Ngỡ ngàng Pú Đao

Chúng tôi tới xã Pú Đao với tâm thế háo hức. Pú Đao từng được Gecko Travel (geckotravel.com) – một hãng du lịch của nước Anh bầu chọn là “một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á”. Chúng tôi vừa tự hào, vừa phấn khích khám phá những vùng đất tươi đẹp của Tây Bắc, của tổ quốc mình.

Pú Đao là một xã người Mông nhỏ xinh của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Pú Đao chỉ gồm bốn bản là Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Nậm Pì với gần 1400 người sinh sống. Người Mông thường có tập quán sống ở trên các vùng núi cao. Anh Ly A Vừ – Phó Chủ tịch UBND xã Pú Đao, là người Mông sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, có chia sẻ với chúng tôi rằng: “Theo tiếng Mông, Pú Đao có nghĩa là vùng đất cao lưng chừng”. Nhưng tôi thấy ở đây cao lắm, nhìn lên chỉ thấy đỉnh Pú Đao cao gần 2000m và nhìn xuống là những ngọn núi thấp hơn, là sông Đà, là những mái nhà bé xíu… Và tôi chợt nghĩ sự “lưng chừng” của vùng đất ấy có lẽ được so sánh với trời. Pú Đao quả thực ở lưng chừng giữa trời và đất, nối liền đất với trời. Người dân ở đây không sống ở sườn núi, hông núi mà đang định cư trên một đỉnh núi. Nhưng đỉnh núi ấy rất đặc biệt. Đủ bằng phẳng và thật nhiều hấp dẫn.

Mặc dù lúc chúng tôi tới là giữa mùa hè, nhưng nền nhiệt ở đây chỉ khoảng 22-23oC. Thời tiết mát mẻ, lúc nắng, lúc mưa. Có phải chính vì sự đỏng đảnh ấy mà mùa hè là lúc nuôi dưỡng những vòm mây trắng xoá, để khi mùa thu đến thì biến thành biển mây. Mọi người ở xã đây mời chúng tôi trở lại Pú Đao vào mùa khô, từ khoảng tháng mười, tháng mười một đến tháng ba năm sau. Bởi đó là mùa có thể leo lên đỉnh núi Pú Đao cao vút kia, ngắm mây, ngắm mặt trời mọc đẹp đến ngỡ ngàng mà không nơi nào có được trên mảnh đất Tây Bắc vốn cũng tươi đẹp này.

Chúng tôi vào bản Hồng Ngài trước tiên. Những con đường nhỏ quanh co, nhưng sạch sẽ. Bản làng lặng yên, bởi những người dân đều đã đi nương. Nhưng những ngôi nhà cũng không vì thế mà cần đóng cửa. Những ngôi nhà gỗ bình dị nằm trên một đỉnh non cao bằng phẳng, rộng rãi. Không gian yên bình, thoáng đãng, trong lành, dễ chịu. Trời đang nắng mà bỗng sương khói sà xuống. Cả đoàn ngỡ ngàng, thích thú. Pú Đao còn là miền đất của gió.

Bản Nậm Đoong, Nậm Đắc mang khung cảnh đặc trưng của bản người Mông  vùng cao.  bản vắng vẻ, những nếp nhà trệt bằng gỗ thấp đỏng cửa im lìm. Bản vắng vẻ. Thi thoảng có tiếng gà gáy trưa. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà có chiếc cối xay bằng đá khá to bên hiên nhà. Người Mông ở đây bao năm vẫn giữ được nét văn hoá truyền thống bản địa trong sinh hoạt. Chủ nhà hồ hởi đón tiếp những người khách “lạ”, còn chưa kịp biết đó là những ai nhưng đã mang bánh ngô thơm nức, còn đang nóng hổi ra mời cả đoàn. Mọi điều từ không gian sống, đến con người ở đây đều thật đúng với ngợi ca tôi đã đọc trước đó “bất ngờ và thân thiện” trên web du lịch quốc tế gonomad.com. Điểm hấp dẫn nhất của Pú Đao với du khách có lẽ chính là ở việc còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết của cảnh vật, bản sắc văn hoá đậm đà, sự thuần phác, thô mộc mà cởi mở, hiếu khách của con người nơi đây.

Pú Đao còn là miền đất của lịch sử, của huyền sử. Những người già thường kể về vua Thái, về những con đường độc đạo, về sân bay dã chiến do người Pháp xây dựng với nhiều công sự bằng đá… Dẫu tất cả chỉ còn mờ nhạt như huyền tích dinh thự của vua Thái Đèo Văn Long với bãi bồi xanh ngát ở dưới kia. Những con đường quanh co hình chữ S cứ dẫn lên cao mãi hay là một con sông uốn lượn mà mỗi ngõ vào từng nhà là một nhánh sông. Để đến khi tới Nậm Đoong, Nậm Đắc thì con đường bỗng hoá xương sống của một con rồng khổng lồ mà nhà cửa san sát hai bên đường. Con đường mòn dẫn qua những thung lũng chân mây, xung quanh bạt ngàn hoa dại và nương rẫy. Tôi thích thú với những đoá sa nhân nở trắng giữa mùa hè dọc hai bên đường… Pú Đao với khí hậu mát lạnh quanh năm, còn là vùng đất của nhiều dược liệu quý.

Từ bản Nậm Đoong có con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Pú Đao, nơi có đỉnh Pú Đao cao vút tới gần 2000m so với mực nước biển. Đứng từ bản nhìn lên, thấy Pú Đao xanh thẫm màu lam chứ không phải chỉ xanh lá, mây trắng, trắng xoá đặc quánh chứ không chỉ trắng bông tơi xốp. Huyền bí và sâu thẳm, gọi mời những tâm hồn dũng cảm, yêu mến Pú Đao tới chinh phục, khám phá.   Pú Đao được nhắc nhớ với điểm ngắm mặt trời đẹp nhất Đông Nam Á. Vì từ đây nhìn xuống ta gặp ngã ba sông, nơi giao nhau giữa hai con sông: sông Đà và sông Nậm Na. Nếu Đà Giang là một con sông lớn với cả những hung dữ, hùng vĩ và trữ tình chảy dọc Tây Bắc thì Nậm Na là phụ lưu nhỏ bé, thơ mộng. … Sông Đà, sông Nậm Na trên hành trình của mình, đã đi qua bao nhiêu tên đất, tên bản, đã qua những đêm xòe hoang dã đôi bờ. Rồi hợp lưu ở đây, gặp suối Nậm Lay hiền hoà mà làm nên ngã ba sông có điểm mặt trời mọc đẹp đến kì vĩ và nao lòng. Để khi nhìn từ Pú Đao, ta thấy một cảnh tượng diễm lệ nhất mà thiên nhiên ban tặng riêng cho Việt Nam, cho Tây Bắc.

Đặt chân lên điểm cao nhất ở Pú Đao mới thấy cảnh sắc bao la, hùng vĩ với bốn bề núi sông mây nước hội tụ. Dưới kia là biển mây. Nhìn qua biển mây là sông nước. Ở nơi ngã ba sông, những dòng sông cắt ngang hai dãy núi tạo thành một chữ V rất lớn. Người dân Pú Đao kể rằng trong một năm, có vài ngày mặt trời mọc từ chính giữa chữ V đó. Lúc ấy, mặt trời thấp hơn so với những dãy núi xung quanh. Trong khi, phía trên còn mờ tối thì phía dưới đã hắt lên những tia sáng rực rỡ. Những ngày còn lại trong năm, bình minh thức dậy từ sau dãy núi, những tia nắng đầu tiên đánh thức những làn mây còn ngái ngủ, gọi sự sống ngày mới trên mặt sông lấp lánh dát vàng. Sông suối ở đây trù phú, giàu cá tôm. Những bản làng xung quanh với ruộng đồng xanh ngát bên bãi bồi phù sa.  Những ngày chúng tôi đến là mùa mưa nên nước sông Đà, sông Nậm Na đều đục màu phù sa.

Đứng từ Pú Đao chỉ thấy sắc vàng của phù sa, của mặt trời ánh xạ vào nhau giữa bốn bề xanh ngắt của rừng đại ngàn, của mây trắng… Sơn thuỷ quấn quýt, hữu tình, giao hoà nơi đây. Sông Đà gợi nhớ di tích vua Lê Lợi khắc trên bia đá như một tuyên ngôn về chủ quyền đất Việt. Những con sông gợi nhớ những cây cầu lịch sử: Lai Hà, Hang Tôm. Những cây cầu lại gợi nhớ đôi bờ, về Mường Lay, về Điện Biên lịch sử, về vua Thái Đèo Văn Long, về Lai Châu ngày cũ, về thuỷ điện ngày mới sáng đèn…

Lên với vùng cao Pú Đao, ban đầu chỉ vì hấp dẫn bởi cảnh sắc, thoả mãn cái chí phiêu bồng, khám phá, chinh phục những miền đất mới và lạ. Đến rồi thì đắm chìm trong sự hoang sơ, thanh bình vốn không dễ tìm giữa thời hiện đại; yêu mến con người, ngưỡng mộ văn hoá. Trước những điều hùng vĩ, lớn lao, con người dù bé nhỏ nhưng lại nuôi dưỡng chí lớn, biết nhìn xa, biết bao dung, nảy nở và dung dưỡng những giá trị nhân văn.

THÙY GIANG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.