Còn một chuyện mẹ giấu

1.

Chẳng biết khen hay là chê, nhưng cả bà ngoại và bố tôi đều nhận xét mẹ tôi là người “ruột để ngoài da”. Thế mà có một chuyện, mẹ tôi giấu kín như bưng suốt hai mươi tư năm. Đêm qua, tình cờ tôi mới phát hiện ra. Điều ấy làm tôi mất ngủ trọn một đêm và thấm thía câu thành ngữ: “thức khuya mới biết đêm dài”.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mẫu mực: Bố là phó chủ tịch phụ trách công tác văn xã, mẹ làm chánh văn phòng, còn anh trai lái xe cho ủy ban huyện. Hôm ấy, cả nhà tôi đi xem đoàn văn công tỉnh về biểu diễn văn nghệ. Mẹ tôi khen chương trình hay quá! Bố bảo chỉ có chục diễn viên gạo cội. Còn các anh chị trẻ măng kia là sinh viên đi thực tế biểu diễn trước khi tốt nghiệp ra trường. Bố mẹ cùng khen một chị nhỏ nhắn, xinh xắn mang tên loài hoa: Anh Đào khi chị hát bài “Người ơi, người ở đừng về!” giọng ngọt lịm, thiết tha.

Hôm sau, mẹ phân công anh trai tôi lái xe đưa bố xuống xã Làng Vây xem đoàn biểu diễn ở cơ sở. Bố nói:

– Anh mời đoàn sau khi biểu diễn xong từ xã về thì đến nhà mình ăn đêm rồi mới về nhà khách nghỉ ngơi. Em chuẩn bị cho anh ba mươi suất cháo nhé!

Mẹ tươi cười:

– Tuân lệnh thủ trưởng!

Rồi quay sang tôi:

– Con gái ở nhà phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng nhé!

Tôi lật chăn gối, xếp giường cho anh trai thì thấy một tờ giấy xé từ quyển sổ công tác, mấy câu thơ anh tôi mới viết: “Trên sân khấu, em hiện lên lộng lẫy/ Tiếng hát em rung mãi những ước mơ/ Nghe quan họ, ánh trăng tràn đồi núi/ Tỏa sáng quanh em những áng thơ…”. Anh Hải Phong viết tặng chị nào nhỉ? Vừa tròn mười tám tuổi, mới vào lái xe cho Ủy ban hai tháng mà anh đã biết thích gái rồi à? Bố tôi kỳ vọng nhiều ở con đường học hành của anh Phong nên gửi anh theo học ở Trường Nội trú tỉnh từ lúc học xong cấp một. Nào ngờ, vừa tốt nghiệp cấp hai, nghe bạn bè rủ rê, anh nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học lớp lái xe chứ không học tiếp lên cấp ba. Bố tôi phản ứng, còn mẹ cho rằng không nhất thiết phải cho con đi học làm kỹ sư, bác sĩ. Nếu bố mẹ nào cũng mong con học đại học thì lấy ai làm các nghề khác trong xã hội? Bố mẹ tôi tranh luận gay gắt nhưng cuối cùng bố cũng chịu thua trước những lí lẽ mẹ đưa ra.

Khi đoàn văn công đến nhà, cô trưởng đoàn cho biết chiều nay chị Anh Đào bị cảm lạnh nên không tham gia chương trình biểu diễn ở xã. Tôi nhìn trộm anh Hải Phong, thấy vẻ mặt anh buồn thiu.

Bẵng đi hơn ba tháng, một hôm, mẹ con tôi vừa đi chợ về đến ngõ thì anh trai tôi chạy ra chặn lại:

– Mẹ và em đừng đem thức ăn qua phòng khách mà đi thẳng qua hiên sau vào bếp nhé! Nhà đang có khách, xấu hổ lắm!

Tôi thầm nghĩ: “Có khách thì có gì mà phải xấu hổ khi xách thức ăn vào nhà nhỉ?”. Rồi tôi thấy một chị váy áo đỏ đang nói chuyện cùng bố và chú Trung – Trưởng phòng văn hóa huyện. Chú Trung bảo bố:

– Tôi muốn xin cho cháu Anh Đào vào công tác tại Phòng Văn hóa huyện mình. Mong Thủ trưởng phê duyệt.

Bố cười:

– Thế thì tốt quá! Cơ quan mình đang thiếu một cán bộ phong trào, có chuyên môn nghiệp vụ phải không nào?

Từ ngày chị Đào về công tác, phong trào văn nghệ của huyện sôi nổi hẳn. Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm ấy, anh trai tôi giành giải nhất đơn ca bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” khiến bố mẹ và tôi hết sức ngạc nhiên: Bình thường chỉ thấy anh hát nghêu ngao vài câu chứ có bài nào ra bài nào đâu! Sau đó thì có tin đồn: Tối tối, anh Phong thường ra nhà trọ thăm chị Đào. Hai người đàn hát đến khuya.

Khi trong huyện xì xào về mối quan hệ của anh Phong, chị Đào thì bố là người phản đối quyết liệt nhất. Sau bữa cơm chiều, bố mẹ bảo anh Phong đừng đi đâu chơi vội, ra bàn uống nước. Bố chậm rãi:

– Phong mới qua tuổi mười tám, chiều theo nguyện vọng của con, bố mẹ cho đi học nghề lái xe, nhưng về lâu về dài con cũng cần học thêm bổ túc văn hóa chứ xã hội ngày một tiến, mình dừng học thế này là không ổn đâu. Còn trẻ thì phải cố gắng học tập tu dưỡng, đừng sớm vướng vào chuyện yêu đương.

Anh Phong lí nhí:

– Vâng ạ!

Mẹ tiếp lời:

– Có phải con thích Đào không? Cái Đào hơn con những bốn tuổi như chị với em rồi!

Không ngờ anh ngẩng phắt đầu lên, nhìn bố mẹ thách thức:

– Hơn bốn tuổi thì sao hả bố mẹ? Xã hội này, có ai cấm không được thích người hơn tuổi nào?

Bố không giữ được bình tĩnh nữa, gầm lên:

– Láo! Dám cãi lại mẹ à?

Không ngờ, anh ấy đứng dậy, lấy xe máy phóng ra cổng. Mẹ gọi:

– Phong! Đừng đi đâu!

Tối hôm ấy, lần đầu tiên kể từ ngày anh Phong ra công tác – anh không về ngủ ở nhà làm mẹ tôi vào ra bần thần suốt đêm.

Ở các cơ quan huyện lúc đó cũng có nhiều cô gái đẹp nhưng họ ăn mặc theo lối công sở, giản dị. Chị Anh Đào thì khác. Không chỉ bọn con gái mới lớn như tôi mê chị ấy mà còn bao thanh niên ở các cơ quan tối nào cũng đến nhà trọ nhờ chị hướng dẫn tập hát, múa. Với ai chị cũng niềm nở, nhiệt tình. Chị sinh ra như chỉ để cười, hát múa và đem lại niềm vui cho mọi người! Các anh thanh niên kháo nhau: Con gái “nhất dáng, nhì da, thứ ba là mốt”, Nàng Hoa nhà mình hội tụ cả ba điều ấy, ai chả mê? Các anh thấy thế, nhưng các chị trẻ tuổi thì nhiều người không ưa chị. Họ chê chị diêm dúa, lại dễ tính quá!

Một hôm, chú Thái – Trưởng phòng thương nghiệp lên nhà chơi, phàn nàn với bố:

– Từ ngày con Đào về trọ ở khu thương nghiệp, tự dưng xóm nhà em ồn ã hẳn. Bọn con trai không đi chơi bi-a hay tụ tập la cà quán nhậu đêm nữa mà lần lượt kéo nhau về đấy hát hò, rồi ra sân múa may quay cuồng như lũ rồ.

Mẹ tôi bộc trực:

– Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lành mạnh, bớt tụ tập vô bổ chẳng phải là điều có ích sao?

Chú Thái gãi tai:

– Em lo là bọn con trai có ngày đánh nhau vì con bé này thôi. Nó chẳng kết thằng nào, mà gặp ai nó cũng miệng cười, mắt cười như thế!

Cho đến lần bố đi họp cùng chú Phú – Trưởng Công an huyện ở tỉnh về. Bố nói với mẹ:

– Em làm cách nào dứt con trai mình ra khỏi vòng u mê với con Đào càng sớm càng tốt. Chú Phú không nói oan cho ai bao giờ đâu. Người ta đồn con bé ấy ai đến chơi cũng tiếp.

