Mộng Cầm tên thật là Cầm Thị Đào, sinh năm 1985, là cựu sinh viên khoa Ngữ văn, khoá 53, ĐHSP Hà Nội, hiện đang sống và dạy học tại Ninh Bình. Chị vừa giới thiệu đến bạn đọc tập thơ “Trái tim kiêu hãnh”. Đây là tập thơ đầu tay của chị nhưng đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ phía độc giả, đặc biệt là độc giả mạng.
Mộng Cầm – một cái tên vô cùng ấn tượng đối với tôi, và chắc chắn không chỉ riêng tôi. Bởi sau nhiều năm gặp lại, tôi cảm nhận những điều thật mới từ cái tên và hồn thơ ấy.
Mộng Cầm, hay tên gọi quen thuộc khác từ hồi chúng tôi học Sư phạm Văn cùng nhau là Cầm Thị Đào. Chữ Đào khiến tôi liên tưởng đến màu hồng phấn, đến sự xinh tươi, đến cả sự đào hoa của một cô nàng chuyên văn cùng khoá, luôn duyên dáng với nụ cười rất ngọt trên môi. Bởi không cùng lớp nên không có quá nhiều tiếp xúc, nên tôi nhìn nhận Đào chủ yếu bằng cảm nhận và ấn tượng.
Sau này, gặp lại bạn với cái tên rất mới là Mộng Cầm thì bút danh ấy lại đưa tôi vào một liên tưởng khác. Nếu ai không biết nguồn gốc của bút danh ấy – như tác giả đã từng chia sẻ, thì biết đâu cũng nghĩ như tôi. Tôi nhớ ngày xưa thầy giáo dạy văn nổi tiếng của chúng tôi là tiến sĩ Chu Văn Sơn từng nói khi phân tích về một số tên địa danh như Cẩm Phả, sông Mã…: Thầy bảo không biết các em cảm nhận thế nào, chứ thầy thấy tự thân từ ngữ đã đầy chất thơ, nó là thanh âm của nhạc, của thơ. Mộng Cầm trong cảm giác của tôi cũng vậy, tôi không chiết tự, tôi lại chỉ cảm nhận: Cầm có thể gợi tới thanh âm, có thể gợi ra đôi cánh trong các nghĩa khác nhau của từ Hán Việt ấy. Tất cả điều đó đều xa xôi trong một cõi mộng, vừa ảo ảnh, lại vừa như là ước mơ mong đạt tới.
Tôi nhận Trái tim kiêu hãnh vào một ngày giông gió, bận rộn. Đồng nghiệp của tôi đã kịp đọc trước khi tôi thưởng thức nó. Tôi vui và hào hứng khoe “bạn mình đấy”. Tựa đề tác phẩm và hình ảnh trên trang bìa khiến tôi đoán Trái tim kiêu hãnh là tập thơ tình, của một nhân vật nữ trữ tình, đầy yêu thương nhưng kiêu hãnh, bởi biết rõ giá trị của trái tim mình.
Rồi quả thật, vào một ngày mưa cuối tuần khác, tôi ngồi trong đêm để cảm nhận thơ Đào theo cách riêng của mình.
Cảm nhận chung về Trái tim kiêu hãnh là một hồn thơ rất dung dị, rất chân thành. Mộng Cầm có sao viết vậy, như là dòng ý thức, như là cảm xúc tươi mới, không thể giữ được trong tim nữa thì tràn ra thành lời. Tác giả không quá chau chuốt, không dùng nhiều biểu tượng, không quá nhiều biện pháp tu từ. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn của thơ Mộng Cầm. Tôi nhìn thấy ở đó tâm hồn của một người phụ nữ từng trải, yêu thương nhiều, nhiều nỗi đau, nhưng luôn khao khát được yêu, được sống hết mình với tình yêu. Có thể Đào đã nói hộ được tâm trạng của bao nhiêu người con gái khác. Có điều gì đồng cảm với hồn thơ yêu mãnh liệt của Xuân Quỳnh nhưng lại hiện đại, tươi mới hơn Xuân Quỳnh. Họ đồng điệu ở tâm hồn yêu rất sâu, rất mãnh liệt, mà vẫn dịu dàng, tha thiết, đậm chất phụ nữ Việt.
Tôi gặm nhấm từng bài trong khoảng thời gian tĩnh lặng mình có. Thơ của Mộng Cầm lướt qua tuổi thanh xuân rực rỡ, những kỉ niệm của thời thiếu nữ, thời sinh viên, rồi đọng lại rất sâu ở thực tại. Đó là hình ảnh người phụ nữ của gia đình với bao nỗi lo toan, với bao niềm khao khát tình yêu còn nguyên vẹn như ban đầu trong đôi mắt biêng biếc màu mơ ước.
…
Bây giờ mùa thu! Mùa thu khiến cả đất trời và hồn người đều lãng đãng đến lạ. Một chút gió, một chút sương, một chút se se lạnh… len lỏi sâu vào từng góc khuất tâm hồn, để gợi nhớ những kí ức từ thuở nào. Mùa thu vì thế đã là chủ đề của biết bao nghệ sĩ, thi sĩ. Mỗi người bằng con mắt, tâm hồn và trải nghiệm riêng, mang đến cho đời những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân. Mộng Cầm cũng vậy. Thơ hay là thơ có sự đồng cảm, người đọc có thể nhìn thấy một phần câu chuyện, cảm xúc của mình ở đó, vì thế mà thơ có thể chạm tới đáy sâu tâm hồn mà thổn thức cùng nhau.
Tự tình mùa thu thực sự đã làm rung động bao trái tim yêu. Đó là lời tâm sự với mùa thu của một cô gái đang yêu với bao nỗi niềm bởi tình yêu ấy không trọn vẹn.
