Tôi sinh ra ở miền rừng núi, lớn lên cùng bao đứa trẻ của các dân tộc Tây Bắc, mỗi dân tộc một nét văn hóa riêng. Điểm chung của phụ nữ ngày xưa ở đây là vấn tóc và đội khăn thêu nhiều màu rất đẹp. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những chị, những bà vấn tóc, đội khăn trong ngày hội ở vùng đất này… Nhưng nhớ hơn cả là nụ cười tươi tắn, hàm răng hạt na đen nhánh, chiếc khăn mỏ quạ và hình ảnh vấn tóc của bà ngoại tôi luôn trong kí ức của tôi về thời thơ ấu.
Bà tôi là người Hưng Yên, một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Bà tham gia đội nữ du kích Hoàng Ngân từ khi còn trẻ, sau này bị thương trong chiến đấu, bà mới trở về làng. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhà nước kêu gọi nhân dân đồng bằng lên Tây Bắc khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, ông bà tay dắt con lớn, vai gánh con nhỏ, xách đồ lên núi, sinh ra thế hệ con cháu ở miền núi. Đi xa như vậy, nhưng bà vẫn mang theo nếp sống của phụ nữ thôn quê. Bà mặc áo cánh nâu, ăn trầu, vấn tóc và đội khăn mỏ quạ. Tôi nhớ khi tôi mười tuổi, tóc bà bạc trắng như cước, mái tóc dài chấm vạt áo. Trên đầu giường bà luôn có một hộp đủ đồ dùng cá nhân như: gương, lược, khăn,… Buổi sáng, bà chải đầu, vê những sợi tóc rụng thành một túm nhỏ xíu như con sâu rồi giắt lên mái nhà. Bà vuốt tóc ra đằng sau, dùng sợi len thêm vào tóc cho dày, rồi vặn tóc thành một túm chặt tay, vòng lên đầu thành một vòng tròn, kẹp lại cho chắc trên đầu xong mới giắt phần đuôi tóc về phía sau. Cũng có khi bà trùm ra ngoài lọn tóc một mảnh vải nâu hoặc đen, bọc tóc lại xong mới vấn thành một vòng tròn lên đầu. Vấn tóc xong bà mới giỡ chiếc khăn vải láng đen bóng ra để gấp chéo lại, trùm lên đầu, vuốt phần đầu khăn trước mặt thành một nếp nhọn như mỏ quạ, và buộc thắt khăn phía sau. Sau này lớn lên, khi học bài “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, đọc câu “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng” là tôi lại nhớ bà nhiều lắm.
Vùng tôi ở chủ yếu là người dưới xuôi lên định cư nên bà tôi có nhiều bạn. Các bà mặc áo cánh nâu giống nhau, vấn tóc, đội khăn vải lụa, khăn nhung, khăn nhiễu đen và cùng ăn trầu. Bà nào cũng có hàm răng đen nhánh. Lúc nào các bà đến thăm nhau là chúng tôi sẽ chạy lăng xăng xung quanh hóng chuyện. Các bà vừa giã hạt cau, giã trầu, vừa bỏm bẻm nhai trầu và trò chuyện, những câu chuyện về giống lúa, mùa màng, con cháu, quê hương… Có khi, các bà dỡ khăn ra, khoe bạn một chiếc cặp tóc mới, một chiếc khăn con cháu vừa tặng, thế là tôi lại được ngắm kiểu vấn tóc của từng bà. Đa số các bà vấn theo phía tay phải, hướng vấn từ phải sang trái. Thỉnh thoảng có bà thuận tay trái, sẽ vấn từ trái sang phải…
Lúc ấu thơ, nhìn các bà vấn tóc, thấy ấm áp, bình yên, thấy nét đẹp miền quê đồng bằng Bắc Bộ vẫn hiện hữu ở quanh mình.
Tuổi thơ của tôi còn được ngắm nhìn nhiều chị vấn tóc. Các chị là thiếu nữ dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, La Ha, Lào… Những ngày huyện có lễ hội, các chị mặc đẹp xuống núi, khăn mũ đẹp và vấn tóc cũng đẹp. Cách vấn tóc của từng dân tộc khác nhau. Ngày ấy, tôi không để ý cách các chị vấn tóc, nhưng mà tôi nhớ vô cùng mái tóc của các chị. Mái tóc dài, đen mượt, tóc bóng và khỏe. Các chị gội đầu bằng nước vo gạo để chua, gội bằng nước lá… Có chị tóc dài đến đầu gối, khi chải ra rất dài, vấn lên rất đẹp vì cuốn lọn tóc rất to, dày. Các chị phụ nữ người Mông, người Thái hay dùng cặp ba lá, kẹp xếp dày trên tóc rồi mới đội khăn. Khăn piêu, khăn thổ cẩm vuông được các chị người Thái đội rất khéo trên mái đầu vấn tóc, cái khăn nhìn nhẹ nhàng mà bám khá chặt trên đầu, màu sắc và hoa văn rực rỡ nên trẻ con chúng tôi rất thích. Các chị người Mông thì dùng mũ mấn trang trí sặc sỡ, nhiều dây hạt tua rua hoặc là đội khăn thổ cẩm đen, thêu ở hai đầu khăn, quấn vắt lên hơi nhọn ở hai bên đầu. Lớn hơn nữa, đọc sách giới thiệu 54 dân tộc Việt Nam, tôi lại nhớ hình ảnh các bà, các chị người người Tày, Nùng,… vấn tóc trong bộ trang phục thổ cẩm màu đen, mái tóc vấn tròn bằng khăn nhung đen. Hình ảnh ấy và vẻ đẹp thuần khiết núi rừng của họ có gì đó vừa chân phương, giản dị, vừa huyền bí khiến tôi ấn tượng rất lâu.
Bây giờ, người ta chỉ vấn tóc khi biểu diễn những tiết mục văn nghệ có nét văn hóa dân gian truyền thống, khi biểu diễn thời trang, khi chụp ảnh với những trang phục cổ. Ra đường giờ hầu như chỉ thấy tóc ngắn, tóc duỗi, tóc uốn xoăn… Một mái tóc dài giờ đã hiếm. Còn ai vấn tóc nữa không? Tôi đôi khi tự hỏi như thế, cho đến khi tôi gặp một bà người Thái bán hàng ở chợ Mường Than. Hôm ấy trời nắng, bà tháo khăn vắt lên quang gánh và phe phẩy quạt nan. Tôi nhìn thấy bà vấn tóc, dù mái tóc đã thưa, không còn dài đẹp, nhưng tôi biết ngày xưa, hẳn đó là một mái tóc tuyệt vời. Tôi bỗng nhớ bà ngoại tôi, nhớ tha thiết. Bà tôi đã về miền thiên cổ nhưng mái tóc vấn tròn tôi đã ngắm nhìn suốt từ thơ bé, tôi không bao giờ quên.
Và tự nhiên tôi thương nhớ mái tóc dài, thương những mái đầu tóc vấn, thương nét đẹp truyền thống thuở xa xưa. Ngoài kia, còn ai vấn tóc…
ĐINH HỒNG NHUNG