Nghe bố phân tích, mẹ bắt đầu tỏ thái độ lạnh nhạt với chị. Mẹ tâm sự với cô Nga – Trưởng phòng Giáo dục – bạn thân của mẹ rằng: Mẹ sinh ra trong gia đình gia giáo, lại trải qua công tác sư phạm nên rất coi trọng người con gái biết giữ mình. Người ta nói nghề hát là “xướng ca vô loài” đấy là quan niệm lỗi thời. Nghề lao động nào cũng đáng quý nên mẹ không phản đối anh Phong đến với chị vì lý do này. Mẹ cũng không chấp những điều người ta bàn tán sau lưng rằng anh Phong là “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Con gái hơn con trai bốn tuổi chẳng là gì, huống hồ chị Đào lại trẻ trung, trông cũng xứng đôi với anh Phong. Điều mẹ lo nhất, thương nhất là anh vừa mới lớn, choáng ngợp trước sắc đẹp và giọng hát của chị Đào, nếu lấy về chị ấy “cắm sừng” con trai mình thì sao?

 

2.

Sau ngày cúng ông Công ông Táo, mẹ phân công anh Phong đưa bác Chủ tịch xuống ba xã biên giới và chín xã vùng thấp thăm hỏi, chúc tết các gia đình chính sách. Lúc bấy giờ ở huyện chưa có điện thoại di động nên anh đi xã cũng không liên lạc với chị Đào được.

Chiều ba mươi tết, bố sang bản Lụa ăn cơm cùng họ hàng, mẹ đi chợ mua nốt những thứ lặt vặt thì anh Phong đi công tác về, chẳng nói câu gì leo lên giường ngủ. Bố về, chắc vừa được bà con mời rượu nên cũng lẳng lặng vào buồng ngủ sớm.

Hai mươi hai giờ, tôi theo mẹ lên văn phòng tổ chức cho mọi người đón giao thừa sớm. Lúc về, mẹ bảo tôi vào xem anh Phong dậy chưa để hâm nóng thức ăn cho anh. Tôi vào giường, mở chăn ra thì thấy cái mũ bảo hiểm xe máy và một cái chăn gấp dài. Mẹ tôi lên cơ quan mới biết anh Phong đã lấy xe ô tô đi từ lúc nào. Mẹ đoán anh đi tìm chị Đào nên hỏi mọi người thì biết được số điện thoại bàn nhà chị Mai – kế toán Phòng Giáo dục. Chị Mai chơi thân với chị Đào từ nhỏ, vì hai nhà ở cạnh nhau. Qua chị Mai, mẹ biết được anh Phong đã đến nhà chị Đào lúc hai mươi giờ. Mẹ liền cử anh Ba lái xe đưa chú Tú – Phó Văn phòng xuống tận nơi, lệnh cho anh Phong lái xe về trả huyện ngay trong đêm. Anh Ba đưa chú Tú về, báo cáo mẹ là anh Phong chở chị Đào đi xe sau. Anh Phong trả xe xong thì không về nhà mà ở lại phòng trọ với chị Đào khiến mẹ tôi giận run người.

Sáng mùng một, bố tỉnh dậy không thấy anh Phong đâu. Mẹ biết không giấu được, bèn kể sự tình. Đúng lúc bố đỏ mặt tía tai thì anh chị ấy dắt tay nhau vào nhà. Bố tôi gầm lên:

– Biến đi!

Anh chị vội chạy ra khỏi nhà. Mẹ hết sức bất ngờ, lựa lời nói với bố:

– Hôm nay là ngày đầu năm, lẽ ra anh không nên nóng thế! Dù sao cái Đào cũng là khách.

– Cứ như bà thì nhà này loạn mất.

Buổi chiều, mẹ cùng tôi ra phòng trọ của chị Đào. Chị ấp úng thưa với mẹ rằng anh Phong hẹn đi xã về hôm hai tám tết nhưng đến ngày hai chín, anh vẫn chưa về. Chị đành viết cho anh một lá thư nhỏ ghim ngoài cửa sổ xong về nhà chị ở thị xã. Anh Phong đọc thư, nhớ chị ấy quá đâm liều, nghĩ “mượn” xe của ủy ban một đêm, mai về sớm sẽ không ai phát hiện.

Tối đến anh tôi trở về nhà, xin lỗi bố. Bố tôi cũng tha thứ cho anh.

Sau tết, mẹ tôi ký quyết định kỷ luật cảnh cáo anh Phong, buộc anh dừng lái xe trong sáu tháng để xuống bộ phận cấp dưỡng nấu nướng dọn dẹp tại nhà khách ủy ban huyện.

Bố tôi được cử đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Quốc gia. Đêm trước khi đi học, bố dặn mẹ để mắt đến con trai, không để nó tiếp tục mối quan hệ yêu đương nữa.