Mở đầu bài thơ là sự chia ly: Vào cái ngày anh đi không trở lại. Người đàn ông ấy đi để lại cô gái ấy giữa cơn bão giông: Thành phố về đêm cơn bão quét hoang tàn. Không chỉ là cơn bão nơi thành phố về đêm, mà đó chính là cơn bão lòng, càng đêm, càng cô độc, càng đau đớn không nguôi.
Trong cảm quan của sự chia ly ấy, mùa thu thật buồn thương, tan vỡ, còn lòng mình lạnh lẽo như đông khi không còn yêu thương:
Em ngồi giữa mùa thu đầy mảnh vỡ
Dọn lòng mình để đón mùa đông sang.
Cô gái trở nên yếu đuối biết bao trong nỗi đau này: Cứ loay hoay với chính mình giữa phố phường đổ nát – Ngóc ngách nào cũng chỉ toàn nước mắt. Những giọt nước mắt tổn thương, những bất thường, xáo động trong tâm đến khó có thể sắp xếp. Hình ảnh cô gái bé nhỏ “loay hoay” giữa cuộc đời thật tội nghiệp, đáng thương biết bao. Nhưng cô đâu thể chia sẻ cùng ai. Không một ai thấu hiểu, đến cả cái người mình đau khổ vì họ, họ cũng ở tận phương trời xa đâu hay biết mình đau. Cho nên đúng là “tự tình”: nói với chính mình mà thôi. May chăng có mùa thu ấy biết.
Rõ ràng, sự chia ly này không có hẹn ước, không một sự rõ ràng. Người trai trong mắt cô gái lạnh lùng lắm: đi không trở lại, Em còn chẳng biết đi đâu để tìm anh, Biết rằng anh rất rất xa… Hình như anh ấy không hề yêu, hay hình như anh ấy vô tâm lắm. Người ta đi xa là thế, nhưng cô gái không biết anh đi đâu, chẳng biết bao giờ trở lại. Chỉ còn lại sự trống vắng. Nhưng trái tim nặng tình của cô vẫn không thể nguây quên. Dù biết là đã chia xa, mà trong tâm thức cô vẫn luôn chờ đợi – một sự chờ đợi trong vô vọng, mà vẫn khắc khoải yêu thương, vẫn không ngừng hi vọng đến một ngày người đó quay trở lại:
Bao nhiêu mùa móng rồng đã nở hoa
Tường cũ rêu phong, cổng nhà loang lổ
Một tâm trạng rất sâu, rất trầm buồn ấy khiến mùa thu của Mộng Cầm có màu của lá úa, của sự chênh vênh. Chờ đợi bao lâu là vừa cho kịp với thanh xuân? Cô gái không chỉ chờ một mùa thu, hai mùa thua… mà đã đến cả “bao nhiêu mùa móng rồng” nữa rồi, khiến mọi thứ đã rêu phong: tường cũ rêu phong, cổng nhà loang lổ. Vậy mà trái tim cô đâu cũ kĩ. Vẫn tình yêu ấy, chờ đợi ấy, sắc son, tha thiết vô bờ…
Đáng lẽ phải quên đi thì em lại tha thiết
Anh có về nữa đâu mà cam lòng đợi
Mùa thu nào sẽ là mùa thu cuối
Em dừng đợi một người nơi góc bể chân mây…
Một cảm xúc xót thương cho người nào đã yêu, đã đi qua cảnh ngộ ấy. Song nhìn từ góc khác thì mới thấy giá trị của những nỗi đau này: còn biết yêu, còn được đau khổ với tình yêu vẫn là một điều tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ trong cuộc đời này. Nó còn đáng trân trọng hơn cả sự vô cảm, chai sạn, không đau, không yêu, không chân thành… Bởi như ai đó đã nói: một trái tim đẹp là trái tim có nhiều vết thương, bởi “ai đã từng chết vì yêu là đang sống trong tình yêu”. Nên một cô gái có tâm trạng, cảm xúc như thế cũng đáng yêu, đáng trân trọng lắm, dù nếu ai biết đều có thể xót xa.
Trong sâu thẳm sự chờ đợi ấy là tình yêu, là mong muốn sự quay về, đoàn tụ. Có một cánh cửa vẫn để nguyên như cũ, dường như không khép bao giờ, sẵn sàng đón nhận chàng trai vô tâm nọ quay về:
Em cứ vẹn nguyên mà chẳng dám sơn sửa
Sợ một ngày anh trước cửa
Giật mình không nhận ra!”
Lẫn trong sự hi vọng ấy, là một sự tinh tế rất nữ tính, đầy bao dung. Chẳng có lí do nào khác ngoài việc cô ấy yêu: cô lo lắng cho người ấy, biết đâu vì sự thay đổi cánh cửa mà không nhận ra lối về. Thế thì sẽ chẳng thể tìm được cô ấy mà nối lại duyên xưa. Một ước mơ đẹp, nhưng cũng thật tội nghiệp biết bao.
Lời thơ day dứt về một mối tình thiết tha của người phụ nữ yêu chân thành, sâu sắc. Nếu câu thơ mở đầu là sự chia li: Vào cái ngày anh đi không trở lại, thì câu thơ cuối vẫn vẹn nguyên một nỗi đợi chờ, dù qua bao năm tháng, bao xót xa: Anh có về vào mùa thu năm nay?
Và thế là thu cứ dài, cứ buồn thêm mãi vì một nỗi đợi chờ.
Thơ Mộng Cầm đã vẽ thêm một nét vào mùa thu năm nay của tôi. Bởi cảm xúc này là của khoảnh khắc, của việc đọc thơ Cầm giữa những ngày rất lãng đãng heo may!/.
Ths. Lê Thuỳ Giang