Pờ Nhù Nu, một nữ nghệ sĩ múa dân tộc Hà Nhì, sinh ra và lớn lên tại vùng biên giới xa xôi của tổ quốc: bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cô sinh trưởng trong một gia đình văn hoá và sớm được tiếp xúc với nghệ thuật dân gian dân tộc Hà Nhì, ảnh hưởng tố chất và niềm đam mê văn hoá dân tộc từ bố là ông Pờ Lỳ Cà.
Pờ Nhù Nu thuộc thế hệ 8X. Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng cô đã có rất nhiều năm tháng học tập và hoạt động trong lĩnh vực múa. Nhù Nu bắt đầu đi học múa từ năm lớp 6 tại trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc (Hoà Bình). 5 năm học tập tại đây, Nu được hai nhà giáo NSUT Điêu Thuý Hoàn và nghệ sĩ Phan Thanh trực tiếp giảng dạy. Sau khi tốt nghiệp, năm 2005, cô được nhạc sĩ Vương Khon – Trưởng đoàn nghệ thuật Hoa Ban trắng tỉnh Điện Biên nhận về công tác tại đây. Từ khi chia tách thành lập tỉnh Lai Châu mới (tháng 5/2006), Pờ Nhù Nu chuyển công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lai Châu. Thời gian giúp cô ngày càng trưởng thành trong sự nghiệp. Hiện nay, cô đang hoạt động biểu diễn và sáng tác múa tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu.
Hà Nhì là một dân tộc thiểu số đặc biệt ở Lai Châu, đời sống còn nhiều khó khăn. Việc học tập của đa số đồng bào và nhất là người phụ nữ dân tộc Hà Nhì còn nhiều cản trở. Vậy nhưng Pờ Nhù Nu là một tấm gương về việc không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ bản thân. Năm 2010, cô đi học nâng cao trình độ tại trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Tây Bắc. Năm 2014, tốt nghiệp hệ Cao đẳng, Nhù Nu lại tiếp tục học liên thông lên Đại học. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, khắc phục mọi khó khăn, cô vừa thực hiện thiên chức của người phụ nữ, vừa làm vừa học để tốt nghiệp Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội chuyên ngành Biên đạo múa. Pờ Nu ý thức sâu sắc rằng: Chỉ có con đường trở thành biên đạo múa mới khiến khát khao được đi dài lâu và cống hiến cho nghệ thuật múa trở thành hiện thực.
Từ khá sớm (năm 2011), Pờ Nhù Nu được kết nạp vào Hội nghệ sĩ múa Việt Nam. Sinh hoạt tại đây, cô được tham gia nhiều trại sáng tác và nhận hỗ trợ sáng tác. Cô từng nhận được Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam khi tham gia các cuộc thi Sáng tác các tác phẩm múa Việt Nam lần thứ nhất, Sáng tác tác phẩm múa hài Việt Nam lần thứ nhất; nhận giải C giải thưởng thường niên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2015 với tác phẩm múa Mùa vàng trên biên cương. Việc tham gia các hoạt động này giúp Pờ Nu có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động biểu diễn và biên đạo múa. Từ năm 2019, vừa công tác tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh, cô đồng thời trở thành hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, với nhiều hoạt động, đóng góp cho nghệ thuật múa tại địa phương mình. Trong quá trình công tác, cô không ngừng học hỏi từ các đòng nghiệp và các biên đạo từ trung ương mỗi khi có dịp giao lưu, tập huấn chuyên môn. Pờ Nu luôn cố gắng thực hiện tốt vai trò của một nghệ sĩ biểu diễn, phục vụ nhiều chương trình văn nghệ của tỉnh, tham gia dàn dựng các chương trình văn nghệ… Bên cạnh đó, cô còn tham gia các đề án văn hoá của tỉnh, hợp tác với các cơ quan, đơn vị và tham gia các phong trào văn hoá ở tổ dân phố mình sinh sống… Pờ Nu cảm thấy rất hứng khởi khi được tham gia vào công tác phục dựng, bảo tồn văn hoá ở cơ sở. Trong đó cô đặc biệt ấn tượng với những đợt phục dựng dài ngày về múa Mông ở Sin Suối Hồ (Phong Thổ), múa Thái Trắng ở Vàng Pheo (Phong Thổ), múa Hà Nhì ở Kha Lăng, Thu Lũm (Mường Tè)… Pờ Nu tham gia và đạt nhiều giải thưởng cao ở các Hội diễn, Hội thi Văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, toàn quốc với các tác phẩm như: Sợi hoa Ka Lăng, Tình núi, Tính tẩu nhớ thương, Hoa xuân Bản Giáy, Cô gái bên khung cửi… Gần đây, Pờ Nu thành lập một câu lạc bộ múa. Tại phòng tập của mình, cô trực tiếp giảng dạy bộ môn múa, khiêu vũ hiện đại cho các học viên nhỏ tuổi; thực hiện dàn dựng nhiều chương trình, tiết mục múa cho nhiều đơn vị cơ quan trong tỉnh. Bằng nhiệt huyết của mình, Pờ Nhù Nu luôn khát khao được cống hiến trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt là trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc tỉnh Lai Châu thông qua nghệ thuật múa.
