Chuyện của người La Hủ trồng Sâm trên đất Mường Tè

 

Từ bỏ lối sống du canh du cư để ổn định cuộc sống, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đồng bào La Hủ ở Mường Tè (một trong 4 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu) vẫn bám rừng, giữ rừng và được rừng đền đáp. Nhiều người dân đã có cuộc sống ổn định nhờ trồng, nhân giống, phát triển những vườn Sâm Lai Châu của vùng núi Pu Si Lung.

Những vườn Sâm – quà tặng từ núi rừng

Trên chiếc xe gầm cao 7 chỗ, chúng tôi ngược núi lên Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè. Theo anh lái xe có thâm niên hơn 20 năm, tuyến đường này giờ đã dễ đi hơn trước rất nhiều, cho nên xuất phát từ 7 giờ sáng, đến 11 giờ 30 phút trưa chúng tôi đã có mặt tại Đồn. Trong cái bắt tay thật chặt, Chính trị viên – Trung tá Trần Đình Thọ cười hào sảng động viên “Phóng viên lâu không đi là xa rời cơ sở rồi. Đường vào đơn vị giờ dễ đi hơn nhiều lắm rồi đó, chứ trước đây, cả ngày đi, tối muộn mới vào đến nơi. Nói thế để các em dễ hình dung về đời sống của đồng bào nơi đây, chia sẻ với lính biên phòng nhé”.

Đưa chúng tôi ngược lên Sín Chải B, ở độ cao khoảng 3.000m so với mực nước biển, gồ ghề đá, một bên là núi cao, một bên là vực sâu như thử thách sự bền bỉ, vững vàng của con người. Nơi đây có đông đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống, dọc đường lác đác những khu vườn được quây bởi lưới đen, nilong che phủ mà theo Trung tá Thọ thì “Đó là những vườn Sâm Lai Châu tiền tỉ của bà con mình đó. Trước đây khi nói đến đồng bào La Hủ nhiều người nghĩ ngay đến sự nghèo khó, vất vả và lối sống du canh du cư. Nhưng giờ đây cũng nhờ bám rừng, bảo vệ rừng, tìm nguồn lợi từ rừng mà cuộc sống của bà con đang dần khởi sắc”.

Nhà của anh Pờ Và Hừ – Trưởng bản Sín Chải B sạch sẽ nằm ngay trên trục đường chính. Ngôi nhà khá rộng được thưng từ gỗ, chia thành các gian, tách rời nhà với bếp, khu chăn nuôi bò cách xa nhà. Trong nhà Hừ còn khá nhiều thóc dự trữ mà theo chia sẻ của ảnh thì “sẽ đủ ăn đến mùa tới, không lo thiếu đói, không phải nhận hỗ trợ gạo của Nhà nước nữa”.

Người dân dùng màng bọc quả Sâm để lấy hạt Sâm nhân giống mùa sau.

Vốn là trưởng bản, lại còn trẻ nên Pờ Và Hừ luôn mạnh dạn thử những cách làm mới để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dẫn chúng tôi ra vườn Sâm ngay phía bên kia đường, Hừ bảo: “Ngày trước hay theo bố lên rừng kiếm củ Sâm về bán nhưng mình không biết Sâm rất có giá trị nên cứ mang bán, đổi lấy gạo thôi. Khai thác mãi cũng cạn kiệt dần, bố mình tìm cách trồng Sâm ở trên rừng rồi mình cũng học theo. Mấy năm trở lại đây, bản mình được nhiều cán bộ đến vận động bà con tham gia trồng Sâm, giữ nguồn giống quý nên mình là trưởng bản đã mạnh dạn đi đầu, vận động bà con cùng tham gia. Với kinh nghiệm của bản thân và mình tham gia tất cả các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng sâm do tỉnh, huyện tổ chức nên đến nay mình đã có một vườn Sâm thuần và chuẩn giống với hơn 210m2. Trong bản mình đã có trên 45 hộ tham gia trồng Sâm. Vườn nhỏ cũng trị giá cả tỷ đồng rồi”.

Ngoài trồng Sâm theo vườn, nhiều hộ dân ở Mường tè cũng trồng dưới tán rừng, vừa chăm sóc, vừa bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trưởng bản Pờ Và Hừ chia sẻ, bà con không đốt rừng làm nương mà rất có ý thức tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ dân trong bản được nhận từ 20 -25 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhận được lợi ích từ rừng đem lại nên người dân thêm yêu rừng, bảo vệ rừng và gắn bó với rừng hơn. Bà con cũng tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cùng với bộ đội biên phòng bởi giữ đất, giữ rừng chính là bảo vệ tài sản cho con cháu mình sau này.

Không còn di dịch cư theo mùa lá vàng đã từng gắn với tên gọi, đồng bào La Hủ ở Pa Vệ Sủ vẫn bám rừng, gắn bản, cùng nhau làm kinh tế, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, điều đó cũng chính là nhờ chính sách hợp với lòng dân của chính quyền địa phương.

