Một vài đặc điểm dân ca dân tộc Si La

Dân số của tộc người Si La ở tỉnh Lai Châu ngày nay chỉ có gần 1.000 người, nhưng họ nắm giữ một kho tàng dân ca rất đặc sắc. Trong đó trường ca là một thể loại điển hình. Tuy không nhiều, theo chúng tôi được biết, người Si La có các trường ca về quá trình thiên di từ vùng đất tổ Na Sa cho đến khi định cư ở Việt Nam. Trường ca này mang tính chất sử thi của dân tộc. Trước thập kỷ 60 của thế kỷ XX, trường ca này thường được người già thể hiện trong các buổi truyền dạy hát dân ca cho con cháu hay bên bếp lửa vào các buổi tối mùa mưa. Thời điểm này việc nương ruộng đã xong và theo thục lệ thì mùa mưa là mùa người Si La truyền lại các bài dân ca và tri thức dân gian về tâm linh cho con cháu. Trường ca được thể hiện theo lối vừa hát ngân nga, vừa kể.

Điều hiếm khi gặp ở các tộc người khác là người Si La còn có Trường ca giải thích về tô tem và lịch sử các dòng họ. Trưởng dòng họ Hù kể rằng, cho đến năm 1974, khi ông 40 tuổi vẫn còn được nghe bố ông hát – kể chuyện con hổ và họ Hù, chuyện họ Hù tách ra thành hai họ là họ Hù và họ Pờ để những lớp người sau còn có thể lấy nhau. Vì người Si La rất ít, mà theo phong tục, người Si La lại không được kết hôn với người cùng họ.

Còn trường ca về quá trình thiên di của người Si La thì ông Lý Chà Ché ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè cho biết: Bà ngoại ông sinh năm 1868, ông sinh năm 1956, năm 1960, mới 6 tuổi thì mồ côi cha, ông về ở với bà ngoại. Dù ông còn bé nhưng ngày cũng như đêm, hôm nào cũng vậy, cơm nước xong bà ngoại lại ngồi bên bếp thiêng. Bà bắt ông ngồi bên cạnh, mệt quá thì dựa vào vách hoặc nằm gối đầu vào lòng bà để nghe bà hát. Bà ngoại hát chậm bảo ông nhẩm hát theo. Có nhiều khi buồn ngủ quá, ông ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thấy bà vẫn hát. Cứ một tuần, bà bắt ông hát lại cho bà nghe. Trẻ con ham chơi, ham ngủ, thời gian đầu, những bài hát ngắn ông thì thuộc nhanh. Còn bài hát về quá trình di cư của người Si La thì qua nhiều nơi, dài quá, ông hát cứ đoạn nhớ đoạn quên, có khi nhầm đoạn. Bà ngoại ông là người rất giỏi về cúng, bói, làm phép và ca hát. Người Si La cấm phụ nữ được làm mồ phế (thầy cúng) nên cộng đồng xì xèo bà ngoại ông bị ma làm. Năm 1968, tròn 100 tuổi thì bà ngoại ông qua đời. Những bài hát bà truyền lại, bài ngắn thì ông còn nhớ. Riêng trường ca kia mấy chục năm không hát ông không chắc mình nhớ đủ. Ông Lý Chà Ché hiện nay là mồ phế (thầy cúng) có tiếng trong cộng đồng người Si La ở huyện Mường Tè.

Người Si La không có chữ viết riêng nên các di sản văn hóa, văn nghệ dân gian được trao truyền theo lối truyền khẩu và hướng dẫn trực tiếp tại gia đình, dòng họ.Trên cơ sở kết quả điền dã sưu tầm mà chúng tôi có được từ năm 1996 đến nay, chúng tôi tạm chia dân ca của người Si La theo nội dung phản ánh, gồm: các bài Hát ru, Dân ca than thân, Dân ca sinh hoạt, Dân ca lao động sản xuất, Dân ca nghi lễ, Tang ca…

 

