Tôi vượt con dốc lầm bụi đỏ trên con đường từ thị trấn Tân Uyên vào các xã phía Tây huyện, đến thăm cơ ngơi của ông Nguyễn Đức Trâm – chủ của những khu rừng mà tôi đã nghe danh từ lâu tại bản Phiêng Lúc, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên.
Tôi hỏi thăm, cậu thanh niên chỉ cho tôi vào ngôi nhà ngay đầu bản. Tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự bề thế của cái tổ hợp kiến trúc cả khu nhà. Phải nói là tổ hợp bởi trong đó có một ngôi nhà chính xây theo kiểu mái Thái Lan hiện đại, bề thế. Bên cạnh là một ngôi nhà sàn làm kiểu người Thái Tây Bắc cũng khá lớn cùng một số ngôi nhà nhỏ nữa. Sân vườn với nhiều cây cảnh bắt mắt, nhiều cây ăn quả tươi tốt. Một hồ hình vuông trước nhà rộng chừng dăm chục mét vuông có vòi phun nước rào rào suốt ngày, tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Đặc biệt là một hồ bơi dài chừng ba chục mét, được ốp gạch và có mái vòm nhựa màu xanh, nước trong văn vắt.
Ông Nguyễn Đức Trâm, giám đốc Công ty trach nhiệm hữu hạn đầu tư, phát triển rừng Tây Bắc – một người đàn ông có dáng vóc khỏe khoắn, chững chạc, chừng bảy chục tuổi, cùng phu nhân tiếp chúng tôi tại ngôi nhà sàn kiểu Tây Bắc với nước chè xanh và đĩa chuối tiêu vàng ruộm, được giới thiệu là “Sản phẩm của vườn cây gia đình”. Qua trao đổi chân tình, chúng tôi biết được khá nhiều điều thú vị về con người và sự nghiệp trồng rừng của ông chủ doanh nghiệp. Ông Trâm sinh năm 1952, quê ở Liên Giang, Đông Hưng, Thái Bình. Vì một mắt bị yếu thị lực nên ông không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Thời trai trẻ ông Trâm tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, phục vụ trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, góp công vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Hoàn thành nhiệm vụ, ông về quê và được giao làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Đông Hưng. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, ông có mặt tại Lai Châu, cùng anh em trong gia đình thành lập Công ty Quyết Tiến chuyên xây dựng cầu đường. Ông cho biết: “Ngày trước, tôi điều hành Công ty Quyết Tiến. Tính từ khi tách tỉnh, những con đường đẹp nhất, to nhất ở Lai Châu đều do công ty của tôi thi công”. Khi con đường Quốc lộ 32 chạy qua Than Uyên hoàn thành thì công ty ông có ý định chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Vũ Văn Hoàn lúc ấy là Chủ tịch huyện Than Uyên đã gợi ý cho ông là nên chuyển sang trồng rừng theo các dự án của huyện. Trồng và phát triển rừng đang là một trong những vấn đề được huyện quan tâm và cũng là một việc làm mà ông Trâm yêu thích. Với các dự án đó, công ty của ông được giao 540ha rừng sản xuất và 370ha rừng phòng hộ. Thế là từ tháng 12 năm 2008, ông bắt đầu sự nghiệp trồng rừng của mình bằng giống keo lai. Đáng buồn là 8 năm sau, tức là đến năm 2016 thì ông chấp nhận thất bại đầu tiên. Nguyên nhân do không có đầu ra cho sản phẩm gỗ keo. Thực tế thì cây keo lai không hợp thổ nhưỡng nên rỗng ruột và vặn thớ. Ông phải tuyên bố cho toàn bộ diện tích 400ha cây keo để bà con trong vùng chặt về làm củi. Đồng thời phải thuê người đào toàn bộ gốc keo đi, trồng cây khác thay thế. Đúng là vừa mất của, vừa tốn công: “Bài học đầu tiên này, tôi đã tốn mười một tỷ rưỡi chỉ để học nghề trồng rừng mà không thu lại được đồng nào. Cũng may toàn là vốn tự có, chứ vay ngân hàng thì vỡ nợ! Thực ra, cái được của chúng tôi là 400ha đất rừng ấy đã được phủ xanh trong suốt thời gian 7 – 8 năm, rất có ý nghĩa cho môi trường sống của chúng ta”.
Ông Nguyễn Đức Trâm (Ngoài cùng bên phải) giới thiệu về khu rừng dổi.
Thế rồi, qua nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại cây như lát, lim, gió bầu, dổi…, ông thấy chỉ có cây dổi là loại cây bản địa, hợp với vùng đất này nhất, liền tiến hành cho trồng đại trà. Đến nay ông đã có trên 80ha dổi tuổi từ 8 – 10 năm. Nhưng dổi là loài cây chậm cho thu hoạch, tuổi nó phải 30 năm trở lên mới có giá trị cao. Với tính toán lấy ngắn nuôi dài, năm 2021 ông đã trồng trên 40ha mắc ca. Loại cây này chỉ 3 năm là có quả. Như vậy, cuối năm 2023 ông đã được thu hoạch lứa mắc ca bói đầu tiên trên đất của mình và sẽ thu đại trà vào năm 2025. Một loại cây trung hạn là cây quế, chỉ 10 năm là được thu hoạch. Năm 2022 ông đã trồng được 22ha và dự kiến sẽ trồng 80 đến 100ha quế. Hiện nay, mỗi ngày có từ 40 đến 50 lao động thường xuyên làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ rừng cho công ty của ông. Những người này có thu nhập ổn định từ việc làm rừng cho ông Trâm, ngoài ra ông cũng rất quan tâm đến người làm nên ai cũng quý mến ông.
Ông Trâm dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn cây và rừng trồng quanh khu nhà ở của mình. Ngay trong khu vườn trước nhà là những hàng bưởi da xanh và mắc ca trồng xen canh. Tuy mới được 2 năm nhưng nhiều cây đã cho lứa trái đầu tiên. Rừng dổi sau nhà mới 10 năm tuổi nhưng nhiều cây, đường kính phần gốc đã tới trên 40cm. Theo tính toán của ông thì đến khi đủ 30 năm trở lên, cây dổi sẽ cao đến khoảng 35m, mỗi cây có sản lượng từ 5 đến 10m khối gỗ và cho thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/cây. Với diện tích 80ha dổi hiện tại, đến khi ấy, ông sẽ có thu hoạch nguồn kinh phí lớn.
Ông Trâm tâm sự: “Năm nay tôi đã 72 tuổi. Đời vô thường lắm nên tôi quyết định viết di chúc: Các con, em và các cháu của tôi sẽ được chia 80% số thu nhập đó. Còn lại 20%, tôi sẽ để làm quỹ ủng hộ những người dân còn khó khăn ở địa phương này, giúp họ có điều kiện phát triển sự nghiệp trồng rừng”. Đó là một sự sẻ chia vô cùng ý nghĩa. Nhưng tôi còn thấy ở ông Trâm là một con người có tâm, có tầm, hiểu sâu, biết rộng và có tấm lòng nhân hậu, muốn giúp đỡ những người dân địa phương làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình, bằng chính kinh nghiệm do bản thân ông truyền đạt. Theo cách tính của ông. Nếu ai trong độ tuổi 20 – 30 mà có 5- 6ha đất rừng, thì hãy dùng khoảng một ha để trồng cây ngắn ngày, khoảng 1ha để trồng cây trung hạn, số còn lại trồng cây dổi. Sau 30 năm, khi người ấy ở độ tuổi 60 thì đã có một tài sản kếch xù rồi. Ông kết luận rằng: “Người trồng rừng là người làm được nhiều điều lợi: thứ nhất là môi trường; thứ hai là tâm linh, thứ ba là xã hội, cộng đồng và nhân loại”. Mong rằng ông sẽ có nhiều thành công trong sự nghiệp trồng rừng.
Chia tay ông Trâm ra về, tôi cứ tiếc cho chính mình rằng: Có một ông chủ rừng như thế, ở ngay đây, mà sao bây giờ tôi mới biết!
THANH PHƯƠNG