Mưa ào ào, gió chạy bạt qua rặng tre đầu bản Tẹo. Siểu thở dài ngao ngán. Cả tuần cứ như này núi lại lở. Chẳng đi làm được gì, gạo trong thùng cũng bắt đầu cạn. Siểu lại thẫn thờ quay vào trong bếp lửa lom rom nghĩ đến cái ăn cho bốn đứa con nhỏ vào ngày mai.
Chồng Siểu – là Phính lại say. Ngày nào cũng say. Lúc thì Phính đi uống rượu bên nhà lão Hặc. Mưa gió thế này, Phính uống ở nhà, một mình lai rai cả ngày. Không cần biết lũ trẻ ăn gì. Mà cứ đứa nào khóc là chồng lại chửi. Phính chửi từ vợ, rồi cả “lũ con gái vô tích sự chúng mày”. Không đứa nào trong nhà được gọi bằng cái tên riêng, tất cả đều là “chúng mày”. Phính bảo “chúng mày” con gái thì học làm gì nhiều, lớn nhanh mà lên nương, lớn lên tao gả hết. Siểu để tránh nghe chửi ra rả cả ngày, nên im bặt trong ngôi nhà rách nát của mình. Trong dòng họ Lý này, đàn bà con gái từ xưa không được phép cãi chồng. Chồng bảo sao cứ thế mà làm. Chứ học nhiều vào, có tí chữ là cãi chồng giỏi lắm. Nên Phính không thiết tha gì cho mấy đứa con gái đi học. Thấy bảo trường nội trú có nuôi không mất tiền, nhưng học xong rồi về có lấy được chồng không. Tốt nhất con gái ở nhà lên nương, mười hai, mười ba thì đi lấy chồng còn được ít lễ. Nếu là con trai thì Phính còn nghĩ tới việc cho đi học. Đằng này… Mà nói vậy, chứ Phính đã có con trai đâu. Siểu đúng là đồ không biết đẻ… Nghĩ vậy nên Phính lại uống chén nữa, lại chửi cái lũ ăn hại chúng mày, chẳng biết làm gì, cứ ngồi đấy ôm nhau mà khóc…
Mưa mãi, nhà dột vào đúng chỗ ngủ. Xung quanh, gió lùa qua khe nứa lạnh gai người. Ở xứ này, bước chân ra là đá. Nên mưa chỉ thấy lạnh và màu đen buồn bao phủ. Siểu sinh ra, lớn lên ở núi mà mỗi lần núi nổi giận, những thanh âm ầm ầm hoảng loạn trong đêm, luôn làm Siểu hoảng sợ. Còn con bé Ly mới mười mấy tháng tuổi cứ thi thoảng lại giật mình, giằng giật vú mẹ mà chẳng thấy giọt sữa nào nên lại khóc. Mà sao miệng nó ngậm vào bầu vú Siểu nóng thế. Chán nó cũng lại nóng như hòn than rồi. Chị lấy chiếc khan lau người cho con. Nhà chẳng còn gì ngoài nước mưa.
Rạng sáng, trời vẫn mưa, Siểu đành khoác chiếc áo tơi cũ ra bãi bẻ vài bắp ngô chưa kịp căng hạt. Trên đường về, chị gặp mụ Pào hàng xóm với cái quán nhỏ bên đường. Mụ bảo lại hết cái ăn rồi à? Lấy tạm ít thịt rừng này về mà cho ông Phính với lũ trẻ con ăn. Bình thường ông Phính vẫn lấy tạm rượu nhà này mà. Siểu ái ngại nhưng nghĩ con Ly đang ốm sốt, người mềm nhũn như cái giẻ cũ. Lời mụ Pào lại đon đả. Thế là, Siểu lại đành mở lời vay tạm đồng bạc, quả trứng, thuốc uống. Cứ vậy, số nợ đã nhiều lắm, biết lấy đâu ra mà trả.
