Năm 2020, tôi được bác sĩ Nguyễn Văn Đối, thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu mời đi thăm huyện Mường Nhé. Ở huyện Mường Nhé, bác sĩ Đối có người bạn là Lý Lỳ Xè, dân tộc Hà Nhì – nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện. Hai người là bạn thân thiết của nhau cách đây mấy chục năm về trước khi tỉnh Lai Châu (cũ) chưa chia tách.
Năm 2002, huyện Mường Nhé được thành lập, sau này tách 4 xã: Mường Toong – Mường Nhé – Trung Chải – Leng Xu Sìn sang huyện Mường Tè (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Bản thân tôi cũng như anh em đi trong đoàn hôm nay đã một thời công tác ở Đồn Biên phòng Mường Nhé và Đồn Leng Xu Sìn. Chuyến đi về cội nguồn đất cũ người xưa nên ai cũng phấn khởi, háo hức. Đường từ thành phố Lai Châu tới thị trấn huyện Mường Nhé khoảng 300km. Người bạn của bác sĩ Đối hiện giờ gia đình cũng ở thị trấn huyện.
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên Đồn Biên phòng A Pa Chải. Dự định sẽ thăm ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung của chúng tôi không thực hiện được do đây là thời điểm các trạm kiểm soát Covid-19 của đồn sát đường biên phòng đang làm nhiệm vụ tại khu vực cấm nên chúng tôi đành trở về.
Năm 2023, nhân kỷ niệm 64 năm thành lập Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3/3/1959 – 3/3/2023), kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ đội Biên phòng Lai Châu (7/3/1963 – 7/3/2023), Ban liên lạc Cựu Bộ đội biên phòng thành phố Lai Châu đã thành lập đoàn gồm các cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới về thăm chiến trường xưa. Đoàn xuất phát từ thành phố Lai Châu lúc 7 giờ. Được nửa đường, đoàn vào thăm Đồn Biên phòng Leng Xu Sìn anh hùng và thắp hương Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Đoàn chúng tôi tới A Pa Chải lúc 5 giờ chiều, khi xe tới cổng đơn vị, cán bộ chiến sĩ đã ra đón. Cuộc gặp gỡ giao lưu buổi tối còn có đại diện Đảng ủy, chính quyền xã Sín Thầu, đại diện Ban Chỉ huy Đồn Leng Su Sìn, Đồn Seng Thượng cũng về dự thật phấn khởi, tràn đầy tình quân dân, tình đồng chí. Trong cuộc giao lưu này chúng tôi đã ôn lại những câu chuyện hào hùng, gian khó khi xưa.
Sáng hôm sau, chúng tôi được Đồn A Pa Chải bố trí đưa lên thăm cột mốc số 0 giữa ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung. Con đường vòng sườn núi bằng bê tông rộng 2m, phía thung lũng đều có lan can bằng thép trắng vững chắc. Chúng tôi đi bộ lên 564 bậc tới cột mốc, trên cao gió, sương mù giăng mù mịt. Đây là cột mốc giao điểm, là mốc số 0 trên đỉnh núi Khoa La San cao 1866,23m ở tọa độ 22°24’2″N: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nơi cực Tây Tổ quốc, chúng tôi đứng trước cột mốc phía Việt Nam nghiêm trang chào cột mốc giữa khoảng không cao vời vợi.
Cột mốc số 0 xây dựng xong từ tháng 7 năm 2007, khi tiến hành hoạch định biên giới cắm mốc trên đất liền năm 2005 trên toàn tuyến từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Đứng trên đỉnh Khoa La San 1.866m cực Tây Tổ quốc, chúng tôi ai cũng xúc động, đó là giờ phút thiêng liêng và tự hào về đất nước. Những thế hệ lính biên phòng đã tiếp bước cha ông, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia trong mọi hoàn cảnh, xây dựng phên dậu biên ải vững vàng.
Đường từ thị trấn huyện Mường Nhé lên tới Cửa khẩu A Pa Chải hôm nay rộng dài rải nhựa bóng loáng, ô tô đi lại thuận tiện tới các xã biên giới Việt – Trung, Việt – Lào. Tất cả các xã, bản, nhà dân không còn vách đất mái cỏ, mà là nhà gỗ, nhà xây vững chắc lợp ngói. Điện về tới vùng sâu, vùng xa, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, bề thế. Các dân tộc Hà Nhì – Thái – Mông… sống trong khung cảnh thanh bình, đồng lòng cùng các Đồn Biên phòng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Tạm biệt A Pa Chải, chào cột mốc số 0, kết thúc cuộc hành trình đã để lại trong mỗi chúng tôi những kỷ niệm, dấu ấn không bao giờ quên…
THANH LUẬN