Lai Châu: phên dậu biên cương

Lai Châu là tỉnh Tây Bắc thuộc biên cương của Tổ quốc với 20 hai mươi dân tộc cùng chung sống: Thái, Giáy, Lào, Lự, Mảng, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La… Mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng về văn hóa, bản sắc của cả cộng đồng. Nét văn hóa độc đáo của từng dân tộc thể hiện rõ qua trang phục truyền thống, kiến trúc nhà ở, văn hóa ẩm thực, lễ hội tâm linh, cho đến tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt chợ phiên, múa xòe, hát then, hát giao duyên, khèn sáo, ném còn,…

Đến với Lai Châu là đến với núi non hùng vĩ, với mây trắng bồng bềnh, du khách thỏa sức khám phá những địa danh nổi tiếng, khác biệt như: đèo Ô Quý Hồ, cao nguyên Sìn Hồ, đồi chè Tân Uyên, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Pu Si Lung, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Tè, đỉnh Pu Ta Leng, cánh đồng Mường Than, quần thể hang, động Pu Sam Cáp,… Du khách hãy chầm chậm lại để thưởng thức ẩm thực đặc sản vùng cao với thịt lợn cắp nách, cá bống vùi tro, cá nướng “pa pỉnh tộp”, rêu đá nướng, gạo Séng Cù (Than Uyên), gạo tẻ râu, xôi tím cùng thắng cố,… từ các đầu bếp tài hoa dày công chế biến.

Nét văn hóa đặc sắc phi vật thể của Lai Châu có tự bao giờ? Khi màn đêm buông xuống, sương rơi se lạnh cũng là lúc điệu khèn e ấp, tiếng sáo Mông trầm bổng ngân lên. Du khách hòa vào dòng người với điệu múa xòe lung linh, bập bùng quanh lửa trại,… Phố núi buổi đêm có vẻ đẹp huyền ảo dưới ánh điện lung linh thành phố trẻ Lai Châu.

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng Dào San tuần tra biên giới nắm cơ sở. Ảnh: Minh Hưng

Các dân tộc ở Lai Châu tự ngàn đời thủy chung, son sắt với miền đất quê hương. Dù cho thời gian, năm tháng qua đi cùng với thiên nhiên vô thường, chiến tranh, giặc giã,… mà con người vẫn như cây tùng, cây bách, ngã xuống rồi lại đứng lên cùng đoàn kết đấu tranh, giành lại cuộc sống của mình. Thương yêu lắm mảnh đất máu thịt mà kiên cường đã nuôi bà con. Họ dung dị, hiền hòa cùng nắm tay nhau để giữ gìn lấy nó. Cho tới khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân các dân tộc nơi đây có một điểm tựa vững vàng, giúp họ làm nên tất cả. Cùng đoàn kết đi theo Đảng, Bác Hồ để chiến thắng giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, mang lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Mảnh đất kiên cường, địa đầu của Tổ quốc khiến mỗi người dân thêm tự hào về cộng đồng bản địa. Trong đa dạng về văn hóa của các dân tộc anh em, sự khác biệt của mỗi tộc người, nhưng điểm chung sống động là họ đoàn kết, yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Giúp đỡ nhau để chống giặc ngoại xâm, bám đất, bám bản làng chung tay giữ gìn cái nôi về văn hóa mà chính họ đã sản sinh ra nó. Nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của các dân tộc Lai Châu.

Bà con các dân tộc Lai Châu, trên mỗi khuôn mặt chất phác, hiền hòa, mặn mòi, vất vả vẫn toát lên sự bình thản, an nhiên, tự tại. Vẫn là những người ông, cha, bà, mẹ dân tộc Dao, Mông, Thái, Giáy,… cứ đến mỗi chợ phiên họ lại dắt ngựa, đi bộ, đi xe máy với đủ các loại hàng từ trên rẻo cao về đây bán, mua, trao, đổi. Vẫn từng tốp em thơ hàng tuần mang sách đến các điểm trường với đủ loại áo quần sắc màu rực rỡ. Vẫn là bao chàng trai, cô gái lộng lẫy trong bộ trang phục truyền thống về với các lễ hội để giao duyên, hò hẹn và nên vợ thành chồng, đong đầy hạnh phúc.

