Tin lão Gù qua đời loang nhanh ra khắp làng Cổ Cò. Trống làng chưa báo vậy mà sớm ra gần như cả làng đều đã biết tin này. Mới bảnh mắt, bà tôi đã giục:
– Dậy! Dậy đi con! Dậy sớm sang đám xem có việc gì còn làm chứ?
Tôi vùng vằng:
– Để con ngủ thêm tí đã. Chủ nhật mà bà.
– Không được – bà tôi dứt khoát – mình là hàng xóm, phải có mặt sớm không dân làng người ta cười cho. Nhanh lên con!
Vừa nói bà vừa kiên quyết dựng tôi dậy. Tôi uể oải, vươn vai ngồi giụi mắt. Vừa lúc đó trống làng vang lên. Ba hồi chín tiếng. Trống báo làng có người chết. Tôi lập tức tỉnh ngủ, vội vàng, thò chân xuống đất, tìm dép rồi chạy đi vệ sinh.
Nhà tôi ở trên phố. Lẽ ra tôi cũng ở đó. Thế nhưng, dưới quê này chỉ còn mỗi một mình bà. Dạo trước, ông tôi còn sống thì hai ông bà ở với nhau. Khi ông mất, bố tôi đã nhiều lần về đón bà lên phố ở nhưng bà dứt khoát không đi. Bà bảo phải ở cái làng Cổ Cò này để trông nom mồ mả tổ tiên, trông nom phần mộ của ông. Chôn nhau cắt rốn ở đây, tổ tiên dòng họ đều ở cả đây, đi sao được? Thế nên, hơn năm tuổi, tôi đã được bố mẹ cho về ở với bà. Vừa để bà vui, vừa trông nom bà sớm tối. Trách nhiệm phết ấy chứ. Điều này, tôi mới nhận thức ra mấy năm gần đây. Lớn rồi nên tôi cũng biết đôi chút. Thì mười hai, mười ba tuổi rồi còn gì.
Nhà ông Gù cách nhà bà tôi một tràn ruộng. Ông ấy ốm gần tháng nay. Bệnh suyễn làm khổ ông. Mỗi cơn hen, ông so vai rụt cổ thở dốc, trông tội lắm. Ngày nào bà tôi cũng đảo qua bên đó vài lượt. Lúc thì nấu nồi cháo cho ông. Lúc lại sắc thuốc cho ông ấy uống. Rõ khổ. Đã độc thân lại còn ốm. Họ hàng thân thích của ông ấy nào có ai? Giá bảo trẻ còn đỡ. Đằng này ông ấy cũng hơn bảy chục tuổi rồi. Đã thế, ông lại còn bị tật nữa. Lưng ông có cục bướu to tướng. Có cảm giác nó như một trái núi đè lên lưng ông, làm cho ông còng xuống cúi mặt nhìn đất suốt đời. Khi nói chuyện với ai, ngay cả đứa trẻ con như tôi, ông ấy cũng phải ngửa mặt, ngước mắt lên để nói. Thương lắm.
Bà tôi kể rằng ông Gù không phải người làng Cổ Cò. Chẳng biết ông ấy trôi dạt từ đâu đến và đến từ bao giờ. Chỉ có cán bộ xã là nắm rõ. Đâu như hồi chiến tranh thì phải. Ngày đó, chợ làng bỗng xuất hiện một anh gù. Anh ta ngơ ngác đứng giữa chợ trong tiếng máy bay gầm rú trên trời. Dân quân xã thấy thế vội giữ anh ta lại rồi dẫn giải về trụ sở. Công an xã hỏi gì anh ta cũng lắc đầu ú ớ. Mãi đến khi ông Thạc – Trưởng công an xã lấy cái còng số tám ra dọa, lúc đó anh ta mới cho biết tên là Cao Văn Nghiêu. Nghiêu kể rằng: Làng anh bị bom B52 Mỹ san phẳng. Nhà cửa tan nát. Người chết quá nhiều. Bố mẹ và các em anh không kịp đi sơ tán đã bị vùi lấp trong đống đổ nát đó. Họ hàng thân thiết không còn ai… Kể đến đó anh ta lại khóc rống như trẻ con: “Cháu lang thang quên quên nhớ nhớ trôi dạt lên đây. Xin các ông ủy ban và dân làng rộng lượng cho tá túc”. Và thế là ông ấy ở đây cho đến tận bây giờ đấy, cháu ạ!
Ra vậy, ông Gù là người dưới xuôi cơ đấy. Thảo nào trông ông ta trắng trẻo, thư sinh lắm. Khuôn mặt ông hiền khô. Đôi mắt sáng, lanh lợi. Nhìn kỹ mới thấy ánh buồn xa xăm, nhất là những lúc ông ấy ngồi tư lự. Hai cánh tay ông Gù có vẻ khác người. Hình như nó dài hơn thì phải. Khi ông ấy đứng, bàn tay ông thõng xuống quá đầu gối. Đã đành, ông ấy gù thì phải vậy nhưng so với người thường như thế nó vẫn cứ dài hơn. Chân tay ông ấy nghều ngào như con vượn. Đặc biệt, mười ngón tay của ông thì đẹp vô cùng. Nó thon dài như búp măng. Chả thế mà ông chơi đàn bầu, đàn guitar thì thôi rồi. Cánh thanh niên và trẻ trâu chúng tôi ngồi ngắm ông chơi đàn là quên hết mọi chuyện. Ông vừa tỉa đàn vừa hát nghe mê ly. Gì chứ nhạc Trịnh và dân ca thì tôi có thể nghe ông đàn hát cả ngày được. Chính nhờ tài lẻ này mà những năm tháng đầu đến đây, ông đã sống bằng tiếng đàn, lời hát đó ở chợ. Mặc máy bay rình rập gầm rú, mặc đạn nổ, bom rơi, ông cứ ôm đàn ngồi giữa chợ mà hát. Người ta thương ông, cho ông những đồng tiền lẻ, rồi củ khoai, củ sắn, tấm bánh cái kẹo. Ngày ông đàn hát, tối ông vạ vật trong những túp lều ở chợ. Qua ngày, đoạn tháng cứ thế ông bám lấy chợ mà sống.
Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế. Chợ Đầu Cầu cũng được cải tạo, nâng cấp. Hàng quán mọc lên. Dãy nào vào dãy đó. Không còn chỗ cho ông Nghiêu gù hát nữa. Người ta đã bố trí cho ông chân quản trang trông coi nghĩa địa. Làng làm cho ông cái túp lều cạnh đó để ở. Đồng thời giao luôn khu đất khá rộng ở bãi tha ma cho ông cấy cày canh tác. Nhiệm vụ của ông là cắt đặt vị trí mả mới khu hung táng, quản lý sắp xếp việc cải mả, xây mồ khu cát táng theo quy hoạch. Làm sao mả mới thì an toàn, không bị trâu bò dẫm phá; mộ xây khu cát táng thì đúng quy cách, thẳng hàng lối, không cái nào được to hơn cái nào. Mỗi vụ hợp tác xã trả cho ông hai tạ rưỡi thóc. Cộng số hoa lợi thu được trên khu đất trống cũng khiến cho cuộc sống của ông khá ổn định. Tính ông cần cù, chịu khó nên chẳng bao giờ ông thiếu đói cả. Ông sống cạnh người chết, lấy mồ mả làm bầu bạn và chính thức trở thành công dân làng Cổ Cò. Ông bằng lòng với cuộc sống đó. Hễ nhà ai có công to việc lớn gì ông đều đến hỏi han, giúp đỡ. Người thì ông giúp gạo, giúp tiền. Người thì ông hỏi thăm chia sẻ. Tuy nhiên, không bao giờ ông đến lúc chính việc. Thường là ông đến trước hoặc đến sau. Có lẽ, ông tự ti mặc cảm về cái lưng gù dị tật của mình.
Hồi tôi mới về làng, theo lũ trẻ đi chăn trâu, lên khu nghĩa địa gặp ông Gù, nhìn thấy ông tôi sợ quá. Trông ông thật dị hợm. Người đâu lại có cái lưng kỳ quặc đến vậy. Mới đầu, tôi cứ tưởng ông đeo ba lô. Sau lại gần hóa ra là không phải. Tôi cứ nem nép đi sau mấy đứa bạn. Về sau, cũng quen dần. Chúng tôi lấy ngôi nhà của ông Gù làm chỗ đàn đúm. Gọi là nhà cho nó sang chứ thực ra nó chỉ là cái túp lều che nắng tránh mưa thôi. Trong lúc lũ trâu ung dung gặm cỏ thì chúng tôi bày trò chơi trận giả. Mả mới, mả cũ là chỗ ẩn nấp lý tưởng để bọn tôi “bắn” nhau. Chẳng đứa nào sợ ma cả. Tôi cũng thế. Lúc đầu cũng run lắm. Sau rồi thấy chúng nó ầm ào xung phong “bùm” “đoàng”, tôi cũng quên béng đi luôn. Cũng lăn lê, ẩn náu. Cũng “pằng pằng” tấn công. Chỉ đêm về hình dung lại khu mồ mả tôi mới sợ. Vậy mà hôm sau gặp nhau lại chiến đấu vô tư. Ông Gù luôn nhắc chúng tôi không được nghịch bậy trên những ngôi mộ. Đứa nào léng phéng ông dọa sẽ huých chó xử lý ngay. Thằng nào thằng ấy sợ luôn.
Chán trò trận giả, chúng tôi kéo vào nhà ông Gù hòa giải. Thực ra là xem có củ khoai, củ sắn nào để ăn. Đùa giãy nhiều nên chúng tôi nhanh đói. Hình như ông Gù cũng biết điều này. Cho nên, ngày nào ông cũng chuẩn bị sẵn một ít đồ ăn gì đó. Chúng tôi tranh giành nhau, ăn vô tư. Sau đó thì quây quần nghe ông kể chuyện hoặc chơi đàn. Tôi thích nhất vẫn là nghe ông đàn hát. Khi đó, mặc dù người ông co quắp cuộn lấy cây đàn, chỉ thấy lưng là lưng nhưng nhìn ông phiêu lắm. Đàn bầu thánh thót, guitar bập bùng. Tiếng hát ông khi thì não nề sâu lắng, lúc lại hào sảng vút lên. Đôi mắt ông xa xăm vời vợi. Hình như ông quên có chúng tôi ở đó. Nắng gió sớm mai, dưới gốc đa rợp bóng, cạnh túp lều tranh, nhìn cảnh ông cháu chúng tôi quây quần bên nhau thả hồn theo tiếng đàn lời hát thì không ai nghĩ đó là khu nghĩa địa cả.
Chuyện vợ con của ông Gù và vì sao ông Gù lại sống độc thân, mãi gần đây nghe dân làng xì xào bàn tán tôi mới rõ phần nào. Mặc dù lưng gù vậy nhưng với tài lẻ của mình, hồi trẻ, khi ở chợ, anh Gù cũng được rất nhiều cô gái để ý tới. Thời kỳ đó, thanh niên trai tráng ở làng hiếm lắm. Họ ra trận cả. Chỉ những ai đui què, mẻ sứt, không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ mới ở lại làng. Anh Gù nằm trong số đó. Hơn những người cùng cảnh khác, anh Gù có tài đàn hát. Mà đàn hát thì dễ đi thẳng vào trái tim, vào lòng người. Nhiều cô gái đi chợ chỉ để xem và nghe anh Gù đàn hát. Thế rồi nhớ, rồi thương, rồi yêu lúc nào cũng chẳng biết. Khi đã thương yêu rồi thì cái lưng gù ấy có là gì đâu. Đàn ông chứ có phải phụ nữ đâu mà cần phải đẹp? Hơn nữa lại là trai thời loạn. Thế nên, anh Gù được nhiều cô gái để ý lắm. Trong số đó có bà của tôi.
Chuyện bà tôi phải lòng anh Gù đến tai cụ ngoại tôi. Cụ kiên quyết gọi bà tôi về, cấm tiệt không cho bà tôi đi chợ nữa. Cụ bảo lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống. Thằng Gù ấy giống nó đã chẳng ra gì, họ hàng anh em lại không có ai, sao có thể trao thân gửi phận được? Cắt! Cắt ngay! Nếu không, tao từ mặt mày, không bố con gì cả. Cụ ông đã vậy. Cụ bà cũng thế. Rồi cả họ xúm vào dứt khoát lôi bà tôi ra khỏi anh Gù. Sau đó, bà tôi được gả cho ông tôi bên làng Cổ Cò. Ông là thương binh vừa giải ngũ về. Oái oăm thay, nhà ông tôi lại gần nhà ông Gù. Vậy là, thi thoảng hai người vẫn gặp nhau. Ông tôi cũng láng máng biết về mối tình của bà nhưng cho qua. Thằng Gù sao sánh với ta được? Ông tôi đã nghĩ vậy. Còn bà tôi cũng yên phận với duyên số của mình. Thương ông Gù lắm bà cũng chỉ dám đứng nhìn từ xa và thở dài. Từ đó trở đi, không thấy ông Gù để ý tới người phụ nữ nào nữa. Ông sống lặng lẽ, khiêm nhường trên khu nghĩa trang của làng.
Ông Gù chuẩn bị cái chết cho mình khá chu đáo: một bọc tiền năm mươi triệu, một thẻ tiết kiệm hai chục triệu và tờ giấy di chúc dặn khi ông ấy chết thì nhờ dân làng mai táng giúp. Có một bí mật bà tôi không nói ra, mãi sau này tôi mới biết. Đó là trong cái bọc ông Gù để lại có lá thư của bà tôi gửi ông ấy hồi hai người bén duyên nhau. Lá thư này được gói trong chiếc khăn mùi xoa thêu đôi chim đang bay và hai chữ NT lồng vào nhau xoắn xuýt. Đó chính là tên ông ấy và tên của bà tôi do bà tôi thêu tặng. Cầm những kỷ vật đó, ông Huy trưởng thôn hiểu cả. Ông lặng lẽ nhìn bà tôi cảm thông.
Đám ma ông Gù đông lắm. Hầu như cả làng Cổ Cò đưa tiễn ông.
Mãi ba ngày sau, bố tôi mới về tới nơi. Tôi theo bà và bố tôi lên nghĩa địa. Chúng tôi thắp hương cho ông. Những nén nhang lập lòe cháy đỏ tỏa ngát hương thơm trong làn gió sớm mai đầu hạ. Nhìn về ngôi nhà dưới gốc đa tôi thấy ông Gù hình như vẫn đang ở đó. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Bất chợt văng vẳng bên tai tôi tiếng đàn và giọng hát của ông Gù. Hai khóe mắt tôi bỗng trào ra hai giọt lệ lăn dài trên đôi má.
Đỗ Xuân Thu