Đôi bạn

Bầu trời đất Tổ lung linh tươi đẹp lạ thường. Trong mắt Vững trời trong xanh, vài đám mây trắng lửng lơ trên rừng cọ, đồi chè… một  làn gió như mời gọi  hương hoa thơm nhè nhẹ cuốn bay. Từ cây hoa, cây cảnh, cây rừng, vạn vật vui tươi ấm áp, năm mới có hẹn gì mà sức xuân lan tỏa khắp nơi. Ngày cuối tuần, Vững ngồi một mình trên chiếc chõng tre ông nội đóng đã gắn bó với Vững từ ngày học trung học cơ sở, nay vẫn còn. Trước bộn bề suy tư, tay cầm điện thoại Vững định gọi gì cho bạn, xem bạn bảo gì mà lòng khấp khởi. Chiếc chõng qua thời gian, bóng như sơn dầu, Vững theo thời gian như người đi giữa đường gặp chướng ngại vật, nhưng Vững đã vượt qua.

Bây giờ đã là sinh viên năm thứ tư đại học Hà Nội, Vững tự đứng vững trên đôi chân của mình. Cuộc đời dạy cho Vững không biết lui, không biết sợ trước sự bế tắc cản đường, trước cái đói, cái rét… mà trước hết là sự nhu nhược, lười biếng, e ngại, nhút nhát như của một vài bạn cùng hoàn cảnh. Hoàn cảnh bế tắc giúp Vững phải tìm ra cho mình lối mở. Đã qua bao năm, Vững đã lớn lên cùng với vui, buồn, sướng, khổ mà nhận ra rằng trong hoàn cảnh nào con người cũng có thể vượt qua vẫn tồn tại và phát triển, như hoàn cảnh của Vững vậy. Chẳng bao giờ Vững quên cái tuổi mười lăm.

Năm ấy…

Bỗng có bạn học đến tìm, người bạn đặc biệt của Vững là Thèn quê ở Lai Châu đang học cùng khóa với Vững:

– Vững ơi, bạn đang làm gì đấy, mấy hôm nay Thèn bận ôn bài kiểm tra nên không gặp nhau nói chuyện được. Thế Vững đã ôn hết bài chưa?

Hai bạn trao đổi to, nhỏ với nhau thật nghiêm túc. Thèn tầm tuổi Vững. Người gầy mà săn chắc, tính nết hiền lành, làm bạn thân với Vững coi nhau như tình anh em. Khi người ta cùng hoàn cảnh, cùng hành vi thì dễ nhận ra nhau và đồng cảm lắng nghe tiếp thu để tự hoàn thiện mình.

Từ ngày vào đại học, Vững đã vượt lên mọi khó khăn quyết tâm tồn tại cho đến hôm nay, ông bà nội đã tiếp thêm nghị lực cho Vững, giúp vững vượt qua hoàn cảnh. Ở trường ngoài việc học tập, sinh hoạt cùng các bạn, Vững còn phải làm một việc là kiếm tiền để trang trải duy trì việc học tập của mình mấy năm qua. Vững làm mọi việc, từ việc làm gia sư, phụ hồ, cuốc đất, phục vụ nhà hàng… Có lúc cũng làm với Thèn ngoài giờ học để có tiền. Những ngày nghỉ hè, Vững về thăm ông bà nội một tuần rồi đi tìm việc làm. Những đêm dài thao thức, niềm nhớ nhung càng thêm da diết, Vững nhớ ông bà cha mẹ đến cồn cào ruột gan. Vững tâm sự với mẹ: “Mẹ ơi! con nhớ ông bà cha mẹ lắm. Cha mẹ ở trên trời phù hộ cho con được bình yên để làm đứa con ngoan của cha mẹ!”.

