Dũng vừa đi làm về, mới đặt cặp đựng tài liệu và laptop xuống bàn uống nước đã nghe Hằng than thở bài ca muôn thuở hàng ngày:
– Anh ạ! Vợ chồng mình tính xem vay mượn, cạy cục ra miếng đất ngoài kia mà xây nhà cái nhà cấp bốn ở cũng được. Em chán ở tập thể lắm rồi. Gớm! Đã sống ở trong khu này rồi thì hoàn cảnh ai chả như ai mà cứ bày đặt dòm ngó xem hơn thua nhau cái gì.
Dũng im lặng như mọi khi với câu hỏi không có gì xa lạ của Hằng. Anh là đàn ông không mấy khi để ý những chuyện tầm phào, nhỏ to của cánh chị em trong xóm nên anh thây kệ vợ kêu ca, phàn nàn.
– Em không được tham gia bàn tán, xoi mói hay nói xấu bất cứ gia đình nào đấy! Ở đây đều là anh em đồng nghiệp của nhau cả. Đừng làm mất đoàn kết chỉ vì mấy chuyện vặt vãnh đó. Vả lại, sống ở chốn đông người thì mình đôi khi phải biết nhường nhịn và để ý trước sau. Nhà mình hai đứa con nheo nhóc, chạy đi, chạy lại đều phải nhờ các bác trong xóm trông giúp đấy thôi. Con người ai cũng có ưu điểm và hạn chế; phải biết nhìn vào điểm tốt của nhau để sống, em ạ!
Nói rồi Dũng thay đồ thể thao để chạy bộ mấy vòng sân trường rèn luyện sức khỏe. Hằng biết tính của chồng. Một người luôn nghĩ tốt về người khác, luôn chịu thiệt về bản thân mình, đúng chuẩn của một thầy giáo dạy lý luận Mác-Lê nin, bôn sê vích lắm. Nhưng hỡi ôi, cái thời buổi này, con gà tức nhau ở tiếng gáy. Hằng luôn nghĩ mình bị ghen ăn tức ở vì nhà Hằng có con cái đủ nế tẻ; vì Hằng ngoài việc nhà nước còn buôn may bán đắt, khách khứa, đơn hàng cứ nườm nượp; cô lại khéo quán xuyến cửa nhà nên kinh tế so ra cũng dư giả… Sát bên cạnh là nhà chú bảo vệ của cơ quan. Từ ngày vào trường đến giờ thấy chú sống một thân, một mình. Đến nay đã ngoài năm mươi tuổi nhưng cũng cứ lầm lụi đi về; đêm nào cũng ho hắng, khục khoạc rồi hút thuốc lào sòng sọc làm Hằng nhiều khi mất ngủ mà đâm bực mình. Đối diện phòng Hằng ở là nhà một đôi vợ chồng có chồng là đồng nghiệp của vợ chồng cô. Anh này vô cùng tốt tính nhưng rõ cầu toàn, cẩn thận, tỉ mẩn và quá ư sạch sẽ. Có lẽ là đặc tính của nghề nghiệp mang lại. Anh học đại học ngành triết và dạy chủ nghĩa xã hội khoa học. Tâm thế lúc nào cũng trầm tư, đăm chiêu, vuông thành sắc cạnh nhưng tốt tính, chân thành, luôn cởi mở giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên sự cứng nhắc, khuôn mẫu của anh khiến cho cô vợ trẻ kém chín tuổi không hài lòng mà trở nên thất vọng, chán chường. Nên sự sự va chạm mặc dù chỉ là lời qua tiếng lại nhưng Hằng phải chứng kiến, phải nghe rành rọt mỗi lần như thế.
Tập thể mà, sao tránh khỏi được, cứ đập vào mắt, cứ dội vào tai. Khu tập thể trẻ con đông lắm. Nhà nào cũng đủ hai đứa. Chúng có chỗ, có bạn để chơi nhưng nhiều khi trẻ con lại làm mất lòng người lớn. Đứa bé bị đứa lớn bắt nạt thì kiểu gì cũng mách bố mẹ nên việc phân xử giữa những đứa trẻ không cùng một nhà thật sự khó đối với người lớn. Thậm chí, có bố mẹ vì xót con mà cấm cản không cho chơi cùng những đứa trẻ khác trong xóm. Bố mẹ nào chấp nhặt có thể cũng đem lòng khó chịu nhưng âu đó chỉ là mấy chuyện nhỏ trong không gian sống tập thể, có thể bỏ qua dễ dàng, nhanh chóng; ai cũng hiểu, không nên để chuyện trẻ con ảnh hưởng đến tình cảm người lớn. Hễ những chuyện đó được Hằng đem kể cho chồng nghe thì y như rằng bị anh nhắc nhở ngay lập tức. Ừ thì thôi, mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, Hằng biết vậy nhưng không đưa chuyện nói xấu bất cứ ai vì cô quá bận rộn với mớ hàng họ trong kho bên cạnh, với việc chăm hai đứa con trứng gà, trứng vịt san sát đang tuổi ăn tuổi lớn. Mà xét toàn diện, ở tập thể này thực sự tiện đủ đường. Hai vợ chồng gần chỗ làm, gần trường học và gần chợ. Đất đai rộng rãi, cô còn nuôi được gà, trồng được vườn rau mùa nào thức đấy, không chỉ đủ nhu cầu của gia đình mà còn chia sẻ với mọi người trong xóm nữa. Các gian nhà tập thể mặc dù rêu phong, cũ kĩ nhưng được nhà trường quan tâm, cải tạo để đảm bảo không gian ở cần thiết cho các gia đình. Nên bao năm qua, trong thẳm sâu tâm trí mặc dù khát khao về một ngôi nhà riêng nhưng cô vẫn hài lòng trong sự chấp nhận việc sống trong khu tập thể này.
* * *
– Hằng à. Hôm nay, chị nghe bác bảo vệ nói, để xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 1 thì từ giờ đến cuối năm khu tập thể sẽ phá dỡ để xây khu kí túc xá khang trang cho sinh viên em ạ và cũng là công trình chào mừng 20 năm chia tách, thành lập tỉnh. Vậy là chúng ta sẽ không được ở đây nữa rồi. Chị em mình không còn được tụ tập, tám chuyện nghĩ cũng buồn đấy nhỉ?
Hằng vừa đi chợ về đã được chị Dung bên hàng xóm thông báo tin tức quan trọng. Không biết đây là tin vui hay buồn. Chẳng phải Hằng vẫn mong muốn sẽ được rời khỏi nơi đây đó thôi? Nhưng khi biết chuyện, Hằng vẫn không khỏi bất ngờ.
– Ôi vậy à chị? Em cũng chưa thấy anh Dũng nhà em nói gì cả. Nếu giờ chuyển ra ngoài thì đúng là nhà em không kịp trở tay.
Câu chuyện phá dỡ khu tập thể khiến ai cũng bất ngờ đan xen lo lắng. Khu tập thể được cải tạo, nâng cấp từ những căn nhà tạm kể từ khi trường mới được thành lập cùng với sự chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu. Ở khu tập thể nhà trường này, gia đình gắn bó thời gian ngắn nhất cũng từ năm năm đến mười lăm năm. Trong mỗi gian nhà nhỏ bé, ấm cúng kia đều đầy ắp những kỉ niệm gắn bó nên nhịp sống hối hả, gấp gáp tưởng chừng quá đỗi thân thuộc, bình thường thậm chí nhàm chán với khu tập thể nhàu nhĩ mỗi khi mùa mưa đến hay xám xịt mỗi khi đông về, giờ đây bỗng trở nên đáng giá, đáng trân trọng hơn bao giờ hết. Kí ức từ những ngày đầu dọn về khu tập thể cứ ùa về trong Hằng với đan xen đủ các cung bậc cảm xúc.
Thời gian trôi đi như một chớp mắt giữa thiên thu đời người, ngày đầu dọn đến tập thể ở cũng là ngày hai vợ chồng về chung một nhà. Khi ấy, cả khu chỉ đâu đó được năm, bẩy nhà. Nhà ai việc vui hay việc buồn đều có sự đồng cảm và sẻ chia của tất cả. Thằng cu Bin con nhà anh chị Thành Dung, ngày ấy mới được ba tuổi, đúng lúc anh Thành đi công tác thì sốt cao co giật đùng đùng. Nửa đêm hôm ấy, cả khu ai nấy đều hốt hoảng, lo lắng, nhanh chóng sơ cứu cho Bin rồi đưa đến viện kịp thời. Chỉ trong tích tắc vậy thôi, nếu không có sự hỗ trợ của mọi người thì có lẽ Bin sẽ bị di chứng của co giật suốt đời. Hay có lần do đãng trí, Hằng đun ấm nước mà cứ để bếp đó rồi hồn nhiên đi chợ. Ở nhà, thấy khói khét mù, các anh nam giới phải phá cửa để xử lý kịp thời không thì chắc chắn sẽ gây ra bùng cháy cả khu. Rồi nhà ai có của ngon vật lạ gì, có chuyện vui con cái đỗ đạt hay được nâng lương trước thời hạn cũng đều chia sẻ và quây quần… Tình cảm bền chặt, khăng khít của hàng xóm láng giềng theo năm tháng càng thể hiện rõ. Mặc dù, chị em đôi khi có những va chạm nhưng chỉ là mấy sự vặt vãnh đàn bà, chẳng ai để bụng ai. Mà bản thân Hằng, khi nghĩ lại còn thấy xấu hổ với chính những ý nghĩ và hành động ích kỷ của mình. Đúng như Dũng vẫn thường vẫn nói với cô: “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” hay “O chốn tập thể nhiều khi nhường nhịn nhau một chút, chịu thiệt một chút cốt giữ lấy tình cảm anh em hàng xóm, đồng nghiệp”. Càng nghĩ cô càng thấy tiếc nuối nếu như khu tập thể này bị phá dỡ đi.
Rồi thông tin chính thức cũng được thông báo trong buổi họp khu tập thể. Ai ai cũng buồn vì rời xa nơi mình đã gắn bó bao nhiêu năm. Những đôi vợ chồng trẻ, điều kiện khó khăn phải đối mặt với lo lắng vì chưa chuẩn bị được kinh tế để làm nhà riêng thì đầy những ưu tư, đại loại như: “sau đây đi thuê nhà thì em phải mất chi phí thêm ít nhất 1 triệu hàng tháng rồi” hay “vợ chồng em sẽ về ở với bố mẹ một thời gian rồi vay mượn xây nhà ra mảnh đất cấp vậy”… Những gia đình đi làm lâu năm đã tích cóp chút ít hoặc có mảnh đất sẽ xây nhà, âu đây cũng là cơ hội để chuyển đổi môi trường, hoàn cảnh, bởi cũng chẳng thể ở mãi tập thể như vậy được.
– Vậy là đúng mong muốn của em rồi nhé! Từ giờ không phải ở tập thể nữa rồi!
Dũng vừa nói vừa cười trêu Hằng khi thấy cô ngồi im lặng nhâm nhi chén trà hoa cúc, thả hồn về một nơi xa xăm vô định. Bỗng Hằng rưng rưng nước mắt.
– Em cũng từng muốn và rất muốn như thế nhưng em không ngờ giờ đây khi đối mặt với chuyện phải rời xa nơi này, em lại hụt hẫng đến như vậy. Đúng là “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, anh ạ!
Dũng nhẹ nhàng ôm vợ, an ủi cô và nói về tương lai ngôi nhà riêng anh đã lên kế hoạch thiết kế, về mảnh vườn anh sẽ làm cho cô nuôi gà, trồng rau rồi không gian rộng rãi, tiện nghi hơn cho cả hai vợ chồng. Nghe vậy Hằng cũng bình tâm trở lại bởi việc chuyển khỏi nơi đây trước sau cũng phải làm, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
* * *
Thời gian thấm thoắt trôi, vậy là đã hai năm sau ngày giải phóng mặt bằng khu tập thể, công trình khu kí túc xá dành cho sinh viên đã hoàn thành. Các hạng mục về cơ sở vật chất được hoàn thiện đã khoác cho ngôi trường một tấm áo hoàn toàn mới. Ngày tổ chức Lễ công nhận trường đạt chuẩn cùng với những hạng mục công trình đã hoàn thiện để chào mừng 20 năm ngày chia tách thành lập tỉnh. Đi dưới hàng cây long não – chứng nhân cho sự thay da đổi thịt của ngôi trường hai mươi năm tuổi, mới ngày đầu thành lập còn non trẻ giờ đã như chàng thanh niên tráng kiện, cô gái đẹp rực rỡ tuổi hoa niên, Hằng lâng lâng niềm hạnh phúc và biết ơn cuộc sống đã trao tặng cho cô những ân hưởng để được sống, được cống hiến trong môi trường này. Cảm xúc tiếc nuối và hoài cổ đã nhường chỗ cho sự phấn chấn, hi vọng bởi sự đổi thay này sẽ mang lại thật nhiều điều mới mẻ cho nhà trường, trong đó có vợ chồng Hằng và những người hàng xóm trong khu tập thể cũ của cô. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, bao nhiêu năm sống trong khu tập thể sẽ mãi là những kí ức thật đẹp đẽ với tất cả mọi người.
NGUYỄN HỒNG