Lễ hội cúng cầu mùa của người Cống

Người Cống gọi Lễ hội cúng cầu mùa là cà ma thạ. Lễ cúng được tổ chức vào ngày con ngựa đầu tiên của tháng 3 âm lịch. Theo quan niệm, ngày “con ngựa cả” là ngày con ngựa đầu tiên đó thì là ngày tốt. Tổ chức vào ngày này sẽ được  mùa lúa bội thu, cây lúa không bị sâu bệnh, cây trồng tốt tươi ngay cả khi chăm sóc không tốt.

Để tổ chức lễ cúng “cà ma thạ” tất cả mọi người trong bản đều có trách nhiệm đóng góp để mua lễ vật tổ chức lễ cúng. Mỗi gia đình trong bản đều đóng 10.000 đồng cho trưởng bản. Trưởng bản có trách nhiệm mua lễ vật. Lễ vật thường là một con lợn khoảng 30kg – 40kg, khoẻ mạnh, không có những dị tật khác lạ, không cúng lợn màu trắng. Theo quan niệm của người Cống, màu trắng đem lại vận đen đủi, không may mắn, thịt của các con vật có màu trắng không thể dùng để dâng cúng các thần được; hai con gà trống, cũng không chọn gà màu trắng.

Tất cả lễ vật phải được mua trước từ 3 – 4 ngày. Đến ngày đã định tất cả mọi người trong bản, mỗi gia đình cử  một người nam giới đại diện đến tập trung tại nhà trưởng bản. Khi đi mỗi người đem theo chai rượu. Đầu giờ chiều khoảng 13 giờ 30 phút tất cả mọi người từ nhà trưởng thôn đi làm lễ cúng cầu mùa. Địa điểm cúng cầu mùa hàng năm được chọn ở cuối thôn, nơi có gốc cây to và địa thế cao, thoáng mát. Bà con cho rằng, cúng chỗ cao thì các thần mới quan sát được để phù hộ cho dân bản.

Mọi người dọn dẹp xung quanh nơi thờ cúng cho thật sạch sẽ. Sau khi dọn dẹp xong thì trưởng thôn là ông Lý Văn Lam cũng là thầy cúng của thôn đứng ra làm lễ cúng cầu mùa. Đầu tiên họ để lễ vật gồm có con lợn và đôi gà trống ở dưới gốc cây. Thầy cúng đứng trước cây to chắp tay lạy 1 lạy và đọc nhẩm lời cúng. Đại ý, Hôm nay là ngày… tháng…. năm… tại bản… chúng tôi có lễ vật dâng cho thần, cầu mong các thần cho lúa tốt, con chuột, con chim không cho ăn lúa, lúa lên xanh tốt cao hơn đầu người, hạt thóc vứt đầu đều nảy mầm ở đó, mọi nhà trong thôn cuối mùa thu thóc đầy bồ, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Sau khi đọc xong lời khấn, tất cả mọi người khiêng lợn ra mổ, gà mổ đem luộc 1 con, và đem nướng một con. Sau khi chế biến xong lễ vật đem ra để bày mâm dâng lễ cúng chín. Tất cả lễ vật được bày lên một mâm to.

Lễ vật đem cúng chín gồm những lễ vật sau:

– Thủ lợn

– Đuôi lợn

– 1 đùi lợn

– 1 con gà luộc

– 1 con gà nướng

– 4 đôi đũa

– 4 cái bát

– 6 cái chén

Sau khi lễ vật được bày lên, thầy cúng khấn, nội dung giống như lời khấn lúc ban đầu. Cúng xong, lễ vật được hạ xuống, mọi người cùng nhau ăn, uống rượu vui vẻ ngay tại nơi cúng. Những hộ gia đình nào không đi dự được thì sẽ được chia phần gửi về.

Trong ngày cúng cầu mùa, bản nghiêm cấm người dân không được đi làm, lấy củi, vào rừng.

Trước kia, cúng cầu mùa xong, nương rộng của gia đình thầy cúng được gieo trồng trước sau đó mới đến các hộ trong bản. Trong nương của thầy cúng trồng rất nhiều loạn cây như lúa, khoai, hoa quả, rau, lúa…  Sản vật tren nương không ai được phép lấy, nếu ai lấy thì gia đình đó năm đó sẽ bị mất mùa. Tất cả những cây thiêng mà chỉ có thầy cúng mới sử dụng được.

Khi đến mùa gặt lúa thì nương của thầy cúng được gặt trước. Cách gặt lúa không giống như thông thường. Tất cả bông lúa không được cắt mà phải tuốt lấy nguyên hạt để lại bông lúa trên cây. Hạt lúa tuốt ngày đầu tiên lấy về làm cơm cúng. Tại nhà thầy cúng sau khi nương lúa của thầy cúng gặt xong, làm cơm cúng chung cho cả bản  thì các gia đình khác trong thôn mới tiến hành thu hoạch lúa của gia đình mình.

Là dân tộc ít người của Lai Châu, người Cống còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống mang đậm nét phong tục, tập quán lâu đời. Phong tục cúng cầu mùa là một  truyền thống đep, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Cống.  Hàng năm, đồng bào chuẩn bị và thực hiện Lẽ cúng cầu mùa như là một ngày hội bản.

Nguyễn Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.