, sinh hoạt đều đặn, nhiệt tình tham gia biểu diễn, giao lưu tại nhiều sự kiện quan trọng của địa phương, của huyện. Đặc biệt, nhiều thành viên tuổi đã cao nhưng vẫn tích cực tham gia sưu tầm, phục dựng và truyền dạy những bài dân ca, dân vũ. Dân ca, dân vũ rất quan trọng, được coi như món ăn tinh thần gắn bó với mọi sinh hoạt trong đời sống. Bởi vậy, nét đẹp văn hóa truyền thống tốt đẹp này thường xuyên được các nghệ nhân trong vùng truyền dạy lại cho các thế hệ. Ngoài ra, các nghệ nhân trong vùng thường xuyên tìm tòi và lưu giữ nét truyền thống của người Hà Nhì, từ trang phục, nhạc cụ, truyện thơ, chữ viết để bảo tồn và truyền dạy cho người dân trong bản hiểu biết về văn hóa dân tộc”.
Bản Mù Cả hôm nay vẫn còn vẹn nguyên những nếp nhà gỗ mộc mạc truyền thống. Nơi đây, đồng bào dành phần lớp thời gian lao động trên nương ruộng. Vào các buổi chiều muộn, buổi tối, thanh niên thêu thùa, tham gia đội văn nghệ. Một số bài hát, điệu múa đã được các nghệ nhân nghiên cứu, đổi mới sao cho ấn tượng, phong phú, hấp dẫn trên cơ sở vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa, chất liệu truyền thống của dân tộc. Câu lạc bộ không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của xã, bản mà còn được chọn đi biểu diễn ở các huyện trong tỉnh để quảng bá làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Hà Nhì.
Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa truyền thống người Hà Nhì đang được khôi phục và giữ gìn, tô đẹp thêm hình ảnh nơi núi rừng biên cương. Với sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện, phong trào luyện tập, biểu diễn văn hóa văn nghệ đã thực sự lan tỏa và đi vào đời sống của người Hà Nhì ở Mù Cả. Có thể thấy đây là mô hình sinh hoạt tập thể hiệu quả, góp phần quan trọng lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tạo nền tảng quan trọng để địa phương tiếp tục nhân rộng ra nhiều nơi, các dân tộc khác trên địa bàn. Trong tương lai, các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống sẽ trở thành loại hình sản phẩm văn hóa đặc thù, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch trong cộng đồng đồng bào dân tộc Hà Nhì nơi đây. Và cũng là động lực để các dân tộc khác bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

MINH HÀ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.