Lễ Cơm mới của người La Hủ

 

Trong các nghi lễ thuộc chu kỳ nông nghiệp, Lễ Cơm mới được người La Hủ coi trọng như Tết cổ truyền và Tết mùa mưa; lễ này được xem như là một trong ba cái Tết trong năm của người La Hủ.
Lễ Cơm mới thường được các gia đình người La Hủ tiến hành khi các nương lúa đang chuẩn bị vào kỳ chín rộ. Ngày làm cơm mới thường kiêng không làm trùng vào ngày mất của tổ tiên (bố mẹ của gia chủ), không làm vào ngày con hổ (la nhi), không làm vào ngày con khỉ (mộ nhi). Những ngày thường được chọn để làm Lễ Cơm mới là ngày con rồng (lò nhi), ngày con khỉ (mồ nhi). Đối với người La Hủ, việc dâng cúng cơm nấu bằng lúa mới cho tổ tiên là một điều quan trọng bởi có như thế thì tổ tiên mới chứng giám cho lòng thành và phù hộ cho một mùa thu hoạch bội thu. Nếu không làm lễ này mà đã thu hoạch thì cho dù nhìn nương lúa có đẹp, bông to, hạt nhiều và mẩy nhưng khi gặt rồi đập ra cũng chẳng được bao nhiêu.
Trước khi thu hoạch đại trà, bà chủ nhà phải dậy sớm, lên nương lúa gần nhà nhất hoặc nương lúa có những bông lúa chín đẹp nhất trong số các đám nương của gia đình để gặt lúa mới về làm lễ cúng tổ tiên. Thường thì bà chủ nhà xuất phát từ ba giờ sáng, có khi sớm hơn. Khi đi, chủ nhà phải kiêng không gặp rắn nằm ngang đường, kiêng không gặp và nói chuyện với ai. Nếu một trong ba điều kiêng kia bị phạm thì bà chủ nhà sẽ phải quay về để hôm khác mới thực hiện Lễ Cơm mới.
Trường hợp không gặp phải điều kiêng kỵ nào, bà chủ nhà lên thẳng trên nương đi đến chỗ có những khóm lúa tốt, đẹp nhất nương. Bà gặt lấy chín bó lúa, mỗi bó chín bông đem về để làm cơm mới cúng tổ tiên. Trước khi rời khỏi nương để về nhà, bà chủ nhà lẩm nhẩm gọi hồn lúa theo mình về nhà. Trên đường về, bà chủ nhà không phải kiêng gặp rắn nằm ngang đường, cũng không phải kiêng gặp người nữa nhưng vẫn phải kiêng không được nói chuyện với ai; đồng thời còn phải kiêng không được ngoái lại phía sau sợ hồn lúa sẽ quay lại nương.
Sau khi về đến nhà, bà chủ nhà đem chín bó lúa hong trên gác bếp và châm bếp cho lửa cháy to cho có nhiều hơi nóng để lúa nhanh khô. Đến khoảng gần trưa là lúa đã khô, bà chủ nhà đích thân mang chín bó lúa đi tách hạt thóc ra khỏi bông rồi lại giã cho hạt gạo tách khỏi vỏ thóc. Trước khi làm điều đó, bà phải bớt lại một bông lúa để gài lên cột chỗ đầu giường, phía trên bàn thờ tổ tiên.
Sau khi đã giã được gạo, bà chủ nhà lại đích thân đồ chõ cơm bằng gạo lúa mới. Trong khi nấu cơm, bà chủ nhà phải thực hiện những điều kiêng kỵ là không được để cho người khác đụng vào nồi cơm đang nấu trên bếp sợ hồn lúa bỏ đi theo người ta; không được ai lấy cơm ăn trước khi lấy cơm cúng tổ tiên vì sợ tổ tiên phật ý, trách phạt con cháu làm cho mùa màng thất bát.
Trong lúc đồ cơm, trong thời gian chờ cho cơm chín, bà chủ nhà dọn dẹp ban thờ. Bà ra nguồn nước của bản lấy nước mới đựng vào ống tre mới chặt mang về để rửa đồ lễ. Ống tre ấy thường được chặt từ hôm trước do ai chặt cũng được nhưng từ lúc chặt cho đến lúc dùng để đựng nước mang về rửa đồ lễ không được dùng để làm bất cứ việc gì, kể cả đựng nước. Việc dọn dẹp bàn thờ được thực hiện bằng việc bỏ bốn ống tre (hoặc giỏ đan) xuống rửa bằng nước sạch lấy ở nguồn nước của bản. Sau đó là dùng chổi sạch hoặc khăn sạch lau hết bụi bẩn trên bàn thờ. Người La Hủ quan niệm rằng những việc làm trên là để thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên đã mất, có như vậy thì tổ tiên mới hài lòng mà phù hộ cho con cháu có một vụ mùa bội thu.
Khi cơm chín, bà bày lễ vật lên một cái mẹt. Mẹt cúng Cơm mới của người La Hủ chỉ gồm có hai món lễ vật là cơm và nước gừng. Nếu cả bố mẹ của gia chủ đều đã mất thì bà để mỗi thứ hai bát; trường hợp mới có một người mất, một người vẫn còn sống thì bà chỉ bày mỗi thứ một bát. Sau đó, bà mang mẹt lễ lên trên nhà trao cho ông chủ nhà để ông mang vào buồng, đặt ở đầu giường ngủ của gia chủ để cúng tổ tiên (theo tập quán của người La Hủ, con dâu không được mang đồ lễ cúng tổ tiên vào buồng thờ).
Việc cúng tổ tiên trong ngày Lễ Cơm mới cũng như các dịp khác đều do gia chủ thực hiện. Gia chủ lấy bông lúa mà bà vợ đã để dành trước khi tách hạt và giã gạo giắt lên ngồi trước mẹt lễ khấn mời tổ tiên, gọi tên từng người về hưởng lễ. Nội dung bài cúng có đại ý là: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, là ngày con… không phải là ngày con hổ, không phải là ngày con…, không phải là ngày mất của tổ tiên. Con cháu làm cơm lấy từ những bông lúa mới trên nương mang về dâng cúng tổ tiên. Con cháu vất vả đi tìm được mấy đám nương tốt, ở những chỗ… con cháu chọn hạt giống tốt gieo xuống đất, hạt nảy mầm thành cây, cây lớn lên ra bông, trổ hạt. Nay hạt lúa trên các đám nương đã chín. Con cháu sắp đi gặt rồi. Nay cúng tổ tiên cơm mới được lấy từ những bông lúa tốt trên nương về cúng tổ tiên trước. Xin tổ tiên hãy về ăn cơm cho no, uống nước gừng cho ấm, ăn uống rồi hãy phù hộ cho con cháu có được một vụ mùa bội thu, gặt được nhiều lúa, đập được nhiều thóc, giã được nhiều gạo, sang năm con cháu lại dâng cơm mới cúng tổ tiên”.
Trong một chu kỳ canh tác cây lúa nương, nghi lễ cúng cơm mới là một trong những quá trình sản xuất. Mọi kết quả lao động trong suốt một mùa vụ được đánh dấu lễ cúng cơm mới. Người La Hủ quan niệm rằng, đây là lễ báo cáo với thần linh, tổ tiên sau một năm lao động vất vả; nếu không làm lễ này tổ tiên sẽ không phù hộ, năm sau, mùa màng của gia đình sẽ không thuận lợi, có trồng mà không có lên hoặc có lên mà không có thu hoạch cao.

Vân Thanh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.