Lai Châu – khát vọng phát triển

Trên khắp các ngả đường, lối phố của tỉnh Lai Châu những ngày Xuân Giáp Thìn 2024 đã trang hoàng rực rỡ cờ hoa. Từ các xã, bản, trong mỗi câu chuyện của người dân trong dịp Tết này đều nhắc đến một sự kiện quan trọng của tỉnh: đó là ngày chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (01/01/2004-01/01/2024). 20 năm là chặng đường đủ để một tỉnh miền núi mới chia tách với bộn bề khó khăn và vất vả đã vươn mình đổi khác. Hành trình xây dựng đổi mới, khang trang như hôm nay có rất nhiều dấu ấn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc. Chặng đường 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu không chỉ là những đổi thay to lớn gắn với lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng 115 năm (tỉnh Lai Châu cũ) mà còn là sự nối tiếp và phát triển cao hơn so với tiến trình mấy nghìn năm xây dựng và phát triển của lịch sử miền đất Lai Châu.

 

Lai Châu trong lịch sử của đất nước và dân tộc

Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng đất đai, sông núi rộng mênh mông, là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm. Các di chỉ khảo cổ và những công cụ bằng đồng của nền văn hóa Đông Sơn còn sót lại ở nơi đây cho thấy rõ điều đó. Thời phong kiến, kinh tế của Lai Châu hoàn toàn là nông nghiệp. Đời sống của nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên, kinh tế còn mang nặng tính tự cấp, tự túc. Do vậy, cuộc sống của đồng bào không ổn định, thiếu đói thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, đồng bào phải chịu áp bức bóc lột của chế độ phong kiến, người dân phải đi lính, đi ở, cống nạp theo luật tục nên nền kinh tế trì trệ, kém phát triển.

Thời thuộc Pháp, người dân chịu sưu cao thuế nặng lại phải đi lính, đi phu. Các hình thức bóc lột khiến cho đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, cực khổ. Giáo dục, y tế, khoa học không được quan tâm. Nhưng từ thời kỳ đó, kho tàng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh đã phát triển, độc đáo, phong phú và đa dạng. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị của địa phương được lưu truyền như: Sống chụ son sao (truyện thơ dân tộc Thái); truyện kể dân gian của người La Hủ về Chàng Lú Nàng Ủa… Các điệu múa xòe, múa nón, múa sạp rộn ràng, duyên dáng của người Thái cùng các điệu múa ô, múa khèn của người Mông… góp phần làm cho kho tàng nghệ thuật của đồng bào các dân tộc Tây Bắc thêm phong phú, đa dạng. Những bàn tay khéo léo của các cô gái dân tộc thiểu số tạo nên những trang phục đẹp như váy, áo, khăn piêu… làm phong phú nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Lai Châu.

Trong suốt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc Lai Châu đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của kẻ thù. Các cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất anh dũng, kiên cường nhưng cuối cùng đều thất bại. Phải chờ đến khi có Đảng lãnh đạo, nhất là sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc trong tỉnh một lòng một dạ tin theo Đảng, cùng quân dân cả nước chiến đấu bảo vệ quê hương. Tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công trên phạm vi cả nước, nhưng ở Lai Châu duy nhất chỉ có châu Quỳnh Nhai (lúc đó thuộc Lai Châu) do có sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn của cán bộ Việt Minh nên nhân dân địa phương đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền. Tháng 11/1945 thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Lai Châu. Trước tình hình đó, tháng 3/1948, Liên khu ủy 10 đã cử “Đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay), đánh dấu bước tiến quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc Lai Châu. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Lai Châu đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Bác Hồ và nhờ có sự lãnh đạo đó phong trào cách mạng ở Lai Châu phát triển không ngừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh đã Lãnh đạo nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Lai Châu (1949 – 1954). Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, quê hương Lai Châu sạch bóng quân thù, đồng bào các dân tộc trong tỉnh được sống trọn vẹn trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Song song với việc tiễu phỉ, Ban cán sự Đảng Lai Châu chú trọng đến việc lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói giáp hạt, lãnh đạo sự nghiệp khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 – 1965). Giai đoạn 1965 -1975, lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, xây dựng vừa chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện nghĩa vụ Quốc tế. Từ năm 1976 – 1985, đất nước thống nhất, Lai Châu cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Giai đoạn 1986 – 2003, tỉnh Lai Châu cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu tháng 11/2023. Ảnh: Nguyễn Chanh

