“Câu nói “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” là bài học giúp ta ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là điều mà tác giả Hoàng Văn Trinh muốn gửi đến bạn đọc.
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” là câu thành ngữ đã được cha ông đúc kết từ bao đời nay.
Câu thành ngữ thật sự sâu sắc và có ý nghĩa cũng là tên bài báo được Bác Hồ viết để đăng trên chuyên mục Sửa đổi lối làm việc của báo Sự thật, số 109, ngày 15/4/1949 với bút danh L.T.
Bài báo “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” có nội dung chính về vấn đề phê bình cán bộ. Bác đã phân tích và chỉ ra nhận thức chưa đúng về: phê bình, thái độ khi phê bình, hậu quả của sự không thực hiện nghiêm túc phê bình và che giấu khuyết điểm. Bác phân tích rằng: “Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền; Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền; Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy; Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi. Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình”(1).
Theo Bác thì phê bình để nhìn nhận, đánh giá đúng sự thực, để dùng đúng thuốc chữa bệnh. Nếu mỗi người không phê bình và sợ sự công khai trong phê bình tức giống như người ốm sợ thuốc. Phê bình là phương thuốc hữu hiệu để chữa bệnh cho cán bộ, để làm lành mạnh và phát triển tổ chức. Nhưng bởi vì lâu nay, trong chúng ta có những nhận thức khác nhau về sự phê bình, không coi trọng biện pháp phê bình, sợ phê bình là hại nhau? Thậm chí khi có người lên tiếng phê bình thì lại chê trách, cho rằng: nên để trong nhà đóng cửa bảo nhau, không vạch áo cho người xem lưng? Nếu có phải phê bình thì ngại nói lời sâu kỹ, chỉ qua loa, đại khái, chung chung không chỉ ra rõ ràng cụ thể, công khai lên tiếng có khi lại bị lên án, trách giận?
Khi phân tích về cách phê bình, Bác đã lý giải và phân tích về sự cần thiết phải phê bình “từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”(2). Sử dụng phương thuốc phê bình phải toàn diện, đứng từ nhiều góc độ, với các mối quan hệ khác nhau thì mới có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho cán bộ và tổ chức. Không nên làm kiểu như khai hội xong, thì quay ra chén anh chén chú; hay tổ chức một cuộc hội nghị kiểm thảo thi đua, đã ăn uống hết quá nhiều tiền. Bởi vì, với những người cách mạng thì: “Những món tiền tiêu xài hoang phí ấy ở đâu ra? Có phải mồ hôi nước mắt của đồng bào không?”(3).
Bác đã phân tích “Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì uy tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao. Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”(4).
Tự phê bình và phê bình là phương thuốc hữu hiệu để rèn luyện, phát triển cán bộ, phát triển tổ chức; Thời gian qua, công tác tham gia ý kiến phê bình đã và đang góp phần quan trọng vào việc chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Trong đó Nhân dân đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho sự phát triển của tổ chức, giúp mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” giúp cho mỗi cá nhân, tổ chức biết điều chỉnh để nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước dân. Trong Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.
Câu nói “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” là bài học giúp ta ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng thấy thấm thía về thang thuốc quý, để mỗi người tự chữa căn bệnh của mình, rèn luyện đạo đức, diệt trừ tham nhũng, xứng đáng là công bộc của dân. Thời gian qua với chủ trương kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý các hành vi sai trái với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đảng đã xác định đầy đủ “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(5). Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình, phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác, trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người nhiều hơn mình. “Vì vậy, muốn xây dựng Đảng tốt, từng tổ chức tốt thì từng con người phải tốt”(6).
Từ bài viết của Bác, trong giai đoạn hiện nay, mỗi cơ quan, đơn vị muốn huy động được sự đóng góp về mọi mặt của cán bộ, nhân viên thì cũng phải thực hiện việc tự phê bình và phê bình một cách nghiêm khắc, ráo riết, triệt để, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”; căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, phân tích, đánh giá, chỉ rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, có lý, có tình để khuyến khích phần thiện trong mỗi con người nảy nở, thức tỉnh, nâng đỡ người có sai lầm khuyết điểm tiếp thu phê bình, sửa chữa lỗi lầm, khuyết điểm.
Tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình là tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, phê bình từ trên xuống, từ trong cấp ủy ra ngoài quần chúng, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình, coi đây là việc làm thường xuyên, hằng ngày.
“Chúng ta, tất cả đảng viên, đoàn viên, tất cả cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó bảo đảm cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân(7). Với “thuốc đắng” phê bình sẽ giúp chúng ta bảo vệ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân để kiên định mục tiêu con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thông qua đó, khẳng định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, kiên định mục tiêu cách mạng mà Bác Hồ cùng với toàn Đảng, toàn dân đã lựa chọn.
HOÀNG VĂN TRINH
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H2011, 52
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập Nxb Chính trị quốc gia, H2011, tr 53
- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, H2011, tr 53
- Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.53
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, 2021, tr.180
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, 2021, tr.295
- Hồ Chí Minh Toàn tập, Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 11, tr.611
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu