Độc đáo phong tục hát ống của người Pú Nả

Người Pú Nả là một nhánh của dân tộc Giáy, còn có tên gọi khác như: Củi Chu, Bố Y… Ở Lai Châu, người Pú Nả cư trú tập trung ở các xã Bản Giang, huyện Tam Đường; xã San Thàng, thành phố Lai Châu với khoảng hơn 3.000 người.
Theo truyền thống, người Pú Nả thường sống ở các bản làng nơi có địa hình khá bằng phẳng, dọc theo các dòng sông con suối để thuận tiện cho việc canh tác lúa nước, khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng, sông suối. Trong quan niệm của người Pú Nả, vạn vật hữu linh; đất có thần đất, rừng có thần rừng, sông có thần sông. Trong đó, thần rừng được coi là vị thần linh liêng nhất, che chở cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày.
Trải qua quá trình sinh sống và phát triển, người Pú Nả đã đúc kết, gìn giữ và phát huy một nền văn hóa truyền thống dân tộc đa dạng và phong phú của cư dân vùng rừng núi, hình thành một kho tàng văn hóa truyền thống, còn lưu giữ và phát huy đến tận ngày nay. Văn hóa người Pú Nả được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh đa sắc màu về văn hóa truyền thống các dân tộc ở Lai Châu.
Người Pú Nả đặc biệt có nhiều lễ tết truyền thống: Tết tháng Giêng, Tết tháng 7; Tết mồng 3/3; Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; tết ăn cơm mới… Tết, Lễ hội truyền thống của người Pú Nả thường mang đặc điểm riêng biệt, độc đáo và đặc sắc. Tết, lễ hội thường được tổ chức vào các ngày nông nhàn, khi mùa vụ đã thu hoạch xong hoặc sau các tết cổ truyền. Các lễ hội: cúng rừng, cúng bản, cúng ruộng… được tổ chức đều đặn hàng năm. Vào những ngày đặc biệt này, mỗi gia đình hoặc làng bản sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng truyền thống, thường thì gồm thịt lợn, thịt gà, bánh khảo, hương hoa. Thầy mo, thầy cúng bày biện ở nơi tổ chức lễ. Dân bản thành kính dâng cúng tổ tiên, thần rừng, thần bản cùng lời cảm tạ các vụ thần thời gian qua và cầu mong thời gian tới tiếp tục phù hộ cho con người khỏe mạnh, cuộc sống gặp nhiều may mắn; cầu mong cho cây trồng, vật nuôi phát triển, không bị sâu bệnh, ruộng đồng tươi tốt, cầu cho các gia đình có kinh tế ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc.

 Hát ống được bà con biểu diễn trong các dịp lễ hội của dân tộc Pú Nả.