“Mường Tè – thủ phủ của cây Sâm” – Tương lai không còn xa

Ngày 9/11/2022 tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 1452/QĐ-UBND để phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 – 2030 và định hướng đến năm 2045 trong đó nêu rõ “Rà soát cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu nói chung và cây Sâm Lai Châu; nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù cho phát triển Sâm Lai Châu. Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm Sâm Lai Châu; hỗ trợ đầu tư phát triển cây Sâm Lai Châu; chính sách về thuế, đất đai, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng; khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng, chế biến Sâm Lai Châu…”. Cũng trong Kế hoạch này, huyện Mường Tè sẽ được thực hiện rất nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là bảo tồn nguồn gen cây Sâm Lai Châu để từ đó xác định vùng trồng thích hợp. Cùng với đó sẽ thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Lai Châu… Huyện Mường Tè đã có Nghị quyết phát triển dược liệu trong đó có cây Sâm, và hiện nay đang tiếp tục xây dựng Nghị quyết riêng về phát triển Sâm. Toàn huyện ước tính có khoảng trên 100ha Sâm Lai Châu đang được doanh nghiệp, người dân liên kết trồng và chăm sóc. Diện tích này sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển trong thời gian tới.

Mới đây nhất, ngày 28/2, tỉnh Lai Châu đã tổ chức “Diễn đàn Mùa Xuân về phát triển Sâm Lai Châu”. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho biết, hiện tại, tỉnh đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển Sâm Lai Châu, trong đó có 17.000 ha rất thích hợp để phát triển. Mục tiêu đến năm 2030 tỉnh Lai Châu sẽ tập trung phát triển vùng trồng Sâm khoảng 3.000ha gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chế biến từ Sâm Lai Châu. Tỉnh Lai Châu. Để thực hiện điều đó, mỗi hộ gia đình và doanh nghiệp trồng Sâm Lai Châu đang đồng lòng, nỗ lực và thể hiện niềm tin, khát vọng, biến mong muốn đó thành hiện thực.

Được ví như “cánh chim đầu đàn” trong khát vọng trồng Sâm Lai Châu, Trưởng bản Sín Chải B Chừ Và Hừ nói: “Từ những năm 2018 mình đã trồng Sâm vì biết được giá trị của cây Sâm Lai Châu, nhưng chỉ là tự gieo hạt để trồng ít một. Sau đó mình được Nhà nước hỗ trợ giống Sâm, hỗ trợ cả kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… nên mình tự tin tìm hiểu, học kinh nghiệm và dành thời gian cho cây Sâm. Không chỉ mình mà bà con trong bản cũng được hỗ trợ các chính sách để trồng và phát triển cây Sâm. Tuy nhiên mình mong muốn thương hiệu Sâm Lai Châu phải được bảo vệ và phải nâng tầm giá trị của nó, chỉ có như vậy khi cây Sâm phát triển mạnh thì mới mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng Sâm”.

Toàn xã Pa Vệ Sủ theo ước tính đã có khoảng trên 15ha Sâm của người dân và các doanh nghiệp tham gia liên kết trồng với gần 100 vườn, khu, dự án trồng Sâm. Và với chính sách mở của địa phương khuyến khích phát triển cây Sâm thì diện tích này sẽ tiếp tục được mở rộng trong những năm tiếp theo. Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ Lò Phù Mé cho biết: “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên người dân trong xã rất đồng thuận tham gia trồng Sâm. Có những hộ nhận biết được giá trị của cây Sâm nên đã tự trồng từ những năm 2018 cho đến nay. Không chỉ thoát nghèo từ cây Sâm mà nhiều năm nay, nhờ chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư vào các công trình công cộng, giao thông, thủy lợi… đã giúp người dân trong xã bớt khó khăn hơn trước. Chúng tôi đang đặt ra mục tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 8,92%/năm để phấn đấu thực hiện”.

Dành các chính sách ưu tiên, lồng ghép các chính sách, nguồn lực để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh trong đó có đồng bào dân tộc La Hủ… là định hướng, mục tiêu quan trọng mà tỉnh Lai Châu đã và đang thực hiện. Nhờ đó, hiện nay 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã được sử dụng điện lưới Quốc gia và các nguồn điện khác; 100% bản, khu phố được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi; 100% xã có trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã; 76,6% bản, khu phố có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng. Bình quân giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc La Hủ giảm 4 – 5%…

Cùng với phát triển Sâm Lai Châu, nhiều chương trình, đề án, chính sách được Đảng, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, vật chất, tinh thần, là động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc La Hủ. Các chính sách được đồng bào La Hủ đón nhận và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phương thức sản xuất cũ, lạc hậu được thay thế bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật; tập quán canh tác phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã dần thay đổi, chuyển sang hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc bảo vệ rừng; canh tác lúa nước ổn định có năng suất, nhiều hộ dân đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân La Hủ đang dần được nâng lên, Vùng núi Pu Si Lung – Nơi đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống dang ngày một khởi sắc.

NGUYỄN CHANH

 

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.