Cứ nghe hàng xóm nói mụ Pào lòng dạ như hạt mã tiền. Nhưng Siểu thấy mụ cũng tốt, lúc nhà chị khó khăn chỉ có mụ Pào giúp. Mà sao mụ nhiều tiền thế, nhà mụ đẹp nhất bản này, có cả dãy dài, gỗ sơn chứ không để mộc. Con trai mụ có cả xe máy đẹp đi, chơi với cả con gái xinh dưới phố. Thấy bảo nhiều con gái bản đẹp hay qua lại nhà mụ. Rồi mụ cho xuống phố ăn học, làm việc, có người còn lấy cả chồng dưới phố. Siểu nghe vậy nên cũng mong sau này được mụ Pào giúp cho những đứa con gái của mình được đổi đời. Chứ chúng như bây giờ chẳng được ăn học đến nơi đến chốn. Đến cái váy lành thêu hoa mới để mặc mỗi dịp Tết còn không có. Rồi chúng lớn lên, mười ba mười bốn lại giống Siểu đi làm dâu sớm. Rồi chỉ hai lăm tuổi như mẹ chúng bây giờ thì đã bốn mặt con. Chúng lại lấy những người chồng khắt khe, rượu chè nói nhảm qua ngày. Chúng sẽ lại giống Siểu lặng câm trong bóng tối. Chỉ có một con đường quen thuộc là từ nhà xuống bếp, từ bếp lên nương. Từ nương về nhà, quẩn quanh, quanh quẩn. Rồi khi Siểu già đi sẽ giống bà nội, bà ngoại của lũ trẻ, mắt mờ, tay run, ngồi quanh xó bếp, ruồi đậu chẳng buồn đuổi… Nghĩ vậy mà Siểu chán quá, Siểu muốn có điều gì đó khác đi, mà không biết phải làm gì. Siểu nói với mụ Pào, nhưng mụ bảo cái Mai mới có mười tuổi, chưa được việc theo ý bà. Thế rồi mụ bảo Siểu nên đẻ đứa nữa, có con trai cho lão Phính sướng. Thế nào lão cũng hồi tâm chuyển tính, lại có hồi khá khẩm lên. Điều này thì Siểu cũng biết rồi. Lão Phính vẫn đòi đẻ cho đến khi được con trai. Rồi mụ Pào lại bảo thêm, đẻ thêm nhiều đứa nữa rồi bà sẽ chỉ cách kiếm tiền mà nuôi con. Như cái Dinh con gái ông Xá trưởng bản ấy, cũng là con gái đấy mà được đi học về làm cô giáo dạy cái chữ cho trẻ con. Còn thằng Tráng thì biết chữa bệnh, đi cùng bộ đội biên phòng suốt, có lúc lại được xuống phố có phải sướng không? Nếu không thì xuống phố huyện làm thuê, cũng phải biết tí chữ thì đi làm mới dễ. Giờ không có tiền thì sao cho con học được. Nên cứ nghe bà, đẻ nữa đi. Siểu nghe cũng bùi tai. Ừ, thì đẻ thêm đứa nữa, là con trai tốt cả mấy đường.
Khi cái Ly – đứa con gái út được gần hai tuổi thì cũng là lúc Siểu mang thai đứa thứ con thứ năm. Lão Phính tưng hửng, nửa đùa nửa thật: “phải là con trai nhé, không thì mẹ con mày vào rừng mà ở”. Siểu bảo cán bộ xã nói nhà nước chỉ cho đẻ hai đứa thôi, đẻ nhiều lấy gì mà ăn. Có làm được cái gì đâu. Phính nói như đinh đóng cột “Làm chứ! Trồng ngô, nuôi lợn, rồi trồng cây nhà nước cho giống kia. Mà mẹ mày đàn bà con gái, biết gì ngoài mấy bắp ngô với con lợn còi mà nói nhiều, cứ đẻ được con trai thì hãy nói”. Thế nên Siểu lại lặng im.
Mụ Pào qua lại nhiều lắm. Có lần thì mụ cho gói bánh, lần cho túi quả, lần cho cả cân đậu phụ rồi thịt rừng. Siểu thấy vừa biết ơn, vừa lo sợ. Sao bà Pào tốt thế, rồi biết lấy gì mà trả. Bụng Siểu lớn lên từng ngày. Bây giờ tháng sáu, mưa triền miên mãi không thôi, mà đợt này không mưa nhỏ rả rích nữa. Những cơn mưa mùa hạ ầm ầm, tưởng như hút hết nước ở mấy con sông vùng thấp lên trời rồi lại đổ xuống cái bản Tẹo này. Rồi bỗng một tiếng ùng oàng trong đêm, mãi không dứt. Phính thất thanh gọi vợ con dậy chạy lên mỏm đất cao, nơi các nhà cũng đã chạy tới. Cơn lũ ống đi qua, quét hết cả những ngôi nhà trên đường đi của nó. Quét luôn ngôi nhà rách nát của Siểu. Sau cơn lũ, tiếng khóc than vẫn vang lên trong vài ngôi nhà trong bản. Thương quá, lũ chẳng chừa một ai, nhà thì mất người già, nhà thì mất con trẻ, có thanh niên mải cứu người mà bị nhà đổ cắt mất cả cánh tay… Cũng may nhà họ Lý Phính không thiệt hại về người. Thế mà Phính vẫn gào thét, chửi bới như thể là tội của Siểu. Cũng chỉ vì tiếc ngôi nhà, ruộng vườn, chuồng lợn bị vùi lấp, chôn vùi trong tích tắc. Siểu khóc, con thì nhỏ, giờ biết lấy tiền đâu dựng lại nhà. Chị ngồi xuống ôm lũ trẻ nhem nhuốc vào lòng.
