Đây là lần thứ hai bố lên Lai Châu thăm Hòa. Lần trước là trong hoàn cảnh Hòa ly hôn, vợ ở nhà cũ, anh ra ngoài mua đất xây nhà mới. Bố lên hôm anh động thổ và ở lại chơi một tuần. Lần này bố bảo lên vì nhớ con cháu. Chỉ là câu nói “nhớ con cháu” bình thường như biết bao người bố trên đời này nói với con nhưng lại khiến Hòa chảy nước mắt ướt đẫm gối mấy đêm liền. Những giọt nước mắt của hạnh phúc mà bao năm qua anh chưa hề cảm nhận được. Nó khác hẳn với những cảm xúc tủi hờn, trách móc, đôi khi là oán hận trước đây mỗi lần nghĩ về bố.
***
Hai mươi tuổi, chàng thanh niên quê Nam Định tên Hùng lên đường nhập ngũ, được phân công sang chiến trường Lào. Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, hòa bình lập lại Hùng được điều về đóng quân tại thành phố Đà Nẵng. Chiến tranh biên giới nổ ra, đơn vị Hùng được điều vào chiến trường Tây Nam, sau đó tiến sang giúp nước bạn tiêu diệt Pôn-pốt. Cuộc sống binh nghiệp khiến Hùng chưa làm tròn trách nhiệm cưới một nàng dâu báo hiếu với cha mẹ. Năm 1984, khi Hùng đang làm công tác huấn luyện quân tại đơn vị thì nhận được điện báo mẹ ở nhà ốm nặng. Cắt phép, anh lên đường về nhà gấp. Trong giọng nói thều thào của người mẹ già sức tàn lực kiệt chỉ mong được nhìn thấy anh yên bề gia thất mới có thể nhắm mắt xuôi tay. Bố anh nói chậm rãi bên bàn nước chè, gia đình đã ướm cho anh một đám. Nó là cái Lụa con bác Đức bạn thân của bố. Gia đình người ta đã đồng ý, giờ chỉ còn chờ anh quyết định. Anh xem thế nào, để mẹ anh được ra đi thanh thản.
Đám cưới chạy tang diễn ra nhanh nhất có thể với một số thủ tục được hai bên bàn bạc giản tiện. Cô dâu thì biết về chú rể qua những thông tin, bức ảnh được cung cấp trước. Nhưng chú rể thì lần đầu tiên biết mặt cô dâu là khi theo gia đình sang dạm ngõ buổi sáng. Đám ăn hỏi diễn ra vào buổi chiều. Hôm sau tổ chức đám cưới. Đêm tân hôn vẫn còn bẽn lẽn chẳng ai nói với ai một lời. Hai người đều giả vờ ngủ, nằm yên như hai khúc gỗ. Đến khoảng canh năm thì Lụa bắt đầu dấm dứt khóc. Sau đó tiếng khóc to dần, nấc nghẹn. Nằm gian ngoài bố Hùng hắng giọng ra hiệu trật tự, Hùng quay sang ôm Lụa, ban đầu cô giãy giụa rồi quay sang nhẹ nhàng vòng tay ôm lại người đàn ông xa lạ nay đã là chồng mình. Ba ngày sau mẹ Hùng mất. Lo liệu mọi công việc xong xuôi cũng hết ngày phép, anh trở về đơn vị. Mấy tháng sau vợ viết thư báo tin có bầu, bảo anh chọn tên để đặt cho con.
***
Hòa ra đời trong cuộc hôn nhân được sắp đặt của bố mẹ trong hoàn cảnh như thế. Cả tuổi thơ Hòa sống cùng mẹ và ông bà nội, chỉ thỉnh thoảng một năm được gặp bố một đến hai lần những dịp nghỉ phép ngắn ngủi. Mẹ anh là người phụ nữ chân quê chất phác, chưa bao giờ bước ra khỏi lũy tre làng, chẳng bao giờ biết làm đẹp, ăn diện. Quanh năm cần mẫn lao động, chắt bóp, tằn tiện chăm chút cho gia đình. Bố anh là người lính vào sinh ra tử khắp các chiến trường, khi hoà bình được phân công nhiệm vụ đóng quân ở thành phố Đà Nẵng phồn hoa. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến bố mẹ ít được gặp nhau, tình cảm không sâu sắc. Nhưng khoảng cách công việc, giao tiếp xã hội, thế giới quan khác biệt và hôn nhân không có tình yêu mới là hố sâu khoảng cách khiến tình cảm của hai người khó hòa hợp. Hoà lờ mờ nhận thấy điều bất thường trong cuộc hôn nhân của bố mẹ từ khi học cấp hai.
Đến khi lên cấp ba, một lần tự mình đi tàu hỏa vào đơn vị thăm bố anh suy sụp hoàn toàn. Bố đã có gia đình riêng, có người phụ nữ khác, có con riêng với cô ấy. Khi hai bố con ngồi đối diện với nhau bố anh đã nói ra tất cả sự thật. Hai bố mẹ không hợp nhau, đã lặng lẽ làm thủ tục ly hôn nhưng giấu anh và mọi người trong dòng họ. Mọi chuyện diễn ra lặng lẽ và hai người đều giữ kín. Mẹ Hòa đã biết bố anh có gia đình riêng ở đơn vị trước khi đồng ý ly hôn.
