Đến giờ, khi đã rời khỏi phố xá chật cứng người, trở về bản nhỏ im lìm, lặng yên, Thào Dua mới bình tâm suy nghĩ về lời bác sĩ ở Hà Nội nói.
Nghĩ đi nghĩ lại, Thào Dua vẫn không thể hiểu hết những điều đó, chưa hình Dua sẽ phải làm những gì vào ngày mai, ngày mai nữa. Chỉ thấy đầu ong ong. Rồi Thào Dua nhìn sang thằng cu Dơ. Nó ngủ mê mệt trên chiếc đệm thổ cẩm quen thuộc. Chắc tại con đường vừa trở về xa quá. Càng về đến bản mình lại càng cong cong như khúc tay áo, lại càng xóc vì quá nhiều ổ gà, đá sỏi.
Nếu không vì cu Dơ thì Thào Dua cũng chẳng bao giờ đi xa như thế này. Bộ đội biên phòng Tuân mách phải đưa Dơ đi thủ đô sớm khám bệnh, mà vợ chồng Dua với Sùng phải dành dụm mấy mùa ngô, sắn, thảo quả mới đủ tiền đi. Ngày ấy thằng cu Dơ mới hai tuổi, mà giờ nó đã năm tuổi rồi. Ba năm mà dài như con đường đi qua hàng trăm ngọn núi ở đây. Ba năm mà Thào Dua thấy mình già cỗi đi bao phần.
Không già cỗi sao được khi mỗi ngày đều dằn vặt: tại sao thằng Dơ không nói nhiều, không chơi được với bọn thằng Sính, thằng Va, cái Lìm… cùng tuổi trong bản? Tại sao cứ mỗi lần tức giận điều gì là nó lại đập đầu vào cột nhà. Cái nhà cũng có chắc chắn gì đâu. Có lần nó đập mạnh đến mái gianh còn rơi xuống. Thằng Dơ chỉ thích nhất chơi với lá cỏ. Nó hái lá xung quanh nhà, rắc đầy, có lúc thủ thỉ nói chuyện.
“Cái lá này, mày ngủ đi nhé. Ngủ đi không rơi xuống đất chết đấy”.
Thằng cu Dơ rất hay nói đến cái chết. Ngày trước thì Thào Dua giật mình thon thót, hoảng hồn. Giờ thì chỉ biết lắc đầu thở dài nhìn ra mấy ngọn núi chắn ngang trước mặt.
Thấy con mình khác biệt, Thào Dua lo nghĩ nhiều lắm. Người già, thầy cúng thì bảo nhà Thào Dua phải cúng ma cho nó đi, nó bị con ma rừng lấy mất hồn rồi. Thào Dua với Sùng nghèo lắm cũng dành dụm tiền mời thầy đến. Thầy cúng từ khi nó ba tuổi, bốn tuổi rồi năm tuổi cũng không thấy thằng Dơ trở lại bình thường như bao đứa trẻ trong bản. Ở bản, bọn trẻ con lấm lem, đen nhẻm, có đứa không có quần áo mà mặc nhưng đứa nào cũng khoẻ mạnh, chạy nhảy rầm rầm, ăn cái gì cũng giỏi, bụng lúc nào cũng căng tròn… Thào Dua chỉ mong thằng Dơ cũng thế. Nhưng mà nó cứ lủi thủi, lặng im. Chỉ có Thào Dua với Sùng là gần gũi nhất với nó mà có lúc nó cũng nhìn hai bố mẹ như người xa lạ. Đôi mắt trong veo mà vô hồn, vô cảm. Thào Dua sợ lắm. Linh tính của người mẹ mách Thào Dua có điều gì chẳng lành, đúng như lời cán bộ Tuân nhắc nhở.
