Tôi hai mươi ba tuổi, sinh viên năm cuối trường đại học, chưa kiếm được một đồng xu lẻ phụ giúp bố mẹ. Bạn bè cùng lớp tôi đi làm thêm đủ nghề từ năm nhất. Gia sư, bán hàng online, bán hàng thuê, chạy bàn cho các nhà hàng, thậm chí là chạy xe ôm, shipper… tất tật các việc có thể kiếm tiền. Đứa thì muốn đi làm thêm không phải vì thiếu thốn mà là để có thêm trải nghiệm vào đời, đứa thì muốn làm dày thêm khoản chi tiêu lặt vặt. Nhưng cũng có đứa như thằng Chung Nghệ An chạy grabbike từ cuối năm nhất không chỉ đủ lo cho bản thân mà còn dư dật gửi về quê đỡ đần mẹ nuôi em. Bọn nó nhớn nhác kiếm việc làm thêm, còn tôi cứ bàng quan với thời cuộc, mặc lòng bố mẹ cho bao nhiêu tiêu chừng ấy. Tuy thế tôi chưa khi nào tôi bị rỗng túi, không phải bố mẹ giàu có cho không tiếc tay mà là vì tôi chi tiêu dè dặt.
Bố mẹ tôi đều là viên chức nhà nước, lương ba cọc ba đồng, thời buổi giá cả leo thang mọi thứ đắt đỏ, nhu cầu sinh hoạt ngày một tăng lên đồng lương chẳng đủ chi tiêu. Ngoài giờ làm mẹ vẫn bươn chải kiếm thêm từ đủ thứ việc như: cấy lúa nương, trồng rau, bán hàng online, thậm chí mẹ sẵn sàng đi rửa bát thuê cho các nhà hàng trên phố vào ngày nghỉ cuối tuần. Bố thì bằng lòng với cuộc sống, ngoài giờ hành chính chủ yếu ông dành thời gian cho những ván cờ, hoặc ấm trà nóng cùng mấy ông bạn trong cái thị trấn bé nhỏ đìu hiu dưới chân dãy Pu Ta Leng.
Mẹ yêu tôi vô điều kiện. Bà có cả ngàn lí do để yêu con với một tình yêu không bờ bến. Lúc còn bé, mẹ thương vì tôi kén ăn, còi cọc suy dinh dưỡng. Lớn hơn chút nữa, khi bọn trẻ đồng trang lứa biết vòi vĩnh thì thằng tôi vẫn là đứa trẻ ngoan ngoãn rất biết vâng lời người lớn. Lại còn rất biết giữ phép lịch sự, chẳng thế mà ai cho gì cũng dứt khoát từ chối. Chỉ khi nào bố mẹ bảo: “Cảm ơn bác (cô) đi con!” lúc bấy giờ tôi mới lí nhí cảm ơn và rụt rè nhận quà. Còn nữa, tôi rất biết nhường nhịn bọn bạn cùng chơi. Về chuyện này tôi còn nhớ rất rõ thằng An học cùng hồi lớp bảy. Nó là đứa coi trời bằng vung. Nó tiêu tiền cả sấp mà mỗi lần nó xòe tiền ra chúng tôi đứa nào đứa ấy tròn mắt thèm thuồng nhìn theo cái dáng to cao lừng lững của nó khệnh khạng bước. Nó hơn tôi hai tuổi, đúp năm thứ hai thì vào lớp tôi, cô giáo xếp nó ngồi bàn dưới tôi. Giờ kiểm tra nào nó cũng hắng trước:
– Mày làm được đến đâu chuyển nháp ngay cho tao. Nhớ đấy!
Hôm ấy, gặp bài toán khó, tôi nghĩ mãi chưa ra cách giải. Tiếng nó be bé phía sau cùng với cái mũi com pa chọc giữa lưng:
– Làm nhanh lên đi mày!
Tôi đang ù đầu vì những con số, đâm ra cáu tiết:
– Tôi còn tính!
Trống hết giờ, cô giáo thu bài rồi bước ra khỏi lớp. Những đứa nộp bài trước cũng nhanh chóng ào ra sân. Tôi cắm đầu chạy về phía cửa và sững lại khi cánh cửa duy nhất còn mở vừa được nó đóng sập trước mắt. Một trận đòn tơi tả giáng xuống đầu, mặt, lưng, vai, bắp tay… vô tội của tôi.
Cũng có lần, cả người tôi tím đen những vết cấu véo mà mẹ vô tình gãi rôm cho tôi thấy được. Mẹ xót con gặng hỏi thì được nhận lại câu trả lời vui vẻ của con trai:
– Bọn con đùa trong giờ ra chơi thôi mẹ, không sao đâu ạ!