Nghệ nhân Hù Cố Xuân tập lời hát dân ca Si La cho đội văn nghệ bản Seo Hai, xã Can Hồ. Ảnh: Ngọc Thắng

Dân ca Si La là một trong những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào. Từ những năm 1960 đến nay, đã có một số nhà nghiên cứu tìm hiểu và giới thiệu về văn hóa dân gian dân tộc Si La, tuy nhiên trong những công trình này, thể loại dân ca thường được đề cập mang tính điểm diện, minh họa, có chăng chỉ là một vài trang sách. Có thể nói cho đến nay, những nghiên cứu về dân ca Si La vẫn còn là khoảng trống do việc sưu tầm, nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do địa bàn cư trú của đồng bào ở vùng núi cao hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn. Phần khác, do đồng bào sống khép kín, ngại tiếp xúc… Theo thời gian, dân ca Si La dần bị mai một.

Qua tìm hiểu, bước đầu chúng tôi thấy các bài hát dân ca của tộc người Si La mang một phong cách nghệ thuật ngôn từ độc đáo, đa dạng và mới lạ. Nó khiến cho người đọc cảm nhận được sự trong trẻo, tinh khiết, nguyên sơ trong tư duy nghệ thuật ngôn từ; sự mộc mạc, chân thành, nồng hậu đến nao lòng trong tâm hồn, tình cảm của người Si La.

Nói tới sự độc đáo của dân ca Si La, trước hết phải nói tới việc sử dụng ngôn tư, hình ảnh mang đậm bản sắc tộc người. Chẳng hạn, trong các bài hát ru, vẫn là những lời ru êm ái, dịu dàng, đầy ắp thương yêu, tha thiết niềm mơ ước của những người bà, người mẹ, người chị Si La dành cho bé thơ nhưng tình cảm ấy lại được lột tả bằng những từ ngữ,

hình ảnh, âm thanh rất đỗi mộc mạc, đơn sơ, đậm đà bản sắc dân tộc: mong cho bé lớn nhanh như “mầm cây riềng gió”; sống lâu, vững vàng như “cây nghiến cổ thụ”; rắn chắc như “tảng đá”; ngay từ khi còn bé, em đã có thể vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để lớn lên:

“…Ơi cháu trai yêu quý của bà ơi…/ Không được bế bồng cũng mau lớn nhé… / Như mầm bụi to cây riềng gió nhé…/ Cháu sẽ sống lâu như cây nghiến cổ thụ nhé… /To khỏe như tảng đá nhé…”.

Diễn tả nỗi vất vả, khó nhọc của những người cha mẹ không quản ngày đêm để nuôi con khôn lớn cũng được bộc lộ bằng những lời lẽ rất chân thành, mộc mạc, không tô vẽ hoa mỹ:

“…Một ngày mẹ mười lần thay tã cho con đấy nhé…/ Ăn thì mẹ không có gì đâu…/ Rau ngon cũng không có… mà…/ Một tí rau cỏ gì cũng không có không có đâu…”.

Trong các bài dân ca lao động sản xuất, những lời ca ngợi, động viên cổ vũ mọi người hăng say lao động để làm ra của cải vật chất cho cuộc sống. Những bài học kinh nghiệm về sản xuất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch… được đúc kết, phản ánh bằng chính những sự vật, hiện tượng tự nhiên quen thuộc với đời sống hằng ngày của người Si La: Kinh nghiệm nhận biết thời vụ làm nương rẫy từ tiếng ve kêu “xá… xá…” trên cành cây. Tiếng diều hâu kêu “phí khu í lụ” đến “hoa nhuộm cơm vàng nở”. Kinh nghiệm chọn đất rừng làm nương rẫy được đúc rút từ việc quan sát “con gà gô chân đỏ” trong rừng già bới tổ mối đất mịn (đất tốt); đến việc mùa làm nương phải ngủ lại trong rừng thì “ngủ như đàn khỉ đỏ ăn lá” (ngủ trên cây) để tránh thú dữ…

