Họ ở cùng nhau cuối trời Tây Bắc đã năm sáu chục năm, lại sống giữa cái nơi mà người ta cứ gọi nôn na là: “Chín người mười làng”, vì cha chú của họ, những người đến đây khai phá mảnh đất này ngày xưa mỗi người một quê. Thì Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Phú Thọ, Thanh Hóa… thậm chí cả Tây Nguyên cũng có người ở đây, cho nên “Tứ hải giai huynh đệ”. Họ lập thành cái hội, gọi một cái tên khá chữ nghĩa là: “Huynh đệ tâm giao”. Họ có thể ngồi với nhau hết cuộc rượu này sang cuộc rượu khác để ôn lại những kỷ niệm vui buồn mà hầu như chưa khi nào hết chuyện.
Hôm ấy, một ngày đầu xuân nhưng có mẹ vợ của ông hội trưởng nhà ở Mường Lò qua đời. Thế là mấy anh em trong hội rủ nhau tổ chức đi viếng. Chuyến đi ấy cũng không thể nói là chuyện nhỏ, vì từ Song Uyên đến Nghĩa Lộ gần hai trăm cây số chứ ít ỏi gì đâu. Nhưng bây giờ đường xá rất thuận lợi, áp phan trải phẳng đét. Trong hội lại mấy nhà có xe hơi và ông nào cũng có bằng lái nên mọi chuyện trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Hội có chín ông thì sáu ông tham gia trong đoàn, đi trên hai chiếc xe năm chỗ ngồi nên hết sức thoải mái. Trên chiếc xe Toyota màu đen có ba ông, đều là những người có bố mẹ ở cùng một đơn vị sản xuất ngày xưa, nên cùng sống, cùng đi học với nhau từ vỡ lòng, lại công tác cùng công ty cho đến ngày nghỉ hưu và cho đến nay. Tuy nhiên, mỗi ông một hoàn cảnh khác nhau. Ông Dậu có bố làm cán bộ nên điều kiện kinh tế từ trước đến sau khá hơn cả. Ông Trà thì bố cũng làm cán bộ nhưng lại được điều động vào Nam đến tận ngày nghỉ hưu mới trở ra, nên mấy mẹ con ở nhà cũng khá vất vả. Nghèo khó, gian nan nhất phải là ông Tráng, người chủ của chiếc xe Toyota ấy. Ông Tráng có bố là liệt sĩ chống Mỹ, cụ hy sinh tận bên Lào, mới tìm được mộ vài chục năm gần đây. Nhà ông Tráng có đến năm anh em, nhưng chỉ có mình ông là trai. Thời kỳ bao cấp gian nan ấy, mình người mẹ của ông lao động mà nuôi tới sáu miệng ăn thì chắc chắn là cái sự vất vả khó mà tả xiết. Ông Tráng là người có trí nhớ tốt và hay chuyện nên những kỷ niệm trong đời được ông kể lại nghe lắm lúc chẳng khác gì tiểu thuyết.
Khi ấy, ông đang lái xe lượn quanh co trên những con đèo thuộc vùng Nậm Búng. Nắng xuân dịu dàng trải xuống núi rừng trong làn gió chiều nhè nhẹ. Đang rộn ràng với những câu đùa tếu tưởng như bất tận, ông Tráng bỗng trầm ngâm nhớ lại một câu chuyện buồn ngày xưa:
– Các ông này! Nhìn cái bóng xe in vào thành ta luy ở chỗ này, tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm không thể nào quên được các ông ạ!
– Chuyện gì mà không quên được? – Ông Dậu ngồi ghế bên quay sang hỏi.
– Chuyện này có mà sang thế giới bên kia tôi cũng không bao giờ quên!
– Khiếp! Thế thì ông kể xem nào – Ông Trà ngồi ghế sau bắt đầu tò mò.
– Ừ! Tôi sẽ kể cho các ông nghe!
***
Ấy là năm 1983 của thế kỷ trước.
Tráng đang theo học tại trường cơ khí tận Hà Bắc và được nhà trường cho nghỉ hè hai tuần. Đã xa gia đình mấy tháng nên anh háo hức mong được về gặp người mẹ cút côi và mấy đứa em gái thiệt thòi vì thiếu bóng hình người cha thân yêu. Đặc biệt là cô em út có cái tên là Lụa, nó được mẹ đẻ rơi ở gốc cà phê trong một đêm đông mưa phùn gió bấc. Lụa không được biết mặt cha, vì nó là kết quả của cuộc thăm nhà lần cuối trước khi vào chiến trường của cha anh.