Những tiết mục múa tiêu biểu do Pờ Nu biên đạo phải kể đến: Tiếng vọng Là Khư (của dân tộc Hà Nhì đen), Mùa vàng trên biên cương (Hà Nhì hoa), Đường tuần tra (dân tộc Mông), Khoe khăn (dân tộc Giáy), Nhịp sống (dân tộc Lự), Mùa thay lá (dân tộc La Hủ)… Mặc dù là người dân tộc Hà Nhì, hiểu nhất về văn hoá và các điệu múa Hà Nhì. Nhưng bên cạnh những tác phẩm múa thể hiện cuộc sống bình dị, tươi đẹp, văn hoá độc đáo của người Hà Nhì thì Pờ Nhù Nu còn thử sức, đam mê nghiên cứu, sáng tác điệu múa từ chất liệu dân gian của các dân tộc khác ở Lai Châu, đặc biệt là các dân tộc đặc biệt ít người như Cống, Mảng, Si La, La Hủ,… Cô coi chất liệu dân gian của các dân tộc anh em trên mảnh đất quê hương này là kho báu đầy sức sống, không bao giờ cạn kiệt. Càng tìm, càng nghiên cứu lại càng phát hiện ra nhiều cái hay, cái đẹp, tạo nên cảm hứng sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ trong con người nghệ sĩ. Pờ Nu vừa tiếp thu, thừa kế, phát huy yếu tố truyền thống, nhưng vừa mong muốn thổi vào các điệu múa hơi thở hiện đại của thời đại. Điều này làm nên sự trẻ trung, nhập cuộc trong các tác phẩm múa do Pờ Nu biên đạo. Đôi khi mang tính chất thử nghiệm, nhưng cô đã dám nghĩ, dám làm và đúc kết kinh nghiệm. Pờ Nu quan niệm rằng: Múa cũng như các ngành nghệ thuật khác, cần phải phản ánh được hiện thực cuộc sống, hướng đến các giá trị nhân văn tốt đẹp. Trong quá trình nghiên cứu, sáng tác cần tạo nên những giá trị nghệ thuật phù hợp. Pờ Nu quan niệm, sáng tạo không cần phải để đạt tới những gì cao siêu mà chỉ cần hướng tới chân giá trị, cần thực tế, dân dã, gần gũi với đời sống của nhân dân như nó vốn có. Bởi chỉ có như vậy, nghệ thuật múa mới có thể tiếp cận, dễ lan toả, và dễ đi vào lòng người.
Pờ Nhù Nu luôn băn khoăn rằng các dân tộc thiểu số ở Lai Châu, nhất là dân tộc Hà Nhì của cô có rất nhiều bài dân ca hay, nhiều nhạc cụ dân tộc độc đáo… nhưng chưa được khai thác xứng tầm để phục vụ hay phát huy, sáng tạo nên những tác phẩm mới. Âm nhạc chính là linh hồn của múa. Múa dựa trên tính chất âm nhạc: động tác có thể nhanh, chậm, thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình… Âm nhạc gợi ý tưởng và góp phần tạo nên ngôn ngữ múa. Cho nên, nhiều khi có ý tưởng biên đạo múa nhưng do hạn chế về nhạc nền nên các ý tưởng của cô khó thực hiện được. Chính vì vậy, Pờ Nu vẫn khao khát, ấp ủ dự định thực hiện dự án âm nhạc và múa của các dân tộc thiểu số ở Lai Châu. Chẳng hạn như hợp tác với các nhạc sĩ, ca sĩ, dịch lời hát dân ca, thực hiện các tác phẩm âm nhạc song ngữ, tạo nhạc nền để sáng tạo các điệu múa đương đại hoặc hiện đại dựa trên chất liệu dân gian vốn có…
Ở Pờ Nu toát ra đầy năng lượng tích cực. Cô sống thân thiện, tình cảm, chân thành, giản dị như bao đồng bào quê mình. Cô mong muốn mình làm được nhiều hơn nữa, góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Lai Châu.
GIANG THANH