Sinh năm 1950, tuy năm nay đã quá “thất thập cổ lai hy” nhưng Nghệ nhân Lò Văn Sơi còn khỏe mạnh. Ông vẫn đi xe máy từ bản này sang mường khác, vận động các em, các cháu tham gia các lớp đàn tính – hát Then để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Thái quê hương mình.
Một ngày đầu tháng 4, sau những trận mưa xối xả liên tục cả chục ngày trời, chúng tôi đến thăm nhà ông và cũng là để tận mắt chứng kiến những lớp học đàn tính – hát Then do ông cùng các nghệ nhân của câu lạc bộ tổ chức. Trên tường phòng khách rộng thênh của ngôi nhà ông treo những cây đàn tính tẩu và những bằng, giấy khen qua các cuộc liên hoan đàn tính – hát Then các cấp. Vị trí trang trọng nhất là tấm bằng công nhận Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước trao tặng, do Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký năm 2019.
Hạ những cây đàn tính gắn với những kỷ niệm đặc biệt, ông hào hứng giới thiệu thành tích đã đạt được của nó qua các cuộc giao lưu và bắt đầu biểu diễn những bản nhạc quen thuộc của dân tộc Thái Tây Bắc. Theo đánh giá của đồng bào Thái thì chơi đàn tính được chia làm 4 cấp: tính “khắp” là đệm hát; tính “xe”là đệm múa; tính “tói” là độc tấu; người vừa đàn vừa múa giỏi được gọi là “say tính” – thầy đàn. Thân hình và đôi tay uốn lượn, những khúc nhạc vang lên thôi thúc, nhịp nhàng. Ông quả xứng đáng là một “Say tính” (Thầy đàn) của dân tộc Thái.
Nghệ nhân Lò Văn Sơi trong gia đình và lớp truyền dạy múa Then, đàn tính tại Nhà văn hóa bản Cang Mường.
Nghệ nhân Lò Văn Sơi là người biết chơi và làm đàn tính tẩu từ khi mới mười ba tuổi, nên bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng đôi bàn tay khéo léo của ông vẫn cho ra đời những cây đàn tính vừa đẹp vừa có âm thanh rất tốt.
Tâm sự cùng chúng tôi, ông kể, Gia đình ông có truyền thống làm “Một lao” (Chủ tế lễ trong vùng) từ Bình Lư về đến Mường Kim. Chuyên tế lễ tại các lễ hội cúng bản, cúng mường, cúng trời đất… Từ đời ông nội đến cụ thân sinh, các cụ đều rất giỏi làm và chơi đàn tính. Ngày kháng chiến chống Pháp, gia đình ông có ngôi đền (Túi tỉ) ở ngay chỗ cây đa hội trường huyện Than Uyên bây giờ. Ngôi đền ấy cũng chính là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong những ngày còn hoạt động bí mật. Sau này, bố ông là Lò Văn Ngơi đi dân công hỏa tuyến, tham gia dân quân tự vệ. Giải phóng Tây Bắc, cụ đi làm giáo viên rồi làm đến Phó chủ tịch UBMTTQVN của huyện Than Uyên. Mẹ ông cũng là người yêu văn nghệ, hay được đi hát phục vụ các quan Tạo trong vùng. Ông được học hát Thái từ mẹ, học ngón đàn, làm đàn và chữ Thái từ cha. Ông bây giờ gần như là người duy nhất trong vùng biết xem ngày giờ tốt xấu theo chữ Thái cổ.
Từ năm mười ba mười bốn tuổi, ông đã được đi giao lưu đàn tính và hát Then tại Sa Pa, Lào Cai. Ông cũng cùng thanh niên trai gái trong bản, tổ chức nhiều cuộc hát giao duyên với các bản, các mường trong vùng khi mùa xuân đến hoặc những đêm trăng đẹp.”
Tâm sự cùng Nghệ nhân Lò Văn Sơi, chúng tôi vỡ ra nhiều điều về tính nhân văn, sự ý nhị trong lời nói, câu hát của văn hóa Thái. Ví dụ câu nói “Hát chọc sàn”, nhiều người chúng ta hiểu theo nghĩa đen của từ “chọc”, tức là lấy gậy chọc sàn. Thực ra là khi người con trai muốn tán tỉnh, tìm hiểu một người con gái nào đó trong bản, thì ban ngày, người con trai thường hò hẹn những câu: “Đức đức pì nhăng tẩu” (Khuya khuya anh mới đến). Hay: “Noọng nòn pì nhăng ma” (Em ngủ anh mới đến). Khi nhận được tín hiệu đồng tình của người con gái thì đêm xuống, chàng trai mang tính tẩu đến thật gần nhà bạn gái đàn, hát gọi bạn tình. Trong lời hát gọi thường có những câu đại ý như: “Tứn y noọng, tứn y!” (Dậy đi em, dậy đi!). Nếu chờ đợi lâu quá mà người con gái chưa xuống, chàng trai thường hát những câu nghe có vẻ hơi quá lên để người con gái thương: “Tứn ý! Mắt kin pì caừ tò bung” (Dậy đi! Bọ chó cắn anh sưng bằng cái bung rồi!” hay: “Tứn y! Nhung kin pì caừ to xạ!” (Dậy đi! Muỗi cắn anh xưng bằng cái giỏ!)…mục đích để làm xiêu lòng người bạn gái đến mức phải dậy mở cửa, ra ngoài sàn ngồi tâm sự cùng bạn trai.
Khi hát chọc sàn (Bay púc sao – tức là: hát đánh thức con gái), người con trai còn hạ thấp dây đàn xuống cho tiếng đàn êm dịu hơn so với khi đánh đàn ban ngày. Trong lời tỏ tình cũng có những câu rất ấn tượng như: “Ai mặc noọng!” (“Anh yêu em!”) hay câu hứa hẹn: “Ai e pay sút Phạ sút lin tòi noọng!” (“Anh muốn đi cùng trời cuối đất với em!”). Rõ ràng hát chọc sàn của đồng bào dân tộc Thái chứa đầy tình cảm, đầy ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc, chứ không phải cầm gậy mà “chọc” gầm sàn như một số người vẫn thường nghĩ.
Năm 1971, nghệ nhân Lò Văn Sơi tham gia quân đội. Sau bốn năm chiến đấu tại chiến trường Xiêng Khoảng của nước bạn Lào và một năm hòa bình tại ngũ, năm 1976 ông được ra quân. Từ đó, ông công tác tại hạt kiểm lâm của huyện Than Uyên nên ít có điều kiện hoạt động văn nghệ. Đến khi nghỉ hưu, ông mới có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Năm 2002, ông cùng với ông Lò Văn Xum tổ chức nhóm hát Then – đàn tính trong xã Mường Cang. Năm 2005, nhóm này được tham gia cùng đội tuyển của tỉnh Lai Châu, đi tham dự Liên hoan Hát Then – Đàn tính toàn quốc tại Thái Nguyên. năm ấy Lai Châu đạt giải Ba toàn đoàn, nghệ nhân Lò Văn Sơi đạt giải B tiết mục độc tấu đàn tính.
Năm 2007, ông tham gia Hội Thái học. Cũng năm ấy, có chủ trương và giúp đỡ của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh, ông đã cùng ông Lò Văn Xum tổ chức thành công lớp dạy đàn tính, hát và múa Then cho 22 học viên. Số học viên ấy, sau này đã được tham gia các cuộc liên hoan, giao lưu Đàn tính – Hát Then tại Chăn Nưa vào các năm 2007, 2010, 2015. Do tuổi cao, sức yếu, đến bây giờ một số người không tham gia hoạt động được nữa, nên chỉ còn gần chục học viên cốt cán, (nay đã thành nghệ nhân truyền dạy) cùng ông để giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Thái.
Năm 2021, thực hiện nghị quyết của HĐND và Tỉnh ủy Lai Châu, phòng Văn hóa – TT&DL huyện Than Uyên đứng ra tổ chức các lớp truyền dạy Đàn tính – Hát Then. Ông đã cùng các nghệ nhân nòng cốt trong câu lạc bộ của mình, vận động được hơn 90 học viên ở độ tuổi học sinh (từ 7 – 17), tham gia học tại 4 lớp thuộc các bản Cang Mường, Phiêng Cưởm, Loọng Co Phày, Bản Mé. Với sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ nhân Lò Văn Sơi và 6 nghệ nhân nòng cốt. Qua những buổi học đầu tiên, các học viên mới đã tiếp thu rất tốt những kỹ thuật căn bản về đàn tính và múa Then. Quan trọng nhất là các học viên đều thấy yêu quý, trân trọng và tự hào hơn về vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.
Cùng với việc làm đàn tính và truyền dạy hát Then – đàn tính lại cho các thế hệ kế tiếp, nghệ nhân Lò Văn Sơi còn say mê viết sách để làm tư liệu nghiên cứu và học tập cho mai sau. Tính đến nay, ông đã viết trên 30 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc Thái. Năm 2012, ông đã viết và in chung cuốn “Then Thái” cùng Nhà nghiên cứu, sưu tầm Văn hóa dân tộc Thái – Đỗ Thị Tấc và tác phẩm ấy vinh dự nhận giải B tại cuộc xét tặng Giải thưởng VHNT Lai Châu lần thứ I. Năm 2017, ông tiếp tục in chung cuốn “Tập tục xây dựng bản mường” và nhận giải C tại cuộc xét tặng Giải thưởng VHNT Lai Châu lần thứ II.
Ông đang chuẩn bị in hai tác phẩm khá lớn, đó là cuốn:”Hát giao duyên lên thiên đường đến nơi thách cưới”, tức là “Khắp báo sao mưa Then họt bón phắt lân phắt au” nghĩa là: Hát để trời chứng giám cho tình yêu của đôi trai gái, để trời ban phước cho họ. Cuốn thứ hai là:”Mùa xuân – Mùa hoa”, tức là “Chiêng xoong – Mua bok” (Hát giao duyên mùa xuân).
Ngoại tuần thất thập, nghệ nhân Lò Văn Sơi vẫn ngày đêm cần mẫn với những công trình nghiên cứu, gạn đục khơi trong từ những tư liệu, truyền thống cổ của dân tộc mình để viết sách, để làm đàn, để truyền dạy lại cho mai sau những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái Tây Bắc.
Thanh Phương