Ngày ấy, đường xá đi lại khó khăn, xe khách một tuần mới có một chuyến từ Yên Bái ra vào Song Uyên. Những người lái xe ngày ấy được người ta gọi với cái tên trìu mến là “ông tài” hoặc “bác tài”. Họ thực sự được nể trọng và nhiều người phải quỵ lụy như những “ông giời con”. Vì là xa xôi cách trở, nên nông trường Song Uyên phải đặt một cái nhà trạm ở ngay cửa ga Yên Bái để cho công nhân hoặc người thân có chỗ dừng nghỉ khi xuống tàu hoặc chờ xe ra vào. Ở cái trạm ấy, luôn có một cán bộ thường trực. Ông ta có trách nhiệm lập danh sách, ghi tên người đi từng chuyến xe để báo cho bến xe khách (Lúc ấy thuộc công ty xe khách Hoàng Liên Sơn) bố trí xe vào. Cứ đủ bốn chục người là đủ một chuyến xe khách hiệu “Ba Đình”. Xe cũng chỉ về đến huyện lỵ, từ đấy vào đến nông trường còn những gần bốn chục cây số nữa, nếu không đi nhờ được máy kéo hay phương tiện khác thì chỉ còn cách đi bộ. Đen một nỗi, khi anh chàng Tráng từ trường cơ khí ở Hà Bắc về đến trạm thì đã là người thứ bốn mươi mốt. Có nghĩa là anh phải đợi đúng một tuần nữa mới có chuyến xe tiếp theo. Vì chỉ có hai tuần thăm nhà mà đã đợi mấy ngày ở trạm, tiền hết, gạo hết nên anh chàng tìm mọi cách thuyết phục cả ông lái, cả ông phụ xe để được lên xe về ngay chuyến ấy. Nhưng, những lời tha thiết của một cậu sinh viên nghèo chỉ như bát nước hắt vào sa mạc cát giữa trưa hè. Họ trả lời gay gắt:
– Không được là không được! Cho mày đi để công an họ phạt chúng tao thì ai chịu trách nhiệm?
Những người quen biết của Tráng cũng ra sức thuyết phục hai ông con giời, nhưng chẳng thấm tháp gì. Tráng đành liều tìm cách bí mật lên xe. Cậu gửi túi hành lý vẻn vẹn vài bộ quần áo cũ, nhờ mấy anh bạn mang hộ lên xe trước, rồi lặng lẽ chui vào gầm ghế cuối cùng, kéo cái lu cở của một cô gái Mông với vài cái túi hành lý che kín người, từ đó nằm im thin thít. Tám chục cây số từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ mà xe chạy hết cả buổi chiều. Chặng đầu coi như đã trót lọt. Đêm ấy, xe sẽ nghỉ lại thị xã Nghĩa Lộ, sáng hôm sau mới chạy tiếp. Khi mọi người xuống xe hết, Tráng cũng lẻn xuống theo. Nhưng anh chàng bị phát hiện ngay vì cái thân hình bụi bám như từ dưới lỗ chui lên của mình. Số là cái loại xe Ba Đình chở khách ngày ấy phần lớn đóng từ máy Ipha của Đức, nhưng khung sườn, vỏ không được kín lắm. Nhất là cái xe này đã cũ quá rồi, mà đường thì toàn đường cấp phối đã xuống cấp trầm trọng, xe chạy qua là bụi đỏ mù mịt bốc lên. Người ngồi trên xe có ghế đàng hoàng mà ai cũng bị bụi bám nhem nhuốc. Huống hồ là Tráng nằm trong gầm ghế cuối cùng thì bao nhiêu bụi nó dồn hết vào đấy là phải. Vừa nhìn thấy cái bộ dạng của Tráng, ông phụ xe đã hất hàm:
– Thằng này chui ở đâu ra mà như cáo lỗ thế mày? À… Tao nhớ rồi! Tao đã bảo không đi được, thế mà… Mày đi lậu vé hả?
Thế là cái thân hình nhem nhuốc không giấu đi đâu được đã tự tố cáo Tráng. Bị lộ tẩy rồi, không biết ngày mai sẽ lên xe thế nào đây? Tráng chỉ còn biết lí nhí mấy câu xin lỗi rồi lủi mất, trong lòng nặng nỗi lo cho chặng đường còn lại gần hai trăm cây số để về với gia đình.
