Chuyện bà Hoa của tác giả Huỳnh Nguyên, được lựa chọn in trên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu tháng 11. Đây là truyện ngắn mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc bất ngờ về hình ảnh người mẹ ở vùng núi cao.
Tôi gặp lại ông Tẩn sau hàng chục năm ròng rã. Ông nay là một thương binh đã có vợ con, cháu, chắt đề huề. Ngày ấy, ông từng nói mẹ ông bảo cách mạng đã cứu vãn cuộc đời mẹ con ông, xóa đi những nghi ngờ để cuộc sống trở nên ấm áp. Nhờ đó, sau này ông được đoàn tụ với bố, tuổi già của mẹ đã đầy đủ gia đình bù đắp cho những ngày tháng vất vả trong chiến tranh. Trong câu chuyện của chúng tôi đã ôn lại bao kỷ niệm ngày ấy…
Ngày ấy, đồi núi huyền bí, rừng cây rậm rạp, dòng suối đầy ắp nước. Anh Tẩn đang ở tuổi thiếu niên đơn sơ như hòn đá cuội. Đôi mắt anh sáng như ánh sao, chiều sâu thăm thẳm. Khi tôi mới quen anh đã thấy anh có tính cách chân thành gần gũi. Khi đó, tôi là thầy giáo dạy lớp bổ túc văn hóa ban đêm ở bản. Đã mấy năm học bổ túc văn hóa ở bản, anh Tẩn đã đọc viết, làm toán được. Gia đình anh hoàn cảnh một mẹ một con sống trong căn nhà gỗ cuối bản. Hai mẹ con khỏe mạnh, chịu thương, chịu khó nên cũng đủ ăn.
Bà mẹ tên là Hoa. Từ lúc trẻ bà là một phụ nữ duyên dáng nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn tham gia các hoạt động của bản mường. Tẩn lớn lên trong sự đùm bọc của mẹ và bà con dân bản. Trong lòng bà Hoa luôn đau đáu mối duyên nợ vô hình. Yêu thương có, ghét bỏ cũng có, bà chỉ muốn sống ngay thẳng với lòng mình và nuôi con khôn lớn.
Đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cách mạng miền Nam phát triển qua một giai đoạn mới. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, làm nức lòng nhân dân cả nước. Dù ai thờ ơ với thế sự hay người ở nơi xa xôi như miền núi cũng cảm nhận được, có tâm trạng hướng về miền Nam ruột thịt. Một buổi sáng mùa làm cỏ nương, mặt trời hồng trên đỉnh Pu Si Lung tỏa luồng hơi ấm áp trùm khắp núi rừng. Đang vụ làm cỏ ngô, ngày nắng ấm khô ráo, dân các bản tay liềm vượt dốc lên nương. Mẹ con Tẩn cũng đi làm cỏ ngô của nhà. Nhìn quanh nương ngô bên các triền núi, người nhấp nhô chăm chỉ làm việc, Tẩn nói với mẹ:
– Mẹ à, con cũng lớn rồi, một ngày nào nếu con đi làm xa. Mẹ ở nhà làm cỏ ngô thế này một mình vất vả lắm không?
Tẩn ướm lời thăm dò ý tứ của mẹ, là Tẩn biết sắp có đoàn cán bộ về tuyển quân – nghe cán bộ xã bảo thế. Bà Hoa chưa trả lời con, Tẩn nói “đi xa” làm bà chột dạ, lòng bà ngổn ngang bao tâm sự chưa bao giờ được thổ lộ với ai, đi xa sao? Bố nó bây giờ cũng đang ở xa mà. Bà thầm nhủ: “Anh ơi, anh đang ở đâu? Bao giờ bố con anh mới được gặp nhau? Điều anh dặn, em vẫn chôn sâu trong lòng…”. Đôi mắt bà ngân ngấn lệ. Tẩn hỏi mẹ:
– Mẹ còn nghe con nói không?
– Mẹ nghe mà. Con lớn rồi! Muốn làm việc gì tốt thì con cứ làm…
Mặt trời đã lên cao, hai mẹ con cố gắng làm cỏ cho xong nương ngô khỏi phải làm thêm lần nữa. Trên đường về, Tẩn chỉ cho mẹ mảnh nương ngô trên cao có một người, nói với mẹ:
– Mẹ thấy không ạ, nương ngô nhà Lấn đấy!
– Bạn gái con cũng chăm chỉ vậy, con lên giúp Lấn đi. Mẹ về trước nấu cơm chờ con về ăn nhá.
Bà Hoa về, còn Tẩn thì lao lên dốc đến nương ngô nhà Lấn. Trán Lấn lấm tấm mồ hôi. Cô nhìn Tẩn cười tươi:
– Lấn nhìn thấy cả hai mẹ con, đoán biết thế nào Tẩn cũng lên đây, Lấn cũng làm sắp xong.
Tiếng lưỡi liềm lia cỏ xoèn xoẹt. Lấn bảo:
– Lấn biết tin ngày mai đoàn cán bộ tuyển quân về đấy! Tẩn quyết xung phong đi, có chắc không?
– Chắc chứ, hy vọng gặp bố mà!
– Ở nhà thỉnh thoảng Lấn sang chơi với mẹ Tẩn nhá!
– Có mà, không bảo Lấn cũng sang.
Hai người làm một lúc xong cỏ nương ngô nhà Lấn, họ xuống dốc đi về vẫn vai sát vai tâm sự, to nhỏ chuyện gì chưa dứt ra được. Đi mãi đến lối rẽ cũng đành phải chia tay hai ngả. Bà Hoa đã nấu xong cơm, cắt một miếng thịt treo hun khói trên bếp còn lại từ tết, xào với rau cải chờ Tẩn về. Linh tính mách bảo bà Tẩn sẽ ra đi là có thật. Bà cầm chiếc khăn đang thêu dở ra thêu tiếp chờ Tẩn. Nghe có tiếng động ngoài sân bà Hoa nghĩ Tẩn về nhưng là ông Sài trưởng bản đến tìm Tẩn. Đúng lúc Tẩn về, ông Sài báo cho Tẩn biết sáng mai đến trụ sở Ủy ban xã khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Ông Sài báo là vậy nhưng Tẩn nghĩ chắc mình sẽ trúng. Bà Hoa vui, buồn lẫn lộn vừa muốn con được đi, vừa lo đủ điều. Người bố đẻ của con không biết số phận ra sao, còn, mất thế nào? Bà chỉ biết ông là cán bộ trong đoàn công tác về cắm ở cơ sở một thời gian. Ông hiền lành tốt bụng luôn quan tâm cuộc sống của bà con. Bà tiếp xúc đi lại với đoàn, có lúc giúp đoàn, giúp ông ấy khi họ cần. Bà quý mến ông, tin ông, rồi hai người yêu nhau lúc nào không biết. Ông hơn bà mấy tuổi, bà luôn giấu kín trong lòng chờ đợi, dù có chết bà cũng không nói với ai. Với con trai bà thì bà cho biết điều cần biết thôi.
Sáng hôm sau, Tẩn đi khám tuyển. Không biết có động lực nào tự bên trong mà anh phấn khởi vui vẻ khác thường. Tẩn nghĩ mình không uổng công bao đêm suy nghĩ, trằn trọc và đã quyết tâm xung phong lên đường. Không có bà mẹ nào muốn con đi xa, nhưng Tẩn đã khôn lớn. Bà Hoa không ngăn con hay có sợi dây vô hình nào ràng buộc dẫn đường cho anh luôn hướng về phía trước. Lần xét tuyển này Tẩn là người trúng tuyển duy nhất của bản, đạt kết quả cao về cả thể lực và tinh thần. Bà Hoa vui nhưng lòng cũng bộn bề lo lắng, lo nhất là Tẩn đi rồi bà lại sống cô đơn. Bà lấy chiếc khăn mới cho Tẩn lên đường. Chiếc khăn thay bà sưởi ấm cho con khi gió rét, sương đêm, nắng táp. Khăn bà thêu một cành lá xanh biếc có gắn nụ với hoa hồng tươi thắm và hai chữ “Hoa Xuân”. Bà nhớ hồi anh ấy sau đợt công tác trở về, bà cũng đưa tặng anh chiếc khăn thêu như vậy. Bao nhiêu năm nuôi Tẩn khôn lớn, có mẹ có con, tình thương yêu ấm áp át đi cảnh gối chiếc chăn đơn. Nay Tẩn đi vắng bà lại ở một mình. Bao nỗi nhớ lại day dứt suốt đêm trường. Bà sợ con mang tiếng không cha. Đời bà đã khổ nhiều nên sợ con sống khổ.
Bà nhớ lại một thời trẻ bà cũng từng xinh đẹp như bao cô gái khác, cũng nhanh nhẹn hoạt bát như con sóc trên rừng. Bà hăng hái tham gia mọi việc, giao thông liên lạc, y tế, thông dịch tiếng dân tộc. Bà dân quân tích cực, bảo vệ bản mường, chống phỉ, trừ gian, làm việc, quan hệ công tác tiếp xúc với bộ đội, cán bộ về bản, được mọi người tin cậy, quý mến. Nhưng đến một ngày cô Hoa không còn sắc sảo, mạnh mẽ như trước, sức sống hao mòn. Trong bản rộ lên tin đồn đoán cô Hoa có bầu. Mọi người bán tin bán nghi, ngọn lửa niềm tin âm ỉ tắt dần trong số người nghiêm khắc. Hoa đã lo trước nhưng biết tránh vào đâu, đành để liều vậy. Cô vẫn tham gia hoạt động làm công việc, cái bụng cũng to dần không giấu được nữa. Già bản, trưởng bản bất bình, giận lắm! Họ gọi cô để bắt tội, bao nhiêu cái lý của bản đổ lên đầu cô, đòi phạt cô, đuổi cô không cho cô ở trong bản nữa. Mấy ngày cô đã ngồi đấy, các cụ, các ông bà có uy tín chờ cô trả lời câu hỏi cô có bầu với ai, nhưng cô một mực trả lời cô không biết. Có người quát tháo cô cũng câm lặng, chỉ khóc. Các cụ bực lắm muốn tìm cho ra anh nào trong bản để phạt.
Lúc này Hoa cũng hiểu hơn chút về luật bản. Hoa nghĩ mình sai thì phải chịu nhưng không để mất con. Hoa nghe các già bản đã nói “Nó cũng chăm chỉ làm việc cho bản, cũng thương nó, nhưng nó mắc tội to thì cũng phải phạt, còn răn đe đứa khác”. Người ta dựng lều ngoài rừng sau bản, Hoa sai luật bản nên không dám cưỡng lại. Hoa may mắn có mấy bạn gái lén lút giúp đỡ cô. Điều gì đến đã đến, tiếng trẻ oa oa đã cất lên trong túp lều, như một luồng gió ấm thổi vào bản, cả bản thì thầm to nhỏ. “Con trai, con trai rồi! Mẹ tròn con vuông ổn rồi, tội thằng bé, sinh ra đã ở ngoài bản…”.
Thằng bé con ra đời trong lều mới mấy ngày mẹ nó đã khổ sở như thế nào, bởi hầu hết mọi việc Hoa phải tự lo toan khi đứa bé đang đỏ hỏn: Từ lấy ống nước, túi gạo, nắm rau đến giặt giũ nấu ăn, dỗ dành lo con bú mớm… Hoa trở tay không kịp. Bạn gái cũng bị ngăn cản, có giúp được Hoa cũng vội vàng, chỉ được đôi lúc. Túp lều bằng cây lá qua ngày cũng trống trải thêm, nắng chói, mưa tạt, gió lùa… Hoa khổ sở tứ bề, quá sức chịu đựng của Hoa, dân tình biết chuyện. Dư luận bay xa, chính quyền, đoàn thể đều biết, đã có người về xem xét “nói chuyện” với già bản, trưởng bản. Dù Hoa có phạm luật bản thì cách xử lý giải quyết như vậy là không được là vi phạm luật bảo vệ bà mẹ trẻ em. Yêu cầu trưởng bản, già bản đưa mẹ con cô Hoa trở về nhà trong bản, tạo mọi điều kiện cho Hoa chăm sóc con, sống cuộc sống bình thường. Hoa được dân bản đồng tình ủng hộ giúp đỡ trở về nhà an toàn…
Chuyện đã qua bao nhiêu năm rồi, Hoa cũng hú vía. Ngày ấy, Hoa suýt mất con. Nhờ cách mạng, chính quyền biết đến đã kịp thời giải thoát cho hai mẹ con. Hoa ngồi tư lự, bao nhiêu sự việc đã qua lại về quay cuồng trong tâm trí, cô nhớ day dứt không biết lúc này con trai đang ở đâu. Thời điểm đó, Tẩn gửi thư về bảo chuẩn bị đi B nữa. Sau ngày ấy mấy năm trời bà bặt tin con.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng. Trên chuyến tàu hỏa Sài Gòn – Hà Nội, toa tám chở thương binh, có hai người thương binh nhẹ cùng về Lai Châu. Một người đã đứng tuổi, đôi mắt sáng, có nét già dặn, từng trải qua chiều dài khói lửa chiến trường. Một người trẻ trung. da ngăm đen, săn chắc mạnh mẽ của người chiến sĩ mới trưởng thành. Ở Lai Châu, vẫn có người đang mong đợi…
HUỲNH NGUYÊN
> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu