Khát vọng Nậm Ban

HÀ MINH HƯNG

Cách đây vài thập kỷ, nhắc đến dân tộc Mảng (xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn), người ta nghĩ ngay đến đói nghèo với những hủ tục lạc hậu bủa vây. Đã có thời người ta quên đi tên bản, chỉ còn lại những cái tên như: bản “nát”, bản “nghiện rượu”, bản “mê muội…”. Không thể để thực trạng ấy tái diễn, tồn tại, ngọn cờ của Đảng đã lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến các xã có người Mảng đẩy lùi tệ nạn, hồi sinh những bản làng.

Kỳ 1. Thời của những “cơn say”

Nậm Ban là một trong 3 xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn. Xã có 6 bản với 11 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Mảng có 140 hộ, 652 nhân khẩu (chiếm 29% số dân toàn xã). Những năm qua, được sự quan tâm của nhà nước với nhiều chính sách ưu tiên dành cho vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn này, nên đời sống của người Mảng ở Nậm Ban ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, trong ký ức của những thế hệ trước, họ chưa khi nào quên một thời khốn đốn bởi hệ lụy của những hủ tục lạc hậu, những tệ nạn đeo đẳng…

Ông Tào A Vớn sinh năm 1937 ở bản Nậm Ô chưa khi nào quên được cảnh hò dô, cụng bát uống rượu say bí tỉ suốt ngày đêm của thời kỳ ấy. Khi người dân ở đây thèm rượu còn hơn thèm cơm, hễ có tiền trong túi là cái thứ “nước trắng” kia lại nồng nặc khắp bản, người lớn bệ rạc trong ma men, con trẻ, vật nuôi đói nheo nhóc… Đàn ông dân tộc Mảng hàng ngày chỉ biết làm bạn với ma men, say xỉn tối ngày, đến nỗi buổi sáng “không có rượu là buồn nôn”, dẫn đến sức khỏe suy yếu, không có sức lao động. Để có rượu uống, họ sẵn sàng đổi mọi thứ trong nhà, rồi ký nợ, thậm chí bán luôn cả lúa non ngoài đồng. Nhớ về quãng thời gian ấy, bà Lò Me Lèng bản Pa Pảng cho biết: “Cả bản hầu như ai cũng uống rượu không kể ngày đêm. Trong nhà gạo có thể hết, nhưng rượu thì không bao giờ thiếu. Chồng tôi cũng uống rượu nhiều. Tôi thì uống ít hơn”.

Cụ bà Lý Me Điều, bản Nậm Ô năm nay đã ngoài 78 mùa rẫy. Mỗi khi nhìn di ảnh cụ ông, bà rơm rớm nước mắt nhớ lại, tất cả nguyên nhân cũng tại “con ma rượu” mà cụ ông đã ra đi gần 40 xuân. Mỗi khi gia đình tề tựu, bà lại kể câu chuyện buồn quen thuộc để cảnh tỉnh con cháu tránh xa tác hại của rượu: “Trước kia, thanh niên, đàn ông, có cả phụ nữ người Mảng không chỉ ngày lễ tết, mà những tháng nông nhàn suốt ngày ngập chìm trong men rượu. Những cơn say triền miên làm mọi người chẳng tha thiết gì việc trồng trọt trên nương rẫy, chuồng trại bỏ không chăn nuôi. Cùng với đó, những hủ tục lạc hậu bao đời, như hôn nhân cận huyết, tảo hôn càng khiến cho bản làng tiêu điều, xơ xác. Thời đó, thói quen uống rượu, mời rượu khi có khách đến chơi đã thành tục lệ, rượu được ví như chén nước trong giao tiếp” – cụ Điều chua xót.

Ảnh: 1. Một góc bản người Mảng ở xã Nậm Ban năm 2000

Các cao niên trong bản người Mảng vẫn truyền tai nhau sự tích ra đời của dân tộc Mảng, rằng loài người sinh ra từ quả bầu; người Mảng chui ra sau cùng, khi ấy thế giới đã hình thành, đâu đâu cũng có người sinh sống. Người Mảng quyết định tìm nơi xa, riêng biệt, không tiếp xúc với bên ngoài. Chính vì tư tưởng đó mà người Mảng hay tự ti, ngại giao lưu mở rộng với xã hội. Do quan niệm kết hôn trong họ tộc để giữ lại tài sản của mình trong gia đình đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Người Mảng quan niệm, khi con gái kết hôn thì đứa con được sinh ra sẽ mang họ của người chồng. Đối với người Mảng, khi đứa trẻ đã mang họ của gia đình khác thì không còn liên quan gì đến dòng họ bên ngoại nữa. Thế nên, trước đây nhiều trường hợp con của chị gái, anh trai lấy con của các em mình. Khi cán bộ tuyên truyền về bản hỏi bà con trường hợp trên có kết hôn cận huyết thống không, thì nhiều người trả lời là không. Nhưng khi hỏi trong bản có trường hợp con anh trai lấy con chị gái, con chị gái lấy con em gái không thì họ sẽ bảo là có.