Tuổi thơ tôi cứ âm thầm như thế trôi qua. Tôi im lặng để mẹ yên tâm làm việc. Giờ nghĩ lại thấy mình ngớ ngẩn, sự im lặng ngu dốt ấy của tôi đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho cái trứng ác phình to. Nhưng dẫu sao, sự hỗn láo, ngỗ ngược của một đứa trẻ đang tuổi cắp sách thì trước sau cũng nhận hậu quả. Thằng An đánh nhau đến lần thứ ba trong nửa sau học kì năm lớp bảy thì bị tạm đình chỉ có thời hạn. Nó rời trường học luôn từ đó và cho đến bây giờ tôi và nó chưa một lần gặp lại nhau.
Ngày tôi xách chiếc vali bé tý về Hà Nội nhập học, mẹ cứ sụt sùi khóc vì không được đưa tôi đi. Mẹ căn dặn đủ điều, mẹ cứ lo cậu bé ngốc nghếch xứ núi về thành phố lơ ngơ rồi lại bị bắt nạt.
Mấy năm cặm cụi đèn sách, dù phố thị rộn ràng cũng không làm tôi đổi thay tính nết. Tôi vẫn yêu mẹ nhất trên đời và mẹ cũng thế. Dù ở xa, mẹ vẫn chăm tôi bằng cách chuyển khoản cho tôi đủ chi tiêu đều đặn từ ngày đầu mỗi tháng và căn dặn đủ thứ, hỏi thăm đủ việc. Còn tôi cứ hồn nhiên nhận những âu yếm của mẹ và coi đó như một thứ trách nhiệm của mẹ đã thành lập trình. Nhưng năm hai, mẹ không chỉ chăm tôi từ xa mà cứ khoảng cuối mỗi quý mẹ lại xuống tận trường thăm tôi. Mỗi lần đi mẹ mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh gạo, thịt, rau, quả… sạch ở quê. Mẹ dọn dẹp phòng trọ, lau chùi tủ lạnh, chất đầy đồ ăn thức uống vào đó, dặn rau ranh thì phải ăn trước, củ quả có thể để lâu hơn nên để dành ăn sau. Xong xuôi, mẹ vội vàng ôm tôi thút thít khóc trước khi ra xe.
Năm thứ ba tôi đi học, một đại dịch khủng khiếp diễn ra trên toàn thế giới. Chúng tôi buộc phải chuyển sang học online. Tôi về bên mẹ, những tưởng sẽ được mẹ chăm bẵm ngọt ngào như thuở nào. Nhưng không, có cái gì đó khiến mẹ đổi thay nhanh chóng.
Khuôn mặt trát dày phấn trang điểm – mà mẹ chỉ chịu “tẩy trang” khi tắt điện lên giường ngủ. Cặp môi đỏ mọng bóng nhẫy như trái cherry không hợp với giọng cáu gắt hoặc một tràng mắng tơi tả hắt về phía bố con tôi đầy khó chịu chỉ vì một lỗi nhỏ của ai đó trong nhà. Lâu lắm rồi, tôi không biết đến màu da thật trên khuôn mặt mẹ. Có lần, sau bữa cơm, mẹ bê mâm bát đi rửa, tôi bất ngờ buông một câu hỏi về phía bố bằng cái giọng của người đang tràn trề thất vọng:
– Con không hiểu sao mẹ thay đổi tính cánh nhanh đến thế?
Bố không nhìn tôi, ông nhấp ngụm chè Tam Đường, gật gù trả lời thản nhiên cứ như một sự đã được định trước:
– Chắc già cả khó tính ấy mà…
Ông dừng lại như có ý đổi hướng rồi buông trôi hai từ:
– Có trời mới biết được!
Quay về phía Út, tôi căn vặn:
– Chú làm gì có lỗi gì với mẹ phải không?
Út thủng thẳng, nhát một:
– Mẹ vất vả cả ngày ở cơ quan, rồi về nhà lại nai lưng chăm gà, làm vườn, nấu cơm, quét dọn, lau chùi nhà cửa… Anh bận học, em cũng bận học. Bố bận đánh cờ, bận uống trà… Làm việc nhà nhiều mẹ không mệt mới lạ, mà mệt thì sinh cáu gắt là lẽ thường tình! Muốn mẹ ít cáu thì anh đọc sách báo ít thôi. Làm đỡ mẹ đi!
Tôi cũng định ngày mai sẽ làm hết phần việc nhà của mẹ, hoặc đến giờ đi ngủ sẽ vào thả màn, đấm lưng cho mẹ nhưng cuối cùng thì ngày mai tôi hẹn ngày kia, ngày kia lại hẹn ngày mốt. Và đến tận bây giờ, chưa một lần tôi làm được một việc cỏn con đỡ đần cho mẹ.
Năm cuối của đời sinh viên, địa phương phát hiện chùm ca lây nhiễm và số ca bệnh ngày càng tăng. Ban đầu tôi đã rất lưỡng lự vì lo sợ chính bản thân mình sẽ bị nhiễm virut Corona nhưng khi biết nhân lực chống dịch thiếu nhiều thì tôi đi đến quyết định: tuổi trẻ sẽ qua đi và chẳng để lại gì nếu ta không làm việc gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Tôi viết gửi đơn xin đi chống dịch. Thật trùng hợp, ngày tôi nhận được quyết định trở thành tình nguyện viên cũng là ngày tôi nhận đồ án tốt nghiệp. Tôi vào tâm dịch trong tâm trạng vừa hứng khởi, vừa có chút lo lắng. Vào tâm dịch cùng tôi là laptop, giáo trình, máy tính, sổ ghi chép… Thời gian biểu của tôi trong khu cách ly khá “căng”. Ban ngày nhận nhiệm vụ giao cơm, vận chuyển thiết bị y tế, dọn dẹp vệ sinh khu bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân… Tối đọc sách. Đêm, từ hai mốt giờ đến ba giờ sáng ngồi làm luận văn kiêm trực oxy.
Ngày bảo vệ luận văn rồi cũng đến. Chả hiểu có phải mấy năm miệt mài học tập mà tôi tích lũy được số vốn liếng kha khá trong đầu hay một ma lực nào giúp tôi mà hơn những trang luận văn được tôi trình bày lưu loát cứ như thể tất cả chực chờ sẵn trong não chỉ chờ ngày bảo vệ là tuôn trào. Buổi bảo vệ luận án kết thúc vui vẻ quá mức khiến tôi cũng chưa bao giờ dám mơ sẽ suôn sẻ như thế. Tấm bằng tốt nghiệp đỏ chót loại giỏi sẽ là món quà tặng cho cả một chặng đường nỗ lực của tôi. Tôi tin rồi đây, mỗi lần nhớ đến những tháng ngày sinh viên là mỗi lần tôi có quyền được tự hào về thành tích học tập, về những trái ngọt tôi đã gặt hái. Nhất định về già tôi sẽ kể cho con cháu nghe.
Cả gia đình tôi nghỉ việc dự buổi bảo vệ luận án online của tôi như đã định. Cuối buổi, trên màn hình laptop, tôi thấy mẹ cười tươi như hoa và hình như hôm nay mẹ trang điểm nhẹ nhàng hơn mọi ngày. Lâu lắm tôi mới thấy nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt mẹ. Nụ cười chưa kịp tắt, mẹ đổ sập xuống nền nhà.
Bác sĩ từ trong phòng cấp cứu đi ra, hỏi:
– Ai là người nhà bệnh nhân Đỗ Như Hoa?
Ba bố con tôi bật dậy khỏi chiếc ghế chờ, cùng thốt lên:
– Thưa bác sĩ!
– Người nhà cần phải hết sức bình tĩnh để lo hậu sự cho bệnh nhân…
Tôi vẫn trong bộ đồ bảo hộ, đổ sụp bên cánh cửa phòng cấp cứu màu trắng lạnh trong khi bố theo chỉ dẫn của bác sĩ vào phòng làm thủ tục đưa mẹ về. Út cúi xuống gần tôi hơn vừa thút thít vừa kể:
– Lúc anh bảo vệ xong, mẹ gượng cười nhăn nhó và người lả dần. Mồ hôi túa ra hòa lẫn những giọt nước mắt tròn vo của mẹ lăn trên khuôn mặt, gột trôi lớp phấn, để lộ màu da xanh xao vàng vọt đến khó tin. Giờ thì em với bố mới biết…
Tôi gục mặt vào túi hồ sơ bệnh án của mẹ nức nở. Ba năm, không dài với một đời người nhưng ba năm âm thầm đau một mình, khám chữa bệnh một mình, chiến đấu với tử thần một mình là cả một chặng đường lê thê đối với một người phụ nữ chân yếu tay mềm như mẹ.
Ngày thứ bốn chín, bên hương án, tôi cúi lạy vong linh mẹ mà nước mắt rưng rưng. Tôi đã cố xua đi cái ý nghĩ ích kỷ mà tôi chưa một lần nói ra với ai mỗi lần nghe mẹ càu nhàu, ý nghĩ thoát khỏi mẹ bằng cách nhanh chóng tốt nghiệp, trưởng thành, đi làm, lấy vợ, ở riêng, dứt khoát phải ở riêng, trời có sập thì vẫn ở riêng… chiều chiều về căn nhà nhỏ của riêng mình. Trong ngôi nhà ấy chỉ có tiếng ríu rít nói cười của con trẻ, tiếng nũng nịu của mẹ đứa trẻ. Tuyệt nhiên không thể có tiếng làu bàu của một bà già khó tính, dở hơi gắt gỏng sớm chiều. Tôi cúi đầu, tự thấy xấu hổ với cái suy nghĩ ích kỷ, đốn mạt ấy như một lời sám hối muộn màng với mẹ và tự nhủ sẽ chôn chặt ký ức đê tiện vào khóc khuất tâm hồn.
Thanh Tám