Son sắt với núi rừng và làng bản, chúng ta không thể không kể đến biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã và đang cần mẫn cõng con chữ lên núi cao, đến các điểm trường để gieo vào những mầm non tương lai của đất nước. Họ phải trèo đèo, lội suối, qua bao cung đường hiểm trở, đến tận bản làng xa xôi để vận động con em đến trường. Họ còn dành một phần lương của mình để mua sách vở, áo quần, thực phẩm, thuốc men góp thêm vào nuôi những đứa con nghèo khó, mong cho các con được tiếp tục ăn học bằng chúng bạn của mình. Bởi chính họ là người giáo viên của nhân dân, mà việc làm bình dị trên đây đã chạm đến trái tim của đồng bào dân tộc.

Còn nữa là các anh công an, bộ đội biên phòng ngày đêm luôn sát cánh với nhân dân, với bản. Chắc tay súng, vững niềm tin, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, buôn bán người, vượt biên trái phép,… giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Các anh đã dành một phần tiền lương của mình, của cơ quan, đơn vị để chung tay xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, nhận nuôi dạy con mồ côi không nơi nương tựa và chữa bệnh giúp dân. Một minh chứng sinh động mà cơn bão YAGI vừa qua gây ra, có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ không quản ngày đêm, hy sinh gian khổ chạy đua với thời gian, tìm kiếm nạn nhân mất tích đã quên mình vì nhân dân phục vụ. Đồng thời, còn nhiều làng, bản, nhiều gia đình bị đất đá sạt lở, vùi lấp, các anh đã có mặt kịp thời để cứu người, cứu bản. Đi dân nhớ, ở dân thương và được đồng bào trân trọng gọi là anh bộ đội cụ Hồ, anh Công an của nhân dân.

Chúng ta không thể không nói đến các anh cán bộ kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng, cán bộ ngân hàng, điện, nước,… Tất cả các anh, các chị đều khắc phục khó khăn, làm việc một cách cần mẫn, miệt mài với tinh thần, trách nhiệm cao nhất về chuyên ngành của mình để cho những cánh rừng nguyên sinh mãi mãi trường tồn. Cho dòng tiền của chính phủ đến với dân bản, nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa, thêm ngô. Cho lưới điện Quốc gia đem ánh sáng tới bản làng xa xôi nhất. Xây dựng hệ thống bưu điện, cột phát sóng wifi trên suốt dải biên cương. Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng từng bước xóa dần khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc Lai Châu đang đổi mới từng ngày, bộ mặt bản, làng từng bước đổi mới. Có được cuộc sống hôm nay, nhân dân Lai Châu và đồng bào Tây Bắc phải ghi lòng tạc dạ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của Đảng ta. Có Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo toàn dân đánh thắng giặc Pháp, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đời sống của đồng bào miền núi đã và đang phát triển không ngừng, kinh tế văn hóa, xã hội đang từng bước “thay da đổi thịt”. Nhưng chúng ta vẫn nhận thấy nơi biên cương còn nhiều khó khăn vất vả. Còn nhiều xã đặc biệt khó khăn, có nơi vẫn còn thiếu điện, đường vào bản, còn lầy lội chưa được bê tông hóa, điểm trường, dịch vụ y tế chưa đủ, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn cao,… Cần có thêm những đổi mới, phát triển, chung tay chia sẻ với nhân dân các dân tộc vùng cao bằng nhiều hình thức sinh động hơn nữa. Để phên dậu biên cương phát triển bền vững, đẹp giàu xứng tầm với quê hương cách mạng. Để nơi đây là “lá chắn thép”, giữ cho dân tộc này ngàn năm vững bền, giữ cho đất nước này được trường tồn và phát triển.

XUÂN NHUẬN

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.