Tối hôm ấy, mọi người gom góp gạo, mua củi, mua rau và cá khô rồi mượn nồi nấu cơm trong sân bến xe mà túm tụm ăn với nhau. Đêm, họ trải ni lông rồi vòng trong vòng ngoài, ôm nhau vừa ngủ vừa canh trộm. Tiền của, hành lý thì chẳng có gì đáng giá, nhưng bọn trộm thì như rươi, sơ sểnh ra cái gì là mất biến ngay lập tức. Mọi người thiếp đi trong những giấc ngủ chập chờn. Riêng Tráng thì càng phấp phỏng lo nhiều hơn.
Đêm dài mấy cũng phải sáng. Khi những tiếng bước chân người, những tiếng đạp xe kẽo kẹt dầy dần lên, rồi mùi quế thoang thoảng phát ra từ những gánh, những gùi của những người đi chợ qua đã đánh thức khứu giác Tráng, thì nỗi lo lại trở về. Người ta mua vội cái bánh rán hay bánh sắn ăn tạm rồi lục tục kéo nhau lên xe. Tráng lại gửi túi hành lý nghèo nàn lên xe rồi quyết tâm sẽ lên xe bằng được. Ông phụ xe đã biết được ý định của Tráng nên kiên quyết chốt giữ cửa xe, mặc cậu năn nỉ thế nào cũng không cho lên xe. Chiếc xe ca đã chạy và Tráng cuống cuồng chạy theo trong làn bụi đỏ. Đường xóc và quá xấu nên xe không thể chạy nhanh được. Sức thanh niên nên chỉ chốc lát là Tráng đã đu người lên chiếc thang sắt gắn ở cuối xe rồi cậu trèo tót lên nóc, chui vào ẩn trong đống những bao, những hộp hàng của cánh con buôn đường dài mà chuyến xe nào cũng phủ bạt chở cao chất ngất.
Rúc trong đống hàng hóa một lúc, thấy không bị phát hiện, Tráng thầm trách mình rằng hôm qua không lên đây mà ngồi cho đỡ bụi mà lại còn thoáng nữa. Phởn chí, cậu chui ra bên ngoài bạt ngồi hóng gió thảnh thơi.
Xe chạy được hàng giờ đồng hồ, nắng đã lên. Ngồi lái xe, ông tài bỗng phát hiện có bóng người trong đống hàng hóa in trên vách ta luy, liền bảo ông phụ xe:
– Mày trèo lên nóc xe xem, hình như có người hay sao ấy?
Ông phụ xe chui ra cửa rồi thoăn thoắt trèo lên. Chẳng khó khăn gì đã nhìn ngay thấy Tráng ngồi lù lù đấy. Ông ta chửi om sòm rồi hô ông lái dừng xe, bắt Tráng xuống. Tráng năn nỉ đến bã bọt mép để xin đi, nhưng họ không hề rung động con tim. Nhiều người trên xe cũng ra sức xin giúp nhưng chả ăn thua gì. Chiếc xe lại lầm lũi đi và Tráng vờ như chịu ở lại. Ngờ đâu bụi đỏ đã ngụy trang để Tráng tiếp tục bám thang leo lên mà không ai thấy nhưng xe chạy được một đoạn thì ông phụ xe lại lặng lẽ trèo lên nóc xe. Vừa nhìn thấy cậu thanh niên lì lợm, ông ta liền nổi nóng, vừa chửi tục không tiếc lời, ông ta vừa đuổi đánh Tráng. Tráng không còn cách nào khác đành van xin, vừa chịu đòn, vừa cố thủ bám xe. Có lúc hai người đuổi nhau như đèn cù, nên ông ta càng cay cú và càng đánh dữ hơn. Ông lái xe cũng xuống vây bắt và cả hai tập trung cùng đánh Tráng một cách tàn tệ. Thôi thì đấm, đá bất kể vào đâu, cứ như người ta bắt được tên cẩu tặc ấy. Nhưng, mặc dù đã bị đánh tơi tả, mặt mày, thân thể bầm dập, Tráng cũng chỉ biết ôm đầu chịu đau, cậu ta không thể bỏ cuộc vì đây là con đường độc đạo, cả tuần mới có một chuyến xe, ở lại giữa rừng không mông quạnh, không tiền không gạo, lấy gì mà ăn mà ở. Vì vậy, cứ họ đánh chán, lên xe đi thì cậu lại nén đau chạy theo, bám xe bằng được. Có đến cả chục lần dừng xe, đuổi đánh nhưng Tráng vẫn kiên trì, quyết không chịu thua. Rồi bỗng Tráng nghe có tiếng phụ nữ nói to với hai ông con giời:
– Nó là con liệt sĩ đấy, đừng đánh nó nữa mà phải tội các chú ơi!
Hình như câu nói ấy có sức nặng thì phải. Hai ông con giời thôi không dừng xe để đuổi đánh Tráng nữa. Xe chạy một thôi dài thì ông phụ trèo lên trên nóc theo lối cửa sổ rồi đổi cách xưng hô:
– Con lạy bố! Bố xuống dưới xe cho con nhờ!
Thế là Tráng được vào xe, nhưng xe chật cứng người và hành lý nên cậu chỉ được ngồi ở bậc lên xuống cửa xe. Khốn nỗi, không hiểu sao từ hôm qua đến giờ không say, vậy mà ngồi trong xe một lúc là cậu nôn thốc nôn tháo ngay ra bậc lên xuống, làm cho ông phụ xe lại điên lên chửi bới, mắng nhiếc không tiếc lời, ông ta liên tiếp đập tay vào đầu Tráng, làm cho cậu càng choáng váng. Mùi chua, tanh nồng của cái mớ hỗn tạp do Tráng nôn ra làm cho nhiều người có nguy cơ bị phản ứng dây chuyền, nên lái xe phải dừng lại. Ông phụ xe bắt Tráng lau sạch bậc cửa rồi mới cho xe chạy tiếp.
Chuyến xe ấy về đến huyện lỵ đã hơn năm giờ chiều. Đau đớn, mệt mỏi và bụi bẩn như ma vùi và đói. Tráng cùng mấy anh bạn tìm vào nhà người quen xin gạo nấu cơm ăn rồi bắt đầu chuyến cuốc bộ gần bốn chục cây số về nông trường. Lần mò gần hết đêm, đến ba giờ sáng thì mấy anh em cũng về đến nhà. Nhìn thấy Tráng nhũn người như một mớ rẻ rách lấm láp và đầy những vết bầm tím thì mẹ và các em cậu chỉ còn biết kêu trời mà than khóc, thương cảm…
***
– Cuộc đời tôi đầy những gian nan, khó nhọc, nhưng đấy là chuyến đi khốn khổ nhất đời tôi đấy các ông ạ! Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm ấy và đoạn đường này đâu!
Ông Tráng bỗng kết thúc câu chuyện của mình trong khi hai ông bạn đi cùng, ai cũng thấy cay cay nơi sống mũi. Ông Dậu bỗng bật lên một câu chửi thề không thể kiềm chế:
– Hai cái thằng ấy, bây giờ mà gặp lại thì đấm bục mặt nó ra!
– Con người với nhau mà chúng nó dã man thật đấy! – Ông Trà rất ít nói mà cũng phải góp lời: – Bây giờ có còn thằng nào không, có dịp nào mà gặp lại chúng nó nhỉ?
Ông Tráng trả lời ngay:
– Không biết có phải chúng nó sống ác quá không mà thằng nào cũng vắn số.
Cả ông Dậu và ông Trà cùng bật lên câu hỏi:
– Chết hết rồi thật á?
Ông Tráng lại đủng đỉnh kể:
– Tôi cũng chẳng có ý thâm thù gì họ mà điều tra đâu, nhưng vì hồi ấy đang học, mỗi năm cũng phải đôi ba lần đi về, nên tôi còn biết cả tên, xuất thân của họ. Cả hai cái chết của hai người ấy cũng thảm thương lắm. Có lẽ trời có mắt thật các ông ạ!
Cả xe im ắng một hồi lâu như họ cùng nhau chiêm nghiệm. Bỗng ông Tráng lại đủng đỉnh:
– Bây giờ cuộc sống quá sung sướng, con cái mình mà nghe chuyện này chưa chắc chúng nó đã tin đâu. Anh em mình đều qua ngưỡng hai thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm mới thấy hết cái giá trị của cuộc sống mình đang được hưởng. Ngày xưa làm gì dám mơ có một cái xe thế này mà đi!
– Thật đúng là như mơ ấy nhỉ? – hai ông bạn cùng thốt lên một lúc.
Chuyến đi ấy, sau khi đưa tang mẹ ông bạn hội trưởng ra nghĩa trang, đoàn “Huynh đệ tâm giao” mới xin phép ra về. Một chuyến đi ý nghĩa đã kết thúc tốt đẹp, an toàn. Nhưng hơn thế nữa, họ được hiểu thêm về bạn mình, về những kỷ niệm vui buồn, khó quên mà không phải lúc nào cũng có dịp để kể ra. Họ càng trân quý nhau hơn, nguyện cùng nhau sống ý nghĩa hơn trong quãng đời còn lại.
THANH PHƯƠNG