Cả hai vợ chồng đều không sõi tiếng phổ thông, nhưng cuối cùng cũng đưa thằng Dơ về được đến bệnh viện Nhi trung ương. Lần đầu tiên trong đời, Thào Dua nghe thấy từ “tự kỷ”. Ở bản Thào Dua, chưa ai nói về điều này bao giờ. Nhưng nghĩ lại, từ nhỏ đến giờ, Thào Dua đã từng thấy có một vài đứa trẻ rất lạ mà người bản đều đổ tội cho tổ tiên, cho việc bị trừng phạt. Có cái Si, nó bé xíu, có biết gì đâu, nhưng rất thích xe, cứ thấy xe là chạy ra. Ở bản này, có nhà ai đóng cửa, đóng cổng bao giờ. Nên mẹ con bé cứ phải mang nó đi làm đồng theo để coi. Bao lần như thế không sao, cho đến một ngày thì gặp cái xe chở đất làm đường và nó vĩnh viễn về với thần linh, ông bà. Nghĩ tới đó thôi là Thào Dua đã bủn rủn hết cả chân tay. Cũng may thằng Dơ chỉ thích quanh quẩn chơi ở nhà, chơi một mình với cây lá. Cây lá thì nhà Thào Dua cũng như bao nhà trong bản thiếu gì đâu. Chỉ là mỗi lần nhìn thấy những vết thương chằng chịt trên trán thằng bé thì Dua không đành lòng. Nó cứ tự làm mình đau thế này. Nó không biết phải làm gì để hết tức giận. Có lẽ chỉ khi bị đau thế, nó mới không tức nữa. Nhiều khi chỉ vì không hái được cái lá trên cao nó cũng khùng lên rồi, khóc không ra tiếng, cứ đập đầu đến chảy máu thì thôi.
Chồng Thào Dua không nói ra nhưng chắc cũng buồn lắm. Sùng cứ đi làm nương suốt ngày, về đến nhà cũng chỉ làm thêm việc nhà, nói với mẹ con Thào Dua vài câu rồi đi ngủ. Sùng là bao ân nghĩa đối với Dua. Cho nên Sùng có thế nào, Dua cũng không bao giờ dám nặng lời, trách móc, đòi hỏi. Dua chỉ lặng im nhìn, đoán biết và thu vén, chăm lo cho Sùng và Dơ. Thào Dua nấu những bữa cơm ngon, kéo cảm cho Sùng, bóp chân, bóp tay khi Sùng mỏi mệt,… Tất cả đều là vì Thào Dua muốn thế, chứ không phải vì Sùng bắt Thào Dua phải làm thế. Càng làm được cho Sùng bao nhiêu, Thào Dua càng vui bấy nhiêu. Nhưng mà nay, Sùng cũng không vui khi Thào Dua làm thế nữa, Sùng có vẻ như không cần Thào Dua nữa. Đấy là Thào Dua nghĩ thế thôi. Thào Dua lại càng buồn, càng lặng im, thu dọn, rồi nhẹ nhàng bước lên cái giường gỗ ọp ẹp, nằm nép vào trong góc tường, nghe tiếng thở khẽ của Sùng và tiếng chân tay đạp lục sục của Dơ. Vậy mà hết đêm lúc nào không hay…
***
Dua từng là một cô gái Mông hồn nhiên, ngây thơ và xinh đẹp như bông hoa pằng tớ dày giữa vùng núi Nhìu San này. Hồi nhỏ như chúng bạn, Dua cũng lấm lem, đen nhẻm, mà bất chợt một ngày xuân xúng xính xuống chợ, chẳng ai còn nhận ra một Thào Dua bỗng lớn xinh thế này. Má hồng như cánh đào phai, khuôn ngực căng mẩy, răng đều như hạt bắp, nụ cười tươi giòn không chút ưu phiền. Ở giữa chợ, Thào Dua nổi bật như một đóa hoa giữa nắng. Chẳng thế mà có người ra mời cô vào quán ăn bát phở chợ phiên. Ai lạ thế này? Thào Dua chợt nghĩ. Cô chưa từng thấy người này bao giờ. Nhưng mà ở chợ huyện lớn thế thì ai mà chẳng lạ, chỉ có mấy đứa bạn gái đi cùng là quen thôi. Nhưng người lạ cứ mời cả Dua và các bạn vào ăn sáng, chụp ảnh. Thấy Dua ái ngại, cô bạn tên Mí mới huých tay nói thầm “chắc là khách du lịch đấy, không sợ đâu”. Thế rồi, cả nhóm bạn vui vẻ vào quán phở. Đi chợ thích nhất là được mặc váy xinh đi chơi, đói rồi lại được ăn phở đấy. Duy chỉ có Dua là không quen. Dua chưa đi chơi chợ xa lần nào. Dua cũng chưa từng ngồi với con trai, chưa từng đi theo tiếng sáo ai ở bản.