Đây là những phong tục mang đậm tính nhân văn, giáo dục người dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường… địa điểm làm lễ thường là cánh rừng thiêng, bãi ruộng của bản hoặc có thể chỉ ở gốc cây to, hòn đá lớn trong rừng và người dân nơi đây đều phải có trách nhiệm, tự nguyện bảo vệ rừng, không ai được tự tiện chặt phá rừng.
Đời sống tinh thần của người Pú Nả rất phong phú và đa dạng thể hiện ở mảng Văn nghệ dân gian gồm nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích giải thích các hiện tượng thiên nhiên; Câu đố và tục ngữ về kinh nghiệm sản xuất, răn dạy con người, tiêu chí ứng xử trong xã hội… Nói đến sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Pú Nả không thể không nói đến phong tục hát ống.
Hát ống là tên gọi của một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã ra đời và tồn tại hàng trăm năm nay trong cộng đồng người Pú Nả. Từng có lúc hát ống của người Pú Nả nổi tiếng trong vùng. Đây chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian. Hát ống mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống, hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người dân. Điểm độc đáo của loại hình này là bà con sử dụng những chiếc ống hát tự làm, sẵn có trong thiên nhiên. Đó là những ống tre nứa, được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.
Ông Vàng Văn Kèo – bản Tả Xin Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết: “Với hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn, mỗi câu hát thể hiện tài ứng khẩu rất thông minh, dí dỏm, hát đi hát lại nhiều lần. Trước đây, trong hình thức hát ống thường là 1 đôi nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nam nữ hoặc 2 đôi nam nữ hát với nhau. Tiếng hát giúp quên đi mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc. Cứ như thế, bao nhiêu đời nay mỗi khi vui, lúc buồn người dân nơi đây lại cất cao những lời hát ngọt ngào mà mộc mạc”.
Cấu tạo của ống hát rất đơn giản. Ống hát thường được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên vốn rất sẵn ở các vùng miền núi như ống tre hoặc nứa, được cắt ngắn khoảng 20cm đường kính 10cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt kín, có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua hai ống hát để nối với nhau và có tác dụng truyền âm. Khi hát, người hát sẽ hát vào một ống, người nghe kéo căng sợi dây và úp ống còn lại vào tai. Cứ như vậy, họ thay nhau hát những câu giao duyên, trao đổi tình cảm kín đáo với nhau mà không muốn cho người khác biết. Hát ống diễn ra ở các lễ hội hay phiên chợ đông người hoặc ngoài trời, trên nương. Sợi dây hát ống có thể dài chục mét hoặc vài chục mét, từ bãi nương này sang bãi nương khác. Cứ thế, sợi tơ mỏng manh khẽ rung lên, truyền đi những âm thanh giai điệu ngọt ngào, tựa như phát ra từ loa nhỏ, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú và say mê.
Trải qua nhiều năm, bằng trí óc sáng tạo và tình cảm, bà con đã tạo nên một kho tàng những câu hát hết sức dân dã mà sâu sắc, có khi trầm lắng suy tư, khi lại hóm hỉnh không ngờ. Trong một cuộc hát ống, đôi bên nam nữ cùng so tài ứng tác với nhau, một bên hỏi, một bên trả lời. Đối với nhiều người Pú Nả từ tấm bé đã hay nghe các bà, các mẹ, hát với nhau. Dần dần hiểu được ý nghĩa và thuộc các bài hát truyền thống. Trong ký ức của các già làng, trưởng bản người Pú Nả bây giờ vẫn ghi nhớ hình ảnh những buổi hội làng, hội bản, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh lại ngân nga những câu hát đượm tình quê hương, thắm tình người. Ðã có nhiều mối duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy.
Không chỉ độc đáo ở hình thức, hát ống còn thú vị ở chỗ: tùy hoàn cảnh, tùy hứng thú mà người hát còn có thể thêm bớt từ ngữ, biến đổi sao cho linh hoạt dựa trên những câu hát cổ, hoặc là sáng tác thêm.
Trước đây, ở các bản người Pú Nả, hầu hết mọi người đều biết hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống. Hát ống là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến, thường ngày. Nhưng đến nay, số người còn nhớ các bài hát và biết hát ống còn rất ít, phần lớn là những người đã cao tuổi. Giới trẻ đã không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc, thậm chí, nhiều người còn không thuộc một bài hát dân ca truyền thống của dân tộc mình, dẫn đến nguy cơ mai một âm nhạc dân tộc. Vì vậy, Phong tục hát ống xuất hiện thưa thớt và gần như vắng bóng trong cộng đồng người Pú Nả.
Nghệ nhân lưu giữ loại hình hát ống trong cộng đồng người Pu Nả ở Lai Châu hiện nay không còn nhiều. Tuy vậy, cũng vẫn còn những nghệ nhân, nhiều người sưu tầm tâm huyết, dày công kiên trì, tìm hiểu và ghi chép lại những phong tục tập quán, những làn điệu dân ca và các hình thức diễn xướng truyền thống trong cộng đồng người Pú Nả.
Là nghệ nhân, là người nắm giữ di sản âm nhạc cổ truyền, am hiểu biết sâu sắc nhất về phong tục, tập quán, tính cách tộc người, nên ông Lò Văn Chiến, người có hơn 40 năm dành thời gian nghiên cứu văn hóa dân tộc Pú Nả đã biết tìm ra phương pháp phù hợp nhất, khả thi nhất để tập hợp cả tộc người cùng chung tay gìn giữ âm nhạc cổ truyền. Ông cũng là người đóng góp nhiều trong việc truyền dạy di sản cho các thế hệ sau.
Để tìm hiểu về văn hóa Pú Nả, chúng tôi tìm đến bản Tả Xin Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu. Trong căn nhà nhỏ, nghệ nhân Lò Văn Chiến say sưa giới thiệu những trang bản thảo bao năm ông dày công sưu tầm, sáng tác về văn hóa Pú Nả về nghệ thuật hát ống. Ông kể: “Thuở nhỏ được theo cha đi nghe hát đêm khắp bản này, mường kia. Có những cuộc hát được “thi triển” thâu đêm suốt sáng, bản nào có người ca hay, hát giỏi thì hãnh diện lắm. Cũng chính từ những cuộc hát đối mà nhiều đôi nên duyên, cha mẹ tôi cũng thành đôi từ những lần hát như thế…”.
Theo nghệ nhân Lò Văn Chiến hát ống thực chất đó chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian xưa nay. Hát ống cũng mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống khác, nó là hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người nông dân. Hát ống, với bản chất là hát ví von về các chủ đề: tình yêu lứa đôi, chào khách, mời thuốc, mời rượu, chọn giống tốt gieo hạt… Những câu hat mộc mạc như: “Ngày nắng lại ngày mưa/ Ngày mưa nhìn chân trời/ Nắng mưa nhìn chân núi/ Mưa lại kèm theo gió/ Gió thổi trên mặt hồ…” Hay: “Không biết nàng thức không/ Nắng xiên để nàng thức/ Nắng xiên để nàng dậy…” .
Có thế thấy, những điểm khác biệt và độc đáo trong loại hình hát ống là ở chỗ người ta sử dụng những chiếc ống hát được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.
Đến nay, nghệ nhân Lò Văn Chiến đã xuất bản hàng chục đầu sách về văn hóa Pú Nả, một trong nhưng điều mà bao lâu nay ông vẫn trăn trở là phục dựng lại tục hát ống xưa cho thế hệ hôm nay. Thế nên, trong những ngày lễ hội của bản, ông lại tỉ mẩn tìm các vật dụng làm ống hát và giảng giải cho con cháu về tục hát ống của dân tộc mình.
Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, cùng với nhiều sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể khác, hát ống đã được tôn vinh và giới thiệu đến với du khách gần xa, hát ống sẽ được đưa vào các trường học, để lớp trẻ biết đến và yêu mến hơn văn hóa quê hương mình. Giữa bộn bề của cuộc sống, người dân nơi đây vẫn dành thời gian cho nghệ thuật với những câu hát ống ngọt ngào. Với bản sắc độc đáo và sức lan tỏa mạnh mẽ của mình, phong tục hát ống của người Pú Nả sẽ không bị lãng quên mà sẽ được phát huy trong nền văn hóa tiên tiến mà đậm đà bản sắc của dân tộc.

HOA LÊ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.