Lễ hội Nào Xồng của người Mông ở Than Uyên

Dân tộc Mông cư trú vùng núi cao nền kinh tế văn hoá hiện đại còn thấp và lạc hậu so với miền xuôi nên sinh hoạt văn hóa trong các lễ hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa lớn của tộc người, họ là người dự hội, là người xem hội hưởng thụ văn hóa lễ hội, vừa là người sáng tạo văn hóa văn học dân gian.

Hàng năm các làng bản người Mông ở huyện Than Uyên thường tổ chức lễ hội Nào Xồng (hay còn gọi là lễ hội Ăn ước). Là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc Mông được tổ chức thông qua hình thức lập hội.

Thời điểm tổ chức lễ hội Nào xồng ở các khu vực có sự khác nhau song đa phần tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Hai (âm lịch). Thời gian buổi lễ thường được tổ chức trong một ngày, buổi lễ được tổ chức tại khu rừng cấm nơi thờ thần bản mệnh của cộng đồng. Tham dự là các chủ hộ (đàn bà trẻ em không được tham dự ). Chủ trì buổi lễ là Hội đầu (tức là Thần cai quản, bảo vệ làng bản).

Lễ hội Nào xồng được tổ chức nhằm hai mục đích chủ yếu là: Cúng thần bản mệnh của làng phù hộ cho con người, gia súc và mùa màng. Với mục đích này, lễ hội Nào xồng của còn mang ý nghĩa cầu mùa và thiết lập hệ thống các quy định tổ chức sinh hoạt và sản xuất của cả làng trong năm đó.

Ảnh: Bà con dân tộc Mông ở Than Uyên trong ngày Hội

Lễ hội Nào xồng được tiến hành qua ba bước:

Bước 1: Cúng thổ thần (Thu tỉ). Thổ thần là thế lực có trách nhiệm bảo vệ an toàn trong cuộc sống con người, mùa màng, gia súc. Hàng năm con người phải mang lễ vật để cúng gồm có: 1 con gà trống, 1 con gà mái và 1 chũ rượu. Khi mọi người tới dự đông đủ, chủ lễ thắp ba nén hương sau đó khấn rằng “Bây giờ thần lĩnh gà còn sống, hương vàng, lát nữa thần sẽ lĩnh gà chín. Rồi nghe ta khấn đây:

“Hôm nay tốt ngày

Hôm nay lành ngày

Tôi đem 2 gà, vàng hương đến cho thần lĩnh

Thần phải bảo vệ phù hộ cho tất cả bà con không ai ốm đau

Làm ruộng, làm nương

Được ăn, được mặc

Sang năm ta lại đem về cúng mình

Mình phải phù hộ cho ta, người lớn người bé không ai ốm đau

Ta được khỏe mạnh, làm được mùa màng mới đem về cúng cho mình ăn sống”.

Sau khi khấn song, họ cắt tiết gà, nhổ một ít lông gáy nhúng vào tiết gà rồi bôi vào nơi thần ở (gốc cây hoặc tảng đá). Với hành động này họ cho rằng, thần đã nhận lễ vật và trong năm đó con người và mùa màng sẽ được phù hộ.

Bước 2: Xây dựng các quy định tổ chức sinh hoạt và sản xuất của làng. Sau các thủ tục cầu cúng kết thúc, một bữa ăn sẽ được tổ chức ngay tại chỗ cúng thần, mỗi mâm cỗ có 12 người. Trước khi bữa ăn bắt đầu, người chủ tuyên bố như sau:

Hôm nay là ngày Nào Xồng. Nhà nào cũng có người về đây đầy đủ. Tất cả người làm việc to nhỏ cũng có mặt đầy đủ. Tất cả người làm việc quan to, nhỏ đều có mặt tại đây. Mọi người lắng nghe tôi nói xong câu chuyện thì ra về.

Những người dự lễ phải nói lại tất cả cho mọi người trong bản rõ và  tuân theo đúng lệ sau:

Trâu bò phải chăn dắt không được thả rông cho đến ngày 15 tháng 10 (âm lịch) là mùa gặt hái hẹn cho mọi người phải thu hoạch xong mới được thả trâu bò.

Thời gian lúa ngô chín, ruộng của người nào thì người ấy mới được vào, nếu người khác vào có bị mất mát thì phải chịu phạt đền dù người đó không được lấy.

Không ai được lấy 1 quả đậu, 1 quả dưa, 1 lá rau của người khác.

Không ai được tháo nước ruộng, nước mương của người khác.

Người nào không có cây vầu, không có măng (cây nương) mà vẫn có măng đem bán là người ấy ăn cắp của người khác thì cũng sẽ bị phạt.

Rừng gỗ, rừng vầu, rừng nứa của họ nào họ ấy được sử dụng, nếu đi phát lẫn sang nhau là phạm vào tội lấy trộm. Ai muốn lấy phải thông báo với trưởng họ, trưởng họ cho phép mới được chặt. Chỗ rừng cấm không ai được đến phát nương.

Trong bản với nhau không được ăn trộm, ăn cắp, không được đánh nhau bừa bãi.

Lời tuyên bố có sự đồng ý của thần thánh mọi người đi tới sự bàn bạc và thống nhất với việc thực hiện quy tắc trên.

Bước 3: Bầu Hội đầu và bàn các nhiệm vụ của Hội đầu khi đã đi tới thống nhất các quy định.

Quy định về nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, phòng chống trộm cướp. Để thực hiện nhiệm vụ này, phải thành lập đội vũ trang của mình, mỗi hộ tham gia phải cử một người đàn ông khỏe mạnh, gan dạ, tự trang bị vũ trang để tham gia đội chiến đấu, đội chiến đấu không tập hợp thường trực mà chỉ khi có kẻ gian vào bản. Khi đó, mọi người mới dùng các dụng cụ báo động để tập hợp và cử ra người chỉ huy. Đội vũ trang người Mông là một hình thức tổ chức duy trì an ninh xóm làng khá đặc biệt với chức năng phòng chống trộm cướp từ bên ngoài là chủ yếu.

Thứ hai. quy định về khu vực và thời gian chăn thả gia súc và bảo vệ mùa màng. Ai để gia súc phá hoại sẽ bị phạt theo các hình thức sau: Bồi thường thiệt hại: trồng đến, trả giống. Bồi thường thiệt hại bằng tiền, tiền phạt này được bỏ vào quỹ của hội để chi cho các công việc của hội.

Thứ ba, là vấn đề bảo vệ rừng và trồng rừng. Khu rừng quy định là của chung cả làng. Mọi người không được xâm phạm đặc biệt là khu rừng cấm, ai muốn lấy gỗ làm nhà phải có sự đồng ý của cả bản, đồng thời với việc bảo vệ rừng tự nhiên các bản còn quy định việc trồng rừng cho các hộ, thành viên.

Khi bàn bạc thống nhất thực hiện các nhiệm vụ, mọi người sẽ tiến hành cử Hội đầu. Hội đầu được cử theo hình thức luân phiên trong những gia đình và cử hai Hội đầu trong một năm. Trước mặt đông đủ mọi người, hai Hội đầu cũ cầm chiếc chân của con lợn cúng thần, trao cho hai Hội đầu mới với ý nghĩa đã trao nhiệm vụ cho họ với sự chứng kiến của thần linh. Hai người Hội đầu cũng có nhiệm vụ duy trì hoạt động của Hội và giải quyết các công việc trong năm.

Có thể thấy đây là một hình thức lễ hội truyền thống đặc biệt của dân tộc Mông trong đó tính chất về một cuộc họp của các chủ hội được phản ánh đậm nét hơn tính chất của một lễ hội. Nó chỉ diễn ra trong phạm vi của từng làng bản với thành phần tham gia lễ hội không phải là toàn bộ dân làng. Tuy nhiên, nó vẫn mang nhũng dấu hiệu của lễ hội, có tác dụng cố kết cộng đồng rất cao. Các qui định về tổ chức sinh hoạt và sản xuất mặc dù là những qui định bất thành văn, song được mọi thành viên trong cộng đồng thực hiện rất nghiêm túc nó có giá trị như các hương ước của làng bản.

Ở huyện Than Uyên hiện nay, lễ Nào Xồng vẫn được tổ chức và được lồng ghép với những nội dung của đời sống mới, trong đó có vấn đề bảo vệ và trồng rừng là một nội dung rất quan trọng gạt bỏ những yếu tố thần linh, lạc hậu. Chính lẽ đó lễ hội Nào Xồng là một tập tục lành mạnh và có ý nghĩa cần được phát huy.

TRIÊU HUY


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.