Người lạ bắt đầu kể tên là Tải, quê đâu tận vùng biển Quảng Ninh. Dua nghe thì biết vậy thôi, chứ có biết Quảng Ninh ở đâu, xa thế nào. Rồi người lạ hỏi tên, hỏi tuổi, hỏi nhà Dua ở đâu? Dua chưa kịp nói thì các bạn cũng nói hết rồi. Người lạ mời mọi người thích ăn gì thì ăn, nên các bạn vui vẻ, thích thú lắm. Rồi chúng nó đi chơi, mà người lạ lại muốn đi chơi cùng Dua và mọi người để “chụp ảnh kỉ niệm chợ phiên”. Vào trong chợ thì Dua quên mất là có người lạ đi cùng, cứ vui vẻ xem đồ với các bạn, Dua mua cuộn chỉ nhiều màu về thêu thùa, may vá như các chị em.
Tan chợ, mọi người chào về. Người lạ hẹn hôm sau sẽ đến “trả ảnh” cho Dua.
Rời khỏi chợ, Dua cũng không còn để ý đến lời hẹn. Thế mà đang giữa trưa nắng, Dua mới đi nương với mẹ về đã thấy một chiếc xe máy dựng ở trước sân. Người lạ hôm qua đến trả ảnh thật. Dua xem những bức ảnh. Ôi, hoá ra là nhìn Dua như thế này. Hoá ra Dua và các bạn cũng xinh đẹp lắm chứ. Nhìn ai cũng vui. Dua bất chợt cười thành tiếng, đôi mắt long lanh sáng.
Tự dưng Dua quên hết khoảng cách, chẳng ngần ngại dành cả mấy ngày sau đó đưa người lạ đi chụp ảnh trong cả cái bản này. Tải nói hay lắm, toàn khen Dua xinh, khen bản Nhìu San đẹp. Dua vui thật. Dua dán ảnh đầy nhà. Ở bản này, làm gì có đứa con gái nào có nhiều ảnh đẹp như Dua. Chỉ có mấy hôm mà Dua đã thấy Tải rất thân thiết.
“Dua có biết biển như nào không?” – Tải hỏi, Dua chỉ lắc đầu.
“Rộng bao la, đẹp tuyệt vời. Dua về nhà anh chơi đi cho biết”. Tải rủ.
“Xa thế, em không dám đi đâu. Mà bố mẹ cũng không cho em đi đâu”.
“Thế bảo về thăm nhà chồng sắp cưới có được không?”
“Có yêu đâu mà cưới!”
“Thì giờ yêu”.
Dua liếc nhìn Tải xem có ý trêu đùa không, rồi cúi mặt xuống đất, má đỏ ửng như trái đào sắp chín. Các bạn Dua có mấy đứa cũng lấy chồng rồi đấy.
“Không yêu thì sao chụp ảnh cho đẹp thế được” – Tải nói thêm. Dua nghĩ rồi vô thức gật đầu “Ừ, đúng thật”.
Dua hỏi bố mẹ. Bố Dua quát:
“Cưới xin thì phải có ông mối, phải có dạm ngõ, sính lễ đàng hoàng chứ! Sao tự dưng về quê người ta làm gì? Quen có mấy hôm mày đã biết người ta chưa”.
“Nhưng tục lệ người Kinh khác người Mông mình mà…”. Dua vẫn cố tìm lí do để tin.
“Không nhưng gì hết!”. Bố nói rồi đứng dậy lấy cái búa ra đầu hồi bổ củi. Tiếng búa chan chát. Dua quay vào nhà mà vẫn không hiểu sao bố lại thế.
“Bố không cho đi thì mình trốn đi. Rồi sau này Dua có cuộc sống tốt đẹp, bố khác thông cảm cho mình, em ạ!” – Tải động viên. Lời nào của Tải, Dua nghe cũng thấy xuôi lòng. Cái Sú với thằng Dìa đấy, bố mẹ không cho lấy nhau, chúng nó trốn đi ở núi khác đấy thôi, lúc về mang hai đứa con về, ông bà cười mà như khóc cả ra. Còn hơn là bắt chúng lấy người không yêu, lại lên núi ăn lá ngón thì còn buồn nữa. Nghĩ vậy nên Dua dự định sẵn trong đầu ý định rồi. Dua đi rồi lại về, chứ có đi mất người, chết người đâu mà bố cứ lo.