Từ quan niệm đơn giản đó, trẻ em người Mảng khi được sinh ra thường mắc các dị tật bẩm sinh, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại. Kết quả nhiều cặp vợ chồng lấy nhau nhiều năm không sinh được con, hoặc sinh con thường mang các dị tật bẩm sinh; nguy cơ suy giảm giống nòi từ hôn nhân cận huyết thống ngày càng nhiều. Không chỉ uống rượu, người Mảng còn nghiện thuốc lào nặng. Tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc cùng các hủ tục đã làm suy giảm giống nòi người Mảng, cướp đi sinh mạng của nhiều người đàn ông là trụ cột gia đình khi mới bước vào tuổi trung niên.

Ông Lý Nhù Giá – bản Pa Pảng, nguyên Chủ tịch HĐND xã Nậm Ban kể lại rằng: người dân trong bản do nghiện rượu và thuốc lào nặng, đến khi sinh bệnh lại nghe lời thầy Mo cúng mong cho khỏi bệnh. Thầy Mo cúng lâu không khỏi, bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện. Có trường hợp bị bệnh vào mùa mưa, đường xa, không đưa đi đến bệnh viện huyện được nên không qua khỏi. Khi mời thầy Mo đến cúng, nhà có bao nhiêu lợn, gà đều phải thịt hết, chưa kể phải tạ lễ cho thầy cúng, nhiều nhà gánh món nợ truyền kiếp không bao giờ mới hết.

Mỗi năm, người Mảng chỉ trồng một vụ, làm nương rẫy theo tập quán cũ, gieo trồng các loại giống địa phương nên năng suất rất thấp, còn lại đất đai bỏ hoang, gia súc thả rông, nhàn rỗi lại rủ nhau uống rượu. Hễ nhà nào trong bản “làm lý” là cả bản kéo đến uống rượu mấy ngày; cây ngô, cây lúa chẳng chịu lớn vì thiếu tay người chăm bón. Có năm mất mùa cả bản đói kém, để có rượu thỏa cơn thèm, nhiều người sẵn sàng bán tất cả những gì có thể cốt có được tiền mua rượu như: bó củi, con gà, con trâu… thậm chí cả mái lợp được nhà nước cấp theo dự án, khi lên cơn nghiện rượu, họ cũng sẵn sàng dỡ đi đổi lấy rượu uống, nên cuộc sống đã khó lại càng thêm khó…

Trước thực trạng trên, năm 2007, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng thành lập một đội công tác gồm 11 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn biên phòng 303 cắm bản tại Nậm Ban, giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi những tệ nạn. Trong ký ức của Trung tá Phạm Minh Hải (sinh năm 1967) quê ở Phú Thọ vẫn nhớ như in, tháng 12 năm 1990 anh vào lực lượng biên phòng Lai Châu, tháng 8 năm 1992 về công tác tại đồn 299 (xã Huổi Luông, huyện Sìn Hồ). Đến năm 2005 là đội trưởng đội vận động quần chúng cắm tại xã Huổi Luông, đến cuối năm 2007 được điều về làm tổ trưởng tổ công tác biên phòng cắm bản Nậm Ban khi ấy anh mang quân hàm Đại úy.

Ban đầu, người dân Nậm Ban chào đón đội công tác bằng cái nhìn lạ lẫm, dò xét, ai cũng e dè khi tiếp xúc với bộ đội. Công việc hàng ngày của đội công tác cắm bản là đến nhà vận động, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó là công tác giúp bà con chăm lo chăn nuôi, sản xuất, chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần, hình ảnh các chiến sĩ bộ đội biên phòng về bản cùng người dân lao động sản xuất không còn xa lạ. Những công việc thường của đội công tác cắm bản đang dần nới lỏng những “nút thắt” cố hữu bấy lâu. Bà con Nậm Ban đang kỳ vọng, những kế hoạch, chương trình hành động của những chiến sĩ “quân hàm xanh” cùng các ban ngành sẽ giúp sức hồi sinh đứng dậy một vùng đất khó nhọc bấy lâu.

 

(Còn tiếp kỳ 2)

 

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.