Không chỉ những bài ca về lao động sản xuất mà những bài ca về phong tục tập quán làm nhà mới, cưới xin, ma chay, di cư tìm đất mới. Những điều kiêng kỵ, lý lẽ của dân tộc. Những tình cảm nhớ nhung, ân tình với bản cũ với cha mẹ, anh em, họ hàng cũng được phản ánh một cách mộc mạc, chân thành, qua các sự vật, hiện tượng trong môi trường tự nhiên – nơi người Si La sinh sống:

“…Nhớ con ong đen cánh mỏng bay lượn hút nhụy hoa, thế đấy…/ Nhớ con chim tha cỏ làm tổ trong mái nhà cũ, thế đấy…/ Nhớ cả tiếng hoẵng ở dông núi bên kia báo nắng, báo mưa thế đấy…/ Tháng Ba nở hoa đỏ rực báo đã đến mùa làm nương… thế đấy…/ Nhớ tiếng con chim cu kêu trên cánh rừng cuối bản báo mùa trồng đỗ đến rồi…”.

Các bài dân ca than thân kể về nỗi khổ của những người mồ côi, những người có số phận kém may mắn, phải sống cô độc, không người thân thích. Họ luôn phải dãi bày tâm trạng của mình với thiên nhiên, cỏ cây, với tiếng thú kêu, chim hót, tiếng sóc chuyền cành và tiếng suối reo, thác đổ:

“…Sóc ơi, ve ơi, hãy cùng buồn theo tôi nhé…/ Chim ơi cùng lau nước mắt với tôi nhé…/ Sóc ơi hãy cùng lau nước mắt với tôi đi nhé…/ Bây giờ thì tôi đi khắp nơi vui theo loài chim, loài ve…/ Đi tìm niềm vui cùng tiếng kêu, tiếng hót của muôn loài…/ Tôi gượng vui cùng với tiếng kêu, tiếng hót của chúng…/ Tôi chỉ còn biết vui với tiếng hót, tiếng kêu ấy mà thôi… vậy đấy…”.

Đặc biệt hơn cả là những bài ca giao duyên vừa chân thành, giản dị, khiêm nhường nhưng rất nồng cháy quyết liệt. Tâm trạng bồn chồn, đứng ngồi không yên vì nhớ người yêu của các chàng trai, cô gái Si La được miêu tả như chiếc lá lật đi lật lại trước gió:

“…Tâm trạng anh cứ bồn chồn không hiểu vì sao… vậy đấy…/ Như gió thổi lá rừng lật…/ Lá rừng lật sấp ngửa… như thế đấy…/ Hãy đi mà nhìn xem lá lồ txuế lật…/ Lá cứ lật theo gió thốc… như thế đấy…”.

Trong phong tục hôn nhân của các tộc người thiểu số vùng Tây Bắc, buổi đầu gặp gỡ, các cô gái thường giữ khoảng cách với các chàng trai bằng cách nói hạ thấp thân phận của mình. Đây là cách nói thể hiện sự khiêm tốn, e dè, ngại ngần, tế nhị của các cô gái. Nhưng đối với các cô gái Si La, cách ví von thật lạ. Các cô ví mùi hương từ cơ thể của mình hôi như mùi “củ tỏi”, như “con chồn hôi”, “con chuột” và thanh sắc chỉ như “hoa cánh mỏng”, hoa dại, ong bướm cũng không tìm đến:

“…Không ai để ý đến loại người như tôi, như thế đấy…/ Như hoa sim trong rừng mùa nở hoa, đấy mà/ Hoa đẹp, hoa thơm, không có vậy đâu, thế đấy…/ Ong cánh mỏng cũng không đến lượn, đấy mà…/ Không thơm đâu, như củ tỏi (hôi) thôi, như thế đấy…/ Chuột hôi, tôi như con chuột hôi, vậy thôi…/ Chồn hôi, tôi như con chuồn hôi đấy mà…”.