Trên đường đi về quê chồng tương lai – một vùng biển xanh tươi đẹp, Dua háo hức lắm. Dua không thấy sợ, vì đã có anh Tải dẫn đường rồi. Dù mới quen nhưng Dua tin anh hơn cả mấy đứa bạn chơi cùng từ bé. Chúng nó còn có lúc chê Dua, trêu đùa làm Dua bực, có lần còn khóc rồi đấy, chứ anh Tải chẳng thế bao giờ.
“Sao lâu đến thế anh Tải? Anh bảo đi về phía biển mà sao e toàn thấy núi thế này?” – Dua ngây thơ hỏi.
“Cũng sắp đến rồi đấy. Em ngủ ở đây một tối, sáng mai dậy đi thêm một lúc là tới thôi. Mà ở đây chỉ có một chỗ ngủ thôi. Cho anh ngủ cùng nhé!” – Tải đề nghị.
Dua nhìn xung quanh. Một căn phòng kín như cái hộp, tường cũ chỗ trắng chỗ có mấy vệt nâu nguệch ngoạc. Mùi ở đây hơi khó chịu, không thanh mát như mùi cỏ cây, mùi gió ở quê Dua. Nhưng Dua đoán chắc mỗi nơi một khác, không thể giống hết ở quê Dua thì người ta gọi luôn là núi cho rồi. Đây Dua đang đi về miền biển cơ mà. Dua đang nghĩ thì Tải đè Dua ra giường, Dua còn chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra thì thấy váy áo của mình đã bị cởi hết khỏi cơ thể. Dua xấu hổ lấy tay che đi. Tải lại động viên: em phải thay bộ quần áo khác để đi tiếp chứ, ở quê biển mọi người đều mặc đồ người Kinh. Dua nghĩ cũng có lý. “Nhưng em không có quần áo.” “Yên tâm, lát anh lấy mặc cho, ở đây có đủ”. Nói rồi, Tải không cho Dua nói nữa. Dua cuống cuồng:
“Anh làm đau em rồi, anh làm gì vậy?” – Dua hét lên.
“Làm những việc để trở thành vợ chồng. Em sắp làm vợ anh rồi mà” – Nói rồi, Tải ngấu nghiến trên cơ thể cô gái mới lớn còn đang mải nghĩ về những điều Tải vừa nói.
Sáng sớm hôm sau, thấy mệt rã rời, Dua không muốn trở dậy. Dua dụi dụi rồi mãi mới hé mắt ra nhìn ánh sáng lọt vào qua khe cửa. Không thấy Tải đâu. Dua vội bật dậy, chỉ thấy một bộ quần áo cuối giường. Dua mặc vội rồi ra cửa tìm Tải. Nhưng không mở được cửa, Dua bắt đầu hoảng hốt, và cất tiếng gọi. Một lúc sau, có tiếng mở cửa. Dua mừng thầm, chắc anh ấy đi đâu về. Cửa mở, không phải Tải mà là một bà chị lạ hoắc, mắt nhìn sâu lạnh và gương mặt thô, góc cạnh. Chị ta nói với Dua bằng một giọng khàn khàn. Anh Tải bảo em chờ ở đây, chốc có người tới đón đi quê thì chị gọi. Dua ngoan ngoãn gật đầu, rồi xin phép chị ấy đi vệ sinh. Nhìn bộ dạng non nớt, tin người nên chị ta đồng ý cho Dua đi và có ý canh chừng. Dua đi vội vào khu nhà vệ sinh như công cộng, lợp bằng những thanh tre nứa có khe hở nhỏ. Dua làm mọi thứ thật chậm, vừa làm vừa suy nghĩ, nhìn qua từng khe hở xem xung quanh có những gì. Tiếng bà chị đã giục bên ngoài, Dua nói vọng ra bảo đợi một chút. Dua thấy đau rát, khó chịu. Có lẽ tại đêm qua…
Chị ta lại giục nhanh lên có người đón. Dua vội vàng mở cửa bước ra. Một người đàn ông lạ đã đánh xe đến đón. Dua nhanh chóng lên xe, vì cô cũng không mang theo đồ đạc gì. Bộ váy Mông đã để lại trong căn phòng kia. Dua mang theo một cái túi đeo nhỏ bằng vải, đựng con dao nhỏ và một hai cuộn kim chỉ mua từ hôm trước ở chợ. Người đàn ông râu ria xồm xoàm, giọng nói ồm ồm mà có lúc Dua không nghe được ông ta nói gì. Dua hỏi về Tải, ông ta chỉ cười khả ố rồi bảo có anh đây rồi, nhớ tới