LÀM DU LỊCH BẰNG CẢ TRÁI TIM

Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) theo tiếng bản địa nghĩa là “suối có vàng”. Bản nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, nổi tiếng với nhiều loài địa lan đẹp, có thảo quả rừng, sơn tra núi và nhiều sản vật quý. Mang một vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết, Sin Suối Hồ mộc mạc như những con suối ngàn vẫn ngày đêm róc rách, như gương mặt hiền hậu của sơn nữ, như nụ cười thân thiện mến khách của người dân bản địa nơi đây.

Bản Sin Suối Hồ có trên 136 hộ dân tộc Mông, thu nhập chủ yếu từ thảo quả và trồng địa lan. Đến Sin Suối Hồ, du khách có thể đi bằng nhiều con đường khác, có thể bắt đầu từ bản Sảng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) hay từ xã Mường So đi qua Nậm Xe, rồi men theo những cánh rừng nguyên sinh đầy huyền bí. Nhưng độc đáo nhất là từ thành phố Lai Châu trên con đường trải nhựa mềm mại như những dải lụa màu uốn quanh các con suối. Bản làng được bao bọc bởi một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng. Du khách mãn nhãn với những cung ruộng bậc thang tràn ngập sắc vàng khi vào mùa lúa chín hay trong mùa nước đổ. Tất cả lấp lánh như những chiếc gương khổng lồ khi gặp mặt trời sớm.

Sin Suối Hồ không chỉ đẹp bởi những nếp nhà trệt thưng gỗ mà bao quanh bản làng bởi những cây ăn quả, các chậu địa lan, những giò phong lan rừng đua nhau khoe sắc mà khi tết đến xuân về. Những chậu địa lan đâm bông, tỏa hương thơm ngát trong nắng chiều hay dưới làn sương bảng lảng tạo nên bức tranh mộc mạc nơi núi rừng Tây Bắc. Sin Suối Hồ có nét độc đáo riêng như: thác Trái tim, thác Tổ ong, thác Tình yêu… với những câu chuyện cổ tích thi vị. Đặc biệt, những món ẩm thực truyền thống nổi tiếng của bà con như: gà vùi tro, thắng cố, mèn mén, lợn quay thảo quả, bánh giầy, xôi ba màu… . Đến Sin Suối Hồ mà chưa uống rượu ngô truyền thống của người Mông nơi này thì quả là đáng tiếc. Rượu ngô được coi là “mỹ tửu” với hương vị thơm sánh đặc trưng, tạo cho du khách dư vị khó quên. Tới đây, du khách được hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên, nụ cười thân thiện, những bài khèn, điệu múa, những bài hát dân ca, dao duyên làm đắm say lòng người của những thành viên đội văn nghệ bản.

Được biết để có những điều chạm đến trái tim du khách như thế, các gia đình trong Hợp tác xã (HTX) đã cho con em đi học, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý nhà hàng, nấu ăn, kỹ năng buồng phòng… do tỉnh tổ chức cũng như tham quan học tập ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Từ đó, tích lũy kinh nghiệm và hình thành phong cách riêng của du lịch Sin Suối Hồ hôm nay. Nếu như trước kia, bản có 8 đến 10 gia đình làm homestay phục vụ khoảng 100 khách mỗi ngày; thì từ năm 2018, trước nhu cầu tăng cao của du khách, đồng thời để tạo cú hích với hướng đi riêng, 12 hộ trong bản Sin Suối Hồ đã đoàn kết, thống nhất thành lập “Hợp tác xã Trái tim Sin Suối Hồ” nhằm đưa hoạt động du lịch nơi đây đi vào hoạt động bài bản, hiệu quả hơn.

Chúng tôi đi thăm HTX Trái tim Sin Suối Hồ với diện tích 2,5ha, gồm 3 nhà Bungalow và 2 nhà nghỉ cộng đồng, 1 bếp ăn tập thể, phòng lễ tân kết hợp với tổ chức các cuộc hội họp, tập huấn được thiết kế mộc mạc, độc đáo. Ở đây có bãi để xe rộng, thoáng mát, có khuôn viên bao quanh các nhà nghỉ được trồng các loại cây xanh, cây cảnh, hoa địa lan, phong lan, đào…  tạo cảm giác thư thái cho du khách. Chủ nhiệm HTX Trái tim Sin Suối Hồ – Hảng A Xà phấn khởi: “Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng bản Sin Suối Hồ vẫn đón hàng trăm đoàn khách tới tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng. Để HTX được thành lập và đi vào hoạt động, mỗi hộ đóng góp 200 triệu đồng, trong đó có 3 hộ góp đất thì chỉ đóng 100 triệu đồng. HTX Trái tim Sin Suối Hồ được thành lập góp phần tạo hướng đi mới cho du lịch Sin Suối Hồ bài bản, chuyên nghiệp nhưng cũng mang đậm bản sắc riêng. Nếu như trước kia, mỗi ngày chúng tôi chỉ đón được khoảng 100 khách thì nay chúng tôi có thể đáp ứng cho trên 300 khách. So với các điểm du lịch khác, du lịch Sin Suối Hồ do bà con tự bàn bạc, thống nhất về cách làm; không vì lý do lợi nhuận mà làm mất đi nét đặc trưng về bản sắc, con người nơi đây”.

Dẫn đoàn thăm quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại bản Sin Suối Hồ, ông Trần Minh Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cảm nhận: “Đợt học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng lần này chúng tôi đã đạt được nhiều hơn những gì mà chúng tôi mong đợi. Bản Sin Suối Hồ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng bản du lịch cộng đồng, đặc biệt là việc thay đổi tư duy của người dân và quy tụ được sự đoàn kết, đồng lòng cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng của tất cả các hộ dân trong bản, nhưng mọi việc cuối cùng đã rất thành công. Vì vậy, cái chúng tôi cần phải học hỏi đó là tinh thần và sự sáng tạo của người dân nơi đây, là cách điều hành, việc phân chia lợi ích tới cộng đồng, đảm bảo công bằng, mọi người cùng hưởng lợi trong phát triển du lịch. Điều làm tôi cảm thấy rất tâm đắc đó là chia sẻ của anh Hảng A Xà rằng, ở đây bà con làm du lịch bằng “Trái tim”. Vì vậy cá nhân anh cũng như bản Sin Suối Hồ đã chinh phục được trái tim của du khách”.

Năm 2019, bản Sin Suối Hồ đã vinh dự được Hiệp hội Du lịch Việt Nam tặng Bằng khen “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019” vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng, tổ chức và phát triển du lịch cộng đồng. Điều quan trọng hơn cả đó chính là cách làm du lịch bằng cả trái tim và đã chạm đến trái tim du khách sẽ là nền tảng vững chắc đưa du lịch Sin Suối Hồ vang xa đến với bạn bè năm châu trong những năm tiếp theo.

Nhật Minh


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.