Mụ Pào lại tới, bảo Siểu cứ yên tâm, chỉ cần làm theo lời bà thì sẽ có tiền làm lại nhà. Siểu đành gật đầu. Một ngày, khi bụng của Siểu đã vượt mặt thì mụ Pào tới, rủ Siểu qua sông có việc, về sẽ có quà có tiền mà nuôi con. Bao ngày tháng mụ “tốt” với mình thế, thì có gì mà không tin. Nên Siểu cùng mụ với mấy người chị em cũng như Siểu ở bản bên lên một chuyến đò qua sông. Mụ Pào dắt mọi người vào một quán ăn đề những chữ viết vuông vuông mà Siểu không đọc được. Những bát phở đỏ loét đầy ớt được bưng ra. Trong số ba chị em ở đây thì bụng Siểu là bé nhất. Chị Hờ bụng to nhất. Mụ Pào bảo mấy chị em ở đây, sẽ được nuôi ăn, ở, cơm bưng tới tận nơi, chỉ việc ăn và sinh con cho khoẻ mạnh. Những ngày sau đó, diễn ra đúng như thế thật. Chưa bao giờ Siểu lại thấy mình được chăm sóc tận tình thế. Đến chồng Siểu cũng chẳng làm vậy với Siểu. Có khi Phính còn quan tâm con lợn, con bò ăn gì, hơn là vợ con đã ăn gì hay chưa. Người mang đồ ăn đến cho Siểu và mấy chị em chỉ lặng thinh, không nói, không bộc lộ gì trên khuôn mặt. Sướng thật đấy nhưng sao Siểu thấy bất an quá, sao tự dưng lại được đối đãi tốt thế này. Siểu phải về với lũ con nhỏ ở nhà. Thiếu đói cũng được nhưng cần nhìn thấy con hàng ngày. Mụ Pào động viên chỉ mấy hôm thôi mà, rồi được cả mấy chục triệu mang về. Làm cả đời cũng không được số tiền ấy đâu. Đúng thật, làm cả vụ ngô mới được một triệu. Nhưng mà ở đâu ra số tiền lớn ấy? Mụ không trả lời.
Rạng sáng hôm sau, chị Hờ lên cơn chuyển dạ sớm nhất. Người ta đưa chị đi. Cả mụ Pào cũng lạch bạch chạy theo với mấy người phụ nữ quàng khăn kín mít. Siểu đoán mọi người đưa chị Hờ đi đẻ, có mụ Pào rồi sẽ tốt thôi. Rồi đến đêm Siểu lại thấy người ta đưa chị về phòng ở. Da chị xanh như tàu lá vì mất máu nhiều. Chị đứng không vững. Người ta để chị nằm lên giường rồi im lặng rút đi hết. Siểu thất thanh hỏi con chị đâu? Chị Hờ bảo người ta đưa đi rồi. Ô, sao lại thế? Thì người ta đưa cho số tiền đây. Chị còn phải về trả nợ. Vay tiền mua trâu về nuôi mà trâu lăn ra chết vì rét quá. Trời không thương nên phải nghĩ cách. Đứa em chị cũng làm như này rồi nên chị mới biết. Con thì không có đứa này lại có đứa khác. Người ta xin về nuôi cũng mong tốt cho đứa bé, mà lại là con gái nữa, chồng chị không thích. Hết đứa này rồi chị thôi, không sang sông nữa. Siểu tròn mắt ngạc nhiên, sao chị lại có thể nói dửng dưng như vậy được. Bầu ngực chị đầy sữa chảy ra ướt hết áo mà con không được bú. Rồi người ta có nuôi hay đưa con mình đi đâu. Chị Hờ vừa xuýt xoa vì đau nhưng vẫn vui ra mặt: Như mình là còn may đấy cô Siểu. Chỗ này người ta trả nhiều tiền đúng như đã nói. Nhiều chỗ vừa bị mất con, vừa không được nhận tiền…
Siểu nghĩ miên man. Đứa trẻ như mầm măng ngọt được tưới bằng yêu thương và cả nước mắt của người mẹ. Nó lớn rất nhanh, chỉ đợi đến ngày để xét đất chui lên. Vậy mà nó vừa ra đời đã bị bẻ khỏi cụm cây gốc gác của mình. Rồi số phận nó sẽ ra sao. Siểu không thể để biến đứa con thành cái mầm đắng được. Lòng mẹ mà nỡ nào. Siểu đợi cho đêm muộn, khi chị Hờ ngủ thiếp đi sau cơn đau rên co thắt dạ con sau cuộc sinh nở. Siểu phải đi thật khẽ để không ai thấy. Siểu định hình con đường ra tới bờ sông. Siểu chạy mãi, chạy mãi, vừa ôm bụng vừa chạy, cố sao cho khỏi ngã… May quá, có người lái thuyền trên sông. Siểu phải trở về, phải nói cho bản mình biết. Gây một mầm đắng, khác nào tội ác. Cũng vì khổ quá. Nhưng sẽ có cách. Siểu lên thuyền. Trời dần hửng sáng ở phía đông…
-Thuỳ Giang-