Cũng như các dân tộc khác, người Si La tin tưởng rằng, vợ chồng có thành đôi là bởi duyên số trời định, lấy được nhau là bởi cha mẹ cho phép. Chuyện tình yêu dang dở do cha mẹ ngăn cấm cũng thường xảy ra trong tập quán hôn nhân truyền thống của người Si La. Phản kháng lại sự ngăn cản này các chàng trai, cô gái Si La đã so sánh nó với một sự vô lý khác trong cuộc sống: “mổ bụng con bọ chó” (con vật bé xíu chỉ bằng đầu tăm nên không thể mổ được) hoặc “ninh nhừ ba hòn đá kê bếp” (việc không thể làm được):

“…Em mổ bụng phải biết mổ bụng bọ chó cơ… vậy đấy… /Bố mẹ nói thì đừng nghe nhé…/ Bếp thiêng có ba hòn đá/ Ba hòn đá em có biết hầm nhừ được không?/ Bố mẹ nói đừng nghe…”.

Cách nói này là cách nói ngược của các chàng trai Si La để diễn tả điều trái với tự nhiên, không thể xảy ra (kiểu như “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình” của người Kinh) để thuyết phục cô gái không nên nghe theo lời ngăn cấm của cha mẹ mà hãy chấp nhận tình yêu của mình.

Bên cạnh việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh mang đậm bản sắc tộc người Si La, các bài dân ca của dân tộc Si La còn đặc biệt ở cách dùng từ cảm thán. Những cụm từ: thế nhé, thế vậy, thế nhỉ, vậy nhỉ, thế đấy, thế mà… được lặp đi lặp lại nhiều lần trong hầu hết các dòng thơ, các bài dân ca. Với mật độ xuất hiện dày đặc đã tạo nên sự khác biệt, độc đáo trong phong cách dân ca Si La khiến cho giọng điệu của những bài dân ca này trở nên mềm mại, gần gũi, tha thiết, chân thành, khiêm nhường như những lời tâm sự thủ thỉ. Tìm hiểu về cách dùng từ này từ góc độ văn hóa tộc người, chúng tôi nhận thấy bên cạnh tác dụng tạo nhịp điệu da diết, thân thiện cho lời ca nó còn phản ảnh đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh tâm hồn, nhân cách của người Si La. Họ sống tại vùng núi cao, hẻo lánh, dân số ít, ăn ở hiền lành, nhẫn nhịn, không tranh đua bon chen và giàu lòng yêu thương con người.

Đặc biệt, nội dung các bài tang ca như: Qua lời bài dẫn hồn người chết lên trời về với cõi tổ tiên (à phùy – à phè), người Si La đã vẽ cả vũ trụ bao la với những núi, đèo, đồi, bãi, sông, biển, bản, nhà… không khác gì nơi trần gian. Có thể nói, qua lời dẫn đưa hồn người chết lên trời là hồi quang của cuộc sống con người và vạn vật, muôn loài nơi trái đất. Lời bài dẫn hồn người chết lên trời về do Mồ Phới (thầy dẫn đưa hồn) thể hiện theo lối hát thơ. Hoặc ngắn hơn là các bài tang ca: Nội dung các bài hát chồng hát khóc vợ, vợ hát khóc chồng, anh chị hát khóc em, em hát khóc anh chị, các cháu hát khóc cô dì, chú, bác… Đều ít nhiều mang thông tin về nguồn gốc và quá trình thiên di của tộc người.

Dân ca Si La chính là tiếng nói tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của đồng bào – tinh khiết, giản dị, trung thực, độc đáo, với những ước mơ bình dị đến nao lòng. Lời ca như những mạch nước ngầm trong vắt âm thầm, róc rách ngàn đời dưới chân đá núi; da diết, day dứt như tiếng chim tu hú gọi bạn khi ánh chiều dần buông; trung hậu, thẳng thắn như cây mọc trong rừng già. Lời ca buồn nhưng không bi lụy, khiến người đọc hình dung về con người, nhân cách Si La mộc mạc, chân thành nhưng rắn rỏi, kiên trung như đá núi, cần mẫn như những con ong kiếm mật, con kiến tha mồi về tổ… đang ngày đêm miệt mài xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Đỗ Tấc


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.