Hòa thương mẹ vô cùng, bao năm qua mẹ nhẫn nhịn chịu đựng chỉ vì mong anh có gia đình trọn vẹn. Mẹ hy sinh tất cả vì anh mà không đi tìm hạnh phúc mới cho riêng mình. Thương mẹ bao nhiêu thì anh lại hận bố bấy nhiêu. Tại sao ông có thể phản bội một người phụ nữ tốt như mẹ. Hòa tuyên bố từ mặt bố dù ông có cố gắng giải thích rất nhiều.
***
Học xong chuyên nghiệp, Hòa nhờ người thân nộp hồ sơ xin việc tại Lai Châu. Tại đây anh kết hôn với Hường, hai vợ chồng có với nhau hai người con, một gái, một trai. Là người vốn thiếu thốn tình cảm gia đình nên Hòa hết mực yêu thương vợ con. Luôn tranh thủ thời gian rảnh rỗi cố gắng làm việc nhà, chăm con để vợ được nghỉ ngơi. Tuy nhiên hoàn cảnh xuất thân của hai vợ chồng khác nhau. Hường được gia đình chiều chuộng từ nhỏ, hầu như không biết làm việc nhà, không thích nấu ăn. Điều này thì Hòa cố gắng chấp nhận và làm thay vợ. Nhưng có những lối sống của Hường từ lúc thanh niên khi lấy chồng, có con rồi vẫn không thay đổi. Đó là việc đam mê mua sắm, ăn diện, tiền lương hằng tháng của Hường chỉ đủ mua quần áo, giầy dép, phấn son. Cô mặc nhiên Hòa phải có trách nhiệm kiếm tiền nuôi sống gia đình, lo những công to việc lớn. Đồng lương viên chức eo hẹp không đủ trang trải nên Hòa phải bươn trải làm thêm bên ngoài. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng cũng được xây dựng từ sự chắt bóp của anh và có một phần hỗ trợ của bố mẹ vợ. Những tưởng cuộc sống hai vợ chồng cứ thế êm đềm bên nhau. Nhưng hạnh phúc gia đình không thể đến từ sự cố gắng của một phía. Anh càng cố gắng bao nhiêu thì vợ anh lại càng thờ ơ bấy nhiêu. Dù nhiều lần hai vợ chồng ngồi nói chuyện để phân chia việc nhà, trách nhiệm với con cái nhưng Hường vẫn không thấu hiểu, không thay đổi. Vì hai đứa con, vì mẹ mà Hòa vẫn cố gắng giữ gìn gia đình.
Tuy nhiên, mọi sự chịu đựng của con người đều có giới hạn. Giới hạn của Hòa là mẹ và hai đứa con. Khi mẹ anh mắc bệnh ung thư phải điều trị tại bệnh viện, vợ anh không hề một lần đi chăm sóc. Đã vậy Hường còn tỏ ra khó chịu khi các khoản chi tiêu trong nhà eo hẹp do Hòa dành tiền chữa bệnh cho mẹ. Mâu thuẫn gia đình lớn dần lên qua những cuộc cãi vã hằng ngày, những dòng tin nhắn điện thoại. Những câu nói xúc phạm nhau lúc nóng giận nói ra thì dễ nhưng không rút lại được đã để lại vết sẹo trong tâm trí mỗi người. Điều gì phải đến rồi cũng đến. Dù cho con người có cố gắng sống lý trí thì cũng không thể cưỡng lại cảm xúc. Hòa nghĩ rằng sự nỗ lực của bản thân đã tới ngưỡng giới hạn. Cứ tiếp tục thì tất cả đều bất hạnh.
***
Chống chọi với bệnh tật được hơn một năm thì mẹ Hòa qua đời. Trong đám tang, bố anh cũng về làm tròn bổn phận người chồng. Nước mắt ông rơm rớm chảy xuống lưng gò má nhưng tiếng khóc không thành lời. Khi công việc hậu sự chu toàn, ông phát biểu cảm ơn họ hàng, làng xóm, bạn bè thân hữu gần xa “đã chia buồn với gia đình và đưa tiện vợ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng”. Hai chữ “vợ tôi” được ông nói trong nghẹn ngào trách nhiệm khiến Hòa xúc động rơi nước mắt. Từ sự mâu thuẫn, không hòa hợp của hai vợ chồng trong cuộc sống gia đình, Hòa phần nào suy nghĩ về cuộc hôn nhân của bố mẹ. Anh thấy cả hai bố mẹ đều đáng thương khi bị gia đình sắp xếp vào cuộc hôn nhân không có tình yêu. Tối hôm đó, sau hơn mười lăm năm, Hòa đã ngồi cùng một mâm ăn cơm với bố. Anh đã cất lời “con mời bố ăn cơm”, gắp thức ăn cho ông và lần đầu mời ông uống rượu. Hòa không nói ra lời xin lỗi nhưng mong bố thấu hiểu cho mình. Ông Hùng cũng cảm nhận được tình cảm thay đổi của con trai sau thời gian dài chia cách tình cảm. Hai bố con hàn gắn tình cảm máu mủ, bỏ qua cho nhau những khúc mắc, hiểu lầm.
Trương Huy