Hình ảnh cha mẹ như đang hiện hữu trước mắt Vững, Vững vẫn còn nhớ  ngày ấy trên chuyến xe định mệnh, ông bà ngoại và cha mẹ Vững đi dự đám cưới của người cháu họ thì bị tai nạn giao thông, cả bốn người  đã mãi mãi đi xa… Vững  trở thành con mồ côi cha mẹ. Ông bà nội thương cháu không đành để cháu nội thất học nhưng khổ nỗi suất lương hưu công nhân của ông chưa nuôi nổi hai ông bà. Những năm Vững học trung học phổ thông, ông bà chắt chiu từng đồng, mớ rau quả trứng chưa đủ nuôi ba người, tiền đâu lo cho Vững đi học đại học. Ông bà nội lo nghĩ càng thêm còm cõi. Vững cũng buồn lo nghĩ, trong khi bạn bè cùng trang lứa thì nô nức trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Biết hoàn cảnh của mình, Vững chỉ tập trung ôn tập, cũng không có tiền để học luyện thi. Không biết cha mẹ hay ông trời có phù hộ cho Vững, năm ấy kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đại học Vững đều đã đỗ loại trung bình khá! Biết tin cháu đỗ đạt, ông bà nội Vững cũng khỏe lại, ông nói với bà:

– Bà à, chẳng biết ông trời bao giờ gọi tôi với bà đi, có anh con trai, con dâu đã bỏ ta mà đi trước rồi. Nay còn thằng cháu nội đích tôn, không thể để cháu thất học, tôi nghĩ nhiều rồi, tôi với bà dù khó khăn đến đâu cũng phải cho cháu nó được học đến nơi đến chốn.

Bà nội Vững như đang suy nghĩ mỉm cười nói:

– Cháu đỗ đại học, tôi mừng mà hỏa ra hay sao ấy ông à! Tôi cố gắng được!

Vững đi trường về, dừng lại trước cửa vô tình nghe ông bà nói chuyện, Vững bước vào:

– Cháu chào ông bà ạ!

– Vững đã về rồi hả cháu – Bà nội hỏi: – cháu lấy rổ khoai lang bà luộc đấy ăn tạm, chắc đói lắm rồi, để bà đi rán bìa đậu phụ ăn cơm.

– Cháu ăn khoai đi, còn phải đến trường nữa không, bao giờ mới về trường đại học?

– Cháu còn chuẩn bị, cuối tháng 10 nhà trường mới tập trung, ông ạ!

Vững đang nhặt rau phụ bà thì ông nội gọi:

– Vững lại đây ông bảo!

– Cháu cứ để rau đấy cho bà, đến nghe ông bảo gì.

Nghe bà nói, Vững đến ngồi cạnh ông.

– Vững này, cháu không được nhụt chí đâu nhé, biết thương ông bà, bố mẹ thì cháu phải đi học đại học. Ông bà với cháu đều phải cố gắng, ông bà làm việc thêm. Ông bà còn làm được mà, thêm chút tăng gia, chút bán đồ vặt, cháu phải yên tâm học tập.

– Ông bà đã già yếu rồi, ông bà phải được nghỉ ngơi, phải sống khỏe đến lúc cháu học ra trường. Chỉ cần ông bà lo cho cháu thời gian mấy tháng đầu thôi. Cháu đã gặp vài anh chị học trước, cùng hoàn cảnh, cháu quyết tâm làm được ạ!

Ông nội yên lặng ngồi suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

– Chẳng còn cách nào khác nữa đâu cháu à, mình phải dựa vào sức mình thôi.

Đó là điều ông nội Vững muốn và nhắc Vững phải vượt qua chặng đường trước mắt.

Những ngày chờ đợi đã qua, lớp sinh viên mới chuẩn bị bước vào giảng đường đại học. Họ hồ hởi nô nức bước vào cổng trường, Người có tâm trạng vui là số đông nhất, buồn cũng có vì xa người thân, mà lo lắng cũng có số ít như Vững. Nhớ lời ông nội, Vững thầm nghĩ: “Mình đang bước vào cuộc đấu tranh với chính mình, nhất định phải thắng”.

Về trường, mất mấy ngày bận rộn chuẩn bị năm học mới, ổn định lớp học.

Phòng trọ, sách vở, tài liệu, lao động vệ sinh trường lớp… Lòng không thoát nỗi lo.

Thời gian đầu nhập trường có bao kỷ niệm, những kỷ niệm không vui ấy như đang ẩn náu trong tâm trí Vững, đeo bám Vững, vui, buồn lúc ngồi học trong lớp, lúc ra chơi, cả trong cuộc sống, cho đến một ngày Vững gặp Thèn. Đó là một ngày cuối tuần được nghỉ, Vững đi chơi, nhưng đi một mình trong khi các bạn rủ nhau chuyện trò vui vẻ. Vững không muốn chơi suông vì còn phải tìm việc làm nữa. Vững đi qua phố xá, qua chợ, những nơi sản xuất kinh doanh tấp nập đông người, nhìn thấy mấy chiếc ô tô lớn đang đỗ lại, có môt chiếc đang dỡ hàng xuống. Vững đi nhanh tới xem, Vững nhìn thấy có một bạn sinh viên quen mặt ở trường đang dỡ hàng trên xe xuống tuy không nhớ tên bạn là gì nhưng Vững rất vui. Vậy là không phải chỉ một mình Vững tìm việc làm, có bạn cùng cảnh ngộ như Vững rồi. Vững muốn gặp bạn ấy để hỏi han sự tình, để tương trợ giúp đỡ nhau. Vững lại gốc cây gần đấy ngồi chờ bạn. Hàng đã xuống xong, bạn ấy được chủ hàng đưa cho chai nước lọc, chủ hàng đang tính tiền công cho mấy anh bốc vác, Vững đứng dậy đi thẳng tới chỗ bạn đứng. Hai người không biết tên nhau nhưng nhận ra bạn quen, Vững hỏi:

– Bạn dỡ hàng thuê ở đây à?

– Đúng rồi, mình làm từ lúc trưa đấy, bạn đi chơi à?

– Mình không đi chơi, đi xem ở đây có việc thuê người làm không?

– Bạn cũng gặp hoàn cảnh khó khăn, cũng kiếm tiền học như mình sao?

Nghe tiếng bạn nói Vững đoán chắc bạn là người miền núi và cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vững hỏi:

– Từ hôm về trường học bạn làm thuê được nhiều chưa?

– Hôm nay nữa là làm được ba lần, ở đâu cũng có việc mà bận học không có thời gian đi tìm, có việc nặng, nhẹ gì cũng làm hết.

– Từ ngày đến trường, mình chưa làm thuê được lần nào, cứ tưởng chỉ có một mình. Chán chết! Đang lo, gặp bạn làm được thế này mừng quá. Vì hoàn cảnh nên phải làm bạn ạ, không làm thì không học được.

Trên đường về trường, hai bạn đi bên nhau tâm sự. Tuy chưa được gần gũi bên nhau nhiều, nhưng hoàn cảnh giống nhau khiến họ không còn khoảng cách. Vững chủ động:

– Mình tên là Nguyễn Bền Vững, hai mươi tuổi, quê ở tỉnh Phú Thọ.

Để hiểu nhau Vững không giấu bạn điều gì từ hoàn cảnh gia đình, bố mẹ ông  bà, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chuyện cha mẹ mất vì tai nạn giao thông… Nghe Vững kể, người bạn đi cạnh vô cùng xúc động và đồng cảm nói:

– Hoàn cảnh hai chúng ta thật thương tâm, chúng ta phải vươn lên tự cứu mình thôi bạn ạ. Hoàn cảnh của mình tuy không thê thảm như hoàn cảnh của Vững nhưng gặp nạn thiên tai bất chợt, cũng để lại hậu quả nghiêm trọng. Tên mình là Hảng A Thèn dân tộc Mông sống ở vùng cao tỉnh Lai Châu. Nhà có nhân lực, có chí tiến thủ học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật mới nên chăn nuôi trồng trọt năng suất cao, kinh tế gia đình cũng đảm bảo cuộc sống. Nhà thường xuyên có ba, bốn con trâu kéo, hai ba con bò, đàn dê hơn chục con, đàn lợn, gà. Cuộc sống đang phát triển rất tốt, bản nhà mình thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Anh chị em mình được bố mẹ cho đi học, mình đã tốt nghiệp trung học phổ thông chuẩn bị học lên đại học…

– Nông thôn miền núi như nhà bạn cũng thuộc hộ khá đấy. Sao bạn cũng thiếu thốn không có tiền đầu tư cho việc học vậy?

– Mình nói chưa xong mà, nhà mình cũng hiếu học đấy, bố mình cũng khuyến khích các con. Mình đã thi đỗ đại học. Năm ấy mưa nhiều, mưa tầm tã hàng tuần, bạn biết không nhà mình đã trải qua một đêm kinh hoàng. Đó là trận lũ quét tai hại, trong cái rủi lại có cái may, rủi ro là mất hết tài sản  may mắn là không mất một người dân nào, già bản nói người xưa tìm đất lập mường, có thần hộ mệnh. Đêm ấy cơn mưa lớn vừa giảm, bỗng nhiên nghe tiếng ào ào như sấm vang, núi lở, đá lăn ầm ầm từ phía nguồn, rồi tiếng người thảng thốt tiếng trưởng bản, già bản hét gọi to báo tin khẩn cấp cho bà con, anh em phải  rời khỏi bàn, “lũ quét đến rồi!”

Cả bản đang ồn ào chạy sang chỗ an toàn. Tiếng gió, mưa, nước suối ầm vang như tiếng bom nổ xen lẫn tiếng người gọi, kêu khóc loạn xạ… dân tình chạy trú tạm dưới lùm cây, lán trâu… Lũ quạ bay nháo nhác trên đầu, đêm mờ nhìn lại bản mường chỉ một màu trắng xóa! Niềm mơ ước vào đại học Thèn tưởng sẽ tiêu tan. Trong khi cả bản mọi gia đình tập trung nguồn lực xây dựng lại nhà cửa. Nhà ai có tiền gửi ngân hàng thì rút về, nhà ai không có tiền thì vay.

Nhà Thèn rút hết tiền gửi cũng chưa được một nửa số tiền xây dựng lại nhà, phải vay thêm. Lòng Thèn nóng như lửa đốt, ngày tập trung về trường cũng sắp đến, chuyện Thèn xin tiền đi học nói ra lúc này thì lạc lõng quá, phải bỏ học hay sao. Không bỏ được, không còn cơ hội nữa. Đã mười năm mới có cơ hội mà, Thèn bỏ sao được, cả nhà Thèn cũng băn khoăn. Thèn không muốn gia đình khó nghĩ, bố Thèn nói:

– Thèn à, mày có muốn đi học không? Hoạn nạn chỉ nhất thời còn tương lai thì lâu dài. Bố đã cho mày đi học hơn mười năm mà bỏ thì tiếc lắm!

Thèn suy nghĩ suốt ngày đêm rồi nói với bố và cả nhà:

– Con phải đến trường theo giấy gọi đã, không được học thì con về.

Thèn lên đường, bố mẹ cho năm triệu và bảo:

– Không xoay xở được thì về!

Thèn nói với Vững:

– Mình đi xa nhà rồi, trong khi ấy bản mường bề bộn bao công việc khắc phục hậu quả lũ quét mà mình không giúp được gì nên phải cố gắng thôi!

– Bạn với mình bây giờ như một đôi đũa rồi, phải luôn bên nhau mới “gắp”  được mà.

Những năm đầu vào khóa đại học Vững và Thèn đã đến với nhau như thế, họ luôn nhận được niềm vui và may mắn. Rồi đến lúc họ biết Ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên vay tiền học tập thì gánh nặng trên vai được nhấc ra… không phải lo tìm việc làm, có nhiều thời gian hơn trong việc rèn luyện và học tập, tốt nghiệp đại học đạt thành tích xuất sắc.

     HUỲNH NGUYÊN

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.