Một lần mẹ về tỉnh họp, cho chị Mai đi nhờ xe văn phòng. Sau chuyến đi đó, mẹ nói với cô Nga một bí mật động trời của chị Đào. Cô Nga trợn tròn mắt:

– Đến thế cơ à! Tôi còn nghe cô ta nói với mọi người rằng cu Phong nhà mình cứ bám riết cô ấy chứ cô ấy không mảy may có tình cảm với một đứa nhóc con.

Mẹ tôi giận tím mặt. Hôm sau, mẹ xuống phòng văn hóa gặp riêng chị Đào. Mẹ hỏi chị rằng có yêu anh Phong không? Khi chị Đào thừa nhận tình cảm, mẹ đã đồng ý tác thành cho anh chị ấy. Cuối tuần, chị Đào cùng anh Phong về nhà. Chị kể cho mẹ khoảng thời gian chưa thi được vào đại học, chị ở nhà phụ bố mẹ trồng, thu hoạch và bán chè. Hiện giờ, chị vẫn tranh thủ nhận may thuê ngoài giờ kiếm thêm tiền phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Chị nói với mẹ rằng nhiều người chê cháu ăn mặc model nhưng cháu làm nghệ thuật, cháu thích ăn mặc đẹp bằng sức lao động chân chính của mình.

Tình cảm giữa mẹ và chị Đào tiến triển tốt đẹp. Anh Phong được xóa kỷ luật, về lái xe cho Văn phòng. Anh bảo rất cám ơn vì mẹ hiểu lòng con, con gặp Đào là mê ngay từ cái nhìn đầu tiên, càng ngày con càng thấy không thể sống thiếu cô ấy, nếu bỏ lỡ tình yêu đầu đời này thì con không thể tìm được người thứ hai tốt như thế nữa.

Niềm vui của mẹ chẳng kéo dài được lâu. Một chiều hè âm u, hai anh chị ấy dắt nhau về nói chuyện với mẹ. Sáng hôm sau, mẹ gọi thợ xây đến làm một ngôi nhà hai gian ở mảnh đất mặt đường. Mẹ bảo với mọi người rằng làm tạm căn nhà nhỏ để anh Phong tranh thủ ngoài giờ sửa chữa đài, đồng hồ, kiếm thêm thu nhập… Ngôi nhà hoàn thành vào lúc chị Đào không còn mặc được những bộ đồ ôm sát, nổi bật đường cong quyến rũ nữa. Đang lúc tôi nghỉ hè, mẹ xin nghỉ phép đưa tôi về Hà Nội thăm bố. Hai mẹ con đến bất ngờ làm bố tôi vừa vui vừa lúng túng không biết nhà có chuyện gì. Tối hôm đó, ăn cơm xong, mẹ rủ bố đi dạo quanh sân trường. Trong lúc tôi tung tăng chạy nhảy, mẹ rủ rỉ nho nhỏ với bố, còn bố gắt toáng lên:

– Thế nghĩa là “tiền trảm, hậu tấu”. Em sắp đặt hết rồi mới thông báo cho anh, còn gì phải bàn bạc nữa!

Mẹ nài nỉ:

– Thôi thì con dại, cái mang. Em viết thư cho anh thì không nói được hết ý nên em đến đây bàn với anh. Em định tháng sau anh về, em cử Phong đi đón, rồi vợ chồng vào gia đình con bé Đào thưa gửi với ông bà bên ấy đàng hoàng, tổ chức cưới cho chúng nó sớm được ngày nào hay ngày ấy, anh ạ!

Bố vò đầu bứt tai, rồi cũng đành nghe theo lời mẹ. Mình sắp có cháu rồi, bỏ nó sao đành?

Cưới xong, anh chị vào ở căn nhà mặt đường, mẹ tôi sắm đầy đủ dụng cụ đơn sơ của một gia đình cho anh chị ấy. Anh Phong và chị Đào lúc nào cũng ríu ra ríu rít bên nhau. Tôi để ý thấy cách mẹ tôi nhìn chị Đào có gì đó không ổn, tia nhìn không ấm áp dịu dàng mà có gì như vẻ khinh khi, soi mói, thương hại…

Chị Đào trở dạ sinh con trai vào đúng đêm Noel, trên cao nguyên rét cắt da cắt thịt. Bố và tôi đến khoa sản thì thấy mẹ ngồi ở hành lang khóc nức nở, đôi vai rung lên từng chặp. Bố tôi hoảng hốt hỏi:

– Sao? Có chuyện gì xảy ra à?

Mẹ tôi gạt nước mắt, nghẹn ngào nói:

– Không sao! Là em vui quá đấy mà…

Bố và tôi ngồi ở ghế băng đợi, còn mẹ và anh Phong túc trực trong phòng đẻ. Noel năm ấy là một đêm kinh hoàng không chỉ đối với chị dâu tôi mà còn đối với cả mẹ tôi nữa.

 

3.

Hơn hai mươi năm trôi qua, mẹ tôi đã hơn sáu mươi tuổi, chị Đào trở thành trưởng phòng văn hóa tài ba và hoạt ngôn, đặc biệt chị vẫn giữ được nhan sắc mặn mà, ăn mặc đẹp nền nã hơn xưa. Cháu Quang Anh trở thành một chiến sĩ công an đẹp trai, giống bố như tạc. Mẹ tôi thường nói:

– Cuộc đời có nhân có quả. Các cụ xưa dạy chẳng sai chút nào!

Đêm nay, mẹ tôi ốm nằm viện. Tôi về nhà mẹ lục tìm những quyển sổ y bạ cũ, bất chợt đọc được dòng chữ của mẹ viết trong cuốn sổ hai mươi ba năm về trước: “Chỉ còn đúng sáu ngày nữa, cả nhân loại bước sang thế kỷ mới. Ở tuổi bốn mươi hai, mình lên chức bà nội rồi, đáng lẽ phải vui lắm chứ! Thế mà mình khóc đến ba lần trong đêm. Chồng và con trai, con gái mình chỉ chứng kiến và biết có hai lần: lúc cháu nội mình bị ngạt và lúc con dâu bị sót rau. Dù rất tin tưởng ở bác sĩ, mình vẫn lo lắng khi nghĩ đến những nguy hiểm rình rập con dâu và cháu nội. Ôi đứa con dâu ngoan hiền mà mẹ bao lâu nghĩ xấu về con. Mẹ đồng ý cho con lấy con trai mẹ chỉ vì tình thương đối với đứa cháu nội và lòng thương hại với con mà thôi. Nếu không tận mắt chứng kiến khoảnh khắc trước khi sinh, giờ phút thiêng liêng chuyển dạ, chuẩn bị cho ra đời một thiên thần bé bỏng, mẹ đã được chiêm ngưỡng một tòa thiên nhiên nơi con đẹp hơn nhiều so với ý nghĩ vẩn đục của mẹ bấy lâu nay về con. Bất giác mẹ nhớ đến cái Mai trong một lần về tỉnh công tác cùng mẹ đã kể: “Đào đính hôn cùng một anh bộ đội cách đây ba năm, nhưng đột nhiên sắp đến ngày cưới, anh ấy nhất quyết hủy hôn”. Mẹ gặng hỏi lý do thì cái Mai thì thầm vào tai mẹ: vì anh bộ đội phát hiện ra Đào là người “vô mao bần chí tử” không có số hưởng phúc, kém thuận lợi trong tình duyên, gây cản trở cho chồng và gia đình nhà chồng trong việc phát triển công danh và sự nghiệp. Mẹ không quan niệm ấu trĩ thế nhưng mẹ mang nặng tư tưởng phụ nữ Á Đông, không thể chịu đựng nổi khi nghĩ tấm thân hấp dẫn của con trước khi dành cho đứa con trai si tình, dại dột của mẹ đã thuộc về một người đàn ông khác. Giờ đây, khi mẹ phát hiện ra sự thực này thì cái Mai – người chuyên nói xấu con, quyết tâm phá hạnh phúc của con với con trai của mẹ – đã ngồi bóc lịch trong nhà đá. Do làm ăn thua lỗ, Mai cấu kết với thủ quỹ phòng giáo dục cùng một số cán bộ kho bạc huyện chiếm đoạt hơn hai mươi tỷ đồng tiền chế độ chính sách dành cho học sinh nghèo. Thôi thì cái Mai đã phải chịu tội trước pháp luật. Nhưng đối với con dâu của mẹ, thực tế đêm nay, trước giờ phút thiêng liêng con được làm mẹ, con đã được minh oan từ tận mắt nhìn, ngắm nghía, thương cảm và nâng niu, trân trọng của mẹ. Mẹ sẽ yêu thương con suốt cuộc đời này như yêu thương con gái ruột của mẹ vậy!”.

BÙI THỊ SƠN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.