Lai Châu – dấu ấn đổi mới sau 20 năm chia tách

Nhằm tạo điều kiện cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng phát huy được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế – xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XI đã ra Nghị quyết về việc chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập tỉnh Lai Châu mới. Bộ Chính trị ra quyết định số 878-QĐ/TW, ngày 25/12/2003 về việc thành lập Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Lai Châu mới gồm 33 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí. Ngày 10/01/2004, tỉnh tổ chức lễ ra mắt Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân lâm thời. Ngay sau khi thành lập, tỉnh nhận được sự quan tâm sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương… là nguồn cổ vũ, động viên đối với Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng đã tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn tỉnh.

Lai Châu chia tách, thành lập mới trong điều kiện còn vô vàn khó khăn và thách thức. Tỉnh Lai Châu nằm trong số những tỉnh nghèo nhất cả nước; kinh tế – xã hội kém phát triển, 60% dân số là hộ nghèo, đội ngũ cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo các cấp, các ngành, Nhân dân các dân tộc phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển khá. Tỉnh tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch thị xã, tỉnh, lỵ, nâng cấp công sở, xây nhà công vụ, khu chung cư cho cán bộ công chức. Tỉnh đã sớm có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục – đào tạo; ra chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác quân sự – quốc phòng – an ninh… Quan hệ giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tiếp tục được mở rộng. Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra từ ngày 21 – 23/10/2020 tại Trung tâm Hội nghị – Văn hóa tỉnh được tổ chức trên tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh. Phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương, thiết thực, hiệu quả; phát huy trí tuệ cao nhất của hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với mục tiêu tổng quát là: “…Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, Lai Châu đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9,0%; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 48,3 triệu đồng, tăng 3,9 triệu đồng so với năm 2021. Duy trì 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 với tổng số 52 sản phẩm (đợt 1: 18 sản phẩm; đợt 2: 34 sản phẩm), lũy kế toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP. Sản xuất công nghiệp có mức tăng khá, giá trị đạt 7.023,3 tỷ đồng. Đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được Hội đồng thẩm định Quy hoạch trung ương tổ chức thẩm định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 6.769,3 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm 2021. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm, 98,6% thôn, bản có đường xe máy hoặc ô tô đi lại thuận lợi; 96,2% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 88,5% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98,7% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 99,7% trường học, 94,2% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố.

Văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển khá, dân trí được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2 trở lên và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 1 trở lên. Công tác khám chữa bệnh được chú trọng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế như khám, tư vấn, hội chẩn, điều trị từ xa; đạt 12,3 bác sỹ/10.000 dân. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao; thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Năm 2022, giải quyết việc làm cho 8.863 lao động, tương đương năm 2021; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 3,7%. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại theo Đề án mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Làm tốt công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng; 100% thôn bản, tổ dân phố, trường học, trạm y tế có chi bộ độc lập. Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tiếp tục có sự đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được xây dựng vững mạnh. Với sự nỗ lực, quyết tâm trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Trải qua 115 năm xây dựng và phát triển, 75 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu, với những đổi thay to lớn gắn với lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam, hơn một thế kỷ đã đạt được nhiều dấu ấn phát triển, nhiều thành tựu đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Lai Châu với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống đó, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lai Châu quyết tâm tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết, tin tưởng, phấn đấu xây dựng Lai Châu: chính trị ổn định, kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

HẢI YẾN 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.