“Ký ức của bà Tư” à một trong số những truyện ngắn của tác giả Thanh Hiền được tạp chí Văn nghệ Lai Châu lựa chọn đăng trên số tháng 11. Trân trong mời quý độc giả cùng thưởng thức.
Mưa. Trời vẫn rả rích mưa. Từ tháng năm đến giờ, mảnh đất này nắng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn mưa thì triền miên cả ngày lẫn đêm. Có những đợt mưa to, kéo dài đến hai tuần, tạnh ráo được vài ngày mưa lại ráo riết đổ xuống. Tháng chín rồi mà mưa còn xối xả khắp mặt đường. Mấy luống rau nhà bà Tư mọi năm tươi tốt bời bời; nay ngập trong nước, thối, rũ hết. Con trai bà làm thợ xây, mấy tháng nay cũng phải nghỉ vì mưa quá nhiều. Hai mẹ con bà dù chưa phải là hộ nghèo nhất bản nhưng cũng sắp vào danh sách này. Sáng là tên bà đặt cho con trai khi chào đời, bà mong con tương lai luôn “sáng” chứ không mịt mùng như cuộc đời bà.
Ngày ấy, Tư sinh ra ở bản Noong Hẻo trong gia đình đông con, tên Tư cũng từ thứ tự chị em trong nhà mà ra. Sau Tư còn em Năm, em Sáu và em Bảy. Biết đông con là vất vả, vậy mà bố vẫn bắt mẹ sinh bằng được con trai. Tư tưởng có con nối dõi cứ thế đè nặng, khiến cái nghèo, cái đói bủa vây. Cuộc đời Tư cũng tăm tối theo “chữ nghèo” đó. Mẹ mất sớm vì lao lực, khi ấy Tư vừa qua tuổi mười lăm. Bố bắt cô cùng mấy đứa em nghỉ học, đi làm thuê, đủ tuổi thì lấy chồng. Còn ông chìm đắm trong men rượu, ngày nào cũng cầm chai rượu, giọng lè nhè khắp bản trên, bản dưới. Hai người chị đã đi lấy chồng của Tư về nhà khuyên nhủ, còn bị ông chửi rủa:
– Chúng mày là lũ vịt giời, lấy chồng rồi thì hầu hạ gia đình chồng, không cần về làm gì. Tao chỉ cần con trai thôi…
Những lúc như vậy, mấy chị em Tư lại ôm nhau khóc. Cuộc đời cô khổ từ tấm bé đến tận bây giờ. Mười lăm tuổi nghỉ học, phải đi làm đủ các nghề: lúc thì phụ quán ăn, khi thì cấy, gặt thuê, phụ hồ, rồi có khi đi làm gán nợ cho người chủ đã cho bố cô vay tiền uống rượu, cờ bạc. Mười bảy tuổi, Tư lúc ấy đẹp như hoa, chân lấm tay bùn, làm việc vất vả nhưng vẫn khiến bao trái tim trai bản rung động. Thế nhưng, dấu nặng của cuộc đời cô đã đến. Bắt nguồn từ ngày phải đi làm gán nợ cho ông chủ giàu sang ấy.
Căn biệt thự toàn gỗ của ông chủ khiến Tư hoa mắt khi lần đầu đặt chân đến. Tiếng một người đàn ông có dáng người thấp vọng ra:
– Con ông Sình (bố Tư) ở bản Noong Hẻo đây à, trông cũng đẹp đấy.
Ông ta vừa nói vừa cười rung cả ria mép ngắn cũn cỡn, Tư run bần bật, lý nhí thưa:
– Con đến làm thuê, trả nợ cho bố con ạ!
– Làm thuê gì, chỉ cần phục vụ ta chu đáo, ta trừ hết nợ cho bố cô thôi! Nào vào đây, bóp vai cho ta.
Ông ta lại cười, mà giọng cười càng thêm ghê rợn, rùng mình.
Chân tay Tư rủn lại, toan bỏ chạy thì phía sau có người phụ nữ độ tuổi trung niên, ăn mặc sang trọng bước vào, cất tiếng sang sảng:
– Ông định thuê đứa bằng tuổi con ông để đàn đúm hử? Con bé kia ra sân chờ tao.
Ông chủ có vẻ hơi sợ sệt, từ từ bước ra vỗ về:
– Nó về làm việc cho mình để trả nợ cho bố nó. Bà xem có việc gì làm thì sai bảo nhé!
Bà vợ trừng mắt, nguýt dài rồi đi thẳng ra sân, nhìn vào cô bé mười bảy tuổi đang co rúm, sợ sệt và nói:
– Mày đi theo tao.
Bà vợ dẫn cô đến một nơi cách xa căn biệt thự một quãng đường dài. Trên con đường ấy, Tư chỉ thấy dốc cao, đường vòng vèo, khó đi hơn cả con đường đất ở bản. Nỗi sợ trong lòng cô mỗi lúc càng lớn hơn khi nghe bà vợ gọi điện với một người khác:
– Tao chuẩn bị đưa người mới đến, sắp xếp chỗ cho nó.
Đi mãi cũng tới nơi. Một căn nhà tạm bợ dựng trên một bãi đất trống, xung quanh chỉ thấy núi, rừng, cây cỏ mọc um tùm. Tiếng của chục người đàn ông, quần áo xộc xệch, mồ hôi nhễ nhại, tay chân lấm đầy đất từ đâu đi về. Tư cứ thế bị bà vợ của ông chủ bàn giao cho người cầm đầu đội quân ở đấy, rồi lên xe đi về. Mặt cô tái lại, lấm lét nhìn người cầm đầu mặt mũi dữ tợn, tay đầy hình xăm trổ.
– Còn trẻ quá, không biết có làm được việc gì không. Tạm thời, tao bố trí để mày lo cơm nước cho anh em.
Nghe đến đây, Tư nhẹ người. Hơn một tháng làm quen với môi trường rừng thiêng, nước độc, Tư dần thích nghi. Mặc dù sống bên cạnh toàn đàn ông, nhưng họ cũng đi làm thuê, đi trả nợ nên không ai bắt nạt, dọa dẫm, Tư cũng đỡ lo đôi chút. Lân la mãi, cuối cùng cô cũng biết, công việc những người đàn ông đang làm hằng ngày là khai thác vàng trái phép. Tư như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ một ngày nào đó, công an đến, cô cũng vạ lây mà bị bắt đi.
Một năm làm việc chẳng khác gì những ngày mây đen, giông tố. Ngày nào, trong nhóm người đi đào vàng trở về cũng có người bị đánh. Trong số đó, Lử có lẽ bị đánh nhiều nhất. Người Lử gầy nhom, trận đánh này chưa khỏi, vết đau của trận đánh khác lại xuất hiện. Tư thường hay trò chuyện, động viên, tìm lá cây thuốc nam trong khu rừng gần đó về giã đắp, bôi, Lử cảm kích lắm. Tư biết Lử nghe lời bạn chỉ đường lên đây làm ăn, ai ngờ bị lừa đưa đến bãi vàng này. Lử ở đây được hai năm rồi, bị đánh nhiều nên người rất gầy yếu. Tư và Lử muốn trốn khỏi nơi này. Vậy là hai người táo bạo nghĩ cách trốn chạy.
Đêm cả hai liều lĩnh bỏ chạy, trăng sáng vằng vặc, dường như soi tỏ lối đi cho Tư và Lử. Cả hai cứ thế bỏ chạy, chạy vấp ngã cũng phải đứng lên chạy tiếp, máu tóe ở bàn chân cũng cố gắng chạy thật xa. Khu rừng im ắng, chỉ nghe tiếng thở rộc, gấp gáp của hai người. Gần sáng, họ đã thoát khỏi cánh rừng, Lử không còn sức để chạy, ngất lịm đi. Tư dùng chút sức lực còn lại kéo lê Lử đi, rồi cũng nằm bất động lúc nào không hay. Đến khi mở mắt dậy, Tư đã thấy mình đang nằm trong trạm xá. Người đưa cô và Lử đến đây là đôi vợ chồng tuổi trung niên.
– Cô gái đã tỉnh rồi à, thật may mắn quá.
Người phụ nữ trung niên đứng sau lưng người y tá vui mừng nói.
Trạm xá nơi Tư và Lử được cấp cứu thuộc xã Pu Sam Cáp. Tư bật khóc như đứa trẻ lên năm tuổi. Sau khi khỏe hẳn, Tư và Lử liên hệ với Công an xã Pu Sam Cáp, nhờ họ liên hệ với Công an huyện điều tra việc khai thác trái phép vàng của ông bà chủ kia. Tư và Lử quyết định lập nghiệp và sinh sống ở đây. Cái ngày được công an xã Pu Sam Cáp thông báo: Vợ chồng ông bà chủ kia đã bị công an bắt giữ, hai người mới thở phào nhẹ nhõm. Họ cũng nên duyên vợ chồng sau đó ít lâu. Nhưng trớ trêu thay, cuộc đời cô lần nữa vấp phải cảnh khó khăn khi con trai vừa chào đời thì chồng bệnh nặng qua đời. Mình cô lại gồng lên nuôi con trai khôn lớn đến bây giờ.
***
Mưa vẫn chưa dứt, tiếng mưa cứ não nề rơi tí tách trong lòng bà Tư. Cái nghèo còn đeo bám, công ăn việc làm của con trai bà vẫn chưa ổn định. Bà Tư đau đáu nỗi lo này hằng đêm đến già nua. Sáng nay, Sáng đã dậy sớm đi đâu không rõ. Bà Tư định gọi điện hỏi thì Sáng đã trở về. Cởi chiếc áo mưa ướt nhẹp, Sáng tươi cười nói với mẹ:
– Con vừa lên xã về, được anh bí thư đoàn xã động viên vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế. Con thấy cũng thiết thực.
Bầu trời đã bắt đầu quang mây đen, những tia nắng yếu ớt chiếu sau lũy tre già phía sau ngôi nhà lụp xụp của mẹ con bà Tư. Hôm nay, Sáng lại lên xã. Các thủ tục vay vốn được anh chuẩn bị kỹ càng. Bà Tư đang lúi húi xới lại mấy luống đất, ngẩng đầu thở dài nói với con trai:
– Liệu rằng nhà mình có vay được không con? Thủ tục có phức tạp không nhỉ rồi vay có làm được không?
– Mẹ đừng lo lắng quá, nhất định mẹ con mình sẽ làm được, mẹ cứ tin ở con, Sáng nói với bà Từ bằng cái giọng đanh thép, chắc nịch.
Sáng ngồi lên chiếc xe máy cũ đi trên con đường bản mới đổ bê-tông chắc chắn, lòng thấy lâng lâng. Hai bên đường, lúa, ngô xanh tốt, trên bãi đất trống của bản, đàn trâu, bò đang tha thẩn gặm cỏ. Vừa đi Sáng vừa nghĩ, nếu được vay vốn, Sáng sẽ đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Sáng đi làm thợ xây ở các bản bên, thấy nhiều gia đình nuôi gia súc theo hướng sinh sản và giàu lên trông thấy. Mấy lần nghỉ ngơi giữa buổi, Sáng lân la học được chút ít kinh nghiệm. Sáng tự mỉm cười…
Trên xã, có đến chục người đang ngồi chờ làm thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách. Bác Sùng trạc tuổi như mẹ Sáng cũng đang ngồi chờ đến lượt làm thủ tục vay vốn đầu tư vào cây chanh leo. A Lềnh vừa xuất ngũ, tay cầm đống giấy tờ đi vào trụ sở xã. Chị Hoa cách nhà Sáng vài trăm mét vừa làm xong thủ tục vay vốn nở nụ cười tươi rói, hỏi han:
– Sáng cũng vay vốn ngân hàng à, chị làm xong rồi, được vay năm mươi triệu đồng, vui quá em ạ.
– Chị định đầu tư làm gì thế? – Sáng hỏi.
– Ruộng lúa nhà chị bạc màu, năng suất kém kém quá, chị dự định chuyển đổi sang trồng ớt. Mấy năm nay, sản phẩm chẳm chéo của tỉnh ta được thị trường nhiều tỉnh đón nhận, tiêu thụ mạnh. Nguồn nguyên liệu làm chẳm chéo cũng ít nên chị vay thêm vốn để chuyển sang trồng ớt và chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, có đầu tư hầm bioga nữa em ạ!
Chị Hoa nói rồi cầm chiếc nón ra về. Cuối cùng, Sáng cũng được vay năm mươi triệu đồng từ ngân hàng chính sách. Những ngày chờ tiền được giải ngân, bà Tư và Sáng tất bật làm chuồng trại, trồng thêm cỏ voi ở mảnh vườn ở bên chái nhà. Bận từ sáng đến tối mịt, nhưng hai mẹ con không thấy mệt, chỉ mong thật nhanh đến có tiền để mua trâu, bò về nuôi nhốt.
Gương mặt bà Tư vốn khắc khổ nay cũng sáng bừng lên khi thấy con trai dẫn hai con trâu, ba con bò về nhà. Nụ cười hiện rõ trên khóe miệng đã có những vết gấp, nhăn của tuổi già của bà Tư. Còn Sáng, đôi mắt của anh dường như cũng đang biết cười. Hơn một năm chăm sóc, ba con nghé, bê đã ra đời. Sáng không bán hết mà để hai con lại nhân giống. Cứ thế đàn trâu, đàn bò của nhà bà Tư đã có đến mười con. Mỗi năm bán nghé, bê con vừa trả được nợ, vừa tiết kiệm được tiền.
Căn nhà tường trình, nhiều vết nứt, rạn của vợ chồng Tư làm cách đây hai mươi năm cũng được đập đi xây lại. Dưới ánh nắng dịu dàng của những ngày thu sang, ngôi nhà cấp bốn do Sáng cùng một số anh em thợ xây quen biết làm trong mấy tháng qua đã xong. Ngồi trong ngôi nhà phảng phất mùi sơn mới, bà Tư vẫn không tin đây là sự thật. Trong ngày vui được ở trong ngôi nhà mới, bà Tư xúc động, mắt ngấn lệ khi nhìn thấy con trưởng thành, người thân của bà lặn lội từ Noong Hẻo đến thăm.
Trên bầu trời trong vắt của ngày thu, những cơn mưa và ký ức của bà Tư đã lắng xuống, bà thong thả dắt đàn trâu, đàn bò hơn hai mươi con ra bãi chăn thả, lòng bà thư thái hơn bao giờ hết. Nụ cười đã luôn hiện rõ trên khuôn mặt của bà Tư – đó là nụ cười của sự hạnh phúc.
THANH HIỀN