nó làm gì. Dua chưa hiểu ra thế nào. Đi được nửa ngày đường thì xe dừng giữa đường. Người đàn ông nói tên là Muôn kéo Dua xuống một bụi cây bảo nghỉ tí rồi đi tiếp. Dua cũng đành biết thế, chứ ở giữa đường thế này, Dua biết làm thế nào. Nhưng Dua bắt đầu có linh tính không lành. Người đàn ông này không đưa Dua đến chỗ Tải, không đưa Dua về quê biển của Tải được. Đang nghĩ thì bàn tay thô ráp của gã vuốt vào bên má mềm như lá của Dua. Dua quay đi thì bị hắn cầm tay bẻ sang một bên. Dua kêu đau mà ông ta không bỏ ra, và tiếp tục lấy sức nặng cơ thể đè lên Dua. Dua đã biết lão ta định làm gì với Dua rồi. Không thể như thế được. Dua kháng cự, vậy mà Dua vẫn loã lồ giữa rừng thế này. Dua van xin mà chỉ nghe tiếng gió gào rít, cây cối ngả nghiêng như sắp đổ xuống đầu. Sau khi cơ thể liên tục bị giày vò bởi hai người đàn ông, quen có lạ có, và dường như họ có liên quan đến nhau thì cái đầu non nớt của Dua bắt đầu biết là mình đã bị lừa, đã gặp những người không tốt và họ sẽ còn tiếp tục hại đến Dua, nhưng làm cách nào để thoát thân thì trong cơn hoảng loạn liên tục, Dua chưa thể nghĩ ra.
Hắn đứng lên, phủi cỏ cây khô dính trên quần áo, không để ý đến Dua đang khó khăn để đứng dậy. Hắn đưa Dua đi một đoạn nữa thì mới dừng ở quán ven đường ăn trưa. Hắn uống cả nửa chai rượu, ăn cả nửa con gà. Dua gắp một hai miếng uể oải. Xong bữa trưa, hắn bảo nghỉ lại trên xe một lát rồi đi. Dua lại xin đi vệ sinh. Lúc quay trở lại thấy hắn ngáy nhè nhẹ, Dua mới bất chợt nảy ra ý định bỏ trốn. Nhưng giữa nơi xa lạ thế này, biết trốn đi đâu, làm thế nào để trở về. Theo bản năng an toàn, Dua vẫn nhẹ nhàng bỏ đi, phải thật nhanh, phải tranh thủ khi hắn chưa tỉnh dậy.
Dua hớt hải chạy dọc con đường ngược lại. Không được. Chỉ cần hắn phóng xe trở lại con đường này thì vài phút là thấy Dua ngay. Dua dừng lại nhìn quanh, nhưng không có con đường mòn nào khác. Dua thở dốc, lê bước, khuôn mặt hoảng sợ. Đúng lúc đó có tiếng xe phía sau Dua. Dua không dám nhìn lại, cố chạy tiếp, vừa chạy vừa tạt vào bên mép đường, tìm xem có bụi cây nào để trốn. Xe đến gần cũng là lúc Dua bất giác hét lên: “Xin tha cho tôi!” rồi ngã khuỵ xuống. Tiếng xe dừng lại. Không thấy có bàn tay thô bạo, không có cả tiếng nói. Cảm giác an toàn, Dua từ từ hé mắt nhìn thì là một chàng trai mặc áo thổ cẩm người Mông. Dua choàng tỉnh: “Xin anh tìm cách cứu tôi. Tôi không có thời gian giải thích. Hãy đưa tôi trở về nhà”. Người trai nọ cúi xuống dìu Dua đứng lên rồi bảo bằng giọng nói trầm ấm: “Ngồi lên đây đi. Tôi đưa về”. Dua trấn tĩnh trở lại, nhanh nhẹn lên xe. Chiếc xe win cũ vừa khởi động trên con đường vắng thì chiếc xe bán tải của gã Muôn ào ào chạy tới, để lại vệt khói bụi cuồn cuộn phía sau. Dua sợ hãi nắm chặt vạt áo thổ cẩm của chàng trai, giục giã nhanh lên. Chàng trai Mông rẽ vào con đường bé ngoằn ngoèo, chỉ vừa hai xe máy tránh nhau, một bên là vực sâu, một bên là vách núi. Dua bám chặt vào lưng người trai đó. Không có tiếng xe đuổi phía sau nữa. Chưa bao giờ Dua cảm thấy tự do như thế này. Trời về chiều, những cơn gió thổi từ thung lũng lên mát rượi.
Người trai hỏi Dua có nhớ đường về không? Dua nói không nhớ vì quá xa.
“Vậy, bây giờ về tạm nhà tôi nhé. Rồi tôi sẽ tìm cách về nhà” – chàng trai đề nghị.
Dua gật đầu đồng ý.
Giấc ngủ đầu tiên tại nhà Sùng như vậy, thật bình an sau cơn sóng gió. Suýt nữa thì Dua đã đi tận đâu, cuộc đời Dua đã tan nát đến nhường nào. Dường như lâu lắm Dua không được ngủ một giấc như thế. “Nhà em ở Vàng San”. “Vậy là cũng cách đây khá xa đấy” – Sùng nhẩm tính. Cũng phải thôi, xe của Tải, của Muôn đưa Dua đi cả ngày trời thế cơ mà.
“Vậy Dua cứ nghỉ ít ngày cho khoẻ rồi tôi đưa Dua về!”.
“Vâng, Dua phải về không bố mẹ lo chết mất”.
Sùng đưa Dua trở về, còn mang theo ít bánh giày, ít thịt rừng làm quà cho bố mẹ Dua. Dua không nói ra nhưng cảm động lắm vì sự chu đáo của Sùng. Dua trở về, bố mẹ vừa mừng, vừa muốn mắng nhưng thấy Sùng tử tế giải thích câu chuyện nên cũng chột dạ mà nhẹ nhàng bảo:
“Tao cứ tưởng mày đi với cái thằng Tải kia thì tao với mẹ mày ngủ không yên.” – Bố Dua quay sang vỗ vai Sùng nói tiếp:
“Sùng! Cháu ở lại chơi đã. Cám ơn cháu đưa cái Dua về”.
Nhưng Sùng chào về sớm, vì còn công việc ở nhà không ai chăm lo. Nhà Sùng chỉ còn anh em Sùng thôi, bố mẹ mất hết rồi. Sùng ra về mà cả nhà cứ nhìn theo mãi cho đến khi bóng cái xe Win khuất sau vạt rừng và tiếng máy xa dần xa.
Dua trở nên lặng im trong ngôi nhà của chính mình. Dua hoảng hốt khi phát hiện có sinh linh đang lớn lên trong bụng mình. Nhưng Dua bẽ bàng khi không thể biết đây là con của Tải hay của Muôn. Dua có mong muốn đứa con này đâu. Dua chưa từng kịp cảm nhận thế nào là tình yêu. Mà từ một cô gái mới lớn, Dua đã trở thành mẹ trong cảnh nhục nhã, ê chề này ư? Dua muốn chết đi quá. Chỉ cần một nắm lá ngón ở ngọn đồi sau bản kia thôi là Dua sẽ không còn phải xấu hổ thế này, sống có khi cũng chết vì nhục mất. Dua chạy lên đồi, hì hục leo qua mấy tảng đá, con dốc dài dựng đứng, tìm mãi cũng thấy một bụi lá ngón. Dua nhìn xuống bụng. Mình không muốn đứa con tội lỗi này. Mày có ra đời cũng không ai chấp nhận mày đâu. Nên chúng ta phải chết! Mắt Dua đỏ ngầu, Dua nghiến răng ra sức giựt mấy chiếc lá trên cái giống thân cây èo oặt mà sao độc hại thế. Nó đã giết chết bao người, hay là bao người cũng vì đau khổ quá nên cần một lối thoát. Dua thoáng nghĩ về bố mẹ và lẩm nhẩm “con xin lỗi”. Ngay lúc Dua định cho nắm lá vào miệng thì bụng Dua đau quá. Quần Dua ướt đẫm. Đúng lúc ấy mẹ Dua chạy đến gọi ới ời, con gái ơi, đừng dại con ơi. Thấy mặt Dua tái mét, tay ôm bụng. Mẹ Dua móc mồm con gái nhưng trong miệng không có gì, nắm lá rơi đầy quanh đất. “Ôi, máu chảy nhiều thế này”. Mẹ đưa vội Dua về. Cái thai tự ý ra khỏi cơ thể Dua. Những ngày sau đó, mặt Dua dường như vô cảm. Dua nằm quay mặt vào tường, mặc kệ lời mẹ nhắc về bát thuốc lá để ở đầu giường. Những va vấp đầu đời có lẽ quá hãi hùng với một cô sơn nữ mới lớn. Dua vẫn chưa thể tưởng tượng ra, tại sao mọi chuyện lại diễn ra như thế. Ngu ngốc thật! Dua lấy tay tự đập vào đầu. Thế rồi, còn dám nhìn mặt ai, còn xứng đáng với ai nữa. Sống chỉ làm khổ bố mẹ thôi.
Dua trở dậy, bố mẹ đã đi làm nương không ai ở nhà. Bát nước thuốc mẹ đun cho Dua đã nguội. Dua không uống. Dua chạy ra con đường dài trước mặt. Đầu Dua trống rỗng nhưng chân Dua lại chạy ra bờ vực mất rồi. Dua chỉ cần bước vài bước nữa thôi là không ai còn thấy Dua ở cái bản này nữa. Lũ bạn không có Dua đi chợ cùng thì rồi cũng quên Dua thôi. Bố mẹ sẽ không phải đau lòng, xấu hổ về Dua nữa. Ông thầy lang hôm trước đến xem bệnh cho Dua chắc biết hết rồi thì cả bản này đều biết thôi. Dua từ từ bước, nước mắt giàn giụa khuôn mặt non nớt, trắng bệch vì thiếu ngủ. Bỗng có bàn tay lôi mạnh Dua lại.
“Dua! Em làm gì đấy? Anh Sùng đến thăm em đây”.
Dua quay lại thấy Sùng bỗng oà lên khóc nức nở: “Em không muốn sống nữa”.
Sùng ôm lấy đôi vai bé nhỏ. Ánh hoàng hôn rơi xuống mái tóc vàng hoe. Và núi không còn nghe tiếng khóc, tiếng nức nở, thổn thức nữa.
Dua theo Sùng về bản xa bên Hua Va. Những tưởng cuộc sống sẽ bình yên. Hai người ở bên nhau. Ngày ngày cùng nhau đi nương, về nhà cho gà, cho lợn ăn ngô, khoai sắn. Cùng ăn những món đơn giản mà Sùng dạy Dua làm. Thi thoảng cuối tuần, hai vợ chồng lại dắt tay nhau đi chợ phiên, bán con gà, mua cái bàn, cái ghế trong nhà.
Rồi Dua báo có tin vui. Nhưng mà những nỗi ám ảnh về lần sa sảy trước cứ hiển hiện trong lòng Dua. Dua sợ hãi, sợ đau, rồi nhớ những lần bị hãm hiếp, bị ép buộc. Sùng càng yêu thương Dua bao nhiêu thì Dua càng kinh hãi hai người đàn ông kia bấy nhiêu. Bao đêm đang ngủ mà Dua giật thót người ướt đẫm vì mơ thấy hai gã râu xồm, cười ha hả, đè lên người Dua nặng trĩu mà cô không thể chống cự được. Những cảm giác ê chề, tội lỗi cứ lớn lên trong lòng Dua. Cứ tưởng đã quên đi hết để bắt đầu một cuộc sống mới mà Dua vẫn không thể tự tin bước. Sùng dắt Dua vào chợ, Dua nháo nhác nhìn xung quanh, và rồi điều gì sợ cũng đã tới. Dua lại thấy cái tên Tải hôm nào. Sùng cầm chặt tay Dua trở về và không để Dua đi chợ huyện nữa. Dua cứ ở đây thôi, sẽ không ai làm hại Dua được nữa cả. Nhưng những uất hận trong lòng Dua không thể nguây ngoai, nhất là khi Dua lại nhìn thấy gã đàn ông ấy. Dua trầm lặng hơn, đến mức Sùng bắt đầu thấy lo lắng. Sùng phải làm thế nào để Dua bình tâm trở lại.
“Con chúng ta đang lớn từng ngày. Dua phải ăn nhiều, khoẻ mạnh, việc nặng để Sùng làm. Dua đừng suy nghĩ, lo lắng gì nhé”.
Sùng thật tử tế, hiền lành, thật chăm chỉ. Nhưng vết dao đã cứa vào lòng chảy máu, đâu phải cứ một ngày, hai ngày là lành lại được đâu. Bao người đàn bà Mông lặng lẽ suốt một đời giữa rừng già, trong căn nhà tối, trong gác bếp lụp xụp. Nhưng có lẽ những người phụ nữ từng lầm lỡ như Thào Dua lại còn im lặng nhiều hơn nữa. Thằng Dơ một tuổi thì Thào Dua lẽo đẽo theo sau Sùng lên nương, rồi cứ vừa làm vừa nghĩ mãi cho đến khi mặt trời xuống núi. Về nhà, Thào Dua cũng chẳng dám đòi hỏi gì ở Sùng. Sùng đã dang tay, đã tốt với Thào Dua quá rồi. Thào Dua cứ lặng lẽ chăm sóc Sùng và con. Cũng có lúc Thào Dua được cười thành tiếng khi chơi đùa với thằng Dơ, khi Sùng bắt con sóc trêu hai mẹ con. Những tiếng cười hiếm hoi. Cứ tự Thào Dua nghĩ ngợi nhiều nên thế, chứ Sùng có làm khó Thào Dua điều gì đâu.
Nhưng có phải tại vì Dua mang trong lòng bao cơn mưa giông, bao cơn lũ cuốn từ lúc mang thai mà thằng Dơ giờ ra nông nỗi này không? Nhìn thấy con, lòng Thào Dua ngày càng nặng trịch như đeo cả cái lu cở đá đi lên dốc vậy. Tình trạng của thằng Dơ ngày càng nặng lên chứ không nhẹ đi. Con không thể tự lập, không lo nổi cuộc sống cho mình thì Thào Dua có chết đi cũng không nhắm mắt được. Dua ru con ngủ. Bài dân ca Mông thổn thức: “À ơi, con chơi ngoan nhé, đừng khóc nhé, mẹ yêu/ Ngoan nhé, đừng quấy mẹ đi làm/ Đừng khóc, đừng quấy mẹ yêu/ Mẹ sẽ hái nhành hoa thắm về cho nhé/ Đừng có khóc, sẽ thấy rừng xa đấy…”. Sùng quay vào tường khẽ thở dài. Mãi rồi Dua cũng thiếp đi. Ngày mai, mặt trời vẫn ló rạng, cây cối vẫn lớn lên, mùa qua rồi mùa tới ở vùng núi Hua Va này, chỉ có Thào Dua là không biết làm cách nào để thoát khỏi tâm trạng rối bời như lạc rừng này.
Bác sĩ bảo cho Dơ đi học ở lớp, ở trung tâm tự kỷ. Thào Dua với Sùng nghe rồi nhớ lộn xộn. Nghe rồi để đó thôi, chứ làm gì có trung tâm cho trẻ tự kỷ nào ở cái bản nghèo xa lắc xa lơ này. Phải ra tỉnh, phải về thủ đô. Ôi, xa thế, mà học mất nhiều tiền thế thì Sùng với Dơ lấy đâu ra trang trải. Thế phải sống thế nào cho đến hết kiếp sống này? Thào Dua bi quan thật sự. Không biết kêu ai, không biết làm gì, không biết lấy cái gì làm điểm tựa, Thào Dua đành dựa lưng vào cột nhà, nơi thằng Dơ vẫn hay đứng đập đầu. Nó ngủ yên thế thôi, chứ dậy là Thào Dua còn phải dành thời gian coi con, có lúc chẳng làm đồi nương gì được. Muốn làm thì Dua phải mang theo con kẻo nó ngã lăn vực, ngã suối, lạc giữa rừng không tìm được… Cái bản nhỏ của Thào Dua bỗng trở nên bất an quá!
Thào Dua miên man một lúc thì trời sáng. Mở mắt ra, thấy những tia nắng chiếu qua mái nhà tranh rọi vào mắt. Đột nhiên, Thào Dua nhớ bác sĩ có nói cái gì đến mặt trời, đến hi vọng. À, Thào Dua lấy tay đập một cái vào trán. À, à, nhớ rồi. Mặt trời Hi vọng. Chương trình Mặt trời Hi vọng hỗ trợ cho trẻ tự kỷ. Có một tia sáng cho Thào Dua rồi. Thào Dua vội ra khỏi giường, làm mọi việc thật nhanh. Hôm nay, Thào Dua sẽ nhờ bộ đội Tuân tìm hiểu về chương trình này. Biết đâu Dơ của Thào Dua sẽ được học, sẽ được chữa lành mà làm một đứa trẻ bình thường, hạnh phúc…
GIANG THANH