Lai Châu là tỉnh miền Tây Bắc được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu trong lành, có suối mát, mây luồng, rừng nguyên sinh, nhiều sản vật, ẩm thực phong phú và văn hóa, kiến trúc bản địa khá vẹn nguyên. Những năm gần đây, nhiều bà con ở các bản làng Lai Châu đã biết tận dụng lợi thế địa phương, kết hợp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch cộng đồng (Homstay). Giờ đây khắp các con đường chính về các xã của Lai Châu đã rải nhựa trăm phần trăm, đường nhánh thôn bản cũng hoàn toàn cứng hóa bê tông; nhiều bản làng đẹp thơ mộng là điểm dừng chân thu hút khách du lịch – bức tranh về đời sống người dân vùng cao Lai Châu đang ngày càng khởi sắc…
Nghề trồng địa lan của người dân Sin Suối Hồ tạo nguồn thu nhập, làm đẹp cho bản làng.
Với vị trí địa tự nhiên đắc địa, hệ thống giao thông ngày càng thuận, như QL32, QL12, Lai Châu nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Lai Châu có hệ thống sông suối dày đặc, gồm nhiều hồ lớn, xây dựng nhiều công trình thủy điện như: Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát… và nhiều cảnh đẹp thơ mộng như: động Tiên Sơn, thác Tác Tình (Tam Đường), động Pu Sam Cáp, động gia Khâu (Thành phố Lai Châu), núi đá Ô, hang Tả Phìn (Sìn Hồ), nhiều địa danh gắn liền với di tích lịch sử như quê hương cách mạng: Bản Lướt (Mường Kim), miếu Nàng Han (Mường So), Bia Lê Lợi, dinh thự Đèo Văn Long (Nậm Nhùn)…
Kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu đã minh chứng bức tranh toàn diện NTM trên địa bàn tỉnh. Diện mạo của một tỉnh nghèo Lai Châu xưa đã hoàn toàn thay đổi. Ông Lò Văn Sơi – xã Mường Cang (Than Uyên) chia sẻ: “Mới ngày đầu khi chủ trương về với bà con góp công hiến đất làm đường, nhiều người không nghe, cho rằng phải có công có tiền đền bù, sau nhiều cuộc họp được cán bộ xã, huyện giảng giải, nhất là nhiều đồng chí đảng viên trong xã đi đầu trong việc thực hiện, bà con đã thông và hiểu rõ lợi ích của chương trình mang lại”. Còn với Bí thư Đảng ủy xã Mường Cang Lìm Văn Khơi thì khẳng định: Cái được lớn nhất đối với mỗi người dân khi tham gia xây dựng NTM là chuyển biến về nhận thức, bà con đã đã chủ động tham gia hiến đất góp công với tinh thần nhiệt huyết tự nguyện trở thành một phong trào thi đua gương mẫu. Cùng với công tác xây dựng các tiêu chí về cơ sở, môi trường văn hóa thì tiêu chí thu nhập luôn là bài toán được cấp chính quyền đặt lên hàng đầu. Và nhiều chương trình, các mô hình kinh tế được triển khai tới người dân như mô hình chăn nuôi vịt, trồng chè ở Tân uyên, mô hình cá lồng ở hồ thủy điện Bản Chát, Huội Quảng của bà con Than Uyên. Các loại giống mới có năng suất và có giá trị dinh dưỡng cao được đưa vào canh tác. Nhiều con em thôn bản đã tham gia các lớp nghề như cơ khí, điện tử điện lạnh, nông lâm ngư nghiệp…
Các thiếu nữ Mông ở Sin Suối Hồ mời nước du khách tham quan.
Những năm trở lại đây, thay vì chọn những tour du lịch dài ngày, nhiều du khách đưa gia đình đi nghỉ dưỡng Homstay ở các bản làng vùng cao. Đến hẹn lại lên, vào thứ bảy Sin Suối Hồ lại nhộn nhịp với cảnh chợ phiên. Du khách đến đây ngoài dịch vụ nghỉ dưỡng cộng đồng, họ khá thích thú khi chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công do chính tay người dân làm ra như váy, áo mũ thổ cẩm và nhiều sản vật bày bản ở chợ phiên. Vàng A Chỉnh – trưởng bản Sin Suối Hồ, đồng thời cũng là chủ chuỗi dịch vụ Homstay cho biết: “ngoài khí hậu trong lành, thì các du khách quan tâm là khám phá văn hóa bản địa. Từ lâu, bà con Sin Suối Hồ vẫn giữ được nhiều nghề truyền thống, như nghề làm thổ cẩm với kỹ thuật in thêu hoa văn bằng sáp ong độc đáo, nghề rèn thủ công, nhà trình tường truyền thống, các món ăn đậm bản sắc dân tộc Mông và đặc biệt là dân ca dân vũ…”
Nghề in sáp ong truyền thống của bà con Sin Suối Hồ (Phong Thổ) được bảo tồn và phát triển.
Nếu là du khách ở xa lần đầu đến Sin Suối Hồ ai cũng rành tên cô gái người Mông Hạng Thị Sú. Là chủ nhân của chuỗi Xuv Homstay, birdhouse bungalows (nhà tổ chim), hiện Sú cũng là hướng dẫn viên free (miễn phí) của bản. Thạo Anh ngữ am hiểu lịch sử địa phương, nên Sú được bản giao nhiệm vụ dẫn đoàn khi có khách ở xa về. Qua câu chuyện biết em đã có 2 năm làm du lịch ở Sa Pa. Năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản văn hóa du lịch cộng đồng, Hạng Thị Sú quyết định về xã cùng bà con làm dịch vụ Homstay. Cùng với những kinh nghiệm tích lũy làm du lịch, Sú tích cực quảng bá địa danh Sin Suối Hồ tới bạn bè bốn phương. Và giờ gia đình em là một trong những hộ tiên phong của bản làm mô hình Homstay đầu tiên ở Sin Suối Hồ, cùng với việc lan tỏa thu hút khách du lịch, đặt tour, Sú lập fanpage sinsuoihovillage hiện trang sinsuoihovillage có gần 3000 lượt người theo dõi. Sú chia sẻ: “Làm du lịch không khó, cái khó bà con mình biết giữ gìn bảo tồn văn hóa làm sao không đánh mất bản sắc như vậy du lịch mới thực sự bền vững, mình làm tốt, tự khách khách sẽ tìm đến”.
Mỗi khi có dịp nhắc lại câu chuyện xây NTM gắn với phát triển với du lịch cộng đồng ở xã vùng cao như Sin Suối Hồ, Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ Chẻo Quẩy Hòa như phần nào trú được những âu lo. Nghe các con số anh chia sẻ mới thấy được tinh thần đoàn kết một lòng của bà con nơi đây trong công cuộc xây dựng NTM: Hơn 6ha đất xây dựng các công trình giao thông thủy lợi, lớp học, chợ bản, góp sức 6.675 ngày công lao động. Điển hình như bà con bản Sin Suối Hồ hiến hơn 2.400m2 đất làm đường, bãi đỗ xe vào chợ, bản Sân Bay hiến hơn 2.500m2 đất, bản Chang Phàng hơn 2.300m2 đất, bản Dền Sung hơn 60 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của các chiến sĩ đồn biên phòng Sin Suối Hồ trên 1.400 ngày công lao động… và nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 800 triệu đồng đề xây dựng các hạng mục. Năm 2018, xã vinh dự được đón nhận Bằng di tích danh lam thắng cảnh của UBND tỉnh cho địa danh thác Trái tim. Cũng tại Hội thảo về phát triển Du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM vào cuối năm 2018 tổ chức tại Lai Châu, Sin Suối Hồ là địa danh được đánh giá điển hình về phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM. Hàng năm Sin Suối Hồ thu hút hàng trăm lượt khách trong nước và quốc tế. Không chỉ có Sin Suối Hồ mà nhiều địa phương khác khá thành công với mô hình du lịch cộng đồng như: bản Gia Khâu (Thành phố Lai Châu), bản Vàng Pheo (Phong Thổ), bản Hon, bản Giang, bản Lao Chải, Sì Thau Chải (Tam Đường)… những địa điểm trên sẽ là sự lựa chọn phong phú khi du khách tìm đến Lai Châu.
Đến nay, toàn tỉnh có 34 xã đạt chuẩn NTM, trên 85% người dân thôn bản được sử dụng nước hợp vệ sinh. Lai Châu được Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương chọn là đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 14,6%/năm; trong đó khách quốc tế đạt 13,4%/năm. Số cơ sở lưu trú đến tháng là 111 cơ sở (vượt 0,9% so với chỉ tiêu Đề án với 2.028/2.200 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch gồm: 01 khách sạn 5 sao, 02 khách sạn 3 sao, 22 khách sạn từ 1 – 2 sao và 87 nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê/nhà Homestay). Tổng sản phẩm (GRDP) Lai Châu đạt 7,51%; cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,68%, tăng 0,74%; công nghiệp – xây dựng chiếm 48,24%, giảm 0,03%; dịch vụ và thuế nhập khẩu chiếm 35,08%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng/người/năm… Có thể những số liệu báo cáo trên đây còn khá mờ nhạt so với bình diện chung. Song cũng là khởi sắc về chương trình xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng của một tỉnh nghèo như Lai Châu.
“Hội nghị Xúc tiến Đầu tư quảng bá du lịch và Tuần văn hóa du lịch Lai Châu năm 2016” lần đầu tiên tổ chức ở Lai Châu, đây là chuỗi sự kiện rất quan trọng với sự tham vấn, đồng tổ chức của ngân hàng BIDV đã phần nào đánh giá khả năng, năng lực của một tỉnh lẻ như Lai Châu. Qua sự kiện các thành viên Chính phủ đánh giá và kỳ vọng về sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy của chính quyền địa phương sẽ đưa đưa Lai Châu trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, quyết tâm đưa đời sống kinh tế xã hội của tỉnh vượt qua những khó khăn thách thức vươn tới sự đổi mới phát triển. Và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những cú híc